Mary Cassatt (Phần 2)

Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Mary Cassatt, chúng ta tìm hiểu về di sản và những tác phẩm tiêu biểu trong sự nghiệp đáng nể của bà. Qua đây, chúng ta sẽ thấy rõ cách Mary Cassatt tinh tế kể câu chuyện của người phụ nữ hiện đại đương thời: giàu nữ tính, sâu sắc, hỗ trợ nhau, và bắt đầu dành lấy độc lập cũng như đạt được tiến bộ trước thềm thế kỉ mới – trong khi phản ánh cả bối cảnh đời sống gia đình riêng tư vốn gắn liền với phái nữ và cách họ bước ra không gian công cộng.

  • Một nghệ sĩ nữ cần phải … có khả năng hi sinh những điều cơ bản.” – Mary Cassatt
  • Tôi đã chạm tới một vài người bằng cảm quan nghệ thuật – họ cảm nhận được tình yêu và cuộc sống. Bạn có thể cho tôi điều gì so sánh được với niềm vui ấy cho một nghệ sĩ không?” – Mary Cassatt
  • Có hai con đường với một hoạ sĩ: con đường lớn và dễ hoặc con đường hẹp và khó.” – Mary Cassatt
  • Hầu hết phụ nữ vẽ như thể họ đang cắt tỉa một chiếc mũ. Nhưng không phải bà.” – Edgar Degas nói với Mary Cassatt

Tiểu sử của Mary Cassatt (tiếp)

Di sản của Mary Cassatt

Cassatt đã hoạt động cho tới những năm 1910, và vào những năm cuối đời, bà đã được chứng kiến ​​sự manh nha của chủ nghĩa Hiện đại ở châu Âu và Hoa Kì; tuy nhiên, phong cách đặc trưng của bà vẫn giữ sự nhất quán. Việc thị hiếu phê bình đối với trường phái Ấn tượng suy yếu sau khi bà qua đời vào những năm 1920 đồng nghĩa với việc ảnh hưởng của bà đối với các nghệ sĩ khác bị giới hạn. Ngoại lệ có một nhóm nghệ sĩ nữ hoạt động ở Montreal, Canada, vào những năm 1920 được gọi là nhóm Beaver Hall. Đây là hiệp hội nghệ thuật Canada đầu tiên trong đó các nữ nghệ sĩ chuyên nghiệp đóng vai trò quan yếu và các thành viên (mà có bao gồm Mabel May, Lilias Torrance Newton và Prudence Heward) đã noi gương Cassatt về việc hợp tác chặt chẽ với nhau và học tập ở nước ngoài. Cassatt cũng ảnh hưởng đến Lucy Bacon, một nghệ sĩ sinh ra ở California, người đã học với những nghệ sĩ theo trường phái Ấn tượng ở Paris.

Ở nhà hát (At The Theatre) (1928) của Prudence Heward. Có thể nói tác phẩm này gợi nhớ tới bức Trong hộp riêng tại nhà hát (In the Loge) nổi tiếng của Cassatt.

Tuy nhiên, địa vị của Cassatt trong lịch sử nghệ thuật lại rất quan trọng và có ảnh hưởng vào cuối thế kỷ 20 và sang thế kỉ 21. Bà được coi là một trong những nghệ sĩ người Mĩ xa xứ quan trọng nhất vào cuối những năm 1800, cùng với John Singer Sargent và James McNeill Whistler. Bà cũng là tâm điểm của những học bổng có ảnh hưởng đối với các nghệ sĩ nữ và tác phẩm của bà đã được các nhà sử học nghệ thuật về nữ quyền quan trọng như Griselda Pollock và Linda Nochlin thảo luận. Di sản công khai nhất của Cassatt có thể là ảnh hưởng của bà đối với những nhà bảo trợ nghệ thuật Mĩ, những người đã sưu tập tác phẩm của bà và những người châu Âu cùng thời và sau đó để lại cho các viện bảo tàng. Một ví dụ nổi bật là Louisine Elder Havemeyer, một người bạn thân của Cassatt có bộ sưu tập phong phú về nghệ thuật Ấn tượng hiện là một phần của bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York.

Các tác phẩm tiêu biểu

1878: Cô bé trên chiếc ghế bành màu lam (Little Girl in Blue Armchair)

Sơn dầu trên toan – Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia, Washington, Mĩ

Trong tác phẩm quan trọng của sự nghiệp thời kì trưởng thành này, Cassatt đã chọn khắc hoạ chân dung một bé gái một mình trong khung cảnh nội thất gia đình. Nét cọ lộ rõ và tạo dáng thoải mái của nhân vật là những dấu hiệu của trường phái Ấn tượng; bố cục bất đối xứng, tầm nhìn từ trên cao, không gian nông và khung cảnh bị cắt xén đột ngột, tất cả đều cho thấy ảnh hưởng của nghệ thuật Nhật Bản. Cassatt cũng đưa ra những quan sát sắc sảo của riêng mình để xây dựng hình ảnh này. Cô bé vốn là con một người bạn của Degas, đang ngồi trong tư thế ườn mình và vô thức, nhắc người xem về sự bé bỏng của em, và cách cô bé trông nhỏ đi do những đồ đạc người lớn xung quanh gợi lên sự lúng túng và bị cô lập của một vài giai đoạn tuổi thơ nhất định.

1878: Trong hộp riêng tại nhà hát (In the Loge)

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Mỹ thuật, Boston, Mĩ

Bức tranh này thể hiện một người phụ nữ sành điệu đang tham dự buổi trình diễn ban ngày tại Comedie-Francaise, một nhà hát nổi tiếng ở Paris. Khuôn mặt nhìn nghiêng của người phụ nữ nổi bật trên nền nhung đỏ và trang trí mạ vàng của những chỗ ngồi trong các hộp riêng đàng sau cô và cô ấy đang đưa một cặp ống nhòm lên mắt. Màu đen của chiếc váy được lặp lại trong trang phục của những nhân vật khác ở hậu cảnh, bao gồm người đàn ông ngồi cách vài ô, đang nhìn cô ấy qua cặp ống nhòm của riêng mình. Cassatt đã nhạy bén nắm bắt được thực tế rằng những khán giả ăn vận bảnh bao đang thể hiện những màn trình diễn của chính họ cho nhau xem. Nhân vật chính có thể đang xem những gì diễn ra trên sân khấu hoặc quan sát những khán giả khác trong khi bản thân cô ấy trở thành đối tượng trong cái nhìn đăm đăm của người đàn ông kia; trong khi đó, người xem tranh, được đặt ngay bên cạnh người phụ nữ, lại thu được toàn bộ khung cảnh. Khi Cassatt trưng bày bức Trong hộp riêng ở nhà hát tại Boston vào năm 1878, một nhà phê bình đã ca ngợi rằng tác phẩm của bà “vượt qua sức mạnh của hầu hết cánh đàn ông.”

1878-79: Lydia đọc báo buổi sáng (số 1) (Lydia Reading the Morning Paper [No. 1])

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Nghệ thuật Joslyn, Nebraska, Mĩ

Chị gái của Cassatt, Lydia, là một trong những người mẫu ưa thích của bà. Trong bức tranh này, Lydia đang ngồi nghiêng, với chiếc váy và khuôn mặt được vẽ bằng những nét vẽ mềm, lỏng lẻo trong khi hậu cảnh và chiếc ghế bành khóa nhân vật đặt theo đường chéo vào một bố cục bất đối xứng. Bảng màu đặc trưng của trường phái Ấn tượng gồm trắng, hồng, lam nhạt và xanh lục tươi gợi lên tâm trạng nhẹ nhàng, tuy nhiên đây cũng là một khoảnh khắc nghiêm túc: khi thể hiện đối tượng của mình đang đọc báo, Cassatt ám chỉ tầm quan trọng của việc phụ nữ càng ngày càng có học thức trong thế kỉ 19, với sự tham gia đang gia tăng của họ vào xã hội bên ngoài ranh giới gia đình, và nhận thức về các sự kiện đương thời khi họ bắt đầu đấu tranh cho quyền bầu cử.

1881: Một người phụ nữ và một bé gái đang chạy xe (A Woman and a Girl Driving)

Sơn dầu trên toan – Bảo tàng Nghệ thuật Philadelphia, Philadelphia, Mĩ

Ngoài việc ghi lại cuộc sống diễn ra trong nhà, nhà hát kịch và nhà hát opera, Cassatt còn rèn luyện cái nhìn của mình về những nhân vật trong công viên và các khu vườn ở Paris, một vài trong số ít không gian công cộng trong xã hội nơi những người phụ nữ đáng kính có thể tự do di chuyển. Người mẫu cho bức tranh này là chị gái của Cassatt, Lydia và cháu gái nhỏ của Degas. Bối cảnh là rừng Boulogne, một công viên rộng lớn, với những đồng cỏ xanh tươi, một điểm gặp gỡ phổ biến và điểm đến tuyệt đẹp cho những chuyến du ngoạn. Cassatt tập trung cao độ vào hai đối tượng của mình, cắt bớt cả con ngựa ở phía bên trái của bố cục và cỗ xe ở phía dưới và bên phải. Bé gái nhỏ, mặc váy màu hồng phấn, ngồi im lặng bên người phụ nữ đang cầm dây cương; sự tương phản giữa non nớt và trưởng thành, kinh nghiệm và học hỏi, là một trong nhiều khoảnh khắc quan sát tâm lí của Cassatt. Tác phẩm này cũng khác biệt vào thời điểm đó khi mô tả một người phụ nữ có giáo dục đang thực hiện một hoạt động thể chất (vẫn khá nhã nhặn).

1890-91: Lá thư (The Letter)

In khắc nguội và aquatint trên giấy – Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York

Vào tháng 4 năm 1890, Cassatt tham quan một cuộc triển lãm tranh mộc bản màu của Nhật Bản tại Trường Mĩ thuật (École des Beaux-Arts) ở Paris. Sau sự kiện này, bà quyết định tạo ra một chuỗi mười bản in thể hiện cuộc sống của một người phụ nữ thời hiện đại. Loạt tác phẩm hoàn thiện bao gồm các cảnh phụ nữ chải chuốt, tắm rửa cho con, uống trà, v.v.; ví dụ này cho thấy một người phụ nữ đang dán bì thư đựng bức thư vừa được viết tại bàn của mình. Bố cục cân bằng các hoa văn (giấy dán tường, váy của người phụ nữ) đối lập với các vùng màu trơn (mặt sau thẳng đứng của bàn, giấy của lá thư và phong bì) đưa người xem đến gần không gian nông của căn phòng hơn, nơi phối cảnh bị bóp méo hiển hiện trong phần mặt bàn viết bị lệch một cách kì lạ. Những lựa chọn phong cách này chịu ảnh hưởng của nghệ thuật tranh in truyền thống Nhật Bản, tuy nhiên trang phục của người phụ nữ và các đồ vật khác đều là những chi tiết đương thời trong thế giới của Cassatt.

1893: Tắm cho con (The Child’s Bath)

Sơn dầu trên toan – Học viện Nghệ thuật Chicago

Trong khung hình người phụ nữ đang tắm cho cô con gái nhỏ được quan sát một cách gần gũi này, Cassatt một lần nữa kết hợp những ảnh hưởng phong cách nhất định của nghệ thuật Nhật Bản với đề tài từ chính môi trường sống của bà. Sự đa dạng họa tiết trong bức tranh, bao gồm một số thiết kế hình hoa lá và các sọc lớn trên váy của người phụ nữ, được thống nhất bởi một bảng màu đơn giản của xám và hoa cà; màu sắc nhẹ nhàng cho phép người xem tập trung vào chủ đề của khung hình, mối quan hệ thân thiết giữa mẹ và con. Sự thân mật của họ được thể hiện qua cách đặt vị trí các khuôn mặt ở gần nhau và vòng tiếp xúc nối dài từ bàn tay của người phụ nữ đặt trên bàn chân của đứa trẻ đến bàn tay của đứa trẻ trên đầu gối của người phụ nữ. Trong niềm say mê chung vào nhiệm vụ của mình, họ có quan hệ mật thiết với nhau giống như mối quan hệ của cái bình và cái bát được sử dụng cho nghi thức trong nhà này. Trong các tác phẩm như Tắm cho con, Cassatt khơi gợi ra đề tài nghệ thuật truyền thống về Madonna và Chúa hài đồng, trong khi tạo ra một vốn hình ảnh trần tục hơn là tín ngưỡng.

1893: Phụ nữ hiện đại (Modern Woman)

Tác phẩm lớn nhất của Cassatt, một bức tranh tường dài 17,67 x 3,65m, được vẽ cho Toà nhà Phụ nữ của Triển lãm Thế giới Columbia năm 1893 ở Chicago. Tác phẩm bao gồm ba tấm: Những cô gái trẻ theo đuổi danh vọng (Young Girls Pursuing Fame); Những Người phụ nữ trẻ hái Quả của Kiến Thức hay Khoa Học (Young Women Plucking the Fruits of Knowledge or Science); và cuối cùng là Nghệ thuật, Âm nhạc, Khiêu vũ (Arts, Music, Dancing). Thật không may, toàn bộ tác phẩm đã bị phá hủy vào cuối cuộc triển lãm và chỉ được ghi lại trong một vài bức ảnh đen trắng và một bản in màu của tấm trung tâm. Chi tiết của Những Thiếu Nữ Hái Quả của Kiến Thức hay Khoa Học ở trên cung cấp một cái nhìn thoáng về những nguồn ảnh hưởng và chủ đề của Cassatt cho tác phẩm đồ sộ này. Bức tranh tường mượn từ nhiều nguồn khác nhau như các bức bích họa thời Phục hưng của Ý, các bản in của Nhật Bản và tác phẩm của nhóm Les Nabis, nhưng một lần nữa Cassatt đã biến những chất liệu này thành thứ chỉ là của riêng bà. Bằng cách thể hiện một cộng đồng phụ nữ giúp đỡ và hỗ trợ lẫn nhau, bà đã mang đến cho khán giả của Triển lãm Columbia một khung cảnh rất hiện đại tượng trưng cho sự độc lập và tiến bộ của phụ nữ trước ngưỡng cửa của một thế kỉ mới ở Mĩ.

Kh. 1905: Mẹ và con (Mother and Child)

Sơn dầu trên toan – Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia, Washington DC, Mĩ

Trong thời điểm chuyển giao từ thế kỉ 19 sang 20, Cassatt hầu như chỉ làm việc với chủ đề bà mẹ và trẻ em, sử dụng những người mẫu chuyên nghiệp cho các nhân vật của mình. Trong bức tranh này, bà lại xem xét một cách kĩ lưỡng tương tác giữa những người phụ nữ ở các giai đoạn khác nhau của cuộc đời. Bộ trang phục hợp thời trang của người mẹ đóng vai trò như phông nền cho sự khỏa thân vô tội của đứa trẻ, và hai nhân vật được thống nhất bởi cử chỉ và ánh nhìn của họ. Bằng cách đưa vào hai chiếc gương trong bố cục, Cassatt đã thiết lập một sự sắp xếp hình ảnh có chủ đích và phức tạp về mặt không gian. Các nghệ sĩ từ Diego Velázquez và Peter Paul Rubens đến Édouard Manet đã miêu tả những người phụ nữ tự soi mình trong gương, coi bản thân là đối tượng của sắc đẹp để người khác ngưỡng mộ. Cassatt nhận thức được truyền thống này trong nghệ thuật phương Tây, nhưng bà đã phá bỏ điều đó trong tác phẩm Mẹ và con. Ở đây, cả người phụ nữ và bé gái đều nhìn vào chiếc gương tròn nhỏ, cùng nhau quan sát hình ảnh phản chiếu của đứa trẻ. Trong tác phẩm bí ẩn này, các đối tượng chủ đề thực sự do vậy đã trở thành bản sắc nữ tính đang phát triển của bé gái và vai trò phụ nữ trong tương lai của em dưới sự hướng dẫn từ tấm gương của người mẹ.

Nguyên bản tiếng Anh do Những người cộng sự của The Art Story tổng hợp, viết, hiệu đính và đăng tải. Tố Uyên dịch sang tiếng Việt và minh hoạ. Hương Mi Lê hiệu đính và viết lời đề tựa

Cùng tác giả

#Tag

Hương Mi Lê Lê Hương Mi mary cassatt Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…