Quasar Khánh - Nhà thiết kế huyền thoại gốc Việt
Nói đến các nhà thiết kế thế kỉ 20, chúng ta biết đến những cái tên nổi tiếng như Alvar Aalto, Le Corbusier, Jean Prouvé,… mà ít người biết rằng có một nhà thiết kế gốc Việt cũng có ảnh hưởng lớn đến thế giới. Đó là Quasar Khánh – kỹ sư, nhà thiết kế, nhà phát minh của những sáng tạo đi trước thời đại.
Quasar Khánh và sự nghiệp thành công ở Pháp
Quasar Khánh, tên khai sinh là Nguyễn Mạnh Khánh, sinh năm 1934 tại Hà Nội. Năm 1949, Quasar theo mẹ sang Paris lúc 15 tuổi để du học. Cha của Quasar là kỹ sư đã qua đời trước khi ông chào đời trong khi đang thi công làm cảng Hải Phòng. Theo bước chân cha mình, Quasar tốt nghiệp ưu tú trường đào tạo kỹ sư “Ecole Nationale des Ponts et Chaussées’’. Năm 1957, ông kết hôn với nhà thiết kế thời trang trẻ Emmanuelle Khánh, và lấy nghệ danh Quasar để bắt đầu sự nghiệp thiết kế, từ đây đánh dấu thời gian cả hai sẽ trở thành một cặp đôi sáng tạo và tiên phong.
Khoảng thời gian Quasar Khánh hoạt động sáng tạo, cũng là giai đoạn bùng nổ tiến bộ khoa học kĩ thuật của Thế Kỷ 20. Sự phát triển về công nghệ, vật liệu, thiết kế, đánh dấu bằng cột mốc Gagarin bay vào vũ trụ, đã làm thay đổi suy nghĩ và tư duy của những nhà thiết kế lúc đó.
Quasar là viết tắt của từ tiếng Anh quasi-stellar object, có nghĩa là Chuẩn tinh, những thiên thể giống sao sáng nhất trên vũ trụ. Cái tên cũng thể hiện cho sự đam mê không gian, cho khát vọng được sáng tạo mãnh liệt của Quasar Khánh.
Quasar Khánh phát triển bộ sưu tập đồ nội thất bơm hơi hoàn thiện đầu tiên vào năm 1967. Bộ sưu tập “Aerospace collection” là kết quả của sự đam mê và đánh dấu một cuộc cách mạng trong thế giới thiết kế vào cuối thập niên 60. Hình dạng tròn và mô – đun của dòng đồ nội thất bơm hơi được lấy cảm hứng từ nghiên cứu hàng không. Chất liệu nhựa trong với Quasar Khánh là sự ẩn dụ về một vũ trụ vô tận không có gì để che giấu mà người ta có thể nhìn thấu tận vào bên trong.
Cùng năm đó, tại một hồ bơi ở Milan nước Ý, Quasar Khánh tổ chức buổi trình diễn thời trang tên là Maison Missoni, nơi ông đã biến điều tưởng tượng của mình về vũ trụ thành hiện thực. Để giới thiệu bộ sưu tập xuân hè, ông cho lắp đặt trên mặt nước ở giữa hồ bơi những căn phòng hình trụ bơm hơi khổng lồ mà ông gọi là “La Maison de l’Espace“. Bên trong căn phòng có ghế bành và sofa bơm hơi bằng nhựa trong suốt. Những người mẫu mặc đồ dạ hội ngồi trong đó, dưới nước có những người thợ lặn mặc đồ vũ trụ đẩy căn phòng khiến nó chuyển động vòng quanh. Cái thế giới nhỏ bé của Quasar Khánh dường như đang bay lên trong không gian.
Với tư cách nhà phát minh, Quasar Khánh có nhiều sáng chế. Chẳng hạn ông tạo ra loại xe hơi hình khối gọi là Quasar Unipower (hay Cube Car), từng được sản xuất tại Anh từ giữa năm 1967 – 1968, báo hiệu trước và rất sớm loại xe hơi thông minh trong đô thị, có hình khối lợp toàn bộ bằng plexiglass để du khách nhìn được toàn bộ khung cảnh xung quanh. Ý tưởng của Cube Car đã ảnh hưởng đến thiết kế của các dòng xe sau này như Smart 1998 của Patrick Le Quément…
Qua nhiều năm, Quasar bổ sung thêm trong bộ sưu tập các thiết kế huyền thoại dòng đồ nội thất bằng nhôm đúc khuôn cát “Nervure” hay sản xuất nguyên mẫu loại thuyền Khanh Hydrair KX1 và QuasarArk Q2.
Hydrair KX1 và QuasarArk Q2 Hydrairbus 100
Quasar Khánh và sự trở về quê hương Việt Nam
Việt Nam cũng là điểm đến cuối đời của ông, sau khi thành công nơi xứ người, muốn trở về để đóng góp cho quê hương mình. Thế nhưng, cũng như cái cách Chuẩn tinh Quasar tỏa sáng trong những hố đen sâu thẳm hàng chục triệu năm, cái khoảng cách giữa tài năng sáng tạo của Quasar Khánh với cái kỷ nguyên mà ông đang sống dù là ở đâu cũng dài vô tận.
Tại Sài Gòn, sau khi ấp ủ hàng chục năm, ông cho ra nguyên mẫu chiếc tàu đệm khí (di chuyển trên bộ và dưới nước với tốc độ 100 hải lý/giờ so với 50 hải lý/giờ của Hải quân Hoa Kỳ). Khi ấy phát minh này đã không được đón nhận mà nay có lẽ sẽ rất cần cho việc “bảo vệ biển đảo”.
Trong thiết kế sản phẩm dân dụng, ông cho ra nguyên mẫu chiếc xe đạp “Bambooclette” – loại xe đạp địa hình có khung bằng tre và mây mà ông đề xuất người Việt nên dùng làm phương tiện giao thông, vừa thân thiện với môi trường, vừa thay thế xe đạp cũ của Trung Quốc.
Một giấc mơ “điên rồ” khác của Quasar: sau khi thăm khu xưởng Ba Son, ông đề xuất dự án mô hình cây cầu cao 40 mét mà ông thiết kế hình xoắn ốc khổng lồ (như một bãi đậu xe) từ phía bờ sông xưởng Ba Son bắc qua khu Thủ Thiêm. Không dừng lại ở đó, ông tiếp tục hình dung ra một mạng lưới các tòa nhà cao tầng xòe ra như cánh quạt từ phía bên kia chiếc cầu, đang chuyển hóa những mái nhà lụp xụp thành một thành phố của ngày mai. Quasar chê trách những thành phố truyền thống ngày càng trở thành nạn nhân của lối tư duy hai chiều, “Hoặc là chúng phình đại ra, như Los Angeles, hoặc tất cả chỉ là những tòa nhà cao tầng nơi người ta sống trong cô lập”.
Dù cho những giấc mơ “điên rồ” cuối cùng của Quasar Khánh đã không trở thành hiện thực ở quê nhà, thế giới vẫn trân trọng những tư duy và phát minh của ông cho thiết kế. Tại Pháp, bảo tàng Pop Ville vẫn trưng bày bộ sưu tập nội thất bơm hơi của Quasar Khánh. Chúng ta ở Sài Gòn có thể được chiêm ngưỡng các bộ sưu tập nổi tiếng khác của ông, như bộ sưu tập “Nervure” ở Boutiques.asia, hay tại phòng trưng bày của Michele de Albert-người chịu trách nhiệm gìn giữ di sản của Quasar Khánh.
Bài viết: Minh Hằng
Bài viết được đăng tải trên group Maybe This Art Should Be Known – Không gian nói và bàn luận cho bất cứ ai yêu nghệ thuật/sáng tạo.
/viết một tay/ là chuyên mục cùng chấp bút dành cho bạn đọc của iD, nhằm trở thành nơi để bạn có thể chia sẻ kiến thức với cộng đồng. Gửi bài viết về [email protected] hoặc tham gia nhóm Maybe This Art Should Be Known
Các bài khác cùng chủ đề
- 1. \viết một tay\ Tản mạn về đá mài - đá rửa: một vật liệu giản dị phổ biến trước 1975
- 2. /viết một tay/ Về cách thể hiện của Dã Thú (Fauvism)
- 3. /viết một tay/ POSTER: Sự hình thành và vấn đề trong cách thể hiện
- 4. /viết một tay/ Van Gogh: Nỗi buồn kéo dài mãi mãi
- 5. /viết một tay/ Nghệ thuật và Thủ Công thời Vitoria - Lý tưởng về sự tỉ mỉ của bàn tay
- 6. /viết một tay/ Những câu hỏi xung quanh “Cái Được Gọi Là Nghệ Thuật”
- 7. /viết một tay/ Cuối cùng thì Ký tự pháp (Typography) là gì?
- 8. /viết một tay/ Ấn Tượng và tại sao hội họa không còn giống thật?
- 9. /viết một tay/ Kỹ thuật in ấn và sự phát triển của ký tự pháp đã dân chủ hóa chữ viết như thế nào?
- 10. /viết một tay/ Tôi đã tìm thấy Emil Nolde trong ánh mắt của bà T.