/Tách Lớp/ Đi tìm ‘Linh hồn của Biển’ trong thế giới Edvard Munch
“Tôi cố gắng đi tìm ý nghĩa cuộc sống của bản thân thông qua ngôn ngữ hội họa và tương tự làm sáng tỏ điều ấy cho những người xung quanh.” – Edvard Munch.
Được biết đến là “Nhà Biểu Hiện” tài danh của đất nước Na Uy, cũng như họa sĩ với cá tính đặc biệt có một không hai trên bản đồ nghệ thuật thế giới, Edvard Munch xây dựng phong cách cá nhân mang đậm dấu ấn của năng lượng cảm xúc nội tại bắt nguồn từ nỗi đau, sự cô đơn, tình yêu và cái chết. Vậy nên, trong vũ trụ muôn vàn sắc thái ấy không chỉ có mỗi “tiếng thét” của niềm trào dâng, chúng ta còn nghe được âm vang là tiếng than thở, tiếng cuộn trào của nhịp sống chảy từng đợt và cả tiếng vọng tâm hồn phản chiếu lên cảnh vật thiên nhiên êm ái.
Trong số Tách Lớp ngày hôm nay, chúng mình sẽ du ngoạn đến những đêm hè soi bóng trăng vàng trên mặt nước xanh thẳm của họa sĩ người Na Uy và lắng nghe hơi thở “nhộn nhịp” miền biển mà ông trót vương vấn để biến chúng thành hình họa nổi bật trong vũ trụ nghệ thuật của mình.
/Tách Lớp/ là loạt bài chúng mình trò chuyện về các tác phẩm hội họa nổi tiếng và tìm hiểu xem điều gì khiến chúng được yêu thích đến vậy.
Bối cảnh nghệ thuật
Hình ảnh của biển đã hiện diện trong nghệ thuật của Edvard Munch ngay từ những ngày đầu ông cầm cọ khi theo đuổi trường phái Ấn Tượng. Tuy nhiên chúng chỉ thực sự tạo nên dấu ấn đậm nét với công chúng và các nhà phê bình khi họa sĩ người Na Uy chuyển mình sang chủ nghĩa Biểu Hiện và gây ấn tượng mạnh trong thời kì “Frieze of Life” (giai đoạn chính 1890 – 1916) (tạm dịch: Phù điêu của cuộc sống).
Đây là giai đoạn nghệ thuật quan trọng nhất trong sự nghiệp của Edvard, đánh dấu cho hàng loạt tác phẩm nổi tiếng của ông ra đời, đặc biệt trong số đó có “The Scream” (Tiếng Thét). Khởi nguyên từ nỗi đau mất mát của các thành viên trong gia đình, ông đối mặt với một loạt bi kịch trong suốt cuộc đời: mẹ mất từ khi còn nhỏ, sau đó là chị gái qua đời vì bệnh lao, một người chị khác mắc bệnh tâm thần còn người anh duy nhất của ông cũng ra đi vì viêm phổi ở tuổi 30. Đỉnh điểm cho những u uất giằng xé này là cái chết của người cha Christian năm 1889 khiến Edvard rơi vào bế tắc và chán nản cuộc sống, thậm trí thời gian dài ông dày vò bản thân với ý nghĩ tự tử.
Chính những nỗi đau ấy đã tác động mạnh mẽ đến quá trình tiếp cận nghệ thuật để từ đó Edvard Munch phát triển phong cách tâm lý tự do trong các chủ đề hội họa. Các bức tranh trong loạt thời kì “Frieze of Life” tập trung vào việc ghi lại những cảm xúc và trải nghiệm thuần túy của con người như: ghen tị, tình yêu, lo lắng, tuyệt vọng, cô lập, xa cách,… Từ trạng thái tích cực đến tiêu cực, ông thể hiện những cung bậc tâm lí mà mọi người có thể kết nối với chúng và cộng hưởng cùng cảm nhận thị giác. Mô-típ này còn ảnh hưởng sâu rộng đến những nét vẽ trong sự nghiệp sau này của họa sĩ người Na Uy.
Những tháng ngày ở Åsgårdstrand
Hầu như hình ảnh thiên nhiên trong những tác phẩm ở loạt “Frieze of Life” và nhiều bức tranh khác nữa đều được lấy cảm hứng từ vùng Åsgårdstrand, một ngôi làng nhỏ ven biển gần Oslo. Nơi này đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp hội họa của Munch, không những vậy, nó còn giống như một sợi chỉ đỏ dẫn lối xuyên suốt trong phần lớn cuộc đời của ông.
Trong tập sách được xuất bản cho cuộc triển lãm The Frieze of Life năm 1918, họa sĩ người Na Uy có viết: “Frieze là đại diện cho hình ảnh của cuộc sống. Đường bờ biển quanh co ở Åsgårdstrand len lỏi qua tất cả chúng, bên trên là đại dương luôn chuyển động và bên dưới là những ngọn cây lặng gió. Phong cảnh ở đây muôn hình vạn trạng mở ra với tất cả niềm vui và nỗi buồn của nó.”
Bản thân Edvard Munch cũng từng tâm sự “…Đi bộ ở Åsgårdstrand giống như đi dạo qua các bức tranh của tôi – Tôi thực sự cảm thấy như đang được vẽ khi ở ngôi làng xinh đẹp này…”. Sự yên tĩnh từ thiên nhiên cho ông một cuộc đối thoại với tâm hồn bên trong mình, những vụn vỡ cuộc sống thả trôi theo nhịp điệu mà bầu không khí ở đây đem lại để Munch nhìn ngắm sâu nơi tâm khảm với trọn vẹn lăng kính đa chiều của cảm xúc.
Và cảnh biển đêm là chốn thân quen của người họa sĩ nhiều tâm sự, trút bỏ những giãi bày về cuộc sống, chúng xuất hiện thường trực có khi là đối tượng chính, có khi lại là cảnh nền cho hình ảnh con người trong nghệ thuật. Nhưng trên hết đó là bức tranh bên trong tâm hồn mang nét đẹp tiềm ẩn để diễn giải cho thế giới quan của Munch.
Vậy bức tranh đó như thế nào?
Ngôn ngữ thị giác
Ảnh hưởng nhiều từ trường phái Ấn Tượng của họa sĩ người Pháp Edouard Manet và Claude Monet, cũng như trường phái Tân Ấn Tượng như Paul Gauguin và Vincent Van Gogh. Phong cảnh biển ở Åsgårdstrand hiện lên với hòa sắc sống động của gam xanh lam cùng tím hồng để miêu tả bầu trời và mặt nước, song song là các màu nổi bật như đỏ hoặc vàng để xây dựng yếu tố xung quanh.
Mang hình ảnh “biểu hiện”, vậy nên tính bố cục được xây dựng đơn giản với đường chân trời nằm ở nửa trên bức tranh. Bầu trời đêm quang mây phản chiếu ánh trăng xuống mặt nước trải rộng khắp khung hình. Cảnh xa được điểm chút rặng núi mờ tạo tính không gian cho phối cảnh và đường bờ biển ở gần được sắp đặt các đối tượng như hàng cây, ngôi nhà, con người, những tảng đá,… để làm giàu tính chi tiết.
Bên cạnh đó, Edvard Munch còn sử dụng nét bút dài trộn sắc trên cọ, tạo hình với bút pháp thả lỏng nhằm tạo tính cách điệu cho toàn bộ bối cảnh. Để khai thác sâu hơn tâm trạng con người phản ánh lên thiên nhiên, họa sĩ Na Uy đặt để thêm vào đó những hình ảnh tương phản nhất định về cả hình thức lẫn màu sắc. Ví dụ trong bức Moonlight (Ánh trăng): vẻ thẳng tắp của cây cối được bù đắp bởi những đường cong của bãi cát, trong khi màu sắc hiện lên nổi bật trong ánh sáng ban đêm.
Những cảnh biển mà Edvard miêu tả luôn có hai hình ảnh thân quen xuất hiện một cách đều đặn như biểu tượng cho nghệ sĩ Na Uy là: Cột trăng vàng và Những tảng đá sặc sỡ.
Ánh trăng là đại diện cho tâm hồn thiên nhiên về đêm, thứ ánh sáng huyền ảo nhất khi bầu trời bao trùm bởi màu tím sâu thẳm. Nó cũng mang luôn hình ảnh của nỗi cô đơn và thương nhớ thấu cảm chất chứa bên trong mỗi người. Edvard tạo ra tính đối lập biểu tượng khiến cột trăng vàng nổi bật mãnh liệt giữa màn đêm yên tĩnh để thể hiện chiều sâu suy nghĩ và cảm xúc. Bóng sáng kéo dài từ chân trời cho đến sát đường bờ biển khiến chúng ta liên tưởng đến “dấu chấm than” – một cảm giác hoài nghi về sự tồn tại của con người và tình yêu.
Còn những tảng đá sặc sỡ được Edvard ví như “linh hồn của biển cả” – lắng nghe lời tâm tình từ thiên nhiên. Với đôi mắt huyền hoặc, ông xem chúng không chỉ là những vật vô tri, cứng nhắc nằm yên mình trong làn sóng biển dạt dào cuộn từng đợt. Khi hình ảnh con người vắng bóng khỏi thiên nhiên trong tranh của Edvard Munch, “nhân cách” ấy được chuyển hồn lên những cảnh vật tâm linh trong sự thanh bình hoành tráng.
Kích thước: 69 x 109 cm. Chất liệu: Sơn dầu.
Hiên đang trưng bày tại: Bảo tàng Munch.
“Red Rocks by Åsgårdstrand” (tạm dịch: Những khối đá đỏ ở Åsgårdstrand) – 1904. “Beach with Rocks” (tạm dịch: Bờ biển và những viên đá) – 1904.
Bãi biển cùng những khối đá có kích thước và màu sắc khác nhau bao phủ dọc bãi cát giống như thế giới cổ tích hiện lên bằng tất cả sắc thái nổi bật tỏa sáng lung linh được nhuốm màu sự vận động nội tại qua ngòi bút của Edvard. Chúng là hàng trăm phân mảnh cảm xúc khác nhau mà mỗi gam màu lại đại diện cho một trạng thái của ông: Sắc hồng là thương cảm – Sắc lam là cô đơn – Sắc tím là u uất.
Trong nhật ký của mình, họa sĩ Na Uy có viết: “Tôi đang đi bộ dọc theo bờ biển – mặt trăng chiếu qua những đám mây đen. Những viên đá lấp ló trên mặt nước, giống như những cư dân bí ẩn của biển cả. Có những cái đầu to tướng, nhoẻn miệng cười. Một số người trong số họ ở trên đường bờ biển, những người khác lấp lửng ở dưới mặt biển tối ám màu xanh tím và tôi nghe thấy những tiếng thở dài trong từng viên đá…”
Kích thước: 64 x 96 cm. Chất liệu: Sơn dầu.
Tạm kết
Thế giới mà Edvard Munch tạo nên đưa người xem vào sâu trong tiềm thức để nếm trải những vui buồn cuộc sống với đầy đủ thanh âm đa sắc. Ở đó chúng ta thấy được nét đồng điệu tâm hồn giữa Munch và Van Gogh, khi họ cùng mỹ thuật hóa những ký ức tiềm tàng lên các tác phẩm hội họa. Cả hai chưa bao giờ gặp nhau nhưng trực giác lại kết nối với nhau đến kì lạ, họ biến những nhạy cảm về vẻ đẹp thiên nhiên thành bản hòa tấu tuyệt vời cho giai điệu da diết của lương tri, để rồi khắc sâu và “ám ảnh” hình ảnh của chúng vào trong trí nhớ tất cả người xem.
Biên tập: Hoàng
Các bài khác cùng chủ đề
- 1. Câu chuyện đằng sau tuyệt tác “Luncheon of the Boating Party” của Renoir (P1)
- 2. Câu chuyện đằng sau tuyệt tác “Luncheon of the Boating Party” của Renoir (P2)
- 3. Nàng thơ tóc đỏ Elizabeth Siddal cùng bi kịch có thực phía sau bức tranh ‘Ophelia’ ám ảnh
- 4. /Tách Lớp/ Sự yên tĩnh bí ẩn trong Nighthawks của Edward Hopper
- 5. /Tách Lớp/ Điều gì đã diễn ra trong Las Meninas của Diego Velázquez
- 6. /Tách Lớp/ Wanderer above the Sea of Fog - Chọn sự tĩnh lặng để hiểu rõ bản thân
- 7. Cách đọc tranh thời Phục Hưng
- 8. /Tách Lớp/ Say đắm trong điệu Valse du dương của “Dance at le Moulin de la Galette”
- 9. /Tách Lớp/ Hip, Hip, Hurrah! - Khúc ngân vang từ xứ Skagen
- 10. /Tách Lớp/ Điều gì khiến ta trót yêu màu nắng Sewing the Sail của Joaquin Sorolla