International Typographic Style / Phong cách Ký tự pháp Quốc tế (Phần 4)

Trong phần cuối cùng của loạt bài về Phong cách Ký tự pháp Quốc tế, chúng ta tiếp tục tìm hiểu thiết kế tại Basel và Zurich với Siegfried Odermatt và Rosemarie Tiri; cuối cùng, chúng ta tìm hiểu sự mở rộng và phát triển của trào lưu tại nước Mỹ với Rudolf Harak và chương trình thiết kế nổi tiếng của MIT.

Thiết kế tại Basel và Zurich

Siegfried Odermatt 

Ở Thụy Sĩ, một quốc gia có các trường thiết kế xuất sắc, những nhà thiết kế đồ họa tự học như Siegfried Odermatt (sinh năm 1926) là rất hiếm. Ban đầu, Odermatt dự định trở thành một nhiếp ảnh gia, nhưng sau vài năm làm việc trong các xưởng chụp ảnh, ông chuyển sang thiết kế và ký tự pháp. Sau một thời gian làm việc tại một số hãng quảng cáo, Odermatt đã mở xưởng của riêng mình vào năm 1950. Làm việc cho các khách hàng doanh nghiệp trong lĩnh vực phát triển thương hiệu, đồ họa thông tin, quảng cáo, và bao bì, Odermatt đóng một vai trò quan trọng trong việc ứng dụng Phong cách Ký tự pháp Quốc tế vào truyền thông của doanh nghiệp và các ngành công nghiệp. Ông đã kết hợp cách trình bày thông tin ngắn gọn, hiệu quả với tính chất thị giác năng động, sử dụng nhiếp ảnh chân thực với sự kịch tính và ảnh hưởng mạnh mẽ. Những hình ảnh thông thường biến thành những bức ảnh thuyết phục và hấp dẫn qua việc sử dụng cẩn thận kỹ thuật cắt xén, thu phóng, và sắp đặt ánh sáng, đồng thời chú ý đến hình dạng và kết cấu chất liệu như những giá trị khiến hình ảnh nổi lên từ trang giấy. Odermatt tìm kiếm sự độc đáo thông qua ý tưởng chứ không phải thông qua phong cách thị giác – trong tác phẩm của ông, thiết kế đồ họa luôn được coi là một phương tiện truyền thông.

Phần lớn tác phẩm của Odermatt thuần là ký tự pháp và ông tin rằng thiết kế ký tự đơn sắc có thể đạt được tác động và sức mạnh của đồ họa thị giác đa sắc thông qua sức mạnh của ý niệm và sự phối hợp hình thức, không gian, hình dạng, và sắc độ trực quan. Bằng cách sắp xếp các yếu tố đồ họa mới mẻ và độc đáo, Odermatt thể hiện khả năng vô hạn trong việc phân chia và tổ chức không gian trên trang in.

Quảng cáo cho thuốc không kê đơn cho tiệm thuốc Apotheke Sammet của Siegfried Odermatt (1957). Chụp ảnh cận cảnh khiến các đối tượng bình thường gây chú ý. Nhãn hiệu được tạo ra từ tên viết tắt của hãng.
Bìa cho Schelling Bulletin, số. 4. của Siegfried Odermatt (1963). Tài liệu này của một nhà sản xuất bìa và bao bì sử dụng góc ảnh bất ngờ của một vật thể thông thường.
Các trang bên trong cho Schelling Bulletin, số 4 của Siegfried Odermatt (1963). Một dạng lưới bốn cột thống nhất trình bày ký tự pháp với ảnh chụp sản phẩm.

Rosmarie Tissi

Ngoài ra cũng có yếu tố vui tươi và tự do trong tác phẩm của Odermatt, một đặc điểm khác thường đối với thiết kế của Thụy Sĩ thời kỳ này. Rosmarie Tissi (sinh năm 1937), người đã gia nhập xưởng của ông vào đầu những năm 1960, cũng được biết đến với những tác phẩm vui tươi. Năm 1968, bà trở thành đối tác ngang hàng với Odermatt trong xưởng Odermatt & Tissi. Xưởng này đã nới lỏng các ranh giới của Phong cách Ký tự pháp Quốc tế và đưa các yếu tố ngẫu nhiên, sự phát triển của các hình thức sáng tạo và bất ngờ cũng như tổ chức hình ảnh trực giác vào vốn từ vựng thiết kế đồ họa. Giai đoạn phát triển này của xưởng đánh dấu sự khởi đầu của việc phá vỡ truyền thống của thiết kế Thụy Sĩ sau này.

Quảng cáo Univac của Rosmarie Tissi (1965). Hình ảnh động, mạnh mẽ được tạo ra bằng cách cắt xén cẩn thận và bố trí hai bộ thu tín hiệu điện thoại.
Thiết kế lịch (Calendar design) của Rosmarie Tissi (1971)

Trong thời kỳ hậu Thế chiến thứ hai, tinh thần chủ nghĩa quốc tế ngày càng phát triển. Thương mại gia tăng cho phép các tập đoàn đa quốc gia hoạt động ở hơn một trăm quốc gia khác nhau. Tốc độ và nhịp độ truyền thông đang biến thế giới thành “ngôi làng toàn cầu”. Ngày càng có nhiều nhu cầu về sự rõ ràng trong giao tiếp, về các định dạng đa ngôn ngữ, cũng như về các chữ tượng hình và nét chữ cơ bản để giúp mọi người từ khắp nơi trên thế giới hiểu được các dấu hiệu và thông tin. Thiết kế đồ họa mới được phát triển ở Thụy Sĩ đã giúp đáp ứng những nhu cầu này, đồng thời các ý niệm và phương pháp cơ bản của nó đã lan tỏa khắp thế giới.

Phong cách Ký tự pháp Quốc tế ở Mỹ

Rudolph de Harak 

Trào lưu thiết kế kiểu Thụy Sĩ có tác động lớn đến thiết kế của Mỹ thời hậu chiến. Ảnh hưởng của phong trào được cảm nhận lần đầu tiên vào cuối những năm 1940 và 1950, và trở nên đặc biệt rõ ràng trong những năm 1960 và 1970. Rudolph de Harak (1924–2002), một nhà thiết kế đồ họa tự học theo chủ nghĩa Hiện đại châu Âu, bắt đầu sự nghiệp của mình ở Los Angeles vào năm 1946. Bốn năm sau, ông chuyển đến New York, nơi ông thành lập xưởng thiết kế của riêng mình vào năm 1952.

Sự phát triển của De Harak là một cuộc tìm kiếm không ngừng sự rõ ràng trong truyền thông và trật tự thị giác, đó là những phẩm chất mà ông xem là tối quan trọng đối với thiết kế đồ họa hiệu quả. Ông đã nhận ra những phẩm chất này trong thiết kế của Thụy Sĩ vào cuối những năm 1950 và tiếp nhận các thuộc tính của phong trào như cấu trúc lưới và sự cân bằng bất đối xứng. Đáp lại mức độ dễ đọc và sự hoàn hảo về mặt hình thức của Akzidenz Grotesk từ trước khi nó có mặt tại Hoa Kỳ, de Harak đã tiếp nhận các tờ mẫu kiểu chữ từ các xưởng chữ châu Âu để thiết kế tiêu đề trong các sản phẩm của mình, kết hợp sự thuần khiết của hình thức với các dấu hiệu và hình ảnh căn bản. Một chuỗi bìa album của Hãng thu âm Westminster gợi lên những hình ảnh mang tính ý niệm về cấu trúc của âm nhạc.

Bìa cho album Sounds of the Alps (Âm thanh của dãy Alps) của Rudolph de Harak (khoảng năm 1961). Ba nét vẽ mạnh mẽ biểu thị sóng âm thanh và địa hình đồi núi của Thụy Sĩ.
Bìa album Vivaldi: Gloria của Rudolph de Harak (đầu những năm 1960). Các ô vuông màu trở thành lời hồi đáp đầy đa cảm của nhà thiết kế thế kỷ 20 đối với âm nhạc thế kỷ 18.

Vào đầu những năm 1960, de Harak bắt đầu một chuỗi hơn 350 bìa sách cho Nhà xuất bản McGraw-Hill bằng cách sử dụng hệ thống ký tự và lưới thống nhất. Chủ đề của mỗi cuốn sách được ngụ ý và diễn đạt rõ ràng thông qua các cấu hình thị giác khác nhau, từ biểu tượng hình ngữ căn bản đến các cấu trúc hình học trừu tượng. Loạt sách bìa mềm này đề cập đến các lĩnh vực học thuật bao gồm lịch sử, tâm lý học, xã hội học, quản lý và toán học. Cách tiếp cận của De Harak đã thể hiện nội dung khái niệm của mỗi tập một cách phù hợp. Bản chất của thiết kế bìa sách ở Hoa Kỳ đã được mở rộng và xác định lại bởi lượng sản phẩm lớn của Harak.

Bìa sách Book jacket for The Stress of Life (Sự căng thẳng của cuộc sống) của Rudolph de Harak (1963). Đây là một trong hơn 350 bìa sách được thiết kế cho Nhà xuất bản McGraw-Hill vào những năm 1960. Mỗi trang bìa đều tuân theo một định dạng nhất quán, tuy nhiên chủ đề của các cuốn sách được diễn giải thông qua những hình thức và hình ảnh tượng trưng đặc biệt đa dạng. Ở đây, chủ đề của cuốn sách được ngụ ý bởi một sợi dây thừng thắt nút.
Bìa sách Book jacket for The Siege of Leningrad (Cuộc vây hãm Leningrad) của Rudolph de Harak (1963). Cuộc bao vây được thể hiện bằng một chữ Vạn đã qua điều chỉnh.

Chương trình thiết kế đồ hoạ ở MIT

Phong cách Ký tự pháp Quốc tế đã nhanh chóng được chấp nhận trong đồ họa của doanh nghiệp và thể chế trong những năm 1960 và vẫn là một khía cạnh nổi bật của thiết kế Mỹ trong hơn hai thập kỷ. Một ví dụ đáng chú ý đã được tìm thấy trong văn phòng thiết kế đồ họa tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), nơi đạt được mức độ bền vững cả về chất lượng và trí tưởng tượng. Vào đầu những năm 1950, MIT đã thành lập một chương trình thiết kế đồ họa cho phép tất cả các thành viên của cộng đồng đại học được hưởng lợi từ sự hỗ trợ thiết kế chuyên nghiệp, miễn phí đối với các ấn phẩm và tài liệu truyền thông, đạt được một trong những sự công nhận đầu tiên về giá trị văn hóa và truyền thông của thiết kế bởi một trường đại học Mỹ. MIT đặt nền trang cho chương trình thiết kế đồ họa của mình là cam kết với hệ thống lưới và phông sans-serif. Đội ngũ nhân viên của chương trình thể hiện sự sáng tạo trong việc ứng dụng các hình thức chữ cái thiết kế và các từ được biến hoá làm phương tiện để diễn đạt nội dung. Cách tiếp cận này phát triển trong sản phẩm của Jacqueline S. Casey (1927–91), giám đốc Văn phòng Dịch vụ Thiết kế (Design Services Office); Ralph Coburn (sinh năm 1923), nhà thiết kế của Văn phòng Xuất bản (Office of Publications); và Dietmar Winkler (sinh năm 1938), một nhà thiết kế người Đức đã làm việc với Casey và Coburn từ năm 1966 đến năm 1971.

Thông báo về chương trình đào tạo Kỹ thuật biển (Ocean Engineering) tại MIT của Jacqueline S. Casey (1967). Phần chữ nằm phía trên một ảnh X-Quang của vỏ ốc anh vũ có ngăn được đặt chồng lên trên sự lặp lại giống như sóng của các hình dạng màu xanh lỏng.
Áp phích triển lãm “Sáu nghệ sĩ” cho phòng trưng bày của MIT Hayden của Jacqueline S. Casey (1970).
Áp phích cho ban nhạc jazz MIT của Ralph Coburn năm 1972. Sự lặp lại ngắt quãng của các ký tự chữ của jazz thiết lập các chuỗi âm nhạc và làm sinh động không gian.
Áp phích cho một lần tham quan vào cửa tự do tại MIT của Jacqueline S. Casey (1974). Các khuôn tô chữ (stencil) và hai chữ O mở thực hiện nhiệm vụ kép: vừa là các chữ cái vừa là biểu tượng cụ thể về việc mở cửa khuôn viên cho du khách.
Áp phích triển lãm “Ngôn ngữ cơ thể: Các khía cạnh tượng hình của nghệ thuật đương đại” cho Phòng trưng bày MIT Hayden của Jacqueline S. Casey (1981). Chủ đề được ẩn ý thông qua việc sử dụng các ký tự ba chiều.

Văn phòng Dịch vụ Thiết kế (nay là Cục Dịch vụ Xuất bản) sản xuất các ấn phẩm và áp phích thông báo về các buổi hòa nhạc, diễn giả, hội thảo, triển lãm và các khóa học trong khuôn viên trường đại học. Các ấn phẩm thường sử dụng nền một màu liền. Nhiều giải pháp của họ thuần là ký tự pháp, ban đầu được tạo ra trên bàn phác thảo để tái tạo các dòng một cách ít tốn kém. Theo một nghĩa nào đó, các hình dạng chữ được sử dụng làm hình minh họa, vì thiết kế và sắp xếp các chữ cái trong các từ khóa thường trở thành hình ảnh chủ đạo. Việc sử dụng hình thức đồ họa để thể hiện thông tin khoa học và kỹ thuật được chứng tỏ qua áp phích của Dietmar Winkler cho khóa học lập trình máy tính.

Áp phích cho khóa học lập trình máy tính tại MIT của Dietmar Winkler (1969). Thuật ngữ COBAL xuất hiện từ cấu trúc động học của các chữ cái mô-đun.

Sự lan rộng nhanh chóng của Phong cách Ký tự pháp Quốc tế là kết quả của sự hài hòa và trật tự trong phương pháp luận của trào lưu. Khả năng của các hình thức cơ bản thể hiện các ý tưởng phức tạp một cách rõ ràng và trực tiếp được thấy trong áp phích triển lãm “Điêu khắc bơm hơi” của Arnold Saks (b. 1931).

Tấm áp phích “Điêu khắc bơm hơi” cho Bảo tàng Do Thái của Arnold Saks (1968). Một chuỗi các thanh uốn cong lên trên biểu thị tác động của năng lượng lên các vật liệu dẻo và truyền tải bản chất của đối tượng một cách đồ hoạ.

Phong trào thiết kế bắt đầu ở Thụy Sĩ và Đức đã vượt xa ranh giới bản địa để trở nên thực sự mang tính quốc tế. Ở các quốc gia như Canada và Thụy Sĩ, nơi giao tiếp song ngữ hoặc ba ngôn ngữ là tiêu chuẩn, Phong cách Ký tự pháp Quốc tế đặc biệt có giá trị. Nó cho phép các tài liệu thông tin đa dạng từ biển báo đến thông cáo được thống nhất thành một thể nhất quán. Nhận thức ngày càng tăng về thiết kế như một công cụ hợp lý cho các tổ chức lớn đã khiến các hệ thống nhận diện hình ảnh và thiết kế của doanh nghiệp mở rộng sau Thế chiến II. Vào giữa những năm 1960, sự phát triển của thiết kế doanh nghiệp và Phong cách Ký tự pháp Quốc tế đã được liên kết thành một phong trào.

Tố Uyên dịch từ Meggs’ History of Graphic Design, phiên bản số 5. Hương Mi Lê hiệu đính.

Cùng tác giả

#Tag

Hương Mi Lê International Typographic Style Ký tự pháp Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa typography

iDesign Must-try

New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…