Công nghệ thay đổi thế giới nghệ thuật như thế nào?
Công nghệ đã mang những kiệt tác đến gần hơn với khán giả đại chúng, giúp chúng ta hiểu tầm nhìn nghệ thuật và lịch sử của nó, từ đó thấy rõ âm hưởng giá trị đã tác động mạnh mẽ ra sao trong suốt dòng thời gian kiệt tác ấy tồn tại.
Lịch sử nghệ thuật cho thấy các nghệ sĩ luôn tìm kiếm những hình thức biểu đạt mới và nhiều phương tiện độc đáo hơn để thể hiện bộ nguyên tắc ý tưởng sáng tạo của họ. Nhiều phong trào tiên phong bắt đầu mọc lên như nấm vào đầu thế kỷ 20 về cơ bản đã thách thức nhận thức truyền thống về nghệ thuật lúc bấy giờ. Các nghệ sĩ bước ra từ các phong trào tiến bộ này giới thiệu đến công chúng những vật liệu phi nghệ thuật mới, như: sách, tạp chí, vải, đồ gia dụng và nhiều vật dụng thường ngày khác như một phương tiện truyền tải hoàn hảo, khẳng định rằng các nghệ sĩ chân chính có thể tạo ra các tác phẩm từ bất cứ thứ gì. Đây là cách mà nghệ thuật đa chất liệu ra đời, đánh dấu cho một kỷ nguyên mới thú vị trong chiều dài phát triển của bộ môn kén chọn này.
Sự phát triển của công nghệ song hành với các khái niệm nghệ thuật tiến bộ đã thay đổi cách chúng được tạo ra và chia sẻ, cho phép các nghệ sĩ đột phá trong cách thể hiện sáng tạo của họ để tiếp cận rộng rãi với các nhóm khán giả hoàn toàn mới vượt ra ngoài ranh giới thông thường trước kia. Giờ đây, chúng ta có thể tự hỏi mình rằng liệu kho tàng rộng lớn của Andy Warhol có phát triển theo cùng một hướng nếu như không có công nghệ in hoặc máy ảnh hay không?
Vì vậy, các nghệ sĩ ngày nay không chỉ sử dụng những đổi mới công nghệ để hỗ trợ trong quá trình sáng tạo của họ. Nhiều nghệ sĩ và chuyên gia nghệ thuật đang biến đổi thế giới nghệ thuật bằng cách tận dụng triệt để công nghệ và biến công cụ mạnh mẽ này như một phương tiện thực hành sáng tạo, cho phép họ tạo ra các tác phẩm nghệ thuật nổi bật với sự sắp đặt đa phương tiện thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.
Bài viết này sẽ cho chúng ta thấy sự phát triển nhanh chóng của công nghệ kỹ thuật số tiên tiến đã thay đổi thế giới nghệ thuật mãi mãi như thế nào, đẩy ranh giới nhận thức và hiểu biết của mọi người về nghệ thuật ra sao.
Lược sử ngắn về nghệ thuật kỹ thuật số
Các nghệ sĩ bắt đầu giải quyết ý tưởng kết hợp nghệ thuật thị giác và công nghệ từ giữa thế kỷ 20 với nỗ lực đầu tiên vào năm 1967. Khi đó, một nhóm các nghệ sĩ ở New York bao gồm John Cage, Robert Rauschenberg, Robert Whitman và Yvonne Rainer, v.v. hợp tác cùng các kỹ sư và nhà khoa học từ Phòng thí nghiệm Bell nổi tiếng thế giới để tạo ra những màn trình diễn đột phá với công nghệ mới. Những tác phẩm sắp đặt và trình diễn đầu tiên này đã thúc đẩy việc sử dụng công nghệ trong sáng tạo nghệ thuật, từ đó đặt nền tảng cho sự phát triển nghệ thuật kỹ thuật số sau này.
Và như đã đề cập đến ở trên, Andy Warhol được xem là một trong những nghệ sĩ có ảnh hưởng nhất đã sử dụng công nghệ hiện đại, chẳng hạn như video, phim và in ấn để làm cho nghệ thuật của ông bắt mắt và dễ tiếp cận hơn. Tuy nhiên, có một sự thật ít người biết rằng Warhol cũng là một trong những người tiên phong của nghệ thuật kỹ thuật số. Cụ thể, ông đã tạo ra các bản vẽ kỹ thuật số trên máy tính Amiga để quảng cáo hệ thống máy tính và chương trình phần mềm của họ với tư cách là đại sứ thương hiệu cho công ty máy tính Commodore International.
Tất cả những điều này xảy ra vào năm 1985, nhưng sau đó các tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số của AndyWarhol đã bị thất lạc và lãng quên. Mãi cho đến năm 2014, chúng mới được phát hiện lại và phục hồi bởi Cory Arcangel, một nghệ sĩ đa phương tiện tại New York và một người hâm mộ cuồng nhiệt của Warhol. Từ tháng 7 năm 2017 đến tháng 11 năm 2019, Bảo tàng Warhol đã trưng bày các tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số lịch sử mang tính đột phá này của nghệ sĩ người Mỹ bằng cách sử dụng phương tiện ban đầu của nó – đó là máy tính Amiga cổ điển.
Thập niên 90s mang đến Internet và bắt đầu cuộc cách mạng công nghệ trên mọi phương diện. Mọi người đã sớm nhận ra những khả năng rộng lớn của mạng ảo toàn cầu này và bối cảnh nghệ thuật kỹ thuật số bắt đầu bùng nổ mạnh mẽ. Internet đã giúp các tác phẩm nghệ thuật của nhiều nghệ sĩ xuất hiện phổ quát hơn, tăng khả năng tiếp cận với khán giả trên toàn thế giới. Công nghệ tiên tiến cũng cho phép họ biến đổi và chế tác tác phẩm nghệ thuật, do đó trở thành một phương tiện nghệ thuật quan trọng.
Đến hiện tại, trong thiên niên kỷ mới đã giới thiệu nhiều bộ óc sáng tạo kỹ thuật số quan trọng sử dụng công nghệ tiên tiến để thực hiện các tác phẩm sắp đặt và trình diễn đáng nhớ. Chúng ta sẽ đề cập ngay dưới đây một số nghệ sĩ và sự kiện nghệ thuật đáng nhớ nhất để thấy công nghệ là một phương tiện của nghệ thuật.
1. Triển lãm Cách Mạng Kỹ Thuật Số 2014
Triển lãm nghệ thuật kỹ thuật số này được mô tả trên tờ Times UK là “buổi trình diễn mang tính bước ngoặt”, khi kết hợp các loại hình nghệ thuật kỹ thuật số đa dạng và tập hợp tất cả các dự án nghệ thuật đột phá trong một phòng trưng bày nghệ thuật, từ đó thể hiện các mối liên hệ phức tạp giữa chúng. Khách tham quan có thể trải nghiệm những cảm giác sâu sắc trong môi trường nghệ thuật công nghệ tiên tiến vô cùng hấp dẫn với tương tác nhập vai.
Họ đã sử dụng hình ảnh kỹ thuật số và các công cụ công nghệ để tạo ra những thử nghiệm đáng nhớ với các chương trình trưng bày nghệ thuật sắp đặt. Mục đích của sự kiện nghệ thuật này là để kỷ niệm “sự chuyển đổi của nghệ thuật thông qua công nghệ” bằng cách quy tụ các tác giả quan trọng nhất trong các thể loại nghệ thuật kỹ thuật số khác nhau. Khách tham quan có thể xem và thưởng thức các tác phẩm của Bjork, Chris Milk, Aaron Koblin, hay Rafael Lozano-Hemmer, v.v.
2. Chris Milk
Là một trong những nghệ sĩ nổi bật nhất đã tham gia triển lãm Cuộc cách mạng kỹ thuật số với dự án rất nổi tiếng “Treachery of the Sanctuary” (tạm dịch: Sự phản bội của Thánh Đường). Ở đó, Chris Milk đã sử dụng sự tương tác của khán giả để tạo ra những chú chim kỹ thuật số trên các tấm bảng điện tử, qua đó khám phá nỗi buồn và niềm hạnh phúc của một quá trình “sáng tạo” bền bỉ.
Du khách khi trải nghiệm tác phẩm sẽ đứng trước màn hình đầu tiên và thấy bóng của mình tan biến thành một đàn chim bay. Sau đó, khán giả chuyển sang màn hình tiếp theo, nơi họ có thể thấy những chú chim giống nhau đang tấn công vào bóng đen của họ trên màn hình. Và cuối cùng là nơi chúng hình thành nên đôi cánh tuyệt đẹp và du khách có thể di chuyển nó bằng cách vẫy tay mình.
3. teamLab
TeamLab là một tập thể nghệ thuật quốc tế với nhóm nghệ sĩ liên ngành được thành lập vào năm 2001 tại Tokyo, Nhật Bản. Bao gồm nghệ sĩ, lập trình viên, kỹ sư, nhà làm hoạt hình CG , nhà toán học và kiến trúc sư, những bộ óc tài năng của teamLab được các nhà phê bình xem là “tập thể công nghệ siêu việt”. Các tác phẩm của teamLab mang đến một không gian chìm đắm choáng ngợp cho những tất cả du khách được một lần thưởng lãm sáng tạo của họ. Chúng dựa trên khái niệm không biên giới và tích hợp các công nghệ tiên tiến, hướng đến thể hiện mối quan hệ giữa thiên nhiên và các tác phẩm nhân tạo để đưa mọi giác quan và cảm quan của người xem vào thế giới tương tác nhập vai.
4. Eric Standley
Eric Standley, một nghệ sĩ và giáo sư nghệ thuật tại Virginia, ông đã sử dụng công nghệ tiên tiến để tạo ra các cửa sổ kính màu từ giấy cắt laser. Trong một lần thử nghiệm, Standley phát hiện ra rằng nhiều lớp giấy cắt la-de mang lại độ sâu và hiệu ứng ba chiều nhất định cho tác phẩm nghệ thuật, điều này đã khiến ông bị mê hoặc và thách thức bản thân tạo ra những thiết kế phức tạp hơn. Toàn bộ quá trình sáng tạo bắt đầu với những bản vẽ chi tiết, sau đó Eric in ra và cắt bằng tia laser, rồi xếp chồng các tờ giấy lên nhau để tạo ra tác phẩm nghệ thuật độc đáo.
Trái ngược với nhiều người, Standley không sử dụng công nghệ để lược giảm quá trình thực hành sáng tạo nghệ thuật. Ông nói rằng mình thích sử dụng phương tiện nghệ thuật này vì công nghệ đang giúp ông mở rộng tầm nhìn nghệ thuật và sáng tạo những tác phẩm có mức độ mãn nhãn nhất định.
5. Yayoi Kusama
Để kết thúc cho danh sách các nghệ sĩ và dự án kỹ thuật số xuất sắc này là sự thán phục dành một người phụ nữ đã có tác động không nhỏ đến nhiều lĩnh vực trong nghệ thuật, cùng với một sự nghiệp kéo dài hơn nửa thế kỷ.
Nghệ sĩ Yayoi Kusama từng trải qua những chấn thương tâm lý khi còn nhỏ khiến bà bị ảo giác như những tia sáng rực rỡ hoặc một mảng chấm trước mắt. Vì tuổi thơ nhiều đau thương, bà bắt đầu trải qua những giai đoạn ám ảnh cưỡng chế mà bản thân không thể kiểm soát. Yayoi Kusama tạo ra nghệ thuật phản ánh đau đớn những rắc rối mà bà đã trải qua, và những tác phẩm ấy đã khiến khán giả đồng cảm với bà.
Một trong những tác phẩm nghệ thuật sắp đặt ấn tượng nhất của nghệ sĩ Kusama là phòng “Gương vô cực”. Những căn phòng hình khối này được bao phủ bằng gương với nước trên sàn và chỉ có ánh sáng le lói yếu ớt tạo nên sự tương phản giữa sự sống và cái chết. Sau đó, du khách được chuyển đến một không gian khác của yên tĩnh và rung động, nơi bà có thể kiểm soát nhận thức của khán giả về ánh sáng và bóng tối. Một số chuyên gia cho rằng đây là cách nghệ sĩ đối phó với việc bà không thể kiểm soát được những dư chấn của cảm xúc vụn vỡ trong cuộc sống trước đây.
Tạm kết
Tất cả những nghệ sĩ đặc biệt này và tác phẩm nghệ thuật của họ chứng minh công nghệ tiên tiến đang biến đổi thế giới nghệ thuật và nhận thức của khán giả về chúng như thế nào. Công nghệ cũng đã cho phép nhiều người tiếp cận với nghệ thuật hơn, mang đến cho những người đam mê và các nhà sưu tập nền tảng để xây dựng bộ sưu tập nghệ thuật của họ và chia sẻ với những người khác. Công nghệ và phương tiện truyền thông xã hội còn là cuộc cách mạng cho phép mọi người thể hiện cảm xúc và niềm tin sâu sắc nhất của họ thông qua các tác phẩm và dự án nghệ thuật kỹ thuật số tương tác.
Từ AI (Trí tuệ nhân tạo), VR (thực tế ảo) và AR (thực tế tăng cường) đến các thiết kế kỹ thuật số và máy in 3D phần nào “phá vỡ” thị trường nghệ thuật đương đại theo nhiều cách khác nhau, thay đổi cách nghệ thuật được tạo ra, tiêu dùng và được chia sẻ trong thế giới mang đậm tính kết nối như hiện tại. Nhiều nền tảng nghệ thuật trực tuyến giúp nghệ sĩ quảng bá tác phẩm của mình và duy trì kết nối với cộng đồng.
Công nghệ ảo mang những kiệt tác đến gần với khán giả, giúp tầm nhìn nghệ thuật và lịch sử của nó đến với đông đảo công chúng hơn. Nhiều bảo tàng nghệ thuật nổi tiếng thế giới còn tổ chức thường xuyên các chuyến tham quan trực tuyến để mở cửa đón khán giả toàn cầu cho những ai không thể tiếp cận trực tiếp được.
Từ sự thay đổi chóng mặt, chúng ta sẽ luôn ngạc nhiên vì không biết việc áp dụng công nghệ tiên tiến trong nghệ thuật sẽ đưa chúng ta đến đâu tiếp theo. Dù tương lai có ra sao nhưng có thể chắc chắn rằng nó vẫn tiếp tục biến chuyển cách các nghệ sĩ thể hiện và chia sẻ sức mạnh sáng tạo của họ để truyền cảm hứng và ảnh hưởng những gì tốt đẹp nhất cho toàn thế giới.
Biên dịch: Hoàng
Nguồn tham khảo
Các bài khác cùng chủ đề
- 1. Nối kết điểm: Tại sao thương hiệu công nghệ đang chào đón ngành minh hoạ
- 2. Công nghệ đã ảnh hưởng tới chúng ta như thế nào qua series đình đám của Netflix: Black Mirror?
- 3. VR ở Việt Nam: Không khó về kỹ thuật mà là con người
- 4. Ảnh hưởng của công nghệ đến quá trình tạo sản phẩm
- 5. Samsung Galaxy S9: Một cái nhìn thân quen
- 6. Tại sao Google, Airbnb và Pinterest đều có logo tương tự nhau như vậy?
- 7. Bạn sẽ tạo ra điện nếu đi bộ tại London
- 8. Liệu có khả thi khi chiêm ngưỡng nghệ thuật qua góc nhìn công nghệ?
- 9. 18 ứng dụng Android không thể thiếu dành cho dân thiết kế (P.2)
- 10. Niềm hi vọng mới cho loài tê giác trắng phương Bắc sắp tuyệt chủng