/viết một tay/ Tôi đã tìm thấy Emil Nolde trong ánh mắt của bà T.

Cái đẹp của nghệ thuật, đặc biệt nghệ thuật hiện đại, là một chuyện hoàn toàn cá nhân, yêu cầu một mối liên hệ riêng tư giữa tác phẩm và người xem.

Hãy cùng iDesign đến với bài viết đầu tiên trong loạt bài về một số nghệ sĩ Hiện đại đầu thế kỷ 20 yêu thích của Lê Hương Mi, khi cô dẫn giải về mối liên kết của mình đối với nghệ thuật, đồng thời cung cấp thông tin cũng như một cái nhìn tống quan về chính các nghệ sĩ và tác phẩm.

Trong bài viết đầu tiên, chúng ta sẽ đến với Emil Nolde, các tác phẩm và những câu chuyện xung quanh ông qua những phân tích và chia sẻ của Lê Hương Mi nhé!


Lê Hương Mi (Hương Mi Lê) hiện là giảng viên môn Lịch sử Thiết kế Đồ họa và môn Typography tại Học viện Nghệ thuật & Thiết kế Monster Lab, là dịch giả, biên tập sách và nhà quản lý dự án nghệ thuật tự do. Bên cạnh đó, Mi cũng là một nhà thơ và một nghệ sĩ thị giác, hoạt động dưới cái tên mi-mimi.


Emil Nolde là một trong những người tiên phong của thế hệ hoạ sĩ Đức đầu thế kỷ 20 tránh xa Ấn tượng để theo đuổi một, hay nhiều, ngôn ngữ hội hoạ Biểu hiện giàu có, nhiều xúc cảm mãnh liệt hơn, và riêng tư hơn. Trích lời của Rob Weinberg trong một bài viết giới thiệu về triển lãm “Emil Nolde: Màu sắc là Cuộc sống” tại Gallery Nghệ thuật Hiện đại Quốc gia của Scotland (Scottish National Gallery of Modern Art) vào năm 2018:

“Món nợ của ông [Emil Nolde] đối với cả tổ tiên và những đồng nghiệp cùng thời là hiển nhiên: chủ nghĩa hiện thực buồn thảm của Grünewald gặp gỡ những miêu tả chân thành từ sớm về những người nông dân của Van Gogh – một người anh hùng vĩ đại đối với Nolde; những chiếc mặt nạ ám ảnh và thoáng nét của Ensor chen cạnh sự vui nhộn của Toulouse-Lautrec. Tại nhiều thời điểm khác nhau của sự nghiệp, ông đã qua lại với nhóm nghệ sĩ Ấn tượng Die Brücke ở Dresden, với Berlin Secession, và cả Der Blaue Reiter của Kandinsky. Nhưng ông chưa bao giờ dễ dàng nằm trọn trong một hội nhóm nào.”

La Mort et les masques (Cái Chết và những cái mặt nạ), 1987 – James Ensor

Emil Nolde là một nghệ sĩ Hiện đại (Modernist) cực kỳ quan trọng của Đức nói riêng và thế giới nói chung. Emil Nolde có nhiều tác phẩm nhất trong buổi triển lãm mang tên “Entartete Kunst” (Degenerate Art – Nghệ thuật Suy đồi), cũng là cách mà Nazis dùng gọi Nghệ thuật Hiện đại (Modern Art). Emil Nolde bị đàn áp, hắt hủi, cấm vẽ (thực ra là cấm tổ chức triển lãm thôi chứ nghệ sĩ luôn vẽ dù là lén lút). Emil Nolde cũng là một người ủng hộ trung thành của Nazis. Emil Nolde là một huyền thoại và một chủ đề nghiên cứu dài hơi của giới học giả. 

Vậy Emil Nolde là ai? 

Bức Frau. T mit roter Kette (Bà T. và vòng cổ màu đỏ) (1930)

Tôi thì đơn giản là tìm thấy Emil Nolde khi quỵ ngã ngay trước bức tranh Frau T. mit roter Kette.

Đó là một bức tranh không lớn lắm, 47,9 x 35,5 cm, vẽ bằng màu nước trên giấy Nhật – những thông tin mà tôi tìm thấy do vừa tra cứu trên mạng chứ vốn tôi không hề để tâm bởi vì, quả thực, chúng không quan trọng.

Tất cả những gì tôi cần biết là tôi đã nhìn thấy bức tranh ấy trong một lần tham quan bảo tàng bảo tàng Städel – một trong những bảo tàng nghệ thuật lớn nhất Frankfurt với những bộ sưu tập nghệ thuật quan trọng nhất của Đức – và lập tức mê nó kinh khủng. Cái cảm giác đó, sự yêu thích mê đắm đến bị ám ảnh mà thường thì ta không giải thích được ngay, hoặc không bao giờ giải thích được, đối với một tác phẩm nghệ thuật không phải là một điều lạ lùng gì. Bạn sẽ rơi vào trạng thái như bị thôi miên và đứng ngắm tác phẩm mãi thôi, rồi ngay cả khi bạn đã rời đi thì vẫn thường xuyên nghĩ về nó sau này. Đúng hơn là nó sẽ thỉnh thoảng trở lại đột ngột trong tâm trí bạn như bóng ma dịu dàng nhưng đau đớn của người tình đã chết. Một bức tranh khác cũng đã đánh gục tôi, hoàn toàn bất ngờ, cũng ở Städel là bức Camille Monet sur son lit mort (tạm dịch Camille Monet trút hơi thở cuối cùng) của Monet.

Camille Monet sur son lit mort (Camille Monet trút hơi thở cuối cùng), 1879 – Claude Monet

Tôi không thích Monet, tôi hoàn toàn chắc chắn về điều này sau khi đã xem toàn bộ khu trưng bày về Monet ở bảo tàng Orsay, Paris, bao gồm những bức tranh ngoại cỡ nằm trong bộ sưu tập Nymphéas (hoa súng) nổi danh gồm 250 tác phẩm đã là chủ đề chính trong 30 năm cuối đời của Monet. Tôi trân trọng sức sáng tác không mệt mỏi và tính thống nhất trong tổng thể tác phẩm (body of work) khổng lồ (2500 tác phẩm!) nhưng tôi không thích tranh của Monet – chỉ trừ bức Camille Monet sur son lit mort mà tôi cho là lần duy nhất Monet thực sự nhìn thấy (và vẽ) vợ mình như một con người hay kể cả chỉ là một cái xác từng là con người. Trong những bức tranh khác, bà hiện lên như là một cái bóng không có nhiều nhân tính hơn một bông hoa hay một cái cây.

Quay lại với Frau T. mit roter Kette, tôi đoán rằng một phần lý do khiến tôi lập tức bị cuốn hút bởi nó cũng là do tôi cảm thấy mình có phần giống người trong bức tranh ấy. Hai mắt của nhân vật không đều nhau (giống như mắt tôi), một bên mắt trễ hẳn xuống, cùng với hình dạng bất cân xứng của đôi môi, chiếc cằm lệch sang một bên, và sự bất cân xứng về màu sắc ở hai nửa mặt tạo ra hai nửa mặt khác nhau (giống như mặt tôi) và thậm chí là ít nhất là bốn khuôn mặt khác nhau. Rồi chúng tụ lại thành một ánh nhìn có gì đó nghiệt ngã nhưng dửng dưng, nghiêm khắc nhìn thẳng vào người xem. 

Đó quả thực có thể là chân dung của tôi.

Bức Selbsporträt (Chân dung tự hoạ) – 1917 

Selbstporträt (Chân dung tự hoạ), 1917 – Emil Nolde

Tôi đã không để hình minh hoạ cho bức Frau T. mit roter Kette nhưng lại để hình bức Selbstporträt vẽ năm 1917 của Emil Nolde trong bài viết này bởi vì tôi đã nhìn thấy bức đầu tiên trong bảo tàng và vừa nhìn thấy bức còn lại trên mạng Internet. Tôi cũng đã lập tức bị hút hồn bởi bức Selbstporträt.

Thoạt nhìn thì, tôi cho là, rất nhiều người biết đến Van Gogh có thể có cảm giác rằng đây là một bức tự hoạ của Van Gogh. Không chỉ có nét tương đồng về cách thể hiện, ngay cả tạo hình của Emil Nolde trong bức tranh này, với chiếc mũ tunic, cũng gợi nhớ tới Van Gogh. Do vậy, tôi đã không ngạc nhiên khi sau đó tìm được bài viết của Rob Weinberg mà tôi đã trích ở phần đầu bài viết nói rằng Van Gogh là một người anh hùng trong lòng Emil Nolde.

Nhưng, ngay sau cái ấn tượng đầu tiên ngắn ngủi đấy, ta nhận ra rằng chắc chắn đây không phải là một bức tranh của Van Gogh.

Trong những bức chân dung tự hoạ với Van Gogh giống như bức dưới đây mà tôi dùng làm ví dụ, Van Gogh thường sử dụng cùng một màu chủ đạo cho trang phục của mình và nền như thể để chúng hoà lẫn vào nhau. Tuy nhiên khuôn mặt của Van Gogh thực sự tách biệt khỏi phần còn lại, với một sự tương phản ánh sáng khá thấp. Mắt của Van Gogh được cho là có màu xanh trời sáng nhưng lại thường được ông vẽ thành màu xanh xám nhàn nhạt, màu nâu, màu xanh lá, hoặc xanh lá pha nâu, và có xu hướng là điểm trầm tối của bức tranh.

Zelfportret met grijze vilthoed (Chân dung tự hoạ với mũ phớt xám), 1887/88 – Vincent Van Gogh

Ngược lại, Emil Nolde tuy cũng sử dụng hai sắc độ xanh trời và vàng thường thấy trong sáng tác của Van Gogh, nhưng đã thể hiện một sự tương phản impasto rất lớn trên khuôn mặt lẫn nền đằng sau. Phần đón ánh sáng của trang phục cũng có độ sáng tương phản mạnh với khu vực xung quanh, đồng thời tạo thành một dòng chảy với chiếc mũ tunic trắng và một vài nét cọ lặp lại ở phần nền. Điểm nhấn của bức tranh chắc chắn là đôi mắt có màu xanh trời sáng lạnh hơn hẳn màu xanh ngọc của phần nền và cũng đầy ám ảnh xoáy sâu vào người đối diện.

“Người nghệ sĩ [Emil Nolde] đã yêu cầu chúng ta nhìn nhận ông như là một trong những yếu tố [của tổng thể bức tranh]”

– vẫn là Rob Weinberg.

Các tác phẩm của Emil Nolde nói chung và những câu chuyện bên lề.

Thực ra, tôi đã mất rất nhiều thời gian để quyết định xem mình có thực sự thích Emil Nolde không. Duy nhất bức tranh Bà T. với vòng cổ màu đỏ của ông nằm trong tâm trí tôi suốt nhiều năm kể từ lần đầu tiên thấy nó 7 năm trước. Sau này khi tôi nghiên cứu về vai trò của những bức tranh của với những mảng màu phẳng và không gian hai chiều ảnh hưởng bởi tranh in ukiyo-e Nhật Bản của Emil Nolde, như ta thấy trong bức Bà T. hay trong những áp-phích nổi danh của Toulouse-Lautrec, đối với thiết kế đồ hoạ – tôi mới xem thêm nhiều tranh của ông, và thấy khá nhiều bức mà mình… không thích.

Gesellschaft (Bữa tiệc), 1911 – Emil Nolde. Đây là một bức tôi không thích lắm.

Tác phẩm của Emil Nolde rất đa dạng. Ông được biết đến với những tranh in khắc gỗ, tranh in etching, và tranh in thạch bản chủ yếu là đen trắng, tranh màu nước và tranh sơn dầu với những màu sắc rực rỡ tương phản, tranh vẽ chủ đề thiên nhiên, chân dung, tôn giáo, tính dục, mặt nạ…, và cả như một nghệ sĩ vẽ theo phong cách nghệ thuật nguyên thuỷ (primitive art). Ông đã từng nói rằng:

“Chỉ mới cách đây không lâu, chỉ có một vài thời kỳ nghệ thuật được cho là phù hợp với việc trưng bày trong các bảo tàng. Rồi sau đó, xuất hiện bên cạnh chúng là những triển lãm về nghệ thuật Coptic và Công giáo thời kỳ đầu, những bình đất nung Hy Lạp, đồ gốm sứ Ba Tư và Hồi giáo. Nhưng tại sao nghệ thuật của Ấn Độ, Trung Quốc và Java vẫn được xếp loại là các vật trưng bày mang tính dân tộc học hay nhân học? Và tại sao nghệ thuật của những người nguyên thuỷ lại hoàn toàn không được cho là nghệ thuật?”

trích trong Về Nghệ thuật Nguyên thuỷ, 1912.
Tanz um das goldene Kalb (Điệu nhảy xung quanh con bê vàng), 1910 – Emil Nolde.
Một bức được đánh giá là quan trọng trong sự nghiệp của ông và tôi cũng… không thích.
Mann und Mädchen (Người đàn ông và cô gái), 1918 – Tranh in thì nói chung là tôi rất thích

Đức quốc xã đã gọi Nghệ thuật Hiện đại là Nghệ thuật suy đồi. Năm 1937, Joseph Goebbels tổ chức một triển lãm mang tên “Nghệ thuật Suy đồi” tại Munich để “tố” 650 tác phẩm của 112 nghệ sĩ Hiện đại, trong đó có những người được coi là làm việc cùng thậm chí là thành viên của Nazis như Hebert Bayers (một thành viên quan trọng của Bauhaus), Emil Nolde

Trong khi Hebert Bayer đã kết thúc mối quan hệ công việc với Nazis sau sự kiện năm 1937, tuyên bố rằng mình đã “ngây thơ” trong quan điểm về Nazis và rời Đức sang Mỹ, thì Emil Nolde thực tế đã là một người bài Do Thái công khai, đặc biệt là sau khi bị Max Liebermann (gốc Do Thái) – chủ tịch của Berlin Secession – từ chối tác phẩm cũng như một số hoạ sĩ (cũng gốc Do Thái) khác quay lưng, và ủng hộ Nazis có lẽ là tới tận những giờ phút cuối cùng của đời mình. 

Pentecost (Lễ ngũ tuần), 1909 – Bức tranh của Nolde đã bị Liebermann chê ỏng chê eo và chính thức bắt đầu mâu thuẫn nặng nề giữa hai người.

Quả vậy, vào ngày mùng 9 tháng 11 năm 1933, Emil Nolde đã có một sự kiện gặp gỡ mà ông cho là quan trọng nhất cuộc đời mình: một buổi tiệc tối với Adolf Hitler. Ông đã dành mọi lời khen ngợi có cánh cho Quốc trưởng, “vĩ đại và cao cả trong khát vọng của mình và là một thiên tài trong hành động”, đã bày tỏ mong muốn được trở thành “Đệ nhất Hoạ sĩ của Đệ tam Đế chế” với Joseph Goebbels. Mặc dầu vậy, Hitler sau đó vẫn gọi người hâm mộ nhiệt huyết của mình là… “lợn”, rằng tác phẩm của ông là “một đống phân”, và thề rằng sẽ không tiêu một đồng xu nào trong chế độ mới của mình để đặt hàng tranh của Nolde. Hitler cũng chính thức cấm mọi giám đốc gallery được mua thêm tranh của Nolde. Quỹ Nolde do vậy, trong rất nhiều năm, đã cố gắng xây dựng hình ảnh của Emil Nolde như một nạn nhân bị Đức Quốc xã đàn áp và cấm sáng tác, cho đến khoảng năm 2018-2019 thì mọi lá bài mới được lật ngửa trên bàn. Thực tế là quả nhiên Nolde không được triển lãm nữa nhưng vẫn tiếp tục vẽ và vẫn là một người bài Do Thái cũng như ngưỡng mộ Hitler tới cuối đời.

Großer mohn (rot rot rot) (Hoa anh túc lớn (đỏ, đỏ, đỏ)), 1942 – Cuối đời Nolde toàn vẽ hoa, giống… Max Liebermann

Biết sao được? Adolf Hitler trên hết vẫn là một người hoạ sĩ, một người yêu thích nghệ thuật, và rõ ràng là có gu thưởng thức nghệ thuật của riêng mình. Nolde đã không đáp ứng được gu nghệ thuật đó của Quốc trưởng, đơn giản là thế. Nhưng mà nghĩ xem, Nazis đã – thay vì đơn giản là phá huỷ quách tất cả – tổ chức hẳn một cuộc triển lãm hoành tráng mở cửa rộng rãi chỉ để mắng chửi thứ nghệ thuật được treo ở đó.

Tổng thống Đức Angela Merkel đã “thanh trừng” bức tranh của Emil Nolde treo trong phòng làm việc bà sau khi Nolde bị “lật tẩy”. Người yêu nghệ thuật khắp thế giới và kể cả Đức vẫn yêu mến và ngưỡng mộ tài năng của Emil Nolde. Các cuộc triển lãm tranh ông, gần nhất là mới năm ngoái, vẫn tấp nập người xem. Emil Nolde vẫn sẽ luôn là một hoạ sĩ tầm cỡ trong lịch sử nghệ thuật nhân loại. Emil Nolde đã là đủ thứ chủ đề và chất liệu, đã luôn vận động, thay đổi, phát triển, không ngừng xây dựng con người nghệ sĩ của mình. Tôi vẫn cực kỳ thích một vài tranh của ông, hơi thích một vài, không thích một vài, và băn khoăn chưa quyết định với chỗ còn lại, bất chấp mọi câu chuyện và quan điểm.

Nói cho cùng, cái đẹp của nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật hiện đại, là một chuyện hoàn toàn cá nhân và yêu cầu một mối liên hệ riêng tư giữa tác phẩm và người xem. Không có bất cứ ai có thể thay đổi quan điểm đẹp xấu đã được xác định của cá nhân bạn đối với tác phẩm và tác giả. Giống như Adolf Hitler và tôi, bạn có mọi quyền để yêu ghét và đánh giá một tác phẩm nghệ thuật – tôi hứa đấy.

Bài viết: Lê Hương Mi


Về tác giả

Hương Mi Lê (1991) là giảng viên tại Học viện Nghệ thuật & Thiết kế Monster Lab, quản lý giáo dục tại Noirfoto Darkroom-Studio-Gallery, quản lý quan hệ công chúng của Á Space, và chủ mục Lịch sử thiết kế đồ hoạ của iDesign.

Cô cũng là dịch giả và biên tập sách, tổ chức và điều phối các lớp học và thảo luận về nghệ thuật và thiết kế.

Cô đã và đang làm việc với các đơn vị như Thái Hà Books, viện Nghiên cứu Hán-Nôm, VCCA, Sunday Art Club, Pencil Philosophy…

Cô từng theo học Thiết kế Truyền thông tại Học viện Nghệ thuật Thị giác Frankfurt, Đức và Nhân học tại Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Hà Nội, Việt Nam.

Bên cạnh đó, cô là một nhà thơ và một nghệ sĩ thị giác hoạt động dưới cái tên mi-mimi.


/viết một tay/ là chuyên mục cùng chấp bút dành cho bạn đọc của iD, nhằm trở thành nơi để bạn có thể chia sẻ kiến thức với cộng đồng. Gửi bài viết về [email protected] hoặc tham gia nhóm Tổ sáng kiến tự quản.


Cùng tác giả

#Tag

Emil Nolde idesign Lê Hương Mi viết một tay

iDesign Must-try

Trào lưu Hội hoạ Trường Màu (Color Field Painting)
Trào lưu Hội hoạ Trường Màu (Color Field Painting)
Xu hướng trừu tượng hoá là một trong những xu hướng quan trọng nhất mang tính định nghĩa chủ nghĩa Hiện đại trong nghệ thuật. Biểu hiện Trừu tượng là…
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 3)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 3)
New York School ra đời từ sự phấn khích về chủ nghĩa hiện đại của châu Âu và được thúc đẩy bởi sự mở rộng kinh tế và công nghệ;…
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 2)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 2)
Khi nói về trường phái New York và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20, chúng ta không thể không nhắc tới chương trình giáo dục thiết kế…
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…