Albert Bierstadt (Phần 3)
Trong phần cuối của loạt bài ba phần về hoạ sĩ Albert Bierstadt, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm nổi bật còn lại của ông, bao gồm Rặng núi Rocky, đỉnh Lander; Những mái vòm của Yosemite; Hồ ngọc lục bảo; Cảnh quan Bahamas; và Con bò mộng cuối cùng.
1863: Rặng núi Rocky, đỉnh Lander
Bức tranh Rặng núi Rocky, đỉnh Lander (The Rocky Mountains, Lander’s Peak) đã củng cố vị thế họa sĩ vẽ tranh phong cảnh hàng đầu Mỹ của Bierstadt trong thời đại của ông. Nó được tạo ra tại xưởng của ông ở New York dựa trên các bản phác thảo và ảnh chụp mà ông thực hiện trong chuyến thám hiểm khảo sát đến dãy núi Rocky vào năm 1859. Người nghệ sĩ trình bày một cảnh quan xanh tươi, hoang dã với một khu cư trú của người Mỹ bản địa ở tiền cảnh và những ngọn núi hùng vĩ ở hậu cảnh. Thực tế, điều khiến Bierstadt khác biệt với các thành viên khác của trường phái Sông Hudson là sự tập trung vào các vùng phía Tây của đất nước và các chuyến thám hiểm tới đó.
Giống nhiều tác phẩm khác của ông trong giai đoạn này, bức tranh Rặng Rocky đóng vai trò như một quảng cáo cho một “miền đất hứa” hoang dã để những người định cư da trắng đi khai phá. Tuy nhiên, Bierstadt không thể hiện cảnh quan như dáng vẻ vốn có của nó, mà thay đổi một số khía cạnh của nó để tăng cường tác động lên người xem. Ví dụ, ông chiếu sáng thác nước ở giữa bằng thứ ánh sáng gần như thiêng liêng, nhấn mạnh vẻ đẹp của cảnh quan. Thực tế, thuật ngữ “quang chiếu” được dùng chỉ kiểu hiệu ứng ánh sáng mờ ảo này, phổ biến với các họa sĩ phong cảnh Mỹ của giữa thế kỷ XIX (đặc biệt là những người thuộc trường phái Sông Hudson), truyền tải cảm quan bình yên và gia tăng cảm quan trác tuyệt; tức là, thông qua nghệ thuật, gợi lên cảm giác khiêm nhường trước sức mạnh và uy nghi của thiên nhiên. Phong cách Quang chiếu chủ nghĩa cũng đòi hỏi các nét cọ của họa sĩ phải biến mất để tránh việc tạo ra bất kỳ sự xao lãng nào khỏi vẻ hùng vĩ của khung cảnh.
Việc đưa những ngôi làng của người da đỏ vào tranh (một chủ đề mà Bierstadt đã lặp lại trong những tác phẩm khác như Sông Merced, thung lũng Yosemite [Merced River, Yosemite Valley] [1866]) đã tăng thêm tính ngoại lai của cảnh quan. Tuy nhiên, có vẻ như Bierstadt cũng dự định để những người da đỏ trong các bức tranh của ông đóng vai trò như một dữ liệu hình ảnh về sự tồn tại của họ. Trong một lá thư gửi tạp chí The Crayon (năm 1859), ông đã viết: “Chúng tôi thường gặp những người da đỏ, và họ luôn luôn tỏ ra thiện chí với chúng tôi và chúng tôi cũng vậy; nhưng điều đó có chút mạo hiểm, bởi vì họ rất mê tín và bản tính ngờ vực, tình bạn của họ có thể biến thành thù hận bất cứ lúc nào […] Phong tục tập quán của người da đỏ vẫn còn như trước đây hàng trăm năm, và giờ là lúc để vẽ họ, bởi vì họ đang dần biến mất; và sớm chỉ còn tồn tại trong lịch sử“.
1867: Những mái vòm của Yosemite
Ngân hàng viên và nhà tài chính người New York, Legrand Lockwood, đã thuê Bierstadt vẽ tác phẩm Những mái vòm của Yosemite (The Domes of the Yosemite) với mức giá khi đó là 25.000 đô la. Bức tranh, được cho là sẽ chiếm vị trí chính trong ngôi nhà mới xây dựng của Legrand ở Connecticut, tái hiện thung lũng Yosemite nổi tiếng; với những đỉnh núi, vách đá dựng đứng, thác nước cao vút, đồng cỏ và dòng sông uốn lượn, trong sự huy hoàng tự nhiên của nó. Bức tranh minh họa cho việc sử dụng hiệu ứng ánh sáng rực rỡ và mờ ảo của Bierstadt để tôn lên tính thiêng liêng của cảnh quan. Nó cũng tiết lộ ảnh hưởng của Trường phái Düsseldorf trong tác phẩm của ông; đáng chú ý thông qua tính tuyến tính cao – tập trung vào việc thể hiện các bề mặt cấu trúc, giống như kiến trúc – như được minh họa rõ ràng ở đây trong các mặt đá được tạo hình.
Bức tranh lớn nhất từ trước đến nay này của Bierstadt dựa trên các bản phác thảo và ảnh chụp ông thực hiện trong chuyến đi thám hiểm phía Tây thứ hai của mình. Nhà văn Fitz Hugh Ludlow, người đã tham gia hành trình cùng ông, viết về ấn tượng cá nhân đầu tiên về thung lũng như sau: “Từ mỏm đá đó, dường như cái chúng tôi nhìn thấy không phải là một cảnh mới trên quả địa cầu quen thuộc mà là một thiên đường mới và một trái đất mới nơi tinh thần sáng tạo chỉ vừa mới được thổi vào. Bây giờ tôi vẫn do dự, như tôi đã từng, trong nỗ lực bày tỏ tầm nhìn của mình lúc ấy. Chưa bao giờ từ ngữ nghèo nàn đến thế cho dù chỉ là một bản diễn dịch ngắn gọn bất cứ lời Thánh về Thiên nhiên nào.“
Ở tiền cảnh, những bóng tối rải lên vùng cây cối, cỏ và vách đá phục vụ một mục đích gần như ẩn dụ, ám chỉ niềm tin phổ biến rằng khu vực này của đất nước là một thiên đường ẩn giấu dành cho một số ít người đã đặt chân đến được đây, thể hiện những khung cảnh trác tuyệt của các nguồn tài nguyên tự nhiên chưa khai thác của quốc gia. Các tác phẩm như thế này không chỉ truyền cảm hứng cho một thế hệ những nhà thám hiểm dấn thân về phía Tây, mà còn giúp thúc đẩy chính phủ bảo vệ khu vực khỏi bị khai thác, đỉnh điểm là tổng thống Abraham Lincoln đã đưa khu vực này vào quỹ đất công cộng đầu tiên của Hoa Kỳ vào năm 1864. Năm 1882, một khu quan sát được xây dựng tại cùng điểm nhìn mà Bierstadt và Ludlow đã chiêm ngưỡng cảnh này.
1870: Hồ Ngọc Lục Bảo
Bierstadt nói về bức Hồ ngọc lục bảo (The Emerald Pool) như sau: “Chưa bao giờ có một bức tranh khiến tôi thấy khó vẽ như vậy, [nhưng] các bạn họa sĩ của tôi cho rằng đó là bức tranh đẹp nhất của tôi và tôi cũng thấy vậy“. Bức tranh dựa trên khoảng 200 bản phác thảo và ba nghiên cứu dạng tranh màu ướt mà ông thực hiện từ năm 1852 đến 1869, mô tả một cảnh sông Peabody ở White Mountains ở New Hampshire, nơi ông thường xuyên đến với em trai Edward của mình (ở lại tại chỗ nghỉ dưỡng Glen House gần đó). Hình ảnh cho thấy một khu rừng vào cuối mùa hè (chỉ có một số lá xanh của cây bắt đầu chuyển sang màu vàng và cam) bao quanh một hồ nước, phía sau đó là một thác nước chảy xuống một dốc nhẹ từ ngọn núi phía sau, một phần bị những đám mây bồng bềnh che khuất.
Năm 1871, một nhà phê bình cho San Francisco Bulletin viết về bức Hồ ngọc lục bảo: “Chúng tôi chưa từng thấy một bức tranh nào gần với lý tưởng của nghệ thuật phong cảnh đẹp nhất của chúng tôi như vậy. Nó kết hợp thực tế hoàn hảo với sự tự do, độ rộng lớn và cảm xúc”. Tương tự, các cây viết về nghệ thuật Martha N. Hagood và Jefferson C. Harrison khẳng định rằng Bierstadt “mô tả vùng hoang dã của New Hampshire như một vườn địa đàng Eden mới, một thiên đường hoang sơ với vẻ đẹp mãnh liệt và sự yên bình tuyệt đối”, và bổ sung thêm rằng “Sự hiện diện của Bierstadt tại Glen House đã gây nhiều chú ý và bức tranh Hồ ngọc lục bảo của ông thực sự đã làm tăng du lịch ở khu vực này”. Thực tế là, nhiều bức ảnh địa kỹ thuật do hai anh em Edward và Charles của Bierstadt chụp tại địa điểm này đã giúp quảng bá du lịch cho khu vực này.
Bức tranh này cũng minh họa mối liên kết của Bierstadt với những nghệ sĩ thuộc Trường phái hội họa Hudson River, những người tìm cách trưng ra sự phong phú của vùng hoang dã chưa được khám phá của Mỹ vào thời điểm công nghiệp đô thị đang phát triển. Để đạt được điều này, Hagood và Harrison viết rằng Bierstadt “mô tả các khía cạnh tuần hoàn của thiên nhiên thông qua lá cây trong các giai đoạn phát triển, héo tàn, mục ruỗng và hồi sinh cũng như thông qua sự thay đổi của mùa từ cuối hè sang đầu thu được thể hiện qua sự biến đổi sắc độ của lá cây. Cây đã đổ xuống một cách tự nhiên, không bị chặt bởi lưỡi búa sắc lẹm của con người; không có dấu hiệu nào về máy móc trong khu vườn này […] Người xem không thấy một chút dấu vết của hệ thống đường sắt, những khách sạn sang trọng, hoặc toàn bộ ngành du lịch thương mại vốn chỉ cách cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp này vài bước chân“.
Khoảng 1880: Cảnh quan Bahamas
Nhà sử học nghệ thuật William H. Gerdts cho rằng, mặc dù Bierstadt được “công nhận một cách xứng đáng là một trong những họa sĩ vẽ phong cảnh lớn nhất của Miền Tây Mỹ“, ông lại nhận được ít sự chú ý hơn về “tài năng nghệ thuật xuất sắc [mà ông mang lại] cho những hình ảnh cảnh quan của các vùng khác, [bao gồm cả] bộ sưu tập nhỏ nhưng hấp dẫn của ông tại Bahamas“. Khi bà Rosalie – vợ của Bierstadt – được chẩn đoán mắc bệnh lao vào năm 1876, bà được các bác sĩ khuyên nên sống ở khí hậu ấm áp hơn vào những tháng lạnh và vì vậy, cả hai đã dành mùa đông tại Nassau, nơi Bierstadt tìm thấy một loại phong cảnh mới truyền cảm hứng cho mình. Trong tác phẩm Cảnh quan Bahamas (Bahamas View), chúng ta nhìn qua một khu rừng cây cọ, xào xạc dưới làn gió nhẹ của vùng nhiệt đới, và các loại cây bụi nhiệt đới khác, bông hoa cây bụi nhỏ về phía một nhóm nhà nhỏ có mái rạ. Bên trên, chúng ta có thể thấy một vịnh màu xanh ngọc bích, phía xa được bao quanh bởi một đoạn đá nhô ra với ngọn hải đăng trắng nhỏ và, ở phía xa xa, một biển sâu màu xanh lam có vài chiếc thuyền buồm trắng.
Bierstadt đã tạo ra nhiều phong cảnh nhiệt đới khác – chẳng hạn như Cảng Nassau (Nassau Harbor) (1877), Đường phố ở Nassau (Street in Nassau) (1878), Bờ biển ngọc (The Shore of the Turquoise Sea) (1878) và Một khung cảnh ở Bahamas (A View of the Bahamas) (1879) – cho thấy một số sự giao thoa về phong cách với họa sĩ phong cảnh người Mỹ Winslow Homer, người cũng đang vẽ Bahamas vào thời điểm này. Trái ngược với Homer, và thực sự là với những phong cảnh Mỹ và châu Âu trước đây của mình, phong cảnh nhiệt đới trên đất liền và biển của Bierstadt sử dụng những màu sắc mạnh và rực hơn. Như Gerdts kết luận, “Mặc dù hơi giống với những phác thảo sơn dầu của Bierstadt về miền Nam Ý và bãi biển Capri vẽ vào cuối những năm 1850, những bức tranh [về Bahamas] lại khác đáng kể so với hầu hết các tác phẩm khác [của ông]. Thay vì quan tâm đến vẻ trác tuyệt tự nhiên, Bierstadt đã nghiên cứu và nắm bắt vẻ ngoài của thị trấn và phong cảnh Nassau cùng những hoạt động sôi nổi của người dân địa phương, được ghi lại bằng những màu sắc rực rỡ và ngập tràn trong ánh nắng ấm áp.”
1888: Con bò mộng cuối cùng
Bức Con bò mộng cuối cùng (The Last of the Buffalo) đánh dấu một thời điểm quan trọng trong sự nghiệp của Bierstadt. Bức tranh được vẽ vào lúc những phong cảnh lãng mạn kỳ vĩ, gắn liền với tên tuổi của ông, đang bị coi là quá lố và lỗi thời. Bất chấp điều đó, Bierstadt đã trình hiện cảnh quan tổng hợp này về cảnh quan miền Tây, chủ yếu chịu ảnh hưởng bởi Đại Bình Nguyên ở vùng đồng bằng Bắc Mỹ. Ở tiền cảnh, một nhóm người da đỏ, mặc khố và đội mũ lông vũ, trên lưng ngựa, đang chiến đấu với một đàn bò mộng, trong đó hầu hết đã nằm chết ở phần phía dưới bên phải của hình ảnh.
Đây là một chủ đề gây tranh cãi bởi vào thời điểm tác phẩm được tạo ra, người ta cho rằng bò mộng đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Như các nhà học giả nghệ thuật Helena Wright, Linda Ferber và Nancy K. Anderson viết rằng bức tranh này là “một tác phẩm hư cấu tài tình được tạo ra để đề cập tới các vấn đề đương thời“, đặt số lượng bò mộng đang giảm đi trong mối liên kết với hoàn cảnh của người da đỏ, những người đang bị di dời khỏi nhà cửa của họ và tới các khu bảo tồn (theo “Đạo luật Loại bỏ Người da đỏ” (Indian Removal Act) năm 1830).
Khi Bierstadt nộp bức tranh cho Triển lãm Thế giới Paris năm 1889, nó đã bị từ chối. Như cây viết về nghệ thuật Charles McQuillen viết, “độ nổi tiếng của Bierstadt đã giảm đáng kể và các nhà phê bình đã trở nên mạnh miệng hơn. Các tác phẩm khổ quá lớn của ông bị chỉ trích là ích kỷ, hiệu ứng thì quá lố, và bố cục thì rập khuôn theo công thức. Phong cách hàn lâm của Bierstadt được coi là lỗi thời khi trường phái Ấn tượng trỗi dậy trong giới nghệ thuật”. Bierstadt bối rối và bức xúc trước sự từ chối, viết rằng: “Đó là vấn đề mà tôi cũng không quan tâm nhưng tôi không thể hiểu tại sao các vị lại từ chối bức tranh của tôi. [Còn bò cuối cùng] là một trong những tác phẩm mới nhất của tôi và được bạn bè cùng những nhà phê bình danh giá cho là một trong những nỗ lực tốt nhất của tôi […] Tôi đã cố gắng thể hiện con bò trong mọi khía cạnh và mô tả cuộc tàn sát độc ác đối với một loài động vật quý hiếm nay gần như tuyệt chủng. Con bò là loài vật quá xấu xí để vẽ cho đẹp, nhưng tôi xem bức tranh này là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của mình“.
Nguyên bản tiếng Anh do Alexandra Ducan tổng hợp và viết, Antony Todd hiệu đính và bổ sung hai phần Sơ lược và Thành tựu. Nhung Ý Chi dịch sang tiếng Việt. Hương Mi Lê hiệu đính, viết lời đề tựa, và minh hoạ.
Các bài khác cùng chủ đề
- 1. Một góc nhìn phân biệt Nghệ thuật thị giác và Thiết kế đồ họa trong bối cảnh Hiện đại
- 2. Art Nouveau (Phần 1): Tóm lược và lịch sử
- 3. Art Nouveau (Phần 2): Khái niệm, phong cách, và xu hướng
- 4. Art Nouveau (Phần 3): Các tác phẩm và nghệ sĩ nổi bật
- 5. Gustav Klimt (Phần 1) - Sơ lược, các thành tựu, tiểu sử
- 6. Gustav Klimt (Phần 2) - Tiểu sử và thành tựu
- 7. Gustav Klimt (Phần 3) - Các tác phẩm nổi bật
- 8. Arts & Crafts (Phần 1): Tóm lược và lịch sử
- 9. Arts & Crafts (Phần 2): Khái niệm, phong cách, và xu hướng
- 10. Arts & Crafts (3): Các tác phẩm và nghệ sĩ nổi bật