Triển lãm cá nhân của Hà Ninh Pham: ‘Fugitive Zone’ sắp sửa mở cửa đón công chúng tại Paris
Đã 7 năm kể từ khi Hà Ninh Pham bắt đầu xây dựng cho mình một thế giới riêng trong dự án My Land [1] (Đất Mình), từ lúc còn là sinh viên Thạc sĩ Mỹ thuật tại Học viện Mỹ thuật Pennsylvania ở Philadelphia. Tại triển lãm cá nhân Fugitive Zone tại Galerie BAQ, nghệ sĩ đánh dấu sự xuất hiện lần đầu tại trung tâm Paris, như một tuyên ngôn cho sự sinh sôi của My Land vượt ra ngoài giới hạn thông thường trước nay.
Đối với Hà Ninh – một người căm ghét du lịch, hoài nghi về chính trị cực tả và chán ngán các diễn ngôn về khai phóng do các đế quốc phương Tây áp đặt lên những nước hậu thuộc địa – việc bay đến trung tâm Châu Âu để sắp đặt một địa hạt mới là một thử thách với chính cá nhân nghệ sĩ, nhưng thiết yếu cho giai đoạn thực hành này.
Vẫn tuân theo quy luật cốt lõi của [mothermap] [2], các “bản đồ” được trưng bày trong Fugitive Zone vẽ những vùng đất thuộc các khu A2, B2, D4 và F4. Các khu vực này đều thuộc Bắc bán cầu của thế giới mà Hà Ninh tạo ra trong My Land, nơi vốn dĩ được quy hoạch để chất chứa những hệ tư tưởng phương Tây, trong giai đoạn đầu của My Land. Như một cách để phản đối các khuôn mẫu định sẵn về nghệ thuật Việt Nam, nghệ sĩ chỉ sử dụng giấy, chì than, màu, mực, nhựa (để in 3D) và một số vật liệu trung tính khác, như một cách để xóa mọi dấu vết của căn tính.
Bình luận về triển lãm cá nhân đầu tiên của Hà Ninh Pham, Cheat Codes (2019) tại FRONT Art Space, New York, nhà phê bình John Yau [3] đã viết:
Vẫn với tinh thần ấy, nhưng sự kiểm soát của Hà Ninh dịch chuyển từ tác phẩm, lan dần sang không gian, có thể nhìn thấy rõ tiến trình này trong các trưng bày cá nhân tiếp theo như Recursive, Fables tại A+ Works of Arts (2022, Kuala Lumpur, Malaysia), hay Entrusted Conjectures tại Manzi Art Space (2023, Hanoi, Vietnam).
Với Fugitive Zone, nghệ sĩ tận dụng chính cấu trúc sẵn có của Galerie BAQ, gồm một tầng trệt và một tầng hầm, Hà Ninh biến đổi không gian trưng bày thành một nơi tự-do-trong-tầm-thao-túng. Một nửa không gian trưng bày chỉ được quan sát qua màn hình trực tiếp của camera an ninh. Đối với nghệ sĩ, hình ảnh trên đó đại diện cho ranh giới giữa thế giới thực và thế giới tưởng tượng. Màn hình phẳng ấy cũng là đường dẫn duy nhất vào nơi mà người xem có thể ước lượng được độ sâu thực tế trong không gian, thứ mà chúng ta không thể hình dung được khi nhìn vào những tấm bản đồ với địa hình phi lý.
Song hành cùng triển lãm, cũng là bí kíp để thâm nhập và giải mã thế giới này, nghệ sĩ viết ra một bộ nguyên lý Fugitive Zone/substance, được xuất bản dưới dạng tập ghi chép/nhật ký cá nhân.
Triển lãm với tên tiếng Việt là Địa hạt Thoát ly, thực chất không phải là một vùng để lẩn trốn theo đúng nghĩa đen. Hà Ninh mời người xem vào một vùng biên, để rơi vào một trạng thái hoài nghi giữa người giám sát và người bị giám sát, giữa các trật tự trên-dưới, giữa tự do và ràng buộc. Các chiều kích thông thường bị đảo lộn và ranh giới bị xóa mờ. Người xem đứng ở trong nhưng thực chất luôn chỉ là kẻ lạ bên ngoài, đang quan sát những vùng đất này từ rất xa, như qua góc nhìn của loài chim.
*Triển lãm diễn ra với sự phối hợp của A+ Works of Art, Kuala Lumpur, Malaysia
Thông tin về triển lãm:
Thời gian: từ 28.03 – 04.05. 2024
Khai mạc triển lãm: 18h, ngày 28.03.2024
Địa điểm: Galerie BAQ, 15 rue Beautreillis, 75004 Paris
Giờ mở cửa: 11:00-19:00, Thứ Ba – Thứ Bảy
Định vị: https://maps.app.goo.gl/Gtg9V7DWywJ1YU8L8
Curator: Lê Thiên-Bảo
Không cần đặt hẹn trước, vào cửa tự do
Về nghệ sĩ
Hà Ninh Pham (sn. 1991, Hà Nội, Việt Nam) là một nghệ sĩ thị giác đến từ Hà Nội, Việt Nam. Bằng ngôn ngữ hội họa và điêu khắc, nghệ thuật của anh khai thác những cách thức khác nhau trong việc xây dựng những hình dung về các vùng lãnh thổ ở phương xa. Với mong muốn loại bỏ hoàn toàn danh tính cá nhân ra khỏi tác phẩm của mình, Hà-Ninh chủ yếu làm việc trên các chất liệu trung tính như giấy, nhựa in 3D. Anh được biết đến nhiều nhất với dự án My Land (Đất Mình), nơi nghệ sĩ tưởng tượng ra những địa hình không có mối liên hệ nào với Trái đất và với nhân loại, cũng như những bản đồ và địa hình không thể giải mã được.
Anh tốt nghiệp MFA tại Học viện Mỹ thuật Pennsylvania, Hoa Kỳ năm 2018 và tốt nghiệp Cử nhân tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội, Việt Nam năm 2014. Anh đã được mời thỉnh giảng tại Đại học bang Pennsylvania và Trường Mỹ thuật Moore tại Philadelphia. Anh từng lưu trú tại Yaddo (New York, Mỹ), Wassaic Project (New York, Mỹ), Marble House Project (Vermont, Mỹ), và PLOP (London, Vương quốc Anh), nhận Huy chương Bạc Tài năng trẻ các Trường Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam (2015) và Giải thưởng Murray Dessner (2018).
Các triển lãm tiêu biểu của Hà Ninh gồm: Recursive Fables, A+ WORKS of ART, Kuala Lumpur, Malaysia, 2022; Institute of Distance, S.E.A Focus 2021 (S.E.A Focus Digital and S.E.A Focus Curated hyper-horizon), Tanjong Pagar Distripark, Singapore, 2021; Necessary Fictions, The Factory Contemporary Arts Centre, HCMC, Vietnam, 2019 và Cheat Codes, FRONT Art Space, New York, NY, USA, 2019.
Tác phẩm của anh được trưng bày và sưu tập bởi các bộ sưu tập công cộng có tiếng tại Đông Nam Á như Nguyen Art Foundation, The Yeap Lam Yang Collection, The Outpost.
Hà Ninh được đại diện bởi A + Works of Art, Kuala Lumpur, Malaysia. Anh hiện là giảng viên khoa Thiết kế Ứng dụng Sáng tạo tại Đại học RMIT Việt Nam.
Về đơn vị tổ chức
Galerie BAQ do Lê Thiên Bảo và Quinnie Tan đồng sáng lập, mở cửa vào tháng 4 năm 2023 tại Paris. Là gallery duy nhất tại Paris với chuyên môn về thực hành đương đại từ khu vực Đông Nam Á, do người Việt Nam đầu tư và điều hành. Với mục tiêu mở rộng mạng lưới liên kết các cộng đồng nghệ thuật phi-phương Tây, Galerie BAQ làm việc trực tiếp với các nghệ sĩ và chuyên gia hiện đang sống và làm việc sát sao với các vùng ngoại biên của thế giới. Bên cạnh đó, Galerie BAQ không ngừng tìm hiểu về các hình thức sản xuất văn hóa và sáng tạo liên quan đến lịch sử và bản sắc phức tạp, tái tưởng tượng lại truyền thống và thách thức các tư tưởng chủ nghĩa thống trị.
Chú thích:
[1] Trong dự án My Land (Đất Mình), từ năm 2017-nay, Hà Ninh Pham định hình một thế giới không tương xứng với bất kỳ nơi chốn hay nền văn hoá nào có thực. Tại đây, nghệ sĩ tưởng tượng ra toàn bộ hệ thống hạ tầng, bộ máy vận hành, hệ thống đo lường và trần thuật lịch sử.
[2] [mothermap] (Bản đồ Mẹ) là một tài liệu trung gian ghi lại cấu trúc của thế giới này, cũng là lối vào My Land phổ thông nhất mà nghệ sĩ giới thiệu với công chúng cho đến nay. Giống như một bàn cờ, [mothermap] sử dụng hệ thống kẻ ô lưới 8×8, với chiều dọc trải dài từ 1 đến 8 và chiều ngang từ A đến H. Mỗi đơn vị không gian trong số 64 đơn vị không gian này dẫn đến các “vùng đất” khác nhau, với chức năng và cấu trúc hạ tầng riêng biệt.
[3] John Yau, Out of Vietnam, Drawings of Displacement and Repression, Hyperallergic, June 30, 2019
Thông tin do Galerie BAQ cung cấp