Dada (Phần 2) - Các tác phẩm và nghệ sĩ nổi bật

Trong phần 2 của loạt bài về chủ nghĩa Dada, chúng ta tìm hiểu khái niệm, phong cách, xu hướng và phát triển hậu phong trào; cũng như bắt đầu cùng xem những tác phẩm nổi bất nhất của phong trào kỳ quái và hấp dẫn này.

  • DADA, về nó thì, nó không có mùi gì cả, nó không là gì, không gì, không gì.” – Picabia
  • Lịch sử nghệ thuật là một bản nhại lại lịch sử chính trị.” – Dada Maxim
  • Tôi cảm thấy tiếc cho những điều vô nghĩa, bởi vì mãi cho tới tận bây giờ, nó rất hiếm khi được nhào nặn một cách nghệ thuật…” – Kurt Schwitters
  • Dada chẳng có bất cứ ý nghĩa gì… Chúng tôi đọc trên báo chí rằng những người da đen của chủng tộc Kroo gọi đuôi của con bò thiêng là: dada. Một khối hộp vuông và một người mẹ, ở một số vùng của Ý, được gọi là: Dada. Từ dành cho một con ngựa gỗ bập bênh, một y tá khoa nhi, một khẳng định kép trong tiếng Nga và Ru-ma-ni cũng là: Dada.” – Tristan Tzara
  • Khởi đầu của Dada không phải là khởi đầu của nghệ thuật, mà là của sự ghê tởm.” – Tristan Tzara

Phong trào Dada: Khái niệm, phong cách và xu hướng

Những tác phẩm nghệ thuật của Dada trình hiện những trùng lặp và những nghịch lý gây hấp dẫn ở chỗ chúng tìm cách làm tác phẩm nghệ thuật sáng tỏ hơn theo nghĩa dân tuý nhưng vẫn đủ khó hiểu để cho phép người xem diễn giải tác phẩm theo nhiều cách khác nhau. Một số người theo phong trào Dada miêu tả con người và phong cảnh theo cách tái hiện để phân tích hình thức và chuyển động. Những người khác, chẳng hạn như Kurt Schwitters và Man Ray, thực hành trừu tượng để thể hiện bản chất siêu hình cho chủ đề của họ. Cả hai chế độ này đều cố gắng giải mã những trải nghiệm hằng ngày theo những cách đầy thách thức và nổi loạn.

Chìa khóa để hiểu sâu những tác phẩm nghệ thuật Dada nằm ở chỗ dung hòa những phong cách có vẻ ngớ ngẩn và cẩu thả, với một thứ thông điệp chống tư sản uyên thâm. Tzara đặc biệt chống lại những giả định rằng Dada là một tuyên bố; tuy nhiên. Tzara và những người đồng nghiệp của ông trở nên càng ngày càng bị kích động bởi chính trị và tìm cách kích động những người xem Dada một cơn thịnh nộ tương tự.

Sự bất kính

Sự bất kính là một thành tố quan trọng của nghệ thuật Dada, dù cho nó là sự thiếu tôn trọng đối với quy ước tư sản, chính quyền, những phương pháp sáng tạo thông thường, hay quy điển nghệ thuật. Mỗi nhóm Dada ở các thành phố khác nhau một chút trong trọng tâm riêng của họ, với Berlin là nhóm chống đối chính phủ nhất và New York là nhóm chống đối nghệ thuật nhất. Trong tất cả các nhóm, Hannover dường như là nhóm bảo thủ nhất. 

Readymades

Một readymade (tạm dịch: vật làm sẵn) đơn giản là một đồ vật đã tồn tại và được trưng dụng như một tác phẩm nghệ thuật bởi những nghệ sĩ Dada, thường được kết hợp cùng với các readymade khác, như Bánh xe đạp (Bicycle Wheel) của Duchamp, từ đó tạo nên một sự lắp ráp. Những mảnh ghép thường được chọn và lắp ráp lại một cách tình cờ ngẫu nhiên để thử thách các quan niệm tư sản về nghệ thuật và sự sáng tạo nghệ thuật. 

Tác phẩm readymade Bánh xe đạp (Bicycle Wheel) (1913) nổi tiếng của Duchamp là một ví dụ nghệ thuật mang tính đánh dấu cho nhiều nghệ sĩ mà sử dụng các đồ vật được tìm thấy, vứt bỏ, và tái sử dụng trong tác phẩm của họ

Thực vậy, rất khó để tách biệt hoàn toàn về mặt khái niệm giữa sự quan tâm của Dada với tính ngẫu nhiên hay tính cơ hội và sự tập trung của họ vào readymade và lắp ghép. Nhiều tác phẩm readymade và lắp ráp rất kỳ quái, một tính chất đã giúp nhóm dễ dàng hợp nhất với chủ nghĩa Siêu thực. Những nghệ sĩ khác làm việc với những readymade và lắp ráp bao gồm Ernst, Man Ray, và Hausmann.

Tính cơ hội

Tính cơ hội là khái niệm then chốt làm nền tảng cho hầu hết nghệ thuật Dada, từ những tác phẩm trừu tượng và đẹp đẽ của Schwitters cho tới những tác phẩm lắp ráp cỡ lớn của Duchamp. Tính cơ hội được sử dụng để bắt lấy sự ngẫu nhiên và tình cờ như là cách để giải phóng sự sáng tạo khỏi những kiểm soát của lý trí, với Arp là một trong những người thực hành sớm nhất và được biết đến nhiều nhất. Chẳng hạn như Schwitters đã thu thập những mảnh vụn ngẫu nhiên từ những địa điểm khác nhau, trong khi đó Duchamp đón nhận những sự cố như vết nứt xuất hiện khi ông đang làm Mảnh thuỷ tinh lớn (The Large Glass). 

Cách ngôn (Aphorism) (1923) của Schwitters. Tate London, London, nước Anh. Màu goát và giấy màu trên giấy bồi lên bìa. 

Ngoài việc mất kiểm soát lý trí, việc Dada không quan tâm đến những công việc chuẩn bị và đón nhận những tác phẩm nghệ thuật đã bị hư hỏng rất phù hợp với sự bất kính của Dada đối với những phương pháp nghệ thuật truyền thống. 

Sự lanh trí và tính hài hước

Ràng buộc chặt chẽ với sự bất kính của Dada là sự quan tâm của họ đến tính hài hước, điển hình được thể hiện dưới sự mỉa mai. Trên thực tế, việc đón nhận những readymade là chìa khoá dẫn tới việc Dada sử dụng sự mỉa mai vì nó thể hiện nhận thức rằng không có thứ gì có giá trị nội tại cả. 

Mỉa mai cũng mang lại cho các nghệ sĩ sự linh hoạt và bộc lộ sự sẵn sàng đón nhận cái điên rồ của thế giới, do đó ngăn họ quá nghiêm trọng hóa tác phẩm của mình hay bị cuốn vào sự nhiệt tình thái quá hay những giấc mơ không tưởng. Sự hài hước của họ là một lời nói CÓ tròn vành rõ chữ, không thể nghi ngờ gì, với việc mọi thứ đều là nghệ thuật.

Những sự phát triển về sau – Sau phong trào Dada

Như đã trình bày chi tiết ở bài trước, sau sự tan rã của nhiều nhóm Dada, nhiều nghệ sĩ đã tham gia những phong trào nghệ thuật khác – đặc biệt là chủ nghĩa Siêu thực. Trên thực tế, truyền thống phi lý và ngẫu nhiên của Dada đã trực tiếp dẫn tới niềm yêu thích của những người theo chủ nghĩa Siêu thực đối với tưởng tượng và biểu hiện của trí tưởng tượng. Một số nghệ sĩ là thành viên của cả hai nhóm, bao gồm Picabia, Arp, và Ernst vì tác phẩm của họ đóng vai trò như một chất xúc tác mở ra một nghệ thuật dựa trên sự thư giãn của kiểm soát có ý thức đối với sản xuất nghệ thuật. Mặc dù Duchamp không phải là một người theo chủ nghĩa Siêu thực, ông đã giúp giám tuyển triển lãm ở New York, nơi trưng bày cả tác phẩm nghệ thuật Dada và Siêu thực.

Max Ernst là một trong những người đứng đầu cả Dada và Siêu thực. Các tác phẩm Hậu Dada của ông như là La Pietà hay Cuộc cách mạng vào ban đêm (La Pietà ou La révolution la nuit) (1923) đã kết nối hai trào lưu này và ảnh hưởng đến nghệ thuật trong tương lai.

Dada, tiền thân trực tiếp cho phong trào nghệ thuật Ý niệm, được công nhận là bước ngoặt cho nghệ thuật của thế kỷ 20. Chủ nghĩa Hậu hiện đại như chúng ta biết sẽ không tồn tại nếu không có Dada. Gần như mọi lý thuyết Hậu hiện đại nền tảng trong nghệ thuật thị giác và viết cũng như trong âm nhạc và kịch nghệ đều được những nghệ sĩ Dada phát minh ra hay ít nhất đã sử dụng: nghệ thuật như là trình diễn, sự đan xen của nghệ thuật với cuộc sống hằng ngày, việc sử dụng những văn hóa đại chúng, sự tham gia của khán giả, sự quan tâm tới các hình thức nghệ thuật phi phương Tây, sự bao trùm của những điều phi lý, và việc sử dụng sự ngẫu nhiên.

Phần lớn các phong trào nghệ thuật kể từ phong trào Dada đều có thể truy ra sự ảnh hưởng đối với nhóm phản thiết lập này. Ngoài những ví dụ rõ ràng về chủ nghĩa Siêu thực, Neo-Dada (Tân Dada), và Nghệ thuật Ý niệm, chúng sẽ bao gồm Pop Art, Fluxus, Situationist International, nghệ thuật Trình diễn, nghệ thuật Nữ quyền, và chủ nghĩa Tối giản. Dada cũng có ảnh hưởng sâu sắc đến thiết kế đồ họa và lĩnh vực quảng cáo trong cách sử dụng thuật cắt dán của họ.

Các tác phẩm và nghệ sĩ nổi bật

1915: Đây, Đây là Stieglitz của Francis Picabia

Mực, than chì, các loại giấy màu và giấy in được cắt và dán trên bìa cứng – Bộ sưu tập Alfred Stieglitz.

Francis Picabia là một nghệ sĩ người Pháp được truyền cảm hứng bởi nhiều ý tưởng của phong trào Dada cũng như tự mình định nghĩa nên một số ý tưởng. Ông thực sự yêu thích việc đi ngược lại những quy chuẩn và tái định nghĩa bản thân để có thể làm việc theo những cách mới nhiều lần trong suốt hơn 45 năm sự nghiệp của mình. 

Ban đầu, ông là cộng sự thân thiết với Alfred Stieglitz, người đã trao cho ông cơ hội có được buổi trưng bày cá nhân đầu tiên ở thành phố New York. Nhưng sau đó, Picabia đã chỉ trích Stieglitz, điều này được thể hiện rõ trong bức “chân dung” Đây, đây là Stieglitz (Ici, C’est Stieglitz) của người quản lý phòng trưng bày này như một chiếc máy ảnh hộp xếp, một cái cần số ô tô, một cần phanh, và từ “IDEAL” phía trên chiếc máy ảnh được viết bằng kiểu chữ Gothic. 

Việc chiếc máy ảnh bị hỏng và cần số ở số N (thả tự do) được cho là tượng trưng cho Stieglitz đã hết hơi hết sức, trong khi kiểu chữ trang trí tương phản Gothic lại ám chỉ nghệ thuật lỗi thời của quá khứ. Tác phẩm là một trong hàng loạt các bức chân dung và hình ảnh cơ học được vẽ bởi Picabia, trớ trêu thay, dù không tôn vinh sự hiện đại hay tiến bộ, nhưng, cũng giống như các tác phẩm cơ học tương tự của Duchamp, những chủ đề tương tự có tiềm năng thay thế cho nghệ thuật tượng trưng truyền thống.

1916: Trình diễn thơ âm thanh “Karawane” của Hugo Ball

Ảnh – Kunsthaus Zürich (tái ấn bản lại từ ảnh gốc), Thuỵ Sĩ

Ball đã thiết kế bộ trang phục trên cho màn trình diễn thơ âm thanh (sound poem) – “Karawane” của mình, trong đó, những âm tiết vô nghĩa được cất lên theo các khuôn mẫu tạo ra nhịp điệu và cảm xúc, nhưng không giống với bất kỳ ngôn ngữ nào. Sự thiếu đi ý nghĩa trong những âm tiết được cho là tham khảo từ việc các cường quốc châu Âu không có khả năng giải quyết các vấn đề ngoại giao của họ thông qua các cuộc đàm phán một cách hợp lý, từ đó dẫn đến Chiến tranh Thế giới thứ nhất – với tình hình chính trị tương tự với tình tiết trong Kinh thánh về Tháp Babel. 

Bộ trang phục kỳ lạ của Ball nhằm tăng khoảng cách giữa ông và với khán giả cũng như mọi thứ xung quanh ông, khiến diễn văn của ông càng xa lạ và kỳ lạ hơn. Ball mô tả về trang phục của mình: “Đôi chân tôi nằm trong một khối trụ bằng bìa cứng màu xanh sáng bóng cao đến hông khiến tôi trông giống như một cái cột tháp. Tôi mặc một chiếc áo khoác lớn được cắt từ bìa cứng, bên trong màu đỏ tươi và bên ngoài là vàng ánh kim. Chiếc áo được gắn chặt ở cổ theo cách mà tôi có thể thực hiện chuyển động như vẫy cánh bằng cách nâng cao và hạ thấp khuỷu tay của mình. Tôi cũng đội một chiếc mũ cao của thầy mo với họa tiết sọc màu xanh trắng. “

Nghe bài thơ ở đây

1917: Không đề – Các hình vuông được sắp xếp theo định luật ngẫu nhiên 

Giấy màu cắt dán – Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, New York, Mỹ.

Hans Arp đã tạo nên một loạt tác phẩm cắt dán dựa trên tính cơ hội, loạt Không đề – Các hình vuông được sắp xếp theo định luật ngẫu nhiên (Untitled – Squares Arranged according to the Laws of Chance)). Cụ thể, ông sẽ đứng phía trên một tờ giấy, thả các mảnh giấy hình vuông có màu tương phản lên bề mặt của tờ giấy lớn hơn, sau đó dán các mảnh giấy đó tại vị trí chúng đã rơi xuống. Sự sắp xếp này sau đó có thể gây ra một phản ứng bản năng hơn, như cách xem bói bằng đồng xu Kinh dịch đã thu hút sự quan tâm của Arp và khơi nguồn cảm hứng sáng tạo cho ông. Rõ ràng, kỹ thuật này đã được nảy sinh khi Arp bị thất vọng trong những nỗ lực tạo ra các cách sắp xếp hình học có trật tự hơn. 

Những bức tranh cắt dán ngẫu nhiên của Arp đã trở thành đại diện cho mục tiêu “phản nghệ thuật” của Dada và việc yêu thích sự tình cờ của họ như một cách để thách thức các kỹ thuật sản xuất nghệ thuật truyền thống. Sự thiếu kiểm soát mang tính nghệ thuật được thể hiện trong tác phẩm này cũng sẽ trở thành một yếu tố rõ ràng trong chủ nghĩa Siêu thực, khi nhóm này cố gắng tìm kiếm các cách để đi vào trạng thái vô thức, từ đó gỡ bỏ sự kìm hãm của trí tuệ đối với sự sáng tạo.


Nguyên bản tiếng Anh tổng hợp và viết bởi Ivan Savvine, biên tập bởi Những người cộng sự của The Art Story

Dịch sang tiếng Việt bởi Olivia Ha và Thúy An, biên tập và dẫn nhập bởi iDesign.

Cùng tác giả

#Tag

chủ nghĩa dada Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…