/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Rembrandt 

Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ có ảnh hưởng đặc biệt đến lịch sử nghệ thuật thế giới, qua đó giúp ta dễ dàng tiếp cận và thấu cảm đến nghệ thuật mà họ tạo ra. Một số tranh kể lại cuộc đời đầy gian truân của các họa sĩ, số còn lại phản chiếu cách họ không ngừng tiếp cận và thể nghiệm với các phong cách nghệ thuật khác nhau. 

Trong gia tài đồ sộ bao gồm hơn 600 bức tranh sơn dầu, 1.300 bức tranh khắc, 2.000 bức phác thảo… của Rembrandt, còn có khoảng 80 bức chân dung ông tự họa mình, từ khi còn là một thanh niên tràn đầy sức lực cho đến khi trở thành một ông già đau khổ. 

Tóm lược về Rembrandt

Cuộc đời đầy biến động của Rembrandt Harmenszoon van Rijn, một họa sĩ, một tài năng trong việc thể hiện các bản vẽ và một nghệ sĩ khắc axit bậc thầy, là điển hình cho sự sống động và đa dạng của thị trường nghệ thuật Hà Lan trong thế kỷ 17. 

Rembrandt là họa sĩ có tài thiên phú, lập nghiệp khi còn rất trẻ và rất sớm thành danh, song cuộc đời không ít thăng trầm, sóng gió. Vượt qua tất cả những bi kịch cá nhân, Rembrandt không bao giờ rời xa cây cọ và giá vẽ.

Ba đề tài chính trong suốt sự nghiệp sáng tác của Rembrandt là tranh chân dung, tranh phong cảnh và tranh minh họa. Với giới nghệ thuật và tôn giáo đương thời, ông được coi là bậc thầy của các bức tranh minh họa Kinh Thánh trong việc miêu tả cảm xúc và các chi tiết.

Những bức tranh tự họa tiêu biểu

Các nhà nghiên cứu hội họa cho rằng Rembrandt không những nổi tiếng bởi tranh sơn dầu, tranh khắc bản, mà còn nổi tiếng “là người mẫu kiên nhẫn nhất thế giới”. Ông tự ngắm mình qua gương, vẽ nên khoảng gần 100 bức. 

Chân dung tự họa khi còn trẻ (Self – portrait as a Young Man), k. 1628

Sơn dầu trên ván gỗ, Bảo tàng quốc gia, Amsterdam, Hà Lan, 22,5 x 18,6 cm. Nguồn ảnh: Internet

Rembrandt có tài năng để trở thành nghệ sĩ và có sự khoa trương để trở thành một nghệ sĩ thành công về mặt thương mại. Sau thời gian học việc ở Amsterdam với Pieter Lastman – một người sáng tác theo phong cách của họa sĩ Baroque người Ý Michelangelo Merisi da Caravaggio (1571-1610) – người ta kỳ vọng ông sẽ tìm ra cách làm chủ kỹ thuật của cả hai nghệ sĩ, trước khi sáng tạo ra phong cách riêng của ông. Những bức tranh thời kỳ đầu của ông chủ yếu về đề tài tôn giáo, như Ném đá Thánh Stephen, 1625. Ông không ngừng rèn luyện nghệ thuật của dòng tranh chân dung và nhiều lần vẽ hình, thực hiện tranh khắc axit cũng như họa chân dung của chính mình.

Người nghệ sĩ trong xưởng vẽ của mình (Artist in his studio), k.1628

Sơn dầu trên ván gỗ, Bảo tàng Mỹ thuật, Boston, Massachusetts, Mỹ, 25,1 x 31,9 cm. Nguồn ảnh: Internet

Một giá vẽ chiếm phần lớn tiền cảnh bên phải trong bức chân dung tự họa của Rembrandt tại xưởng của ông. Phía bên trái,  hình dáng nhân vật người nghệ sĩ lùi lại phía sau để ngắm bức tranh. Rembrandt nói rằng các tranh của ông tốt nhất nên được quan sát từ xa. Ánh sáng tràn ngập căn phòng từ một nguồn sáng không thể nhìn thấy, biểu thị khoảng cách giữa giá vẽ và họa sĩ. Người nghệ sĩ cầm bảng pha màu, que vẽ và những cây bút lông. Từng đồ vật đều có liên quan đến nghề nghiệp của người nghệ sĩ: Miếng đá mài phía sau nhân vật dùng để trộn màu, các bảng pha màu dự phòng được treo ở chiếc đinh trên tường, cùng các lọ đựng dầu và véc-ni ở trên bàn. 

Chân dung tự họa với chiếc mũ nồi gắn lông vũ (Self – portrait with Plumed Beret), 1629

Sơn dầu trên ván gỗ, Bảo tàng Isabella Stewart Gardner, Boston, Massachusetts, Mỹ, 89,7 x 73,5 cm. Nguồn ảnh: Internet

Đây là một bức chân dung xuất sắc vẽ người nghệ sĩ đội trên đầu một chiếc mũ nồi gắn lông vũ được kéo về phía trước, giữ cho mái tóc xoăn của ông gọn gàng. Ông đối mặt với người xem ở tư thế nghiêng ba phần tư. Bên trên chiếc áo choàng màu vàng  mù tạt mà ông mặc là một chuỗi dây bằng vàng theo kiểu cách của các thị trưởng. Trên cổ ông diện một chiếc khăn quấn gọn, loại chỉ vàng của vải dệt nổi bật dưới luồng sáng mạnh tập trung ở phần đầu và vai. Tác phẩm là một bức “tronie” (tranh vẽ một nhân vật vô danh, dù ta biết đó là Rembrandt). Tư thế tạo dáng trang trọng có lẽ có liên quan đến vị thế vừa được nâng cao của Rembrandt nhờ việc giao thiệp với Constantijn Huygens, thư ký cho Frederik Hendrik, Thân vương xứ Orange.

Chân dung tự họa (Self-portrait), 1630 

Sơn dầu trên tấm đồng, Bảo tàng Quốc gia, Stockholm, Thụy Điển, 15,5 x 12 cm. Nguồn ảnh: Internet

Bức chân dung tự họa khổ nhỏ này được vẽ bên trên tấm đồng có phủ một lớp vàng lá mỏng; bố cục tranh tương tự với hai tác phẩm khác trong cùng thời kỳ, Người phụ nữ lớn tuổi đang cầu nguyện (Old Woman at Prayer, k.1629 -1630), và Người đàn ông đang cười (l.1629-1630). Rembrandt  dùng những nét bút nhỏ, gọn gàng cho khu vực khuôn mặt và những nhát bút thưa, lớn hơn cho phần trang phục. Lớp vàng lá bên trên tấm đồng mang đến vẻ sang trọng bóng bẩy cho làn da, làm nổi bật đôi mắt đầy cảnh giác và biểu cảm quả quyết của người mẫu. Tác phẩm được vẽ khi Rembrandt ở trên đỉnh cao của sự nghiệp đang phát triển nhanh chóng, người nghệ sĩ trông tự tin trong bức Chân dung tự họa này. Bố cục tranh có liên quan đến những bức chân dung tự họa khác của ông trong năm 1629 và 1630, ngoại trừ việc ông sử dụng tấm đồng. Bức chân dung này có lẽ là một tác phẩm thử nghiệm, để kiểm tra khả năng áp dụng màu lên bề mặt vật liệu.

Chân dung tự họa (Self-portrait), 1632

Sơn dầu trên ván gỗ, Bộ sưu tập Burrell, Glasgow, Scotland, Vương Quốc Anh, 63,5 x 46,3 cm. Nguồn ảnh: Internet

Rembrandt ăn diện trang trọng, bộ quần áo của một quý ông bao gồm chiếc mũ rộng vành thời thượng với băng mũ màu vàng kim, chiếc áo bó dành cho nam với khuy áo bằng vàng mặc bên dưới chiếc áo choàng  không tay bằng len và nhung, cùng phần cổ áo xếp nếp trắng tinh phủ bên trên trang phục. Bức chân dung được vẽ trong khoảng thời gian Rembrandt chuyển từ Leiden đến Amsterdam. Bức họa cho thấy một chàng trai trẻ thành đạt, có kỹ năng trong nghề vẽ của mình. Mái tóc ngắn hơn bộ ria mép và bộ ria được cắt tỉa làm thay đổi diện mạo của ông, khác với vẻ ngoài phóng khoáng trong những tranh tự họa trước đó.

Cuối thập niên 1640, một cô gái người Hà Lan 23 tuổi, Hendrickje Stoffels, trở thành người vợ không hôn thú của Rembrandt, sinh hạ con gái của họ, Cornelia, vào năm 1654. Niềm hạnh phúc từ sự ra đời của đứa bé mang đến đã bị lu mờ bởi việc ông vỡ nợ. Bất chấp những vấn đề của mình, ông tiếp tục tạo ra những bức tranh xuất sắc, thu hút người của hoàng gia tìm đến ngưỡng của nhà ông. Cho đến tận khi ông mất vào năm 1669, ông vẫn tiếp tục vẽ những bức chân dung cá nhân về gia đình mình và về chính ông.

Chân dung tự họa với hai vòng tròn (Self-portrait with Two circles), k.1665-1669

Sơn dầu trên toan. Bộ sưu tập The Iveagh Bequest (Tài sản thừa kế từ lãnh chúa Iveagh), Dinh thự Kenwood, London, Vương quốc Anh, 114,3 x 94 cm. Nguồn ảnh: Internet

Một trong những chân dung tự họa cuối cùng của Self-portrait, khuôn mặt của ông ủ rũ với đôi mắt hướng thẳng về phía khán giả. Tuy nhiên, đây được đánh giá là một trong những bức chân dung tự họa tuyệt đẹp của Rembrandt. Ông đứng nhìn về phía người xem, cầm những món đồ nghề trên tay. Ông đội trên đầu chiếc mũ của người họa sĩ và mặc bộ quần áo làm việc. Ý nghĩa của hai đường tròn phía sau vẫn tiếp tục gây nên tranh luận. Các đường tròn có thể là một phần trong trang trí căn phòng ở xưởng của ông, do chính ông vẽ.

Chân dung tự họa ở tuổi 63 (Self-portrait at the Age of 63), 1669

Sơn dầu trên toan, Phòng trưng bày nghệ thuật quốc gia, London, Anh, 86 x 70,5 cm. Nguồn ảnh: Internet

Bức ở trang trại này là một trong những bức cuối cùng, được vẽ năm 1669, năm mà ông qua đời. Đó là một thời kỳ cô đơn khi cả con trai ruột Titus và Stoffels – người mẫu (cũng là tình nhân và mẹ kế của Titus) đều lần lượt qua đời. Stoffels mất vào năm 1663 và Titus mất vào năm 1668 khi chỉ mới 26 tuổi. Rembrandt mất 13 tháng sau cái chết của con trai và được chôn cất trong mộ của một người nghèo. Cho tới cuối cùng, Rembrandt vẫn là “chúa tể của ánh sáng”: cách ông xử lý màu vẫn ở hàng bậc thầy, những kết cấu chất liệu khác nhau được nhấn mạnh, màu sắc vẫn sáng và bóng. Nhưng các đường viền lỏng tay hơn, những nét cọ rộng hơn, bề mặt không mịn như những bức tranh thời kỳ đầu, sử dụng impasto (1) dày và thành thạo hơn.

Kết luận

Những năm cuối đời, Rembrandt vẫn tiếp tục nhận được các đơn đặt hàng lớn, nhưng phong cách của ông ngày càng hướng nội và ông làm việc để thỏa mãn các tiêu chuẩn của chính mình hơn là của các nhà bảo trợ. 

Trong suốt những năm tháng thực hành nghệ thuật, Rembrandt đã không ngừng ghi lại những thay đổi cuộc đời mình qua loạt tranh chân dung tự họa. Qua đây, hậu thế có thể hình dung những thăng trầm, biến đổi trong cuộc đời vị họa sĩ. Khi còn là thanh niên, Rembrandt vẽ mình là một người dè dặt, khiêm tốn, lúc trưởng thành là một người có sự nghiệp, tự tin trong công việc. Còn những bức chân dung khi về già lộ rõ vẻ nghèo đói, khô kiệt, không tham vọng, bất hạnh trong cuộc sống lứa đôi.

Tổng hợp và biên tập: May

Thiết kế: Uyên Nguyễn

Chú thích:

(1) Impasto là một kỹ thuật được sử dụng trong hội họa, trong đó sơn được phủ dày trên một diện tích bề mặt, thường đủ dày để có thể nhìn thấy các nét vẽ hoặc dao vẽ

Nguồn tham khảo:

  1. Janetta Rebold Benton (2023), Để hiểu nghệ thuật, Nhà xuất bản Thế giới
  2. Rosalind Ormiston (2022), Rembrandt – Cuộc đời và tác phẩm qua 500 hình ảnh, Nhà xuất bản Thế giới
  3. Batsana (2011), Danh họa Rembrandt, https://idesign.vn/eco-art/i-gallery/danh-hoa-rembrandt-20827.html

Cùng tác giả

#Tag

danh họa may rembrandt Series Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ? Tranh chân dung tự họa

iDesign Must-try

Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sự náo nhiệt, hối hả và phần nhìn vô cùng đặc trưng của đường phố Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho những nhà sáng tạo Việt.…
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
A’ Design Award & Competition – Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ theo đuổi mục tiêu vinh danh các công trình thiết kế xuất sắc đã được đề…
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
Những mảng xanh trùng điệp yên bình của vùng đất nông nghiệp Palouse 
Những mảng xanh trùng điệp yên bình của vùng đất nông nghiệp Palouse 
Những ngọn đồi thoai thoải ở vùng Palouse miền bắc Hoa Kỳ với đất đai màu mỡ là kết quả của hoạt động núi lửa cổ xưa và xói mòn…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Picasso
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Picasso
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…