/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo

Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ có ảnh hưởng đặc biệt đến lịch sử nghệ thuật thế giới, qua đó giúp ta dễ dàng tiếp cận và thấu cảm đến nghệ thuật mà họ tạo ra. Một số tranh kể lại cuộc đời đầy gian truân của các họa sĩ, số còn lại phản chiếu cách họ không ngừng tiếp cận và thể nghiệm với các phong cách nghệ thuật khác nhau. 

Trong suốt quãng đời ngắn ngủi của mình, Frida Kahlo đã tạo ra 55 bức chân dung tự họa, và hầu hết trong số những bức tranh khác có liên hệ trực tiếp tới các trải nghiệm của bà. Những bức tranh này trình hiện một tự truyện hình ảnh riêng tư của một cá tính hấp dẫn và một cuộc đời gay cấn bất thường.

Tóm lược về Frida Kahlo

Chân dung Frida Kahlo.  (Ảnh: Guillermo Kahlo qua 
Wikimedia Commons)

Frida Kahlo sinh năm 1907 ở Coyoacan, thành phố Mexico, có mẹ là người Mexico và cha là người gốc Đức. Tranh của Kahlo chủ yếu mang tính tự truyện, thường xuyên nhắc tới những khó khăn về thể chất và cảm xúc trong cuộc sống của bà.

Bà mắc bệnh bại liệt năm 6 tuổi, để lại di chứng ở phần chân phải. Một tai nạn xe buýt ở tuổi 18 làm tổn thương cột sống, các cơ quan nội tạng và bàn chân phải của bà, khiến bà bị tàn tật một phần và phải chịu những cơn đau mãn tính. Vẻ bề ngoài của Frida Kahlo rất nổi bật, đặc biệt với cặp lông mày nối liền cùng bộ ria mép mờ, và bà ăn vận để gây sự chú ý. Bà hóm hỉnh, quảng giao, hướng ngoại và không khoe mẽ. Bà hút thuốc, uống rượu, chửi thề, hát những bài hát tục tĩu và thích những trò đùa nhạy cảm. Bà có tài năng, tham vọng, trí thông minh và bản năng gây chú ý.

Kahlo kết hôn với họa sĩ người Mexico Diego Rivera – hai lần. Cả hai người đều không chung thủy, bao gồm vụ ngoại tình của bà với Leon Trotsky và của Diego với Cristina, em gái Kahlo. Cho tới những năm tháng cuối đời, các bác sĩ đã cưa bỏ chân phải bị hoại tử (từ đầu gối trở xuống) của Kahlo ngay trước khi bà qua đời năm 1954 khi mới ở tuổi 47.

Những bức tranh tự họa tiêu biểu

Self-Portrait with Thorn Necklace and Hummingbird (1940)

Self-Portrait with Thorn Necklace and Hummingbird” (tạm dịch: Chân dung tự họa với vòng cổ gai và chim ruồi) là một trong những bức chân dung tự họa được công nhận rộng rãi nhất của Frida, do bối cảnh cảm động mà nó được tạo ra và tính chất biểu tượng của hình ảnh tạo nên nó.

Kahlo hoàn thành tác phẩm này vào năm 1940, một năm sau cuộc ly hôn đầy biến động của bà với họa sĩ vẽ tranh tường người Mexico Diego Rivera. Dựa vào thời điểm ra đời, bức tranh được nhiều người cho là sự phản ánh trạng thái cảm xúc của Kahlo sau khi cặp đôi chia tay.

Trong tranh, Kahlo đứng trước tán lá, giữa một con báo đang rình rập và một con khỉ (Bà và Rivera đã nuôi nhiều con khỉ làm thú cưng, khiến nhiều người suy đoán rằng chúng đóng vai trò đại diện cho những đứa trẻ mà cặp vợ chồng này không thể có với nhau). Trên cổ, Kahlo đeo một chiếc vòng làm từ gai và trang trí bằng một con chim ruồi. Mặc dù chiếc phụ kiện kỳ ​​dị này khiến cổ bà chảy máu nhưng biểu cảm của Kahlo vẫn rất nghiêm túc. Cách tiếp cận bình tĩnh trước nỗi đau này là điển hình của Kahlo, người – ngay cả khi bị tàn phá vì cuộc ly hôn của mình – đã tuyên bố sâu sắc rằng “cuối cùng, chúng ta có thể chịu đựng nhiều hơn những gì chúng ta nghĩ mình có thể”.

The Two Fridas (1939)

Giống như bức “Self-Portrait with Thorn Necklace and Hummingbird”, “The Two Fridas” (tạm dịch: Hai Frida) được vẽ để đáp lại việc Kahlo chia tay Rivera. Trong tác phẩm này, Kahlo khám phá hai mặt của bản thân. Ở bên trái, bà miêu tả mình là một người phụ nữ có trái tim tan vỡ trong bộ váy truyền thống của châu Âu. Ở bên phải, trái tim Kahlo trọn vẹn và bà đang mặc một chiếc váy hiện đại của Mexico – phong cách mà bà đã áp dụng khi kết hôn với Rivera.

Khi họ ngồi chung một chiếc ghế dài, hai Frida nắm tay nhau. Tuy nhiên, cái nắm tay này không phải là tất cả những gì kết nối họ; từ trái tim họ mọc ra một mạch máu duy nhất, phân nhánh và quấn quanh cánh tay của cả hai. Ở bên trái, Kahlo dùng kéo phẫu thuật cắt tĩnh mạch khiến nó chảy máu. Ở bên phải, đường gân dẫn đến một bức chân dung nhỏ của Rivera, được Kahlo ôm chặt và gần như vô hình đối với những con mắt không tinh ý.

Bức chân dung tự họa độc đáo này có thể đại diện cho cuộc đấu tranh nội tâm mà Kahlo phải đối mặt khi bà giải quyết cuộc ly hôn của mình. Mặc dù bức tranh có vẻ đồng tình với tác phẩm của những người theo Chủ nghĩa Siêu thực, nhưng Kahlo nhấn mạnh rằng những hình tượng như vậy bắt nguồn từ đời thực, nó phản ánh trực tiếp tính cách của bà. Kahlo giải thích: “Tôi chưa bao giờ vẽ những giấc mơ hay ác mộng. Tôi vẽ hiện thực của chính mình.”

Self Portrait with Cropped Hair (1940)

Sau khi ly hôn, Kahlo tìm cách làm mới bản thân. Để thách thức chồng cũ, bà đã vẽ  bức Self Portrait with Cropped Hair (tạm dịch: Chân dung tự họa với mái tóc cắt ngắn)

Ngồi trên chiếc ghế màu vàng sáng với chiếc kéo trên tay và những lọn tóc quấn quanh, nữ nghệ sĩ xuất hiện với mái tóc được cắt ngắn và trên người mặc bộ vest nam. Phía trên bà là lời của một bài hát dân gian Mexico. Khi dịch ra có nội dung: “Hãy nhìn xem, nếu anh yêu em thì đó là vì mái tóc của em. Bây giờ em không có tóc, anh không còn yêu em nữa ”.

Rõ ràng, cách tiếp cận kiêu ngạo của Kahlo đối với ngoại hình của bà trong Chân dung tự họa với mái tóc cắt ngắn khác xa với mái tóc dài, những chiếc váy bồng bềnh và đồ trang sức nữ tính trong hầu hết các mô tả về bà. Điều thú vị là đây không phải là lần đầu tiên bà thử nghiệm vẻ ngoài nam tính. Trong những bức ảnh của nghệ sĩ khi còn nhỏ và thiếu niên, có thể thấy rõ rằng Kahlo thường mặc vest – ngay cả khi những người bạn nữ và gia đình của bà có vẻ ngoài “nữ tính” hơn.

Henry Ford Hospital (1932)

Một trong những bức tranh đau lòng nhất của Kahlo, Henry Ford Hospital (tạm dịch: Bệnh viện Henry Ford) mô tả thời gian dưỡng bệnh của bà tại Bệnh viện Henry Ford ở Detroit sau khi bị sẩy thai. Một loạt tĩnh mạch đỏ nổi lên từ bụng bà, kết nối bà với những gì mà bà đang trải qua – một bào thai, ám chỉ đứa con chưa chào đời của Kahlo. Xương chậu của Kahlo bị tổn thương do tai nạn xe điện; một cây lan mà Rivera đã tặng Kahlo trong thời gian bà nằm viện; một con ốc tượng trưng cho ngày tháng trôi qua chậm chạp; và một cỗ máy, trói buộc Kahlo vào tinh thần công nghiệp của thành phố, nơi bà đang sinh sống vào thời điểm đó.

Self-Portrait on the Borderline Between Mexico and the United States (1932)

Ảnh: Ambra75 qua Wikimedia Commons (CC BY-SA 4.0)

Kahlo và Rivera sống ở Mỹ trong khoảng thời gian 4 năm, từ 1930 đến 1934. Trong khi chồng bà phát triển mạnh dưới ánh đèn sân khấu và đạt được thành công lớn trong giới nghệ thuật – bao gồm cả cuộc triển lãm tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại ở New York, Kahlo đã trải qua nhiều khó khăn, bao gồm cả việc mang thai thất bại. “Self-Portrait on the Borderline Between Mexico and the United States” (tạm dịch: Chân dung tự họa ở biên giới giữa Mexico và Hoa Kỳ) mô tả sự không thích của Kahlo đối với nền văn hóa công nghiệp và tư bản của Hoa Kỳ, cũng như niềm khao khát của bà đối với lối sống nông nghiệp ở Mexico.

Trong tranh, bên phải là hình minh họa đơn giản về Detroit – một trong những thành phố nơi bà và River sống – được tạo thành từ những tòa nhà cao chọc trời và một nhà máy sản xuất tạo ra những đám khói. Bên trái là hình minh họa về Mexico, có nền là thực vật, rau củ, tượng cổ, đầu lâu và tàn tích đền thờ. Mặc dù Kahlo vô cùng không vui trong thời gian này, nhưng bà đã trưởng thành đáng kể với tư cách là một nghệ sĩ và có thể thử nghiệm các phương tiện khác nhau.

Self-Portrait as a Tehuana (tạm dịch: Chân dung tự họa của người Tehuana) (1943)

Một trong những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng nhất của Kahlo,Self-Portrait as a Tehuana” (tạm dịch: Chân dung tự họa của người Tehuana)còn được gọi là Diego trong tâm trí tôi – thể hiện tình yêu sâu sắc của bà đối với văn hóa dân gian Mexico. Ở đây, bà đội chiếc mũ của chiếc váy Tehuana truyền thống, được tạo ra và mặc bởi người Zapotec từ eo đất vùng Tehuantepec, thuộc bang Oaxaca. Bà cũng tán thành Chủ nghĩa Siêu thực để cho thấy dù trải qua cuộc ly hôn đầy biến động và đối mặt với chuyện tình của Rivera, bà vẫn không thể ngừng nghĩ về ông.

Không có sự đồng thuận về ý nghĩa của sợi chỉ phát ra từ đầu bà. Đối với một số người, đó là một cái bẫy như một mạng nhện để lôi kéo Rivera trở lại và giữ ông ấy bên cạnh; đối với những người khác, đó là suy nghĩ của bà về Rivera được nảy mầm từ tâm trí. 

The Broken Column (1944) 

“Có hai tai nạn lớn trong đời tôi. Một là tai nạn tàu hỏa, hai là Diego. Diego rõ ràng là tồi tệ nhất.” Năm 1925, Kahlo dính vào một vụ tai nạn xe điện khiến cô bị gãy cột sống cùng nhiều vết thương nặng khác. Trong “The Broken Column” (tạm dịch: Cột tan vỡ), Kahlo trình bày một cái nhìn bi thảm về những ảnh hưởng của vụ tai nạn trong suốt cuộc đời bà.

Bức tranh mô tả Kahlo sau cuộc phẫu thuật cột sống trong trạng thái khỏa thân, ngoại trừ tấm khăn trải giường của bệnh viện và áo nịt ngực bằng kim loại cùng với thạch cao, cơ thể của bà bị đóng đinh (có lẽ là ám chỉ đến hình tượng Cơ đốc giáo về Chúa Kitô trên thập tự giá). Có thể nhìn thấy trong vết nứt chia đôi cơ thể Kahlo là một cột trụ theo phong cách Hy Lạp đang trong trạng thái đổ nát thay thế cho cột sống. Ở hậu cảnh, khung cảnh cằn cỗi cũng bị nứt gãy tương tự và bầu trời đầy giông bão hiện ra trên đầu.

The Wounded Deer (1946)

“The Wounded Deer” (tạm dịch: Con nai bị thương) là một bức chân dung tự họa khác thể hiện một cách tượng trưng nỗi đau về thể xác và tinh thần liên quan đến vết thương của Kahlo.

Trong tác phẩm, Kahlo đã miêu tả mình là một con nai – một sự lựa chọn có lẽ được lấy cảm hứng từ thú cưng yêu quý của bà, Granizo. Bị trúng mũi tên và nằm phía sau một cành cây gãy (vật được sử dụng trong tang lễ truyền thống của Mexico), rõ ràng là con nai có khả năng sẽ chết. Vào thời điểm bức tranh được tạo ra, sức khỏe của Kahlo đang suy giảm. Ngoài những cuộc phẫu thuật chỉnh sửa thất bại do mắc bệnh bại liệt năm 6 tuổi (khiến chân phải của bà trông gầy hơn nhiều so với chân còn lại) và nỗi đau thể xác liên tục liên quan đến tai nạn, bà còn bị hoại tử và các bệnh khác.

Kết luận 

Kahlo đã trải qua phần lớn cuộc đời mình trong trạng thái nằm liệt giường, hoặc ở trong bệnh viện để được phẫu thuật (thường liên quan đến xương sống), hoặc bà bất động ở nhà để phục hồi hậu phẫu. Trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, bà đã trải qua 30 đến 35 cuộc phẫu thuật hoặc thủ thuật phẫu thuật khác. Có đến 28 áo cố định thân trên bằng thạch cao và các dạng nẹp lưng khác được làm từ da và kim loại, như trong bức “Cột tan vỡ”. Tuy nhiên, bà vẫn lạc quan vẽ cho đến cuối đời với suy nghĩ: “Tôi không bị bệnh, tôi bị hỏng hóc… nhưng tôi hạnh phúc vì được sống chừng nào tôi có thể vẽ”. Khi được hỏi tại sao lại vẽ mình thường xuyên tới vậy, Kahlo trả lời: “Bởi vì tôi hoàn toàn cô đơn và bởi vì tôi là đối tượng mà tôi hiểu rõ nhất”. 

Trong nghệ thuật của mình, Kahlo nghe theo những lời khuyên của Rivera và vẽ theo phong cách rất cá nhân, thay vì đi theo những kiểu cách đang thịnh hành. Đặc tính ghi chép tư liệu chi tiết trong các bức họa của bà làm tăng thêm sức ảnh hưởng của chúng. Có lẽ cũng có phần nào giá trị trong miêu tả của các nhà phê bình về phong cách của bà là nghệ thuật ngây thơ hoặc dân gian – nhưng mà là một loại hình dân gian ngây thơ rất tinh vi, và hiệu ứng này chắc chắn có chủ ý. Ý thức về bản thân của Kahlo lấn át mọi thứ khác.

Dịch, tổng hợp và biên tập: May

Thiết kế: Uyên Nguyễn

Nguồn tham khảo:

  1. Janetta Rebold Benton (2023), Để hiểu nghệ thuật, Nhà xuất bản Thế giới
  2. https://mymodernmet.com/frida-kahlo-paintings/

Cùng tác giả

#Tag

Chân dung tự hoạ frida kahlo hội họa may Series Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?

iDesign Must-try

Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sự náo nhiệt, hối hả và phần nhìn vô cùng đặc trưng của đường phố Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho những nhà sáng tạo Việt.…
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
A’ Design Award & Competition – Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ theo đuổi mục tiêu vinh danh các công trình thiết kế xuất sắc đã được đề…
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
Những mảng xanh trùng điệp yên bình của vùng đất nông nghiệp Palouse 
Những mảng xanh trùng điệp yên bình của vùng đất nông nghiệp Palouse 
Những ngọn đồi thoai thoải ở vùng Palouse miền bắc Hoa Kỳ với đất đai màu mỡ là kết quả của hoạt động núi lửa cổ xưa và xói mòn…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Picasso
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Picasso
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…
Maybe bạn nên … Đi! Tháng 03/2023
Maybe bạn nên … Đi! Tháng 03/2023
/Maybe bạn nên … Đi/ là series giới thiệu những sự kiện nổi bật trong tuần hoặc trong tháng mà bạn không nên bỏ lỡ 1. Triển lãm ‘Alice ở…