Những chiếc bánh mì phát sáng khó tin đến từ Yukiko Morita
Nghệ sĩ người Nhật Bản đồng thời là một cựu thợ làm bánh – Yukiko Morita đã đưa tình yêu bánh mì vào công việc sáng tạo của mình bằng cách thành lập PAMPSHADE, công ty thủ công chuyên biến những ổ bánh mì và bánh sừng bò thành bộ sưu tập đèn nội thất với đầy đủ chức năng.
Bánh mì là món ăn hàng ngày mà có lẽ nhiều người trong chúng ta coi đó là thực phẩm thiết yếu không thể bỏ qua. Thế nhưng, nghệ sĩ Nhật Bản Yukiko Morita không chỉ dừng lại ở việc xem chúng là “người bạn” lấp đầy cho bao tử, cô bị mê hoặc bởi những hình thái độc đáo khác nhau của bánh mì đến mức cô quyết định gửi niềm đam mê này vào công việc sáng tạo của bản thân.
Ý tưởng sử dụng bánh mì để tạo ra đèn lần đầu tiên đến với Yukiko vào năm 2006 khi cô đang theo học tại Đại học Nghệ thuật Thành phố Kyoto. Khi không tham gia các buổi thuyết trình hoặc hội thảo, Yukiko làm việc bán thời gian tại một tiệm bánh gần trường trong 5 năm. “Trước khi bắt đầu công việc ở đó, tôi chỉ đơn giản là thích ăn bánh mì. Nhưng khi làm việc trong tiệm bánh, tôi nhận ra ‘biểu hiện’ của bánh mì mỗi ngày một khác nhau”, Yukiko chia sẻ.
“Mỗi chiếc bánh mì sẽ có một hình thái hoàn toàn không giống nhau phụ thuộc vào các yếu tố tạo nên chúng như nhiệt độ, độ ẩm, tình trạng men và kỹ thuật của người làm bánh. Khi tôi tìm hiểu sâu hơn về thế giới bánh mì, tôi càng ngày càng say mê nó hơn.”
Với niềm đam mê cháy bỏng này, Yukiko mạnh dạn tạo ra loạt tác phẩm khám phá thứ mà cô gọi là “sự quyến rũ của bánh mì”. Những nghiên cứu nghệ thuật ban đầu bao gồm các bức ảnh ghi lại hình ảnh nhiều lát bánh mì cắt mỏng được sắp đặt trong một khu rừng, hoặc quan sát sự biến chuyển của chúng kỹ lưỡng dưới kính hiển vi để tìm hiểu nấm mốc phát triển như thế nào.
Một ngày nọ, khi đang nghiên cứu một chiếc bánh được cắt mỏng với phần vỏ bánh được khoét rỗng, ánh nắng mặt trời xuyên qua cửa sổ chiếu vào làm chiếc bánh mì phát sáng rực rỡ. “Tôi thấy ánh sáng tự nhiên làm cho chiếc bánh mì trở nên sáng bóng!” cô ấy giải thích. “Nó đã mô tả hoàn hảo ‘sự quyến rũ của bánh mì’ mà tôi luôn tìm kiếm bấy lâu. Và đây là sự khởi đầu của PAMPSHADE.”
Tuy nhiên, phải đến năm 2008, hai năm sau khi tốt nghiệp, Yukiko mới bắt đầu nghiêm túc phát triển niềm đam mê của mình thành một công việc kinh doanh đồ trang trí nội thất sáng tạo. Dù vậy mãi đến năm 2016, PAMPSHADE mới chính thức ra mắt với tư cách là một thương hiệu. Tên gọi của công ty được lấy cảm hứng từ tiếng lóng kết hợp giữa hai từ: PAN (một cách gọi khác của bánh mì) và LAMPSHADE (cái chụp đèn).
Không khó để thấy tại sao các sản phẩm của PAMPSHADE lại được yêu thích đến vậy. Những chiếc chụp đèn kỳ quặc và khó tưởng tượng để trở thành hiện thực, nhưng bằng một cách nào đó chúng vẫn tồn tại và hoạt động bình thường, trở thành một điểm nhấn nổi bật cho bất kỳ phòng ngủ hoặc phòng khách nào với yếu tố bền vững bên trong.
Tìm hiểu sức hấp dẫn độc đáo của chúng, không có gì ngạc nhiên khi Yukiko luôn kín tiếng về cách những chiếc bánh mì được tạo ra và xử lý để biến nó thành vật dụng thường ngày. “Chi tiết kỹ thuật là một bí mật, nhưng quá trình sáng tạo của chúng tôi bắt đầu bằng từ việc mua những chiếc bánh mì ‘bị ế’ từ một số tiệm bánh. Bằng cách này các chủ tiệm bánh rất vui và nó là một phần của hoạt động sáng tạo bền vững.”
Bên cạnh đó, đèn thường có thời hạn sử dụng lâu hơn thời gian trung bình của chiếc chụp bánh mì bị hỏng. Yukiko chia sẻ: “Bánh mì được xử lý kỹ lưỡng với các chất khử trùng và chống nấm mốc. Trong phạm vi sử dụng bình thường, chúng có thể tồn tại vĩnh viễn với các tác nhân vi khuẩn, tuy nhiên hãy cẩn thận để không làm vỡ vỏ bánh!”.
Danh sách toàn bộ các sản phẩm trên trang PAMPSHADE bao gồm đèn Cob nhỏ, đèn bánh sừng bò, đèn bánh mì Baguette và thậm chí cả đồng hồ làm từ bánh mì Naan (một loại bánh phổ biến của vùng Trung Đông và Nam – Trung Á) trông giống như chúng được nhấc thẳng ra từ bức tranh nổi tiếng của danh họa Salvador Dali. Nhưng đối với một người cuồng bánh mì như Yukiko, cô ấy phải có một loại bánh mì cực kì yêu thích để sáng tạo trên chúng.
Và câu trả lời đó là Bánh mì Baguettes. Yukiko say mê nói: “Bánh mì Baguettes thường được làm với những nguyên liệu đơn giản: chỉ cần bột mì, nước, muối và men. Chính vì vậy, đặc tính của nguyên liệu và tay nghề của người làm bánh dễ dàng được phản ánh trong hương vị và nhìn thấy ở cảm quan bên ngoài, khiến nó trở thành một loại bánh rất tinh tế để biết được đây có phải chiếc bánh mì tốt và một tiệm bánh hảo hạng”.
Bánh Baguettes. Bánh Sừng Bò.
Ngoài ra, chúng ta cũng dễ bị hấp dẫn bởi chiếc đèn bánh sừng bò nhỏ dễ thương. Nói về chúng, nghệ sĩ người Nhật chia sẻ: “Tôi nghĩ chiếc đèn sừng bò là món quyến rũ nhất! Các lớp bơ xếp chồng lên nhau một cách hoàn hảo và cách ánh sáng ấm áp tràn qua các khe hở thực sự kỳ diệu! Tuy nhiên, bánh sừng bò là loại khó làm nhất và đòi hỏi kỹ thuật cao, vì vậy nó khiến tôi mất nhiều thời gian để sáng tạo trên chúng”.
Các bạn có thể khám phá nhiều hơn các mặt hàng và tìm hiểu thêm về thương hiệu độc lạ của Yukiko tại trang web PAMPSHADE.
Biên tập: Hoàng
Các bài khác cùng chủ đề
- 1. Tưởng là nội thất từ đá quý, hoá ra chúng được làm từ nhựa cây
- 2. Đồ nội thất holographic mang sắc thái Scandinavi
- 3. Chiếc đèn dạng kén lấy cảm hứng từ những chú tằm
- 4. Những sản phẩm nội thất mang kết cấu hình học tuyệt vời của Steven Bukowski
- 5. Dạo bước qua từng không gian trong triển lãm nội thất INTRO/LA 2019
- 6. Đồ án tốt nghiệp: Nội thất mây đan kết hợp đá cẩm thạch
- 7. Những chiếc ghế đẩu nằm giữa lằn ranh trần tục và thần thánh
- 8. Đồ nội thất lấy cảm hứng từ khu vui chơi trẻ em của Joe Parr
- 9. Rachel Gannon minh hoạ về những sản phẩm thiết kế công nghiệp
- 10. Những chiếc ghế tái sử dụng chất liệu vải dù