Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng trong bối cảnh nghệ thuật giữa thế kỉ 20. Bằng sự kết hợp giữa phương Đông và phương Tây, hữu cơ và hình học, không gian âm và dương, nghệ thuật và thiết kế… Noguchi đã tạo ra di sản nghệ thuật, kiến trúc, nội thất xuất hiện trải từ nhà ở đến không gian công cộng và các bộ sưu tập bảo tàng lớn. Trong loạt bài hai phần, chúng ta sẽ tìm hiểu về nhân vật đặc biệt, khác lạ, và rất có tầm ảnh hưởng vào thời đại của mình này.
- “Điêu khắc có thể là một lực lượng quan trong đời sống thường nhật của ta nếu được đưa vào sự hữu ích cho cộng đồng.”
- “Với tôi, bản chất của điêu khắc là nhận thức về không gian, tính liên tục của sự tồn tại của chúng ta.”
- “Đá là nền tảng của Trái đất, của Vũ trụ. Nó không cũ hay mới, mà là một yếu tố nguyên thuỷ. Đá là phương tiện cơ bản, và thiên nhiên là nơi đá ngự, và thiên nhiên là nơi chúng ta phải đến để trải nghiệm cuộc sống.”
- “Mọi thứ đều là điêu khắc. Bất cứ chất liệu nào, bất cứ ý tưởng nào sinh ra trong không gian không gặp trở ngại nào, tôi đều coi đó là điêu khắc.”
Tóm tắt về Isamu Noguchi
Isamu Noguchi, nhà điêu khắc và thiết kế lớn người Mĩ-Nhật, đã dành hơn sáu thập kỉ để tạo nên các tác phẩm trừu tượng – phần lớn bằng đá – dựa trên cả hình thức hữu cơ và hình học. Được truyền cảm hứng mạnh mẽ bởi nghệ thuật truyền thống Nhật Bản, cũng như phong cách sử dụng hình thái sinh học của một số dạng nghệ thuật Siêu thực, Noguchi được cả thế giới biết đến qua cả tác phẩm nghệ thuật và thiết kế nội thất-kiến trúc mà đại chúng dễ dàng tiếp cận. Mục tiêu sau cuối của ông là tạo ra và nâng tầm không gian công cộng thông qua điêu khắc, điều này đã mang đến cho sự nghiệp của ông một hướng đi khác biệt và giúp Noguchi trở thành một nhân vật quan trọng trong giới nghệ thuật, kiến trúc và thiết kế thời hậu chiến.
Các thành tựu chính
Khái niệm bao trùm sự các tác phẩm của Noguchi là niềm đam mê và mong muốn dài suốt sự nghiệp trong việc tạo ra nghệ thuật mà công chúng có thể sử dụng trong một không gian xã hội. Ông hiện thực hóa mục tiêu này bằng vô số cách: đồ nội thất và đèn được sản xuất hàng loạt; thiết kế bối cảnh sân khấu; các công trình công cộng như vườn, sân chơi, đài phun nước; và vận dụng điêu khắc vào cảnh quan thiên nhiên.
- Noguchi muốn kêu gọi sự chú ý đến sự phân đôi vốn có trong phần lớn tác phẩm của mình: ông hợp nhất các dạng hình học và hữu cơ, tìm thấy giá trị trong cả không gian âm và dương, đồng thời tạo ra các tác phẩm thách thức ranh giới của thiết kế và nghệ thuật. Ông cũng tích hợp các chất liệu và hình thức nghệ thuật của cả di sản Nhật Bản và Mĩ vào những sáng tạo đổi mới của mình.
- Noguchi có mối liên hệ về mặt xã hội và nghệ thuật với chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng, có thể nhìn thấy không chỉ trong các tác phẩm quy mô lớn gợi lên các hình thức trừu tượng mà còn trong tình bạn của ông với Arshile Gorky và Willem de Kooning. Tuy nhiên, tác phẩm điêu khắc của ông vẫn giữ được sự nhạy cảm đặc biệt trong việc sử dụng vật liệu tự nhiên và sự pha trộn độc đáo giữa ảnh hưởng của trường phái Siêu thực và Nhật Bản. Bên cạnh đó, Noguchi cũng tạo ra tác phẩm điêu khắc quan trọng được cho chủ nghĩa Hiện thực xã hội.
Tiểu sử của Isamu Noguchi
Thời thơ ấu
Cha mẹ của Isamu Noguchi gặp nhau khi mẹ ông, một nhà văn người Mĩ, được thuê để giúp cha ông, một nhà thơ trẻ người Nhật, học tiếng Anh. Vào thời điểm Noguchi ra đời vào năm 1904, cha ông đã trở về Nhật Bản. Vào năm lên hai, Noguchi và mẹ chuyển đến Tokyo để sống với cha, nhưng rời đi vào năm 1910 đến Omori và năm 1912 đến Chigasaki, nơi Noguchi 9 tuổi giúp xây dựng ngôi nhà của mình. Năm 1913, cha của Noguchi kết hôn với một phụ nữ Nhật Bản và lập gia đình riêng, càng ngày càng xa cách con trai mình. Năm 13 tuổi, Noguchi được mẹ gửi đến học tại trường Interlaken ở Rolling Prairie, Indiana.
Đào tạo ban đầu
Sau khi tốt nghiệp trung học ở Indiana, Noguchi dành một mùa hè để dạy kèm cho con trai nhà điêu khắc Gutzon Borglum ở Connecticut; đổi lại ông được nhà điêu khắc núi Rushmore trong tương lai đào tạo miễn phí, người khẳng định rằng Noguchi không có tài năng. Mặc dù Noguchi đã muốn trở thành nghệ sĩ từ khi còn trẻ nhưng ông vẫn theo học tại Đại học Colombia với tư cách là sinh viên dự bị y khoa vào năm 1922. Mẹ ông chuyển đến New York vào năm 1924 và khuyến khích con trai mình theo học điêu khắc tại Trường Nghệ thuật Leonardo da Vinci. Cuối năm đó, Noguchi rời Colombia để tập trung toàn thời gian vào nghệ thuật; ông cũng bắt đầu sử dụng tên của cha “Noguchi” thay vì của mẹ, “Gilmour”, mà ông đã sử dụng trước đây. Các tác phẩm điêu khắc hàn lâm, tượng hình của Noguchi sớm được trưng bày trong một số cuộc triển lãm tại Trường da Vinci, Học viện Thiết kế Quốc gia và Học viện Mỹ thuật Pennsylvania.
Năm 1927, Noguchi tới Paris theo học bổng Guggenheim và bắt đầu làm trợ lí cho Constantin Brâncuși, người có cuộc triển lãm tại phòng trưng bày ở New York năm trước đó mà đã tạo ảnh hưởng cực kỳ lớn đối với người nghệ sĩ trẻ. Trong khi dạy Noguchi phương pháp khắc trực tiếp trên gỗ và đá, Brâncuși đã truyền đạt mạnh mẽ cho Noguchi về thẩm mĩ và mối quan hệ của ông với vật liệu. Từ Brâncuși, Noguchi bắt đầu quan tâm đến ý tưởng để lại dấu vết của công cụ trên tác phẩm điêu khắc để biểu thị mối liên hệ đang tiếp diễn giữa nhà điêu khắc và vật liệu. Tuy nhiên, chỉ sau khi rời xưởng của Brâncuși, Noguchi mới bắt đầu tạo ra các tác phẩm điêu khắc của riêng mình, nhiều tác phẩm trong số đó ban đầu vọng lại hình dạng, chủ đề và chất liệu từ người thầy của ông. Các tác phẩm điêu khắc của Noguchi bắt đầu bằng những hình dạng hình học đơn giản, nhưng ông nhanh chóng chuyển sang những dạng hữu cơ hơn, đôi khi kết hợp cả hai. Khi ở Paris, Noguchi cũng trở thành một phần của cộng đồng Bohemian, gặp gỡ các nghệ sĩ như Alexander Calder, Stuart Davis và Jules Pascin.
Trở lại New York vào năm 1929, khi học bổng hết hạn, Noguchi đã có cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên tại Phòng trưng bày Eugene Schoen, cuộc triển lãm đã nhận được phản hồi tích cực mặc dù không bán được nhiều tác phẩm. Để kiếm tiền, ông quay lại với các tác phẩm điêu khắc chân dung mang tính tái hiện mà ông đã bắt đầu trong những năm đi học, tạo ra tượng bán thân của các nghệ sĩ nổi tiếng như George Gershwin, Martha Graham và Buckminster Fuller. Trong hai năm tiếp theo, ông chu du tới Paris, Bắc Kinh và cuối cùng là Nhật Bản. Tại Kyoto, lần đầu tiên ông nhìn thấy đồ gốm Nhật Bản và những khu vườn Thiền, điều này về sau ảnh hưởng vô cùng sâu sắc đến tác phẩm của ông.
Thời kì trưởng thành
Noguchi trở lại New York vào năm 1931, tham gia vào hoạt động xã hội và lao động trong thập kỉ 1930, khi ông thực hiện các thiết kế cho đài tưởng niệm công nhân, các dự án nghệ thuật công cộng và các tác phẩm mang tính chính trị. Trong thời kì này, Noguchi cũng thiết kế dàn dựng biểu diễn múa và kịch, đặc biệt cho biên đạo múa hiện đại Martha Graham, người mà ông đã cộng tác trong vài thập kỉ. Ông cũng rất quan tâm đến việc ứng dụng nghệ thuật vào môi trường sống và đưa ra các đề xuất cho một số không gian ngoài trời, sân chơi và các dự án công cộng khác.
Sau cuộc tấn công Trân Châu Cảng của Nhật Bản vào Hoa Kì, Noguchi tiếp tục các hoạt động chính trị của mình bằng cách phản đối việc 100.000 người Mĩ gốc Nhật bị giam giữ. Ông thành lập Tổ chức vận động nhà văn và nghệ sĩ Nhật thế hệ thứ hai vì dân chủ (the Nisei Writers and Artists Mobilization for Democracy) vào năm 1942 và đăng kí biểu tình ở Washington. Năm đó, ông cũng tự nguyện trải qua vài tháng trong trại tập trung ở Arizona, mặc dù ông đang sống ở New York và không thuộc diện bắt buộc phải giam giữ. Ông đến đó vài tháng, với mục tiêu cải thiện cuộc sống của những người bị cầm tù. Thay vào đó, ngân sách cho các dự án của ông bị cắt và các ấn phẩm sắp được công bố bị thất lạc. Noguchi xin được thả và cuối cùng phải trải qua tổng cộng 7 tháng khốn khổ, không làm được gì trong trại.
Khoảng thời gian này, Noguchi cũng bắt đầu phát triển các tác phẩm điêu khắc độc lập của mình, nhiều tác phẩm dựa trên các hình thức sinh học của nghệ thuật Siêu thực. Các dạng sinh học cũng được áp dụng vào các thiết kế đồ nội thất, chẳng hạn như chiếc bàn mang tính biểu tượng của ông được sản xuất hàng loạt vào năm 1947 và vẫn còn phổ biến cho đến ngày nay. Cũng trong những năm 1940, Noguchi bắt đầu tạo ra các tác phẩm điêu khắc bằng ánh sáng, mang tên Mặt trăng (Lunars), sử dụng các hình dạng sinh học tương tự. Những chiếc đèn Akari năm 1951 của ông mở rộng thể nghiệm dùng ánh sáng điện làm yếu tố điêu khắc chủ chốt. Ông tiếp tục sản xuất những tác phẩm điêu khắc như vậy trong suốt phần còn lại của sự nghiệp và đưa yếu tố chiếu sáng vào một số tác phẩm điêu khắc công cộng và môi trường. Sự phát triển xây dựng hậu chiến trong những năm 1950 và 1960 đã mang lại cho Noguchi cơ hội thiết kế các công trình công cộng quốc tế, nhiều trong số đó tập trung vào thiết kế các khu vườn.
Những năm cuối đời và cái chết
Năm 1962, Noguchi dành thời gian ở Ý với tư cách là nghệ sĩ thường trú tại Học viện Hoa Kì ở Rome. Cuối thập kỉ đó, khi vẫn ở Ý, ông bắt đầu các tác phẩm bằng đá cẩm thạch có vân, trong đó sử dụng kĩ thuật hậu-lực căng sử dụng một thanh kim loại bên trong, được siết chặt để giữ các mảnh nhiều màu lại với nhau. Noguchi cũng bắt đầu series Khoảng trống (Void) của mình ở Ý vào năm 1970. Trong giai đoạn sau của sự nghiệp, Noguchi tiếp tục tạo ra các tác phẩm điêu khắc công cộng, vườn, đài phun nước và sân chơi cho các địa điểm quốc tế. Tác phẩm điêu khắc sau cuối của ông chủ yếu được thực hiện bằng đá, một số để nguyên ở trạng thái tự nhiên mà không đánh bóng. Năm 1981, ông bắt đầu thiết kế Bảo tàng Noguchi ở Thành phố Long Island, New York; mở cửa vào năm 1985, ba năm trước khi ông qua đời ở New York vào năm 1988.
Di sản của Isamu Noguchi
Mặc dù được một số người coi là một phần của chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng, di sản kép và thời gian ở nước ngoài của Noguchi đã định hướng thẩm mĩ cá nhân của ông là sự pha trộn độc đáo giữa nghệ thuật phương Đông và phương Tây. Kết quả là ông đã có ảnh hưởng rõ rệt đến các thế hệ nghệ sĩ, nhà thiết kế và kiến trúc sư hiện đại ngay kế cận. Những nỗ lực quyết tâm của Noguchi trong việc tạo ra những không gian và đồ vật điêu khắc để công chúng sử dụng đã rất thành công; vô số ví dụ về các thiết kế, tác phẩm điêu khắc và kiến trúc sáng tạo của ông có thể được tìm thấy trên toàn thế giới trong các bộ sưu tập bảo tàng và không gian công cộng, cũng như trong các nhà ở.
Nguyên bản tiếng Anh do Những cộng sự của The Art Story tổng hợp, viết, và hiệu đính, Tố Uyên dịch sang tiếng Việt, Hương Mi Lê minh hoạ và viết lời đề tựa.
Các bài khác cùng chủ đề
- 1. Một góc nhìn phân biệt Nghệ thuật thị giác và Thiết kế đồ họa trong bối cảnh Hiện đại
- 2. Art Nouveau (Phần 1): Tóm lược và lịch sử
- 3. Art Nouveau (Phần 2): Khái niệm, phong cách, và xu hướng
- 4. Art Nouveau (Phần 3): Các tác phẩm và nghệ sĩ nổi bật
- 5. Gustav Klimt (Phần 1) - Sơ lược, các thành tựu, tiểu sử
- 6. Gustav Klimt (Phần 2) - Tiểu sử và thành tựu
- 7. Gustav Klimt (Phần 3) - Các tác phẩm nổi bật
- 8. Arts & Crafts (Phần 1): Tóm lược và lịch sử
- 9. Arts & Crafts (Phần 2): Khái niệm, phong cách, và xu hướng
- 10. Arts & Crafts (3): Các tác phẩm và nghệ sĩ nổi bật