Tuyên truyền trong Thế chiến II (Phần 1)

Trong Thế chiến II, tuyên truyền tiếp tục là một công cụ tham chiến quan trọng. Tuy nhiên, đã có những sự thay đổi nhất định trong thông điệp, đặc biệt là với tuyên truyền về sự tàn bạo và tuyên truyền hướng tới phụ nữ. Các chủ đề và giọng điệu đa dạng hơn, kêu gọi các hành động đa dạng hơn và ít đánh động vào ký ức cũng như bộc phát cảm xúc muốn trả thù như Thế chiến I. Sự thay đổi của vai trò giới ở phụ nữ cũng thể hiện rõ ràng qua số lượng lớn thông điệp kêu gọi phụ nữ tham gia tích cực ở nhiều vị trí cả ở tiền tuyến và hậu phương. Trong loạt bài hai phần, chúng ta sẽ tìm hiểu về hai khía cạnh tuyên truyền bôi nhọ và phụ nữ với tuyên truyền thời kỳ Thế chiến II.

Tuyên truyền về sự tàn bạo trong Thế chiến II

Tuyên truyền về sự tàn bạo là tuyên truyền bôi nhọ kẻ thù, có thể dựa trên những sự thật nhưng phần lớn là thông tin được phóng đại và thậm chí là bịa đặt, và vận dụng những định kiến có sẵn trong dư luận. Những tuyên truyền như này được sử dụng trong chiến tranh để bào chữa cho động cơ tham chiến của bên tuyên truyền, đồng thời thúc đẩy tinh thần chiến đấu và phục vụ chiến tranh chống lại quân thù là mối nguy hại. Tuyên truyền về sự tàn bạo đã được vận dụng triệt để vào Thế chiến I, đặc biệt là bởi người Anh. Những người Đức được gọi là quân Hung (Hun) man rợ khát máu và Kaiser Wilhem là “kẻ thù của nhân loại”. Cuộc chiến chống lại nước Đức và các đồng minh Áo-Hung, Phổ,… trở thành cuộc chiến bảo vệ nền văn minh trước sự mất nhân tính.

Tuyên truyền từ phe Đồng minh – từ hài hước đến kinh hoàng

Loạt áp phích nổi tiếng “Trò chuyện bất cẩn trả giá bằng mạng sống” (“Careless Talk Costs Lives”) do Bộ Thông tin Mỹ đặt hàng Fourgasse (Cyril Kenneth Bird) thực hiện đánh dấu một sự khác biệt rõ rệt so với bất kỳ hình ảnh tuyên truyền nào do người Anh sản xuất vào Thế chiến I. 

Trong tấm áp phích đầu tiên này (1940), khung cảnh hiện ra là trên phương tiện giao thông công cộng với hai sĩ quan Đức đang bám theo hai người phụ nữ đang trò chuyện rôm rả. Gã béo tròn là Hermann Göring, người từng giữ chức Phó Thủ tướng Đức dưới quyền của Hitler, và gã gày gò còn lại là Heinrich Himmler, chỉ huy Cảnh sát Đức trong Bộ Nội vụ Đế chế của Đức Quốc xã. Tạo hình hoàn toàn khác xa hình tượng con quái vật Hung ở Thế chiến I, các nhân vật có phần hài hước và cách họ hoàn toàn lộ liễu trong vai trò gián điệp cũng góp phần tạo nên giọng điệu gây cười. Người xem, ở vị trí có khoảng cách nhất định với hiểm nguy, được hy vọng là sẽ hiểu trò đùa ở đây và sẽ không trò chuyện bất cẩn như những người phụ nữ đãng trí trên áp phích.

Trong một áp phích khác thuộc sê-ri, Fougasse khắc hoạ Hitler trong một bối cảnh nghe lén thường nhật khác – từ sau một cửa sổ mở. Mặc dù Hitler phải đại diện cho mối nguy hiểm phổ biến của việc bị nghe lỏm bí mật quân sự, nhưng nom hắn lại khá lố bịch và thậm chí còn hơi giống một con chó đáng hóng chuyện từ trong nhà mình. Tông màu phấn hài hoà gia tăng sự hài hước nhẹ nhàng.

Trong áp phích này, hai người đàn ông thuộc tầng lớp thượng lưu nghĩ rằng mình đã rất thận trọng (đi kèm câu thoại “… chỉ trong bốn bức tường này!”) nhưng hoá ra cũng khờ dại y hệt như những người phụ nữ ở áp phích đầu tiên. Bởi, trên tường chính là Hitler đang nấp sau một bức tranh và hiện lên lố bịch hơn bao giờ hết dưới dạng một chân dung trong trang phục hoàng gia. 

Các áp phích khác, ví dụ như “Hãy coi chừng” của G. Lacoste thể hiện thông điệp tương tự như các áp phích nổi tiếng của Fougasse: hãy cẩn trọng với những gì bạn nói. 

Mức độ nghiêm trọng của mối nguy hiểm thể hiện qua cái nhìn u tối trên khuôn mặt của Hitler với con mắt cụp xuống dẫn ngay mắt người xem tới đôi tai vểnh ra với kích cỡ lớn đang chờ nghe được thông tin quan trọng. Ngay dưới đôi tai đó là lời cảnh báo “Hãy coi chừng” in hoa toàn bộ, đậm, và lớn. (“Beware“). Hình ảnh biếm hoạ và biểu cảm gớm ghiếc trên khuôn mặt bị che khuất một nửa làm nổi bật mối đe doạ. Như thường lệ trong tuyên truyền tàn bạo vào Thế chiến II, nhà lãnh đạo của Đức Quốc xã được sử dụng như một hình ảnh thu nhỏ/một biểu tượng của sự nguy hiểm. Cấu trúc thiết kế mang tính trật tự cao, một bài thơ “rởm”, kết hợp với thứ màu vàng khó chịu của phần nền toát lên một cảm giác đáng lo ngại – thông điệp ở đây có vẻ là người xem đang sống trong một thế giới bị đầu độc.

Trong áp phích “Đừng làm thế, hỡi người mẹ” này, mục đích tuyên truyền là ngăn chặn những người sơ tán trở về nhà của mình ở các khu vực nguy hiểm. Một hình dạng ma quái của Hitler đang cố gắng dụ dỗ một người mẹ đưa con ra khỏi khu vực an toàn. Hitler được khắc hoạ phi hiện thực vì ở dạng một bóng ma, nhưng chỉ thực sự biến dạng ở ánh mắt ác độc, và toàn bộ phần còn lại vẫn gần với thực tế. Như trong những áp phích trước, Hitler bằng cách nào đó đã đi từ Đức và du nhập vào đời sống hàng ngày của người dân Anh, trở thành một mối nguy hiểm cận kề và trực tiếp. 

Như vậy, khác với Thế chiến I cố gắng khắc hoạ quân đội của Đế quốc Đức như lũ quái vật phi nhân hãm hiếp phụ nữ và giết hại trẻ con, Hitler và Đức Quốc xã ở Thế chiến II trở thành một hiểm hoạ khó nắm bắt hình dạng hơn nhưng lại xâm nhập vào thế giới thường nhật. Có nghĩa là, thông điệp chính của Thế chiến II của nước Anh nói riêng và phe Đồng minh nói chung là đánh vào cảm xúc của người dân theo mọi cách có thể, cảnh báo họ về hiểm nguy rình rập để tạo ấn tượng cho họ rằng họ tự nhận thức được vấn đề và chọn hành động tương ứng – theo cách thực ra là do chính phủ lên kế hoạch trước. Điều này khác xa với tuyên truyền sự thù hận và trả thù ở Thế chiến I.

Từ sự hài hước nhẹ nhàng và chủ nghĩa bán hiện thực, chúng ta xem xét tới những sự biến dạng rõ ràng. Như trong áp phích “Phụ nữ Anh Quốc, hãy trang bị vũ khí cho anh ấy” do Bộ Lao động và Dịch vụ Quốc gia xuất bản, chúng ta có một hình ảnh người lính Đức méo mó hơn rất nhiều so với những hình ảnh trước. Khuôn mặt, sự lông lá, và dáng đứng đều giống khỉ, được đóng dấu chữ thập ngoặc, gợi nhớ tới phong cách tạo hình của tuyên truyền trong Thế chiến I. Thú tính của kẻ thù tương phản rõ rệt với cử chỉ nhân tính của người lính Anh đang cầu xin sự giúp đỡ tạo ra tương phản giữa thiện và ác. Tuy nhiên, khác với các áp phích ở Thế chiến I, người xem đáp lại thông điệp cần hỗ trợ của người lính Anh chứ không đơn giản chỉ là thù ghét kẻ địch.

Đi xa hơn một bước trong việc phi nhân hoá và biến kẻ thù thành ma quỷ, nhưng đồng thời là một vấn đề trong nước mà giải quyết được, Uỷ ban Tiết kiệm Quốc gia đã đặt hàng loạt tuyên truyền sử dụng phát minh “bọ phung phí”. Một sinh vật giống một con bọ với sừng quỷ, khuôn mặt giống Hitler, có cái miệng khổng lồ đầy răng được sử dụng trong một sê-ri áp phích và truyện tranh. Con “bọ phung phí” trông giống như một sinh vật trong truyện tranh mặc dù trông quỷ dị: đuôi chẻ ba và thân thể bao phủ bởi hình chữ vạn, tai nhọn, có sừng, đang dụ dỗ một bà nội trợ người Anh phung phí vì lợi ích của Hitler (kẻ thù). Tuy nhiên, con bọ về bản chất là dễ dàng bị dẫm nát và thái độ của người phụ nữ trong áp phích nói trên, cũng giống như trong áp phích có hồn ma Hitler dụ dỗ người mẹ mang con khỏi vùng an toàn, đều có thái độ kiên định chứ không tỏ ra sợ hãi hay dễ dàng bị dụ.

Áp phích “Hãy giết hắn bằng khoản tiết kiệm chiến tranh”. Tuy con bọ trông khủng khiếp hơn, thôi thúc sự căm ghét nhiều hơn, nhưng khả năng bị dẫm nát (bằng cách hành động tiết kiệm, mua trái phiếu, diệt bọ) cũng rõ ràng hơn.
Một hình ảnh phi nhân hoá khác về Hitler trong “Từng chiếc một. Những cái chân của hắn sẽ bị bẻ gãy“. Quyền lực của Đức Quốc xã được khắc hoạ thành những cái chân nhện vươn khắp châu Âu và Bắc Mỹ từ một thân nhện có dấu thập ngược và đầu Hitler. Hình ảnh này thể hiện sự nguy hiểm nhưng là một sự nguy hiểm có thể đánh bại được với những cái chân quá mảnh và đã bị gãy ở một số chỗ. Ngoài ra, áp phích này cũng gợi nhớ tới áp phích Quái vật Anh Quốc của Đức ở Thế Chiến I.
Áp phích “Cái gọi là chủng tộc cao hơn” này mỉa mai một cách nham hiểm khái niệm chủng tộc thượng đẳng – thuyết Aryan ưu việt – của Đức Quốc xã. Sọ người chất thành núi trên biển máu với tên các quốc gia Pháp, Hy Lạp, Ba Lan, Bỉ, Jugoslavia, Ru-ma-ni. Những người lính Đức mặt khỉ trồi lên từ biển máu đỏ và cúi chào Hitler đứng cùng với một con vượn ở đỉnh núi sọ người.
Sự phi nhân hoá đi xa hơn nữa trong bức “Kẻ ăn thịt người” (1942-43). Hitler trở thành một kẻ ăn thịt người đang gặm xương và ngồi trên đống sọ ghi tên các nước khác. Như thể chỉ giết người hàng loạt là chưa đủ. Tuy nhiên, hành động nào có thể được người xem hình dung ngoài sự căm ghét tới mức nổi loạn khi đứng trước một hình ảnh quá ghê rợn như này? Áp phích này đã đi quá xa khỏi tuyên truyền truyền cảm hứng hành động đồng thời đảm bảo chiến thắng quen thuộc của Anh trong Thế chiến II.

Bộ ba nhân vật Hitler – Mussolini – Tojo/Hirohito

Nước Đức là đối tượng bị bôi nhọ nhiều nhất và lãnh đạo của nước Đức là hình ảnh thu nhỏ ưa thích cho cái ác ở cả hai Thế chiến. Tuy nhiên, tại Mỹ, bộ ba lãnh đạo của phe Trục là Hitler – Mussolini – Tojo/Hirohito cũng thường đi với nhau trong các tuyên truyền.

Áp phích năm 1942 của Mỹ “Kẻ thù cười khi bạn lười. Hãy giữ nguyên vị trí. Đừng làm con tàu chậm lại!”. Mục tiêu của nó là nhắc nhở người lính không được biếng nhác và phải luôn sẵn sàng. Kẻ thù được khắc hoạ bằng hình ảnh biếm hoạ của (từ trái qua) Hideki Tojo, Hitler, và Mussolini.

Benito Mussolini là người sáng lập ra chủ nghĩa Phát xít Ý, là lãnh tụ của nước Ý vào thời kỳ Thế chiến II. Đặc điểm nhận dạng của Mussolini trong các bức biếm hoạ là khuôn mặt vuông to lớn khá hung tợn với cái cằm nổi bật và thường đội chiếc mũ fez đặc trưng của Ý.

Nhân vật đại diện cho nước Nhật đôi khi khó phân biệt là Hirohito là Thiên hoàng Chiêu hoà hay Hideki Tojo là thủ tướng của Nhật Bản trong thời kỳ Thế chiến II. Thực tế, hai người này trông cũng khá giống nhau với cặp kính, ria mép, và dáng dấp tương tự. Qua cách miêu tả biếm hoạ của Mỹ, nhân vật đại diện cho Nhật Bản có làn da vàng, khuôn mặt với mắt hí xếch, răng to và lồi ra trông như mặt chuột.

Một số áp phích có sự xuất hiện hình ảnh biếm hoạ của các lãnh đạo phe Trục

Phe Trục – tuyên truyền chống Do thái, Mỹ

Sau khi nắm chính quyền vào năm 1933, Hitler đã thành lập Bộ Tuyên truyền và Khai sáng Dân chúng với Joseph Goebbels là người đứng đầu. Mục đích của Bộ là đảm bảo rằng thông điệp của Đức Quốc xã được truyền đạt thành công thông qua nghệ thuật, âm nhạc, sân khấu, phim ảnh, sách, đài phát thanh, tài liệu giáo dục và báo chí.

Hitler coi nghệ thuật Hiện đại là suy đồi và thay vào đó tôn vinh các loại nghệ thuật cổ điển của Đức như các vở diễn opera của Wagner và tranh phong cảnh Lãng mạn của Caspar David Friedrich khiến tác phẩm của ông đã mang tiếng xấu trong một khoảng thời gian nhất định. Thái độ này, bên cạnh việc có thể là gu nghệ thuật cá nhân của Hitler, có mục đích chính trị rõ ràng là đẩy cao một tinh thần chủ nghĩa dân tộc cực đoan, đẩy cao thuyết thượng đẳng của tộc Aryan ưu việt, và bài Do Thái.

Đằng sau các thế lực thù địch: Người Do Thái

Cụ thể, tuyên truyền của Đức Quốc xã thường miêu tả người Do Thái tham gia vào những âm mưu kích động chiến tranh. Như trong áp phích phía trên, một người Do Thái nhận diện được qua trang phục và chiếc vòng có mặt Ngôi sao David đặc trưng. Người này mang khuôn mặt đầy khả nghi đứng sau kiểm soát các quốc gia Đồng Minh được thể hiện bằng các lá cờ của Anh, Mỹ, và Liên Xô.

Áp phích kết tội người Do Thái năm 1943 của Mjolnir (Hans Schweitzer). “Chiến tranh là do lỗi của hắn ta”  với một bàn tay chỉ thẳng vào một người Do Thái khuôn mặt gian xảo.
Áp phích bộ phim Der ewige Jude (TD: Sự vĩnh cửu của Do Thái), phim được quảng cáo là “phim tài liệu về người Do Thái trên khắp thế giới” nhằm vạch trần ảnh hưởng xấu của chủng tộc Do Thái khi ký sinh vào xã hội Đức.

Tại Nhật, Mỹ là đối tượng thường xuyên bị bôi nhọ như kẻ thù lớn nhất, thậm chí là kẻ thù số một của thế giới, với Roosevelt trở thành hình ảnh thu nhỏ của cả đất nước Mỹ. Nước Nhật biến việc tham gia vào Thế Chiến I thành cuộc chiến chống lại sự đàn áp của nước Mỹ nói riêng và các đế quốc thực dân phương Tây nói chung với Đông Á. Từ trước Thế chiến II, nước Nhật đã đẩy cao học thuyết Đại Đông Á (hay Liên Á – Pan-Asianism). “Khối thịnh vượng chung Đại Đông Á” là khẩu hiệu được nước Nhật trong thời Chiêu hoà đề xướng với tham vọng tạo ra một khối thống nhất các quốc gia Châu Á (do Nhật Bản lãnh đạo) chống lại chủ nghĩa thực dân phương Tây. Như vậy, một mặt, nước Nhật dùng chủ nghĩa này để biện minh cho chính sách xâm lược tại Đông Á và mặt khác, phát động các cuộc chiến chống lại các nước phương Tây. 

Roosevelt, kẻ thù số 1 của Thế giới!
Thủ tướng Roosevelt với làn da tái xám và khuôn mặt cười quỷ dị lộ những chiếc răng nanh

Ngoài ra, nước Nhật cũng có những tuyên truyền phi nhân hoá kẻ thù phương Tây thành những con quái vật lông lá gọi là “oni” phi lý, đói khát quyền lực, và không quan tâm gì ngoài chính mình. Đây có thể coi là một phản ứng đáp trả lại cách nước Mỹ miêu tả người Nhật như chuột hoặc khỉ đặc biệt dựa trên sự khác biệt về hình dạng đôi mắt so với người da trắng.

Nước Mỹ và nước Nhật có những điểm chung nhất định dù nằm ở hai phe tham chiến đối lập trong chiến tranh thế giới lần thứ hai. Đây đều là những quốc gia có quyền lực và sức ảnh hưởng quốc tế tăng vọt vào thời điểm này. Ngoài ra, cả hai đều rất cần những lý do để mang quân tới tham chiến ở những chiến trường xa xôi. Do vậy, lối bôi nhọ kẻ địch như kẻ thù của thế giới hay mối nguy hiểm có thể ập tới nhà (quê hương) nếu không ra tay trước được vận dụng ở cả hai phe.

Hương Mi Lê dịch, tổng hợp, và viết, với các nguồn tham khảo Pacific Atrocities, Arts of War and Peace, Wikipedia, và các nguồn khác.

Cùng tác giả

#Tag

Hương Mi Lê Lê Hương Mi Series Lịch sử thiết kế đồ họa Tuyên truyền trong Thế chiến II

iDesign Must-try

Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
Ben Shahn (Phần 3)
Ben Shahn (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài 3 phần về Ben Shahn, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tác phẩm quan trọng của ông, bao gồm Cầu thang đỏ…