/viết một tay/ Van Gogh: Nỗi buồn kéo dài mãi mãi


Bài viết bởi tác giả Thủy Mẫn, được đăng tải trên nhóm Maybe This Art Should Be Known

Thủy Mẫn hiện đang là sinh viên theo học chuyên ngành thiết kế đồ họa tại Monster Lab, với đam mê viết và nghiên cứu về nghệ thuật thị giác.


Van Gogh là một trong những họa sĩ có ảnh hưởng và nổi tiếng nhất thế giới, cái tên Van Gogh không kém gì với những master (bậc thầy) Phục Hưng Leonardo Da Vinci hay Michelangelo.

Nổi tiếng không chỉ bởi tài năng hội họa mà đi kèm còn là những câu chuyện về sự đau khổ, nghèo khó và không được công nhận. Thế nhưng khi ta xem tiểu sử của Van Gogh sẽ thấy sự mâu thuẫn trong sự nghiệp của ông bởi khi còn sống, Van Gogh đã được giới chuyên môn đánh giá cao và hết lời khen ngợi, trong đó có Monet người dẫn đầu phong trào Ấn Tượng. Hay câu chuyện rằng em trai của Van Gogh, người hỗ trợ tài chính để Van Gogh có thể sinh sống và sáng tác là một nhà buôn tranh, bán rất nhiều tranh đương đại nhưng lại không thể bán tranh của anh trai mình. Và cuối cùng người họa sĩ tạo ra những bức tranh đắt nhất thế giới đã chết trong nghèo khó và đau khổ.

Sự kết thúc này được thúc đẩy bởi nhiều lý do, ngoài những lý do ngoại cảnh thì nó còn là một lựa chọn cá nhân – lựa chọn của chính bản thân Van Gogh.

Vào cuối thế kỷ thứ 19 khi sự bùng nổ của thị trường nghệ thuật đã kéo dài một thời gian, sự giao thương giữa các nước cũng đã được đẩy mạnh, thị trường nghệ thuật của Châu Âu và Mỹ được liên kết. Lúc này những người được gọi là art dealer (môi giới, buôn bán nghệ thuật) đứng ra trở thành nhà bảo trợ nghệ thuật, tài trợ tiền cho các nghệ sĩ để họ sống và sáng tác. Bù lại các tác phẩm của các nghệ sĩ đó sẽ dưới sự quản lý của nhà bảo trợ, việc bán cho ai, bán như thế nào sẽ được art dealer xác định.

Art dealer sẽ mở các phòng tranh để bày bán tác phẩm, đồng thời mở các cuộc triển lãm nhằm giới thiệu và quảng bá tranh với mục tiêu thu hút danh tiếng và khách hàng. Còn các nghệ sĩ, ngoài việc phải thiết lập mối quan hệ với art dealer thì họ cũng cần nắm bắt được thị trường để điều chỉnh hướng sáng tác cũng như tạo mối quan hệ và quảng bá tên tuổi của chính mình. Như mọi người đều biết, nghệ sĩ là một danh từ gắn liền với cái tôi và sự độc lập nhưng khi đã là kinh doanh và lợi ích thì nó là một câu chuyện hoàn toàn khác.

Thế nhưng bản thân Van Gogh là người hướng nội và thật khó cho ông để thưc hiện câu chuyện kinh doanh. Và như Carol Jacobi bình luận, chính Van Gogh đã luôn quay lưng với thương mại nghệ thuật.

Không quảng bá tên tuổi của mình tại các thành phố lớn, Van Gogh dành hầu hết thời gian trong sự nghiệp hội họa sống tách biệt một mình tại các làng quê. Van Gogh chỉ dành 2 năm duy nhất sống ở Paris theo lời ngỏ ý của em trai là Theo Van Gogh. Theo muốn Van Gogh tới Paris để tiếp xúc nhiều hơn với nghệ thuật đương đại và cũng là cơ hội để Van Gogh gặp gỡ những họa sĩ khác như Bernard, AnquetinGaugin.

Dù khi ấy ông đã tìm thấy được những nghệ sĩ cùng chí hướng, thực hiện vài triển lãm như một sự cố gắng để tạo ra tên tuổi cho mình. Thế nhưng Van Gogh không thực sự hạnh phúc với điều ấy, thời gian ở Paris ông uống rất nhiều Absinthe (rượu mạnh, 60-70 độ cồn) và tâm trạng thất thường. Bởi mệt mỏi với xô bồ của cuộc sống thành phố, tháng 2 năm 1888 Van Gogh rời Paris và đến Arles một mình sáng tác.

Trong suốt sự nghiệp hội họa của mình, Van Gogh được sự hỗ trợ tài chính từ em trai là Theo Van Gogh. Theo là art dealer, là người ủng hộ và bày bán tranh của các nghệ sĩ Ấn Tượng tại Paris như Monet, Degas, Renoir, Sisley, vân vân. Theo khích lệ Van Gogh theo đuổi hội họa, là người gửi tiền hỗ trợ cho Van Gogh mua dụng cụ và sơn dầu từ những năm đầu sự nghiệp (1880), tới năm 1885 Theo chính thức đứng ra làm nhà bảo trợ nghệ thuật cho Van Gogh,Theo không thực sự bán những bức tranh đó.

Việc này không phải do tranh của Van Gogh tệ, mà bởi đó là một điều tất yếu. Trong thị trường nghệ thuật bấy giờ, ngoài nghệ sĩ thì các art dealer cũng phải quan tâm tới danh tiếng, việc giới thiệu và bán tranh của chính anh trai mình sẽ khiến khách hàng nghi ngờ với những đánh giá về giá trị nghệ thuật của art dealer ấy. Trường hợp như vậy khiến tranh khó bán hơn và tất nhiên Theo cũng phải giữ uy tín của bản thân để còn phát triển sự nghiệp. Bản thân Theo hiểu điều ấy nhưng anh vẫn sẵn sàng tài trợ và khuyến khích Van Gogh sáng tác.

Và có lẽ chính Van Gogh cũng hiểu điều này, bởi trước sự nghiệp họa sĩ thì Van Gogh đã dành hơn 6 năm để học và làm art dealer (từ 1869 đến 1876). Dù sự nghiệp này của Van Gogh không thành công, nhưng với 6 năm ấy Van Gogh đủ khả năng để hiểu rõ cách hoạt động của thị trường nghệ thuật hay cụ thể là cách để bán được tranh, nhưng như đã nói ông quay lưng với câu chuyện thương mại.

Chán nản với chuyện tiền bạc và danh vọng, Van Gogh dành toàn bộ năng lượng và thời gian của mình cho việc sáng tác. Trong sự nghiệp của mình, Van Gogh có khoảng 900 bức tranh hoàn thiện và 1100 bức phác thảo, đó là một con số khủng khiếp khi so với 10 năm sáng tác ngắn ngủi. Van Gogh cũng từng dành hết tiền sinh hoạt để chi trả cho việc thuê mẫu vẽ, người đàn ông này luôn đặt nghệ thuật lên trên tất cả, thậm chí là trên cả chính bản thân mình. Trong những bức thư mà Van Gogh gửi cho em trai, ông bày tỏ về sự say mê hội họa, tình yêu thiên nhiên và cả khao khát được bộc bạch bản thân trên những nét bút:

“Có một điều anh quên không nói với em, rằng nếu em mua giùm anh màu vẽ thì chi phí ở đây của anh sẽ giảm đi một nửa. Tính đến giờ anh đã dành tiền cho màu, vải vẽ… còn nhiều hơn cho bản thân mình. Anh có một vườn cây ăn trái nữa dành cho em – nhưng lạy Chúa xin hãy gửi ngay màu vẽ tới cho anh nhé. Mùa hoa cây ăn trái đang nở rộ nhưng chỉ tồn tại rất ngắn ngủi, và em cũng biết đấy, chủ đề vẽ này luôn nằm trong những thứ khiến con người ta cảm thấy vui vẻ. Ngay khi anh có đủ tiền trả cước phí và thùng hàng (mà có thể nếu em gửi tới cái ga xép nhỏ này sẽ rẻ hơn là ga Lyon) anh sẽ gửi cho em những hình nghiên cứu. Giờ anh chẳng còn một xu dính túi như anh đã từng nói với em rồi đó. Hãy làm những gì em có thể, nhưng hãy cố mua màu vẽ với chút ít giảm giá nếu như em nghĩ tới lợi ích vì chúng ta đã làm việc rất hăng say.”

Thư Van Gogh gửi Theo tháng 4, năm 1888, Mimeo’s art world dịch.

Việc trao đổi thư từ giữa TheoVan Gogh kéo dài suốt nhiều năm, Theo không chỉ là nhà bảo trợ mà còn là bạn tâm giao và là người hỗ trợ tình cảm cho Van Gogh“Anh không thực sự có một người bạn nào ngoài em” – thư Van Gogh viết cho Theo năm 1883. Những bức thư của Van Gogh luôn được Theo cất giữ (khoảng 600 bức) và sau khi Van Gogh mất, những bức thư đó còn được em dâu là Johanna Van Gogh-Bonger xuất bản. Thế nhưng bản thân Van Gogh lại không giữ lại nhiều thư của Theo, và mặc cho sự quan tâm, hỗ trợ hết mực từ em trai, Van Gogh vẫn chìm đắm trong đau khổ. Suốt 2 năm sống cùng nhau tại Paris Van Gogh xung đột với Theo rất nhiều, như Theo viết cho chị gái Wil:

“Dường như có hai con người ở bên trong anh ấy vậy, một người rất tài năng và tinh tế, người còn lại thì vị kỷ và vô tâm”

Sự vị kỷ này của Van Gogh ta còn có thể thấy được qua hành động nổi giận với Gaugin khi Gaugin nói sẽ rời Arles hay sự thất vọng nặng nề khi biết tin em trai sẽ kết hôn. Nỗi sợ bị bỏ rơi và mất kết nối với những người thân thiết đã khiến Van Gogh kích động và cắt tai mình vào tháng 12 năm 1888. Ta có thể thấy bên trong con người này là khao khát tình yêu và sự chú ý thế nhưng những khao khát ấy cũng đi kèm sự mỏng manh và vị kỷ đáng sợ.

Không chỉ với Gaugin hay Theo mà ngay từ nhỏ, Van Gogh đã là người luôn có vấn đề với những mối quan hệ xung quanh. Từ khi còn nhỏ, Van Gogh được cho là có biểu hiện chống đối xã hội, biệt lập khỏi bạn bè, khi lớn lên ông trở thành art dealer thế nhưng với tính cách của Van Gogh thật dễ hiểu vì sao ông không thể thăng tiến với nghề làm dâu trăm họ ấy.

Ngoài ra các mối quan hệ tình cảm cũng như mối quan hệ với bố mẹ cũng hết sức phức tạp. Dường như Van Gogh luôn có vấn đề với chính thực tại cuộc sống, từ sự thiếu kiên định với những lựa chọn nghề nghiệp khi năm lần bảy lượt đổi nghề, hay việc chối bỏ tiền bạc và chọn sống nhờ sự trợ cấp từ em trai.

Bên trong con người ấy còn là những sự giằng xé khi say mê nghệ thuật, khao khát được thể hiện, được đón nhận thế nhưng lại không đủ sức để đấu tranh cho chính danh tiếng của mình. Hay khao khát tình yêu và kết nối sâu sắc nhưng cũng quá mỏng manh để đón nhận sự khước từ.

Tới khoảng năm 1890 danh tiếng của Van Gogh đã được nhiều người biết đến, năm đó tranh của Van Gogh được trưng bày tại triển lãm Salon des Indépendants cùng với những tác phẩm của các nghệ sĩ tiên phong khác, Theo viết thư cho Van Gogh:

“Em sẽ vui nếu anh đã có mặt ở đó (…) Những bức tranh của anh được treo ở một khoảng đẹp của triển lãm, trông chúng rất thu hút. Nhiều người đã đến nhờ em gửi những lời khen ngợi của họ tới anh”

Thế nhưng lúc này nỗi buồn của Van Gogh đã bào mòn ông, ông không còn quan tâm tới danh tiếng nữa, vào ngày 27 tháng 7 năm 1890 ở tuổi 37, Van Gogh đã tự kết thúc cuộc đời mình bằng một viên đạn nơi lồng ngực, bởi sự cô độc và đau khổ đã kéo dài quá lâu và có lẽ còn là cả bởi sự tuyệt vọng và nỗi sợ rằng:“Nỗi buồn sẽ kéo dài mãi mãi”

Sau cái chết của Van Gogh, nhờ những nỗ lực của em dâu Johanna và cháu trai Vincent Willem, danh tiếng của Van Gogh ngày càng được công chúng biết đến nhiều hơn. Năm 1973, Bảo Tàng Van Gogh tại Amsterdam được thành lập và đón hàng triệu lượt tham quan mỗi năm. Khoảng những năm 90, tranh Van Gogh liên tục phá kỷ lục thế giới về giá bán, như bức Portrait du Dr. Gachet với giá 82,5 triệu đô vào năm 1990, hay bức Iris với giá 53,9 triệu đô vào năm 1993.

Không chỉ là trong giới hạn nghệ thuật, Van Gogh cũng xuất hiện trong văn hóa đại chúng với những bộ phim như Loving Vincent At Eternity’s Gate, những collection thời trang lấy cảm hứng và kết hợp với tranh Van Gogh. Giờ đây, Van Gogh không chỉ là một họa sĩ mà còn là một biểu tượng, biểu tượng về sự hy sinh cho nghệ thuật, về nỗi đau và sự cô độc.

Sự nổi tiếng của Van Gogh ngoài tài năng và vẻ đẹp trên những bức tranh thì nó còn là do sự đồng cảm mang tính thời đại. Khi ở hiện tại mỗi chúng ta đều có một Van Gogh bên trong, kẻ hiện hữu dưới hình bóng của sự cô độc, của khát khao điên dại cho danh vọng và tình yêu nhưng cũng là sự mỏng manh, sợ hãi khi phải đối diện với thực tại. Ta đồng cảm với nỗi khổ, sự đau đớn nhưng cũng đồng cảm với cả sự sợ hãi và tuyệt vọng ấy.

Thế nhưng dù chúng ta đồng cảm cho Van Gogh bao nhiêu, hay dù truyền thông có tô vẽ như thế nào về sự hy sinh và cống hiến của Van Gogh thì một sự thật không thể nào thay đổi, đó là cái kết thúc của riêng người đàn ông ấy là một kết thúc cô độc và đau đớn giữa cánh đồng hoa hướng dương năm 1890.

Bài viết: Thủy Mẫn

Cùng tác giả

#Tag

Thủy Mẫn van gogh viết một tay

iDesign Must-try

Bữa tối từ góc nhìn của Van Gogh sẽ trông như thế nào qua loại hình stop motion?
Bữa tối từ góc nhìn của Van Gogh sẽ trông như thế nào qua loại hình stop motion?
Được truyền cảm hứng từ bộ phim Loving Vincent với toàn bộ các khung hình là các bức vẽ tay, Clicker đã vẽ lên các vật dụng hàng ngày để…
/Tách Lớp/ Đi tìm ‘Linh hồn của Biển’ trong thế giới Edvard Munch
/Tách Lớp/ Đi tìm ‘Linh hồn của Biển’ trong thế giới Edvard Munch
“Tôi cố gắng đi tìm ý nghĩa cuộc sống của bản thân thông qua ngôn ngữ hội họa và tương tự làm sáng tỏ điều ấy cho những người xung…
Có gì bên trong thế giới rực rỡ sắc màu của Triển Lãm Van Gogh
Có gì bên trong thế giới rực rỡ sắc màu của Triển Lãm Van Gogh
Với những ai yêu thích các bức họa của Van Gogh, chắc hẳn họ sẽ không quên được những trải nghiệm mãn nhãn tại các triển lãm chìm đắm hoành…
Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 9/2021
Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 9/2021
Làm thế nào giải quyết một khoản nợ khổng lồ mà không phải dùng đến tiền? Hay ‘Cách để nổi bật giữa đám đông mà không cần lộ mặt?’ –…
/Tách lớp/ Wheat Field with Cypresses - Miền quê nước Pháp trong đôi mắt nhiệm màu của Van Gogh
/Tách lớp/ Wheat Field with Cypresses - Miền quê nước Pháp trong đôi mắt nhiệm màu của Van Gogh
” Một ánh nhìn giống như chúng ta lướt mắt qua tấm cửa kính ô tô trên hành trình dài, rất ít đường thẳng, nó được xây dựng thành các…
Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta “lỡ đụng tay” vào tác phẩm nghệ thuật
Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta “lỡ đụng tay” vào tác phẩm nghệ thuật
“Những cú chạm của sự tò mò và ngây thơ” là cách mà con người muốn tận hưởng cảm giác gần gũi với ý tưởng kiệt xuất của sáng tạo.…