Ben Shahn (Phần 3)

Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ (The Red Stairway) (1944), Chúng ta muốn hoà bình, hãy đăng kí bầu cử (We Want Peace, Register to Vote) (1946), Ngụ ngôn (Allegory) (1948), Những người vợ của thợ mỏ (Miners’ Wives) (1948), Chúng tôi không biết điều gì đã xảy ra với mình (We Did Not Know What Happend to Us) (1960), và Andrew Goodman (1965)

  • “Với tôi, hội họa có thể trở thành, và thực sự đã trở thành cách sống, đến mức tôi chắc chắn có thể diễn giải hầu hết mọi cảm nhận của bản thân bằng phương tiện này dễ dàng hơn bất kỳ phương tiện nào khác.”
  • “Tôi nhận ra rằng tôi có thể nói những điều mình muốn nói hiệu quả hơn qua một bản vẽ hay một bức tranh.”

Các tác phẩm quan trọng của Ben Shahn (3)

1944: Cầu thang đỏ (The Red Stairway)

Màu keo trứng trên masonite – Bảo tàng nghệ thuật Saint Louis, Missouri, Mĩ

Bức Cầu thang đỏ của Ben Shahn là một tuyên bố hùng hồn về sự hủy diệt, hy vọng và cả tinh thần thịnh vượng của con người. Một người đàn ông lớn tuổi, mặc áo khoác và đội mũ đều màu đen, chống nạng, bước lên chiếc cầu thang màu đỏ uốn lượn lên cao rồi lại xuống ngay bên hông một tòa nhà đã bị tàn phá. Ở phía trước bên phải, một người đàn ông khác mặc áo sơ mi trắng vác theo một giỏ đá vụn đang trồi lên từ miệng núi.

Cũng như nhiều nghệ sĩ cùng thời, sự kinh hoàng của Thế chiến thứ hai đã tác động sâu sắc đến cả Shahn lẫn tác phẩm của ông. Trong bức tranh này và những bức tranh khác, ông chọn miêu tả sự tàn phá của chiến tranh một cách biểu tượng, ​​​​chứ không tả thực hay mang tính chất tư liệu. Ở đây, hành trình đi lên cầu thang của người đàn ông có vẻ vô cùng gian nan (vì ông ta bị mất một chân) và dường như chẳng dẫn tới đâu cả. Sự thiếu hụt hy vọng này phản ánh sức nặng đè ghì của hậu quả chiến tranh và, tuy thế, Shahn vẫn cẩn thận nhuốm vào tác phẩm một cảm thức hy vọng thông qua sự thật rằng người đàn ông đó vẫn cố gắng thực hiện cuộc hành trình này. Nhân vật còn lại đang dọn dẹp những mảnh vụn – là biểu tượng cho những nỗ lực của châu Âu cố gắng vượt lên khỏi sự hủy diệt, đồng thời ẩn dụ cho nỗ lực của nhân dân trong việc gây dựng lại sau những tàn phá của chiến tranh. Ngay cả bầu trời đầy mây xanh phía trên hai nhân vật cũng tươi sáng hơn một chút, biểu tượng cho món quà hứa hẹn một ngày mới sẽ đến cùng mỗi bình minh mới.

Bức tranh này là một ví dụ điển hình cho sự chuyển hướng quan trọng trong nghệ thuật của Shahn thời kỳ hậu chiến. Trước chiến tranh, đa phần ông tập trung vào sáng tác tranh theo chủ nghĩa Hiện thực xã hội nhưng chiến tranh đã khiến Shahn chuyển nghệ thuật của mình theo hướng một “chủ nghĩa hiện thực cá nhân” hơn, dẫn đến những tác phẩm cung cấp  phản ứng và cảm xúc chủ quan của vị họa sĩ với thế giới xung quanh ông. Trong khi các bức tranh của ông trở nên giàu cảm xúc hơn, khác với nhiều nghệ sĩ đương thời, Shahn vẫn duy trì phong cách [nghệ thuật] tường thuật và tượng hình cao độ.

1946: Chúng tôi muốn hòa bình, hãy đăng ký bỏ phiếu (We Want Peace, Register to Vote) 

Áp phích in thạch bản màu – Bộ sưu tập của de Young | Quân đoàn Danh dự, San Francisco, California, Mĩ

Trong suốt sự nghiệp của mình, Ben Shahn đã tạo ra rất nhiều áp phích chính trị; tác phẩm này là một ví dụ xuất sắc cho phong cách đồ họa của họa sĩ. Là một hình ảnh hùng hồn mạnh mẽ, tác phẩm mô tả một cậu bé gầy gò mặc quần sẫm màu với đai giữ quần cùng áo sơ mi đỏ, giơ bàn tay phải ra phía trước trong tư thế cầu xin. Đôi mắt đen, trống rỗng của cậu hơi hướng xuống dưới khiến người xem không thể liên kết trực tiếp với hình ảnh của cậu. Mục đích của tấm áp phích được thể hiện rõ ràng qua dòng chữ đơn giản có nội dung: “Chúng ta muốn hòa bình” (“We want Peace”) và “HÃY ĐĂNG KÝ BẦU CỬ” (“REGISTER VOTE”).

Shahn lần đầu tiên tham gia vào Ủy ban Hành động Chính trị của Hiệp hội của các tổ chức công nghiệp Hoa Kỳ (Congress of Industrial Organizations’ Political Action Committee – CIO-PAC) để bầu lại Tổng thống Franklin Delano Roosevelt. Sau đắc cử năm 1944 của FDR, Shahn trở thành giám đốc Bộ phận Nghệ thuật Đồ họa của CIO-PAC. Trong thời gian này, ông đã thiết kế nhiều áp phích nhằm khuyến khích người Mĩ đi bỏ phiếu và ủng hộ Đảng Dân chủ. Shahn đạt được khả năng truyền đạt thông điệp bậc thầy nhờ cách nắm bắt cảm xúc và tinh thần con người trong tranh như ở trường hợp của tác phẩm này; cũng giống với việc đôi mắt đầy ám ảnh của đứa trẻ khi khẩn cầu một ngày mai tươi đẹp mà có thể đạt được thông qua sức mạnh của bầu cử.

Shahn đã có một sự nghiệp năng suất với tư cách là một nghệ sĩ thương mại và họa sĩ minh họa, đồng thời cảm nhận được tầm quan trọng của việc trở thành cái mà ông gọi là “nghệ sĩ truyền thông” và thấy được sức mạnh của tác phẩm tái tạo được như áp phích sở trong việc tiếp cận một lượng khán giả lớn và đa dạng hơn nhiều so với của một bức tranh. Nghệ sĩ Andy Warhol là người đã nhắc đến sức ảnh hưởng to lớn mà tranh minh họa của Shahn đã đem tới cho chính các tác phẩm của Warhol.

1948: Ngụ ngôn (Allegory)

Màu keo trứng trên ván gỗ – Bảo tàng nghệ thuật hiện đại Fort Worth, Texas, Mĩ

Bức Ngụ ngôn của Ben Shahn miêu tả một con thú màu đỏ mang đặc điểm của cả hai loài sói và sư tử với chiếc bờm rực lửa đứng trên một đống xác trẻ em. Cả con quái vật lẫn các thi thể đều không được neo vào bất điểm gì mà thay vào đó chúng dường như trôi nổi giữa một khoảng trống màu xanh, đỏ, và tím. Ở góc bên trái, một chút màu vàng mờ ảo dường như đang cố gắng xuyên vào, giống như cái màu vàng của mặt trời lấp ló sau những đám mây và, ở góc dưới bên trái của bức vẽ, Shahn diễn tả một bụi cây trơ trụi màu đỏ trên nền xanh thưa thớt.

Shahn khẳng định rằng nguồn cảm hứng cho bức tranh này là câu chuyện về một người đàn ông đến từ Chicago, John Hickman, người mà sau khi bốn đứa con của ông chết trong một vụ cháy chung cư, đã giết chết chủ tòa nhà, người mà ông tin là kẻ chịu trách nhiệm cho đám cháy đó, và rồi nhận hai năm quản chế vì do tội ngộ sát. Shahn được ủy thác vẽ minh họa về vụ án cho một bài báo trên tạp chí Harper’s vào năm 1948. Khi đã kết thúc công việc và vẫn suy ngẫm về câu chuyện trên, Shahn quyết định triển khai đề tài này xa hơn. Khi bức tranh lần đầu tiên được trưng bày vào năm 1948, nó đã nhận được một vài lời chỉ trích tiêu cực, trong đó có từ nhà phê bình Henry McBride của The New York Sun, người cho rằng bức tranh thể hiện thái độ chống Mĩ và bày tỏ lòng tôn kính với Liên Xô. Theo McBride, tác phẩm rõ ràng là của phe cộng sản vì con thú được sơn màu đỏ. Shahn phủ nhận cách diễn giải của McBride và khẳng định rằng nhà phê bình đã hiểu sai ý nghĩa bức tranh.

Giống như nhiều tác phẩm khác của ông từ giữa những năm 1940 trở đi, Shahn cũng đưa vào tác phẩm nhiều chuyện cá nhân như vụ cháy từ thời thơ ấu của ông. Khi còn nhỏ ở Lithuania, Shahn đã chứng kiến ​​ngôi làng của ông nội mình bị thiêu rụi, sau đó lại gặp chuyện tương tự ở Brooklyn, khi cha ông phải cứu ông cùng các anh chị em của ông khỏi vụ cháy nhà đã thiêu rụi tất cả tài sản của họ, không chỉ khiến gia đình mất đi sự ổn định về tài chính mà còn khiến cha ông bị thương. Loài sói cũng có một mối liên hệ mật thiết với họa sĩ vì mẹ ông từng kể cho ông nghe những câu chuyện về việc bà bị sói truy đuổi khi còn sống ở Nga. Mang tính biểu tượng cực cao, bức tranh là điển hình cho cách Shahn sử dụng thần thoại và truyện ngụ ngôn để sáng tác những câu chuyện bằng hình ảnh của mình.

Vẽ theo một phong cách đương đại và giàu biểu cảm hơn, Shahn đã chứng minh rằng cả những sự kiện cá nhân lẫn những cảm xúc bi thảm đều phù hợp với nghệ thuật hiện đại. Vừa miệt mài nghiên cứu các hình thức và thiết kế mới, Shahn vừa liên tục kết hợp các yếu tố hình tượng này với những cách diễn đạt tường thuật sâu sắc.

1948: Những người vợ của thợ mỏ (Miner’s Wives)

Màu keo trứng trên bìa – Bảo tàng Nghệ thuật Philadelphia, Philadelphia, Mĩ

Ben Shahn là một thành viên công đoàn và vẫn luôn tận tụy trong việc kể những câu chuyện cũng như những khó khăn của giới công nhân và người lao động trong suốt sự nghiệp lâu dài của mình. Shahn nhuốm bức tranh Những người vợ của thợ mỏ bằng một cảm giác buồn đau đến ám ảnh. Họa sĩ khắc họa ba nhân vật trước một bức tường gạch đỏ. Tuy nhiên, trọng tâm lại là người đàn bà ở ngay phần tiền cảnh, quấn trên cổ một chiếc khăn choàng mỏng, đứng với đôi bàn tay đang nắm chặt phía trước. Phía sau bà là một người phụ nữ khác ngồi bế một đứa trẻ nhỏ trong lòng, chiếc áo khoác và quần của một người đàn ông treo ở móc bên trên tường. Ở phần hậu cảnh, qua ô cửa hình chữ nhật, hai nhân vật nam xuất hiện với áo khoác đen và đội mũ, đứng quay mặt về phía một tòa nhà cách họ không xa. Có vẻ như chủ đề của bức tranh là những người vợ chờ đợi tin tức về số phận của những người thợ mỏ hay chính là chồng của họ.

Shahn thường lấy cảm hứng cho các bức tranh từ những bức minh họa mà ông đã thực hiện cho các bài báo. Ý tưởng cho tác phẩm này và năm bức họa khác cùng chủ đề đến từ những bức vẽ minh họa mà ông được đặt hàng cho một bài báo trên tạp chí Harper’s về thảm họa mỏ Centralia, Illinois khiến 111 thợ mỏ thiệt mạng. Bài báo được xuất bản vào tháng 3 năm 1948 với tựa đề “Vụ nổ ở Centralia số 5: Một thảm họa mỏ không ai ngăn chặn”. Rất lâu sau khi nó được xuất bản, số phận của những người thợ mỏ và gia đình họ vẫn ở lại cùng Shahn; ông cảm thấy bị hối thúc phải sử dụng tranh vẽ của mình để tiếp tục câu chuyện của họ. Trong tác phẩm này, Shahn tập trung nhấn mạnh nỗi thống khổ của những người vợ khi họ dành hàng giờ đồng hồ chờ đợi chồng trở về nhà, từ đó khắc họa cái hiện thực khắc nghiệt về cuộc sống góa bụa của họ. Hai người đàn ông ở phía xa kia, tuy mơ hồ, nhưng có lẽ đóng vai trò là những người tới báo tin tức bi thảm này.

Chủ đề về mỏ khai thác vốn đã khá thân thuộc với Shahn bởi bản thân ông đã từng đi khai mỏ và người vợ thứ hai của ông cũng lớn lên ở một khu vực khai thác mỏ. Hơn nữa, Shahn còn là người cả đời ủng hộ dân lao động cùng các công đoàn, chẳng hạn như Hiệp hội Công nhân Mỏ Thống nhất (United Mine Workers Union). Sở hữu mối liên kết cá nhân với đề này tài, bức tranh thể hiện kiến ​​​​thức chuyên môn của Shahn với tư cách là một họa sĩ theo phong cách tả thực, tượng hình, trình độ bậc thầy trong việc tạo ra các tác phẩm có khả năng kết nối về mặt cảm xúc với người xem cùng khả năng nắm bắt được những câu chuyện về các sự kiện quan trọng đương thời.

1960: Chúng tôi không biết chuyện gì đã xảy ra với mình (We did not know what happened to us) 

Màu keo trứng trên gỗ – Bảo tàng Nghệ thuật Mỹ Smithsonian, Washington DC, Mĩ

Đây là một trong loạt những tác phẩm của Ben Shahn được gọi chung là những bức vẽ Hạnh Vận Long (Lucky Dragon). Loạt tranh gồm một vài những hình ảnh sâu sắc và đen tối nhất mà Shahn từng tạo ra. Ở chính giữa phía trên cùng của bức tranh, một khuôn mặt quái thú với cái miệng há lớn và hàm răng nhe ra đang nhìn thẳng về phía người xem với những cánh tay và bàn chân đầy móng vuốt thấp thoáng trong một vòng xoáy rối rắm của những nét trắng dạng hình mây trên một biển đen kịt. Phía dưới sinh vật kia, ta có thể nhìn thấy hai nhân vật từ phần thắt lưng trở lên, vươn dài những cánh tay với nhân vật bên trái đang cố gắng dùng một tay tự che miệng mình.

Sự nghiệp họa sĩ minh họa sung mãn của Shahn thường mang lại nguồn cảm hứng cho các bức tranh của ông, ở trường hợp của tác phẩm này cũng vậy. Năm 1957, Shahn được giao nhiệm vụ minh họa một loạt bài báo cho tạp chí Harper’s về đoàn thủy thủ của tàu đánh cá Nhật Bản Hạnh Vận Long bị mắc kẹt trong trận mưa mảnh vỡ phóng xạ vào ngày 1 tháng 3 năm 1954 – sau khi Mỹ thử bom hydro ở Thái Bình Dương. Toàn bộ 23 thành viên của đoàn tàu đều chịu hậu quả do nhiễm độc phóng xạ, trong đó một thành viên đã qua đời sau một thời gian dài chịu đựng đau đớn.

Shahn đã rất bận tâm trước câu chuyện trên và sự bất công trầm trọng của nó. Vị họa sĩ là một người kiên quyết ủng hộ hòa bình và lên án vũ khí hạt nhân. Với mong muốn đưa ra một lời tuyên bố mạnh mẽ phản đối vũ khí hạt nhân, ông sáng tác bộ tranh gồm 11 tác phẩm khắc họa sự kiện thương tâm đó cùng hậu quả của nó. Bức tranh cụ thể này tập trung vào bản thân vụ nổ hạt nhân và miêu tả nó như thể một sinh vật tàn bạo giữa những đám mây chất độc chết người. Được đón nhận nồng nhiệt khi trưng bày và thậm chí được tái sản xuất dưới dạng sách, bộ tranh Hạnh Vận Long đã chứng tỏ rằng mặc dù Shahn có một sự nghiệp đa dạng và phong phú nhưng ông chưa bao giờ rời xa lí tưởng chính trị cũng như ý thức đạo đức mạnh mẽ của mình. Được sáng tác vào khoảng cuối cuộc đời vị họa sĩ, bức tranh nằm trong loạt tác phẩm cuối cùng của Shahn. Thay vì dùng một nghệ thuật kích động công khai hay nghệ thuật phản kháng xã hội ồn ào, Shahn làm dịu phong cách và thông điệp của mình để chính thảm kịch này đối thoại trực tiếp với người xem. Sự duy cảm thầm lặng của ông không phải lúc nào cũng được truyền tải trong nghệ thuật đương đại.

1965: Andrew Goodman 

In lụa trên giấy – Bảo tàng Do Thái, New York, Mĩ

Nằm trong Bộ hồ sơ quan hệ con người (Human Relations Portfolio), Ben Shahn đã vẽ những hình ảnh bày tỏ lòng kính trọng đối với các nhà hoạt động dân quyền James Chaney, Andrew Goodman và Michael Schwerner, những người đã bị Ku Klux Klan sát hại vào năm 1964. Sử dụng nét mảnh kiểu thư pháp để nhấn mạnh những đặc điểm khuôn mặt trẻ trung của Goodman, cả 3 tác phẩm đều khắc họa những người đàn ông ở dạng chân dung bán thân truyền thống, u ám. Vẻ tinh tế giản dị của từng bức tranh đạt được một phần là nhờ sự vắng bóng của màu sắc, Shahn chọn diễn tả các nhân vật chỉ bằng nét màu đen. Sự đơn giản trong nét vẽ của Shahn và quyết định sử dụng đường viền khi mô tả 3 người đàn ông này đã góp phần chế ngự sức nóng và cơn giận dữ của cuộc đấu tranh Dân quyền. Tác phẩm toát ra một cảm giác bình lặng mời gọi những suy ngẫm; hình ảnh này, dù đề cập đến cái chết, nhưng cũng nói lên hòa bình.

Nguyên bản tiếng Anh do Những cộng sự của The Art Story tổng hợp và viết, Diana Linden hiệu đính, bổ sung phần Tóm lược và Thành tựu, Minx Trần dịch sang tiếng Việt, Hương Mi Lê minh hoạ, và viết lời đề tựa.

Cùng tác giả

#Tag

Ben Shahn Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…