George Bellows (Phần 1)

George Bellows là một trong những nghệ sĩ quan trọng trong việc tạo ra nền tảng của hội hoạ hiện thực Mĩ nói riêng và một nền nghệ thuật Hiện đại của riêng nước Mĩ nói chung. Ông nổi danh với những bức tranh thuật lại cảnh những trận đấu quyền anh truyền tải năng lượng mạnh mẽ và sống động hơn cả ảnh chụp. Tuy nhiên, những tác phẩm cảnh biển và cảnh đất liền dữ dội đến gần như bạo lực và cả những bức chân dung vô cùng tình cảm về vợ và con gái cũng góp phần trong sự hấp dẫn của George Bellows.

  • Tôi luôn thấy những người hay nói về việc thiếu đề tài để vẽ rất buồn cười. Điều nan giải nhất chính là việc bạn không thể ngừng lại để sắp xếp chúng cho đủ. Các ý tưởng chờ bạn ở mọi lúc mọi nơi. Những người đàn ông trên bến tàu, những đứa trẻ nơi bờ sông, đám đông của các trận mã cầu, các giải đấu quyền anh, những buổi tối và lãng mạn mùa hạ, những người dân làng, người trẻ, người già, cái mĩ miều, cái xấu xí.” – George Bellows
  • Bạn có thể học được nhiều điều khi ra ngoài vẽ một con đường hơn là dành sáu tháng làm việc trong xưởng vẽ.” – George Bellows

Tóm lược về George Bellows

Vào thời điểm khi mà nghệ thuật cao cấp được đánh đồng với giới thượng lưu, George Bellows tìm thấy nguồn cảm hứng từ cuộc sống của giai cấp lao động; thành phố New York của ông, được miêu tả qua những nét vẽ phóng khoáng và những vệt màu kiểu [trường phái] ấn tượng, là một thành phố còn đang được xây dựng và đầy rẫy những quán rượu và ngõ hẻm nằm ẩn mình. Dưới định hướng của người thầy Robert Henri, Bellows đã trở thành một thành viên trong nhóm những họa sĩ lấy tên là Trường phái Ashcan

George Bellows sinh tháng 08/1882 ở Colombus, Ohio, Mĩ và mất 08/01/1925 ở New York. Ông hoạt động nghệ thuật từ khoảng 1904 tới khi mất.

Nhóm này tìm được lượng chủ đề phong phú từ những con đường đô thị, khắc họa các đối tượng trong đời sống thường nhật nơi đây của họ qua những bức tranh thường tối màu và mang tính cử chỉ. Sau khi tìm thấy thêm nguồn cảm hứng trong các chuyến thăm thành phố Maine vào mùa hè, Bellows nổi danh trong phần sau của sự nghiệp của mình với một số lượng lớn những bức hoạ cảnh đất liền và cảnh biển choáng ngợp, đôi khi bạo lực. Nửa sau sự nghiệp hội hoạ của ông cũng xuất hiện một chuỗi những bản in thạch bản, thứ đã nâng tầm danh tiếng của ông trong công chúng Mỹ bấy giờ.

Các thành tựu chính

  • Bellows có thể được coi là một trong những nhà cách mạng khi khai thác động năng và năng lượng từ môi trường đô thị xung quanh nơi ông sống để tạo ra thách thức đối với những cảnh bình dị lãng mạn mà, cho tới bấy giờ, đã đặc trưng hóa hướng đi hội họa của Hoa Kì, chẳng hạn như trong trường phái Ấn tượng Mĩ.
  • Là một vận động viên thành công khi thời trẻ (ông đã từ bỏ sự nghiệp thể thao chuyên nghiệp để trở thành họa sĩ), Bellows có lẽ được biết đến nhiều nhất bởi các tác phẩm lấy chủ đề thể thao, và đặc biệt là một loạt các bức vẽ về đấm bốc. Mặc dù ông tuyên bố không biết gì về các quy tắc và truyền thống của bộ môn này, bức tranh đặc trưng của ông, Trận đấu tại Sharkey’s (Stag at Sharkey’s), liên quan đến một trận đấu bất hợp pháp đã thu hút ông bởi sự thô bạo của nó. Nhiều người cho rằng những bức họa đấm bốc của ông là một phép liên tưởng hoàn hảo cho những gian nan và khổ cực kiếm sống của tầng lớp lao động thành thị.
Trận đấu ở Starkey’s (1909) – Bảo tàng Nghệ thuật Cleveland, Cleveland, Mĩ. Sơn dầu trên toan
  • Dù đúng rằng hội họa về thành phố của Bellows bắt nguồn từ những chủ đề của chủ nghĩa hiện thực xã hội, sự nghiệp của Bellows cũng thể hiện sự sẵn sàng giải quyết nhiều đề tài đa dạng và thử nghiệm màu sắc cũng như sắp xếp bố cục mới lạ. Ngoài ra, sự hứng thú của ông đối với những vệt cọ lớn đã cho thấy lòng tận tuỵ với sự tự do thể hiện nghệ thuật cùng niềm tin rằng các nghệ sĩ nên được tự do trưng bày tác phẩm của họ mà không bị áp lực từ phía các học viện hay ban giám khảo cuộc thi. 
  • Tuy Bellows vẫn nổi danh nhất nhờ những bức họa về thể thao cũng như về thành phố và phong cảnh, ông cũng cho ra đời nhiều bức chân dung trong suốt sự nghiệp. Chủ yếu vẽ các thành viên trong gia đình và bạn bè, những tác phẩm chân dung của Bellows được chú ý bởi phong cách, khác biệt với các tác phẩm mang tính phong cách Ấn tượng hơn của ông, sử dụng nét vẽ một cách rất tinh tế và trau chuốt đến từng chi tiết nhỏ nhất.

Tiểu sử của George Bellows 

Tuổi thơ và nền tảng giáo dục

George Bellows sinh ra trong một gia đình Giám lý sùng đạo có cha là kiến ​​trúc sư, George Bellows Senior, và mẹ là Anna Wilhelmina Smith, đến từ Long Island, New York, nơi cha bà làm một thuyền trưởng săn cá voi. Người anh chị em duy nhất của ông  hơn tuổi hơn rất nhiều, Laura, người chị cùng cha khác mẹ từ cuộc hôn nhân đầu tiên của cha ông, đã chuyển đi khi George mới chỉ hai tuổi.

Được khuyến khích bởi dì ngoại Elinor của mình, mong muốn trở thành một họa sĩ của Bellows đã được nuôi dưỡng ngay từ khi còn nhỏ. Cậu thường dùng những mảnh giấy thừa lấy từ bàn làm việc của cha để tự tạo ra những bức vẽ của mình, những bức vẽ mà sau đó được những đứa trẻ khác trong khu phố của cậu ưa thích. Khi được đề nghị, Bellows sẽ vẽ cho chúng những bức tranh thường có hàng dài những con thú hoặc những toa tầu. Khi kể về Bellows, một người hàng xóm cũ tên Harriet Kirkpatrick đã nói: “Mỗi khi nghĩ về George, tôi lại nghĩ về một cậu bé nghiêm nghị ngồi trên bậc thềm đá trước nhà của chúng tôi, vẽ trên hàng thước giấy uy băng. Đó là một màn trình diễn theo mệnh lệnh, và chúng tôi sẽ trả công cho cậu ấy với chà là và quả sung”. 

Gia đình của tôi (My Family) (1916) của George Bellows – Bộ sưu tập tư nhân

Niềm đam mê còn lại trong thời thơ ấu của Bellows là thể thao. Không được cao lớn hay cơ bắp khi còn nhỏ, Bellows vẫn tin rằng mình có cơ hội chứng tỏ bản thân là một vận động viên hơn là một họa sĩ. Có lần, khi đang giữ vai trò là trọng tài ghi điểm, ông đã được đưa vào trận đấu khi một trong những cầu thủ thường xuyên của đội không xuất hiện. Ông đã thể hiện tốt đến mức có được một suất cố định trong đội. Nhưng mặc dù Bellows tiếp tục chơi thể thao ở trường trung học, ông vẫn dành nhiều sự quan tâm trong các lớp vẽ hơn, điều mà cha mẹ ông không hề tán thành hay khuyến khích. 

Những đào tạo ban đầu

Mặc dù thiếu sự hậu thuẫn từ gia đình, Bellows vẫn đăng ký vào một trường tại Đại học Bang Ohio vào năm 1901 với ý định học về nghệ thuật. Ông sớm bắt đầu vẽ cho các ấn phẩm của trường và sáng tác một bức tranh sơn dầu đã giành được giải thưởng tại hội chợ cấp bang năm 1903. Sự tận tâm đối với nghệ thuật của ông nồng nhiệt tới mức ông đã từ chối lời đề nghị chơi bóng chày chuyên nghiệp với đội Cincinnati Reds để tập trung vào việc gây dựng sự nghiệp họa sĩ của mình. 

Trong quá trình học chính qui, Bellows nhận ra rằng thứ đào tạo mình nhận được bị hạn chế và quyết định không tham dự kì thi cuối kì năm 1904. Do George cố ý trượt năm nhất, Bellows Senior đã phải chấp nhận sự thật rằng con trai mình nghiêm túc muốn trở thành một họa sĩ và hỗ trợ ông về tài chính khi chuyển đến New York. Sau khi đặt chân tới thành phố New York vào mùa hè năm 1904, việc nghiên cứu hội họa thực thụ của Bellows bắt đầu. Ông đăng ký vào trường Nghệ thuật New York, nơi ông giao lưu với những người bạn cùng lớp bao gồm Edward Hopper, Rockwell Kent và Edward Keefe. Tại đây, ông cũng gặp người vợ tương lai của mình, đồng thời cũng là bạn học hội họa, Emma Louise Story.

Tuy nhiên, ảnh hưởng lớn nhất tại ngôi trường này đến từ hai giảng viên hướng dẫn. Robert Henri đã giúp tập trung định hướng nghệ thuật của Bellows, và cả hai đã dựng xây một tình bạn gắn kết đến cuối đời; Bellows từng tuyên bố rằng “Robert Henri đúng nghĩa là ‘cha tôi'”. Dưới sự chỉ dẫn của Henri, Bellows lần đầu tiên đem đời sống thường nhật của thành phố New York vào trong những bức tranh của mình. Năm 1909, khi Henri chia tay trường Nghệ thuật New York và mở trường Nghệ thuật Henri, Bellows theo ông tới đó. Vị giảng viên hướng dẫn thứ hai, John Sloan, cũng giúp định hình hướng nghệ thuật thời đầu của ông và cả hai sẽ cùng nhau đi tìm kiếm các đối tượng thường ngày của thành phố để vẽ. 

Thời kỳ trưởng thành 

Dù chưa bao giờ là một trong số tám thành viên của nhóm tiến bộ rồi sẽ được biết đến là Bộ Tám (The Eight), nhưng chủ đề gai góc trong các bức tranh của Bellows đã cho thấy sự liên kết của ông với nhóm này. Đạt được danh tiếng chỉ sau một cuộc triển lãm lưu diễn duy nhất năm 1908, Bộ Tám do Henri tập hợp các thành viên lại với nhau và xướng lên một thương hiệu độc đáo của chủ nghĩa hiện thực Mĩ mà sau này mở rộng thành cái được gọi là Trường phái Ashcan. Tuy nhiên, về sau, Bellows cũng đã tham gia một cuộc triển lãm do Henri tổ chức – triển lãm của Các Nghệ sĩ Độc lập (The Exhibition of Independent Artist) khai mạc vào tháng 4 năm 1910. Nó được tổ chức trên tầng ba của một tòa nhà ở 29-31 Phố 35 phía Tây và trưng bày 260 bức tranh, 20 tác phẩm điêu khắc, cùng 219 bản vẽ và bản in. Cuộc triển lãm, mà Bellows cũng ngồi trong ban treo tranh, vốn không phải là một thành công về mặt thương mại nhưng hiện được các nhà sử học coi là một sự kiện mang tính bước ngoặt trong sự phát triển của chủ nghĩa hiện đại Mĩ thời kì đầu.

Chân dung của George Bellows do Robert Henri thực hiện năm 1911, khi Bellows 29 tuổi

Thành công của Bellows trong những buổi triển lãm thuở đầu đã dẫn đến công việc đầu tiên trong số rất nhiều công việc giảng dạy. Trong suốt sự nghiệp của mình, Bellows bổ sung thêm cho nguồn thu nhập của mình nhờ các vị trí giảng dạy và vẽ tranh cho các tạp chí như American Magazine, Harper’s và The Masses. Chức vụ giảng dạy đầu tiên của ông có lẽ chính là công việc quan trọng nhất đối với cá nhân ông, bởi lẽ với tư cách là thầy giáo vào năm 1910 tại Liên đoàn Sinh viên Nghệ thuật, ông đã có thể có đủ tiền và đảm bảo được tài chính để kết hôn với Emma (điều mà ông làm vào tháng 9 năm đó). Tuy nhiên, đám cưới đó đã suýt bị hủy vì Bellows, do quá tập trung vào công việc nghệ thuật của mình, đã dành cả buổi sáng để làm việc trong xưởng vẽ của mình, quên mất thời gian, quên địa chỉ của nhà thờ và chỉ đến nơi vừa kịp giờ làm lễ. Mặc dù vậy, cuộc hôn nhân của hai vợ chồng vẫn hạnh phúc khi có Emma nuôi dưỡng sự nghiệp của ông. Cô và hai người con gái của hai người, Anne sinh tháng 7 năm 1911 và Jean sinh tháng 4 năm 1915, thường trở thành các chủ thể trong các bức tranh chân dung của ông. 

Anne trong bộ đồ trắng (Anne in White) (1920) của George Bellows

Không giống như nhiều nghệ sĩ thời bấy giờ, Bellows chưa bao giờ cảm thấy cần phải đến châu Âu để vẽ tranh; thay vào đó, nguồn cảm hứng của ông đến từ sự đa dạng phong phú có thể tìm thấy ở nước Mỹ. Ngoài sự hấp dẫn của thành phố New York và khoảng thời gian dành để vẽ chân dung, các chủ đề của Bellows thường được lấy từ nhiều địa điểm trong nước mà ông đã đến thăm trong suốt cuộc đời mình; bao gồm California, Catskills, Long Island, Maine và Rhode Island.

Nguyên bản tiếng Anh do Jessica DiPalma tổng hợp và viết, Antony Todd hiệu đính và bổ sung phần tóm lược và các thành tựu. Minx Trần dịch sang tiếng Việt. Hương Mi Lê hiệu đính, viết lời đề tựa, và minh hoạ.

Cùng tác giả

#Tag

George Bellows hội họa Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

Một chút gợi nhớ, một chút bình yên trong tranh của Onyamamoto
Một chút gợi nhớ, một chút bình yên trong tranh của Onyamamoto
Là những phong cảnh đường phố bình dị, các bức tranh của Onyamamoto gợi lên sự bình yên sống động. Không tĩnh lặng nhưng cũng chẳng ồn ào, dường như…
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 2)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 2)
Khi nói về trường phái New York và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20, chúng ta không thể không nhắc tới chương trình giáo dục thiết kế…
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…