/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Vincent Van Gogh
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ có ảnh hưởng đặc biệt đến lịch sử nghệ thuật thế giới, qua đó giúp ta dễ dàng tiếp cận và thấu cảm đến nghệ thuật mà họ tạo ra. Một số tranh kể lại cuộc đời đầy gian truân của các họa sĩ, số còn lại phản chiếu cách họ không ngừng tiếp cận và thể nghiệm với các phong cách nghệ thuật khác nhau.
Tóm lược về Vincent Van Gogh
Vincent Van Gogh là con của một vị mục sư, sinh ra ở Zundert, Hà Lan. Trước khi cống hiến mình cho hội họa, ông đã thử rất nhiều nghề, bao gồm nhà môi giới nghệ thuật, giáo viên, người truyền giáo. Nhưng do gặp khó khăn trong việc hòa đồng với con người, nên ông gặp hết thất bại này tới thất bại khác. Tất cả tranh của Vincent vẽ trong giai đoạn 1880 – 1890, với những bức nổi tiếng nhất được thực hiện trong một vài năm cuối cuộc đời ngắn ngủi của ông.
Những bức tranh tự họa tiêu biểu
Có đến hơn 35 bức tự họa của Vincent, nhưng chỉ có một bức ảnh chân dung của ông được lưu giữ. Bức ảnh cho thấy ông ở tuổi 19 với một biểu cảm hơi cứng nhắc.
Gần như mọi thông tin khác về diện mạo của ông đều đến từ những bức tự họa ông vẽ. Chúng cho chúng ta biết rằng ông có mái tóc đỏ, mắt màu xanh lá cây và một khuôn mặt góc cạnh. Tuy vậy, mỗi khuôn mặt đó lại khác nhau.
Vincent vẽ chân dung tự họa không phải vì ông ấy viễn vông
Vincent thực hiện những bức chân dung tự họa của mình vì ông muốn thực hành vẽ người. Phần lớn trong số đó – trên 25 tác phẩm – được thực hiện khi ông ở Paris (1886 – 88). Thời gian đó, ông đang thiếu tiền và phải chật vật tìm người mẫu. Vì vậy, nghệ sĩ đã chọn giải pháp đơn giản nhất là tự vẽ mình.
Để tiết kiệm tiền, thỉnh thoảng, ông vẽ chân dung tự họa lên mặt sau những bức tranh khác. Bằng cách đó, ông đã tránh được khoảng chi phí để thuê người mẫu và chi phí đắt đỏ của vải canvas. Bạn có thể thấy năm bức chân dung tự họa như vậy trong bộ sưu tập trực tuyến của Bảo tàng Van Gogh.
Vào tháng 7 năm 2022, một bức chân dung tự họa Vincent đã được phát hiện trong bộ sưu tập của Phòng trưng bày Quốc gia Scotland ở Edinburgh. Bức tự họa được tìm thấy bằng phương pháp chụp X-quang bức “Head of a Peasant Woman” 1885 của ông.
Bị giấu kín trong hơn một thế kỷ, bức chân dung tự họa nằm ở mặt sau bức tranh “Head of a Peasant Woman”, được bao phủ bởi nhiều lớp keo và bìa cứng. Các chuyên gia tin rằng những vật liệu này đã được sử dụng trước một cuộc triển lãm vào đầu thế kỷ XX. Van Gogh thường tái sử dụng tranh vẽ để tiết kiệm tiền.
Những bức chân dung tự họa cho chúng ta biết điều gì đó về tính cách của Vincent
Vincent thường thể hiện mình là người có tính kiềm chế và nghiêm túc trong các bức chân dung tự họa về mình, với trạng thái luôn tập trung trên khuôn mặt. Tuy nhiên, một phần nào đó trong tính cách của Vincent có thể được tìm thấy trong mỗi bức tự họa của ông. Ở bức tự họa cuối cùng ông vẽ ở Paris, ông mô tả mình “khá tồi tàn và buồn bã […] một cái gì đó giống như, khuôn mặt của – cái chết”. Đó là trạng thái Vincent cảm thấy vào thời điểm đó: mệt mỏi cả về tinh thần lẫn về thể chất.
Ba bức chân dung tự họa gợi ý về căn bệnh của Vincent
Họa sĩ Hậu Ấn tượng người Pháp Paul Gauguin nhận lời mời của Vincent và tới thăm ông ở Arles. Vincent ngưỡng mộ Gauguin và nghệ thuật của họ ảnh hưởng lẫn nhau. Nhưng không lâu sau khi Gauguin chuyển đến Arles, họ gây gổ với nhau một cách nặng nề. Sau cuộc cãi vã với Gauguin, ngày 23.12.1888, Vincent với xu hướng tự hủy hoại đã cắt bỏ gần như toàn bộ tai trái của mình, bọc lại và gửi cho một cô gái điếm mà ông là khách quen. Sau vụ việc, Vincent phải chịu đựng những cơn co giật và ảo giác ngắt quãng; hoàn toàn nhận thức được tình trạng của mình, ông tình nguyện nhập viện ở Arles.
Đây được xem là cú sốc đầu tiên trong một loạt sự suy sụp tinh thần trong ông. Ông không muốn thảo luận về sự việc trong những lá thư của mình, nhưng ông đã “báo cáo” về nó trong hai bức tự họa.
Tuy vậy, Vincent không miêu tả mình là một người bệnh tật, suy sụp vì mục đích gây ảnh hưởng hoặc khơi dậy lòng thương hại. Ông tin rằng hội họa sẽ giúp ông chữa lành. “Anh giữ mọi hy vọng tốt đẹp”, ông viết cho Theo, em trai của mình.
Kết luận
Các bức tranh tự họa của Vincent vẽ ra hình ảnh về một người đàn ông, người trở thành biểu tượng của một nghệ sĩ thiên tài nhưng đau khổ. Nhiều nghệ sĩ đã lấy cảm hứng từ những bức chân dung tự họa của Vincent và chúng đã được sao chép vô số lần kể từ đầu thế kỷ 20.
Nhưng trên hết, ngoài chùm tranh tự họa mình, tranh của Vincent phản ánh tính cách mãnh liệt và đam mê của ông, năng lượng lo âu của ông xuất hiện trong những nét cọ ngắn và đứt gãy. Ông đặt cảm xúc của mình vào từng bức tranh, bất kể đề tài là gì. Theo nghĩa này, tất cả các tranh của ông đều là tranh tự họa – không vẽ về đề tài tự nhiên mà là về tình trạng cảm xúc nội tại.
Dịch, tổng hợp và biên tập: May
Thiết kế: Uyên Nguyễn
Nguồn tham khảo:
- Janetta Rebold Benton (2023), Để hiểu nghệ thuật, Nhà xuất bản Thế giới
- https://www.vangoghmuseum.nl/en/art-and-stories/stories/all-stories/5-things-you-need-to-know-about-van-goghs-self-portraits