Maybe bạn nên .. Đi! Tháng 05/2024
/Maybe bạn nên … Đi/ là series giới thiệu những sự kiện nổi bật trong tuần hoặc trong tháng mà bạn không nên bỏ lỡ
1. Triển lãm ‘Người Phá Rào, Kẻ Nổi Loạn Và Gã Lập Dị’
“Người Phá Rào, Kẻ Nổi Loạn Và Gã Lập Dị” giới thiệu các tác phẩm của Lê Công Thành, Vũ Dân Tân, Trần Trung Tín, Nguyễn Mạnh Đức, Trương Tân, Nguyễn Minh Thành, Nguyễn Văn Cường, và Nguyễn Quang Huy tại The Outpost, mượn từ bộ sưu tập Nguyen Art Foundation.
Tiếp nối suy tư về cách các nghệ sĩ vẫn luôn bền bỉ sáng tác và thử nghiệm trong bối cảnh hạ tầng nghệ thuật còn nhiều thiếu hụt, đặc biệt là trong giai đoạn khởi thuỷ của nghệ thuật đương đại (tạm lấy mốc 1990s), The Outpost nghĩ về sự ra đời và mối liên hệ giữa các tổ chức nghệ thuật trong bối cảnh hiện tại. Nếu ở phạm vi cá nhân, những người thực hành nghệ thuật đã từng cùng chia sẻ nguồn lực và thúc đẩy sự phát triển, thì ở quy mô lớn hơn, các tổ chức có thể cùng nhau vun đắp cho quang cảnh nghệ thuật Việt Nam như thế nào? Hướng về nhau như những đồng sự (peer), The Outpost đặt ra câu hỏi: khi hai bộ sưu tập nhìn về nhau thì nhìn thấy gì? Bằng cách nào các tổ chức có thể cộng hưởng trong việc viết tiếp những trần thuật đa chiều, soi rọi vào các khía cạnh khác của tác phẩm khi trưng bày chéo bộ sưu tập của nhau? Đây là tiền đề của đề xuất hợp tác trưng bày giữa The Outpost (TO) và Nguyen Art Foundation (NAF).
Từ bộ sưu tập của NAF, chúng tôi chọn mượn và trưng bày tác phẩm của các nghệ sĩ nổi bật trong những chuyển động nghệ thuật tại Hà Nội từ sau Đổi Mới cho tới những năm 2000. Giai đoạn này được nhiều người quan sát và nhà nghiên cứu nhìn nhận như buổi bình minh của nghệ thuật đương đại Việt Nam, với sự xuất hiện của những nghệ sĩ thử nghiệm với các hình thức biểu đạt thẩm mỹ ngoài khuôn khổ mà nhà trường giảng dạy hay được định chế văn hoá cổ vũ. Họ được ví như những chân dung tiên phong (avant-garde). “Avant-garde” là thuật ngữ phổ biến được sử dụng để chỉ những suy tưởng, tác phẩm hay đề xuất thẩm mỹ táo bạo, đi trước thời đại. Cách gọi tên này tuy có phần chính đáng nhưng chưa thực sự thỏa đáng. Bởi lẽ khi nghĩ tới từ ‘tiên phong’, người nghe thường chỉ chú tâm tới những hình thức biểu đạt hoàn toàn mới. Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam dè dặt bước vào thời kỳ Đổi Mới, ‘tiên phong’ không chỉ là sự phá rào trong nỗ lực đổi mới ngôn ngữ nghệ thuật, hay sự nổi loạn khi nghệ sĩ phá vỡ ranh giới cố hữu của thực hành nghệ thuật, mà còn là sự kiên định dị biệt trong việc sống và sáng tạo ‘lệch’ ra khỏi những tiêu chuẩn xã hội.
Trong giới hạn của một bộ sưu tập tư nhân, triển lãm này chỉ có thể rọi vào một lát cắt khiêm tốn về những thực hành hàm chứa tinh thần ‘mở đường’ ở các mảng khác nhau của bức tranh ghép tràn đầy không khí của một giai kỳ nghệ thuật. Ở đó, ta đều thấy ít nhiều nỗ lực cơi nới không gian sáng tạo của một ‘người phá rào’, cảm nhận một chút tinh thần phản biện của một ‘kẻ nổi loạn’, hay cá tính khác với số đông của một ‘gã lập dị’.
- Thời gian: từ 07.05 – 28.07.2024
- Giờ mở cửa: 10:00 – 20:00, Thứ Ba – Chủ Nhật (giờ hoạt động mùa hè)
- Địa điểm: Trung tâm nghệ thuật The Outpost, Roman Plaza Tháp B1 (Tầng 2), Tố Hữu, Hà Nội
- Vé tham quan: Mua tại quầy lễ tân (024.2226.6888)
- Giá vé: 60k (tiêu chuẩn); 40k (sinh viên, học sinh); miễn phí (người già >65 tuổi và trẻ em <6 tuổi)
Nguồn: The Outpost Art Organisation
2. Triển lãm ‘Tái Hình Lập Ảnh | Image Reconstructed’
Triển lãm kỹ thuật số mang tên “Tái Hình Lập Ảnh” giới thiệu các tác phẩm kinh điển của trường phái Lập thể, một trong những phong trào hội họa mang tính cách mạng của lịch sử nghệ thuật, với hơn 130 bức tranh của sáu nghệ sĩ nổi tiếng thế giới: Pablo Picasso, George Braque, Jean Metzinger, Fernand Leger, Marie Laurencin và Marcel Duchamp.
Chủ nghĩa Lập thể là một trường phái mang tính cách mạng trong bối cảnh nghệ thuật đầu thế kỷ 20, được khởi sinh từ bộ óc sáng tạo của Pablo Picasso (người Tây Ban Nha, 1881–1973) và Georges Braque (người Pháp, 1882–1963). Bản thân tên gọi “Chủ nghĩa lập thể”, do nhà phê bình người Pháp Louis Vauxcelles đặt ra, xuất hiện từ những bức tranh phong cảnh trừu tượng của Braque năm 1908, trong đó các dạng hình học mang hình dáng hình khối.
Các vật thể được chia nhỏ và được tưởng tượng lại, bản chất của chúng được chắt lọc thành các mảnh hình học trôi dạt trong một không gian mở rộng, trên bề nổi như tính chất phù điêu. Cùng sự phát triển của chủ nghĩa Lập thể, những vật thể có thể nhận biết được ban đầu hoà tan vào một chiếc kính vạn hoa bao gồm những mặt phẳng chồng chéo và những tông màu đơn sắc, tiêu biểu là những tác phẩm bí ẩn của Picasso và Braque trong giai đoạn Chủ nghĩa Lập thể Phân tích (1910–12).
Dù mang tính chất trừu tượng, Chủ nghĩa Lập thể vẫn giữ được vẻ bề ngoài của các họa tiết dễ nhận biết, từ tĩnh vật đến hình dáng con người, thường đan xen với các chữ cái mang tính biểu tượng. Tinh thần tiên phong của Picasso và Braque đã vang dội khắp các châu lục, truyền cảm hứng cho rất nhiều nghệ sĩ—từ Jean Metzinger, Fernand Leger đến Marcel Duchamp. Bên cạnh đó, sự lựa chọn và giới thiệu các tác phẩm mang thẩm mỹ độc đáo của Marie Laurencin, nữ nghệ sĩ duy nhất góp mặt vào triển lãm, là một nỗ lực tìm kiếm và công nhận đóng góp thường bị bỏ qua của các nghệ sĩ nữ trong biên niên sử của lịch sử nghệ thuật toàn cầu.
Tại triển lãm, các tác phẩm sẽ được hiển thị luân phiên và tự động thông qua các phương tiện trình chiếu đa dạng với độ phân giải cao và kích thước khác nhau. Trong không gian được thiết kế tối giản với mọi nguồn sáng được tiết chế để chỉ tập trung vào tác phẩm, những bức tranh trở thành đối tượng nổi bật và sống động duy nhất, lôi cuốn người xem vào một vũ trụ hội họa đầy phong phú và kinh ngạc giữa những đối thoại của đường nét, hình khối, màu sắc.
- Thời gian: 20.04 – 16.06.2024
- Giờ mở cửa: 10:00 – 21:00
- Địa điểm: Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom (VCCA)
B1–R3, Vincom Mega Mall Royal City, 72A Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội
- Giá vé:
50.000VND/ người lớn
40.000VND/ vé học sinh, sinh viên (áp dụng khi xuất trình thẻ học sinh, sinh viên); vé trẻ em (chiều cao dưới 1,3 m)
- Cách thức mua vé: đặt vé trực tuyến tại link https://bit.ly/taihinhlapanh hoặc mua vé trực tiếp tại quầy để vào tham quan triển lãm
Nguồn: VCCA Vincom Center for Contemporary Art
3. Triển lãm ‘Đoạn Phiến | Thuật’: Suy niệm về thực tại mong manh
Triển lãm “Đoạn Phiến | Thuật” trưng bày các tác phẩm tranh lụa trong giai đoạn sáng tác thứ hai của hoạ sĩ trẻ Lê Nguyễn Minh Như. Thực hành nghệ thuật của Minh Như có thể ví như một chiếc phễu nhỏ, nơi những suy niệm, hoài nghi về bản sắc và thực tại được giãi bày từ tốn, rỉ rả nhưng gạn lọc và sâu xa.
Gọi tên triển lãm là “Đoạn Phiến | Thuật” thực chất chính là gọi tên kỹ thuật truy vết sáng tạo của Minh Như. Từ năm 2021, nữ hoạ sĩ đã thực hành ghi chép lại những mảnh vỡ của giấc mơ để truy xét sự mơ hồ của cuộc sống. Cũng như Carl Jung xem giấc mơ là lăng kính thấu thị vô thức tập thể lẫn phức cảm cá nhân, Minh Như diễn dịch giấc mơ để chạm đến những ẩn ức sâu xa trong lòng, từ đó đến gần hơn với sự thành toàn. Vô thức bật ra trong mộng mị, nay được tư liệu hoá dưới dạng thức chữ và hình đầy đứt gãy, để rồi khi cảm thức tròn đầy, Như tự do liên tưởng, ghép nối các chủ thể với nhau trong một bối cảnh tổng hợp rời xa mặt nghĩa biểu trưng thông thường. Trong thời khắc ấy, cô vẽ như một lẽ phải xảy ra, khó lòng né tránh.
Trở đi trở lại trong những bức hoạ của Minh Như là hình ảnh phóng chiếu tự mình, vừa thấp thoáng đồng hiện với dáng hình tha nhân qua những lọn tóc đan bện nối kết. Minh Như luôn nhìn mình trong sự kết nối với tha nhân, nhìn ký ức cá nhân trong tương quan với ký ức tập thể để tri nhận một sự lệch khớp, bấp bênh, hoang mang hay lạc lõng. Cảm thức hoài nghi ấy cũng từng hiện hữu trong tranh của hoạ sĩ Nhật Bản Tetsuya Ishida, nơi những nhân vật đồng thả trôi cái nhìn lưng chừng giữa không gian và thực tại thì suy tàn đứt gãy. Tất thảy hồi quy về “ký ức của những người buộc phải chịu đựng sức nặng của sự tồn tại hiện sinh” (chữ của Như).
- Thời gian: 27.04 – 01.06.2024
- Giờ mở cửa: 12:00 – 22:00 Thứ Ba – Chủ Nhật
- Địa điểm: Ô Art Bar – 292/15 Điện Biên Phủ, Phường 17, Quận Bình Thạnh, TP.HCM
- Miễn phí vé vào cửa
Nguồn: Ô Art bar
4. Triển lãm ‘Ngân Nga Ở Đoạn Cuối Cơn Mơ | Humming At The End Of A Dream’
“Ngân nga ở đoạn cuối cơn mơ” là triển lãm cá nhân của Nghĩa Đặng, khảo sát mối quan tâm bền bỉ của nghệ sĩ xoay quanh cách tâm trí được kiến tạo, cũng như khả năng tạo tác hình ảnh của trí óc. Tiêu đề triển lãm ám chỉ cảm giác mông lung vô định, vấn vương khó tả khi ta thức dậy sau những trạng thái ngủ. Hồi ức mơ hồ, cảm giác xen lẫn cảm xúc chòng chành, tàn tích của những biểu tượng khi ta cập bờ tỉnh giấc. Cảm giác sắp vén màn bí mật nhưng chẳng bao giờ chạm tới khẳng định, giống như khi nghe một giai điệu ai đó ngân nga – liệu đây có phải…? Chắc ta chẳng bao giờ biết, nhưng ta đang tiến lại gần hơn. Hành trình nghệ thuật của Nghĩa Đặng cũng là sự phát triển kiên định của những câu hỏi này. Khung thực hành của anh dựa trên ghi chép của các nhà phân tâm học Lacan và Jung. Nghệ sĩ không đơn giản sáng tạo theo bản năng hay hướng đến giải tỏa, mà thông qua việc sử dụng chính bản thân mình như chủ thể trong thực hành, người nghệ sĩ có thể thấu rõ và mổ xẻ những mối liên kết đằng sau tâm trí và tác phẩm của anh.
Quá trình tạo tác hình ảnh có khả năng biến đổi vùng đất tinh thần của con người, bởi nó đưa các yếu tố vô thức trong ta trồi lên bề mặt, cho những vết thương vô hình được phát tiếng, đưa ta nhích gần hơn đến khả năng của chữa lành, vẹn toàn. Tuy nhiên trong hành động chuyển hoá này, người nghệ sĩ không cố bưng chép hay tái tạo lại những giấc mơ, vốn không thể nào diễn dịch hay tường thuật chính xác. Thay vào đó, quá trình tạo hình ảnh nắm quyền kiểm soát và dẫn người nghệ sĩ đi một cách vô định, sản sinh ra hình ảnh dưới dạng khác, tựa như tạo ra một giấc mơ ở hiện tại, trên giấy hoặc canvas. Những hình ảnh này hoàn toàn không phải được tái lập từ tâm trí mà thực chất là những phỏng chừng dị ảo, tiệm cận với cốt lõi của trực giác đầu tiên mà tiềm thức mách bảo. Đôi khi anh làm tác phẩm theo linh tính trước rồi phân tích sau, và cũng có đôi khi trực giác đến trước. Anh cứ lần mò theo từng đường dây và gỡ nút từng suy nghĩ: quá trình may vá buộc anh phải dành nhiều thời gian với những hình ảnh này và hình dung ra sơ đồ tư duy của chính mình.
- Thời gian: 06.04 – 09.06.2024
- Giờ mở cửa: 11:00 – 18:00
- Địa điểm: Sàn Art, Units B0616 & B0617, 6th Floor, Block B Office, Millennium Masteri, Ward 6, District 4, (enter via Nguyen Huu Hao street)
- Hướng dẫn lối vào Sàn Art: https://www.facebook.com/SanArtVN/posts/5697980060220685
Nguồn: Sàn Art
5. Triển lãm ‘Bóng nắng – Sự phản chiếu’
Triển lãm “Bóng nắng – Sự phản chiếu”, mang đến 12 tác phẩm mới nhất được sáng tác trong năm 2024 của nghệ sĩ Lê Quỳnh Anh.
Các tác phẩm trong triển lãm lần này mang chủ đề “Bóng nắng – Sự phản chiếu”, với những tựa đề gợi nhớ về mùa hè rực rỡ ở những nơi nghệ sĩ đã sống và đi qua. Giữa các khung hình thức mỗi nơi mỗi khác, người xem cảm nhận được các đường vẽ khi tụ lại khi phồng lên hoặc mờ nhạt theo nhịp thở và chuyển động cánh tay của nghệ sĩ, tạo thêm sự không đồng đều và biểu cảm cho bề mặt. Mỗi tác phẩm toát lên cảm giác về sự tích tụ hoặc cô đọng của thời gian, đôi khi là sự kiên nhẫn chờ đợi một vệt tinh tế tự phát hay tự ý thức của Quỳnh Anh.
Chúng ta có thể thực sự thấy được sự bon ken chen chúc ở “Shibuya #1”, “Shibuya #2”, hay “Shinjuku” – những ga lớn đông đúc bậc nhất nơi Tokyo, nhưng cũng cảm được sự tĩnh lặng tới mức nghe được âm thanh từ thiên nhiên trong “Vẫn ở Fukui, một chiều nắng tháng 7” hay “Giấc mơ trưa”, từ sự thanh thản nhẹ bẫng trong “Chiều hoàng hôn ở Kobe” tới bức bối tới nao lòng trong “Paris, mùa hè 2018”. Một sự ‘déjà vu’ trong tính hình tượng, như một khúc nhạc dường như đã nắm bắt được nhịp lại chuyển sang một điệu hoàn toàn khác, đầy bất ngờ và phiêu cảm.
Lê Quỳnh Anh tốt nghiệp Cử nhân (2018) và Thạc sĩ Mỹ thuật (2020) Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Được biết đến qua nhiều tác phẩm hiện thực và bán hiện thực, từ năm 2023, Lê Quỳnh Anh chính thức theo đuổi nghệ thuật trừu tượng như một hình thức biểu đạt nổi bật của mình. Luôn thử sức với nhiều cách tiếp cận, đa dạng phong thái biểu đạt và hơn hết, vẫn giữ cho mình sự trong sáng trong soi rọi kí ức phản chiếu, Lê Quỳnh Anh nhận được đánh giá tích cực từ giới chuyên môn nghệ thuật trong và ngoài nước.
- Thời gian: 08.05 – 09.06.2024
- Giờ mở cửa: 10:00 – 19:00 Thứ Ba – Chủ Nhật
- Địa điểm: Gate Gate Gallery, 55 Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội
- Miễn phí vé vào cửa
- Để đảm bảo trải nghiệm tham quan triển lãm, không gian Gate Gate giới hạn 20 người/ lượt tham quan. Vui lòng đăng kí tại link: https://forms.gle/bb6PdWwztALTXcLEA
Nguồn: Gate Gate Gallery
Tổng hợp và biên tập: May
Thiết kế: Uyên Nguyễn
Các bài khác cùng chủ đề
- 1. Maybe bạn nên … Đi! - Tháng 03 này có gì?
- 2. Maybe bạn nên … Đi! - Tháng 04 này có gì?
- 3. Maybe bạn nên … Đi! Mùa lễ này có gì?
- 4. Maybe bạn nên … Đi! Tháng 09 này có gì?
- 5. Maybe bạn nên … Đi! Tháng 10 này có gì?
- 6. Maybe bạn nên … Đi! Tết này đi đâu chơi?
- 7. Maybe bạn nên … Đi! Những địa điểm thưởng lãm dịp Tết Quý Mão
- 8. Maybe bạn nên … Đi! Tháng 03/2023
- 9. Maybe bạn nên…Đi! - Tháng 04/2023
- 10. Maybe bạn nên…Đi! - Tháng 05/2023