Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật - (Phần 2)

Trong phần trước của bài nghiên cứu, chúng ta đã được biết về lược sử Nghệ thuật Kỹ thuật số cùng những cái tên nổi bật như John Cage, Robert Rauschenberg, Robert Whitman, Yvonne Rainer, đặc biệt là Andy Warhol, và phần nào có thể đưa ra nhận định rằng: “Sự phát triển không ngừng của công nghệ nắm tay song hành cùng với các ý tưởng nghệ thuật tiến bộ, đồng thời thay đổi cách sáng tạo và chia sẻ nghệ thuật, tạo cơ hội phát triển cho những người nghệ sĩ xuất chúng với cách thể hiện vô cùng sáng tạo giúp chạm tới nhóm khán giả rộng hơn, mới hơn, vượt ra khỏi giới hạn nghệ thuật thông thường trên thế giới.”

Ở phần 2 này của nghiên cứu, ta sẽ cùng tìm hiểu chi tiết hơn về các tác phẩm nghệ thuật ứng dụng công nghệ trong khuôn khổ triển lãm Nghệ thuật Kỹ thuật số nổi bật của thời đại mang tên “Digital Revolution”. Tại đây, ta có thể liệt kê một số nghệ sĩ và sự kiện nghệ thuật quan trọng đã quảng bá công nghệ với vai trò là một chất liệu nghệ thuật.

Bài viết được chia làm 2 phần:

Phần 1: Dẫn nhập, Lịch sử Nghệ thuật kỹ thuật số
Phần 2: Các triển lãm Nghệ thuật kỹ thuật số và tác phẩm nổi bật, Kết luận

Phần 2: Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật

Đăng tải trong chuyên mục Art Guide tại ARTDEX

Trong những năm 1990, Internet và cuộc cách mạng công nghệ xuất hiện. Mọi người sớm nhận ra mạng kết nối toàn cầu này chứa đựng nhiều tiềm năng to lớn, và nghệ thuật kỹ thuật số bắt đầu bùng nổ. Internet đã giúp nhiều nghệ sĩ đưa tác phẩm nghệ thuật tới công chúng trên toàn thế giới. Công nghệ tân tiến cũng giúp nghệ sĩ biến đổi và xoay chuyển các tác phẩm nghệ thuật của họ, nên nó đã trở thành một chất liệu nghệ thuật quan trọng.

Trong thiên niên kỷ mới, đã có nhiều nghệ sĩ kỹ thuật số nổi tiếng sử dụng công nghệ hiện đại để tạo ra những tác phẩm sắp đặt và trình diễn đáng nhớ.

1. Triển lãm “Digital Revolution”

Triển lãm nghệ thuật kỹ thuật số Digital Revolution tại The Barbican

Triển lãm nghệ thuật kỹ thuật số Digital Revolution được tờ báo Times UK miêu tả là “buổi trình diễn mang tính bước ngoặt”. Nó là sự kết hợp của nhiều loại hình nghệ thuật kỹ thuật số đa dạng, các dự án nghệ thuật ấn tượng, được trưng bày chỉ trong một phòng triển lãm nghệ thuật và điều đó hỗ trợ thể hiện các mối liên hệ phức tạp giữa chúng. Khách tham quan đã có những xúc cảm sâu đậm trong môi trường nghệ thuật kỹ thuật số vô cùng hấp dẫn và chân thực này. Họ sử dụng hình ảnh kỹ thuật số và các dụng cụ công nghệ để tương tác với các sản phẩm nghệ thuật được trưng bày. Mục đích của sự kiện này là để kỷ niệm “sự biến chuyển của nghệ thuật thông qua công nghệ” bằng cách tập hợp các nghệ sĩ quan trọng nhất trong nhiều thể loại nghệ thuật kỹ thuật số khác nhau. Khách tham quan có thể chiêm ngưỡng và thưởng thức các tác phẩm của Bjork, Chris Milk, Aaron Koblin, hoặc Rafael Lozano-Hemmer, v.v.

2. Chris Milk

Tác phẩm Treachery of the Sanctuary (Tạm dịch: Sự phản bội của thánh địa) bởi Chris Milk trong khuôn khổ Triển lãm Digital Revolution

Ông là một trong những nghệ sĩ kỹ thuật số nổi bật nhất trong triển lãm Digital Revolution với dự án tương tác nổi tiếng, Treachery of the Sanctuary. Tại đây, ông đã sử dụng sự tương tác giữa khán giả và những chú chim kỹ thuật số trên các tấm bảng điện tử nhằm diễn tả sự thống khổ và sung sướng trong quá trình sáng tạo.

Tác phẩm sắp đặt được thực hiện trên ba màn hình nhô lên từ một hồ nước màu đen và phản quang. Du khách đứng trước màn hình đầu tiên và thấy bóng của họ tan biến thành một đàn chim bay. Sau đó, họ chuyển sang màn hình tiếp theo và thấy những con chim đó đang mổ cái bóng của họ. Màn hình hiển thị những con chim xếp thành hình đôi cánh, mà du khách có thể điều khiển chuyển động của nó bằng cách vẫy tay.

Ngoài dự án nghệ thuật kỹ thuật số hấp dẫn, có tính tương tác cao và hoành tráng này, ông Milk cũng đã bắt đầu một dự án nghệ thuật mới, để thể hiện sự tôn kính đối với huyền thoại Johnny Cash. Ý tưởng của dự án là tất cả những ai có hứng thú sẽ vẽ một bức chân dung về “người đàn ông mặc đồ đen”, và sau đó ông sẽ kết hợp tất cả tranh của họ lại với nhau để tạo thành một bức chân dung khổng lồ.

3. Light Echoes

Tác phẩm Light Echoes (Tạm dịch: Những âm vang Dịu dàng) bởi aron Koblin và Ben Tricklebank

Đây là tên của một dự án nghệ thuật kỹ thuật số hấp dẫn được thực hiện từ nỗ lực sáng tạo của Aaron Koblin và Ben Tricklebank. Họ đặt một máy chiếu tia laze khổng lồ trên nóc một đoàn tàu đang di chuyển qua California. Sau đó, họ chiếu các tác phẩm khác nhau, bao gồm cả các đoạn trích thơ, lên bầu trời đêm đầy sao và phong cảnh xung quanh. Những hình chiếu này để lại “dấu vết” có thể nhìn thấy trên các đường mòn và được chụp lại bằng cách phơi sáng lâu. Điều này đã giúp khán giả có một trải nghiệm đa phương tiện tuyệt vời và gợi nên những cảm xúc sâu lắng trong lòng họ.

4. Eric Standley

Tác phẩm cắt lazer và mạ vàng bởi Eric Standley

Eric Standley là một nghệ sĩ và giáo sư giảng dạy ngành nghệ thuật studio tại Đại học Virginia Tech. Ông sử dụng công nghệ hiện đại để tạo ra các ô cửa sổ màu từ giấy cắt laze. Qua đó, ông đã phát hiện ra rằng những lớp giấy cắt laze có thể đem lại chiều sâu và hiệu ứng ba chiều cho tác phẩm nghệ thuật của mình, và điều này đã thu hút ông tạo ra những thiết kế phức tạp hơn. Toàn bộ quá trình sáng tạo bắt đầu từ những bản vẽ phức tạp mà sau đó ông in ra và cắt bằng tia laze, sau đó, xếp chồng các tờ giấy lên nhau để tạo ra tác phẩm nghệ thuật như ông đã hình dung.

Đi ngược lại với số đông, ông Standley không sử dụng công nghệ để làm việc hiệu quả hơn hoặc để sáng tạo nghệ thuật đỡ vất vả. Ông chia sẻ rằng ông chỉ thích sử dụng công cụ nghệ thuật này vì công nghệ giúp ông mở rộng tầm nhìn nghệ thuật của mình, và tạo ra những tác phẩm phức tạp hơn mà thôi.

5. Yayoi Kusama

Tác phẩm Infinity Mirror (Tạm dịch: Phòng gương Vô cực) bởi Yayoi Kusama

Chúng tôi muốn khép lại danh sách các nghệ sĩ và dự án kỹ thuật số xuất sắc này bằng các bày tỏ lòng kính trọng đối với một người phụ nữ đặc biệt. Bà đã có ảnh hưởng lớn đến nhiều lĩnh vực nghệ thuật trong suốt sự nghiệp nghệ thuật lâu dài và đa dạng kéo dài hơn nửa thế kỷ qua. Do từng trải qua chấn thương tâm lý khi còn nhỏ nên bà Yayoi Kusama có thể nhìn thấy những tia sáng rực rỡ hoặc dãy chấm bi trước mắt. Vì tuổi thơ nhiều đau thương, bà cũng trải qua giai đoạn ám ảnh cưỡng chế mà không thể kiểm soát được. Từ đó, bà đã sáng tạo nghệ thuật để diễn tả những vấn đề mà bà đã trải qua, và có rất nhiều người cảm thấy đồng cảm với bà khi chiêm ngưỡng những tác phẩm ấy.

Một trong những tác phẩm nghệ thuật sắp đặt ấn tượng nhất của bà là phòng “Gương vô cực”. Những căn phòng hình lập phương này được bao phủ bằng gương với nước trên sàn nhà và chỉ có ánh sáng le lói yếu ớt, tạo nên sự tương phản giữa sự sống và cái chết. Sau đó, khách tham quan di chuyển đến một không gian khác yên tĩnh hơn và có ánh sáng chiếu rọi. Tại đây, bà có thể kiểm soát cách họ nhìn nhận ánh sáng và bóng tối. Một số chuyên gia cho rằng đây là cách bà đối diện với thực tế, rằng có nhiều thứ bà không thể kiểm soát được trong đời sống.

6. Assemblance

Tác phẩm Assemblance (Tạm dịch: Tập hợp) bởi Umbrellium

Không phải tất cả các buổi biểu diễn nghệ thuật sử dụng công nghệ đều phải khơi gợi cảm giác đau đớn để thể hiện một trải nghiệm nghệ thuật ấn tượng và chân thực. Ví dụ, Assemblance là một buổi biểu diễn nghệ thuật kỹ thuật số tạo ra bởi tập thể nghệ sĩ Umbrellium. Thay vì sử dụng cọ vẽ, buổi biểu diễn này dùng chùm tia laze để thay thế. Những tia sáng này để lại những vệt màu trên mặt đất và trên cơ thể những người đang đi ngang qua đường. Về cơ bản, họ muốn cho mọi người thấy rằng, cần phải làm việc cùng nhau thì mới có thể tạo ra một hình ảnh lâu dài. Tác giả cũng muốn thể hiện rằng việc xây dựng một thứ có giá trị đòi hỏi nỗ lực nghiêm túc, nhưng chỉ một hành động quá khích thôi là điều đó có thể dễ dàng bị phá hủy.

Kết luận

Tất cả những nghệ sĩ trên và tác phẩm nghệ thuật của họ là minh chứng rõ ràng cho việc công nghệ tiên tiến đang thay đổi thế giới nghệ thuật và cách nhận thức nghệ thuật. Công nghệ cũng giúp nhiều người tiếp cận được nghệ thuật hơn, mang đến cho những người yêu nghệ thuật và các nhà sưu tầm một nền tảng để xây dựng bộ sưu tập nghệ thuật của mình và chia sẻ với những người khác. Công nghệ và mạng xã hội cũng đã cách mạng hóa nền nghệ thuật truyền thống bằng cách để cho mọi người tự do thể hiện những cảm xúc và niềm tin sâu thẩm nhất thông qua các tác phẩm và dự án nghệ thuật kỹ thuật số tương tác đầy hấp dẫn.

Từ AI (Trí tuệ nhân tạo), VR (thực tế ảo) và AR (thực tế tăng cường) đến các thiết kế kỹ thuật số và máy in 3D, công nghệ và mạng xã hội đã thay đổi hoàn toàn thị trường nghệ thuật và nghệ thuật đương đại, thay đổi cách nghệ thuật được tạo ra, thưởng thức và chia sẻ trong thế giới của chúng ta. Bên cạnh việc là một phương tiện nghệ thuật đa năng và đầy tính biểu cảm, công nghệ giúp các nghệ sĩ có được khả năng tiếp cận và quảng bá cần thiết cho các tác phẩm nghệ thuật của họ. Nhiều nền tảng nghệ thuật trực tuyến giúp họ trưng bày tác phẩm của mình và duy trì kết nối với cộng đồng nghệ thuật.

Hình ảnh minh họa: Trình chiếu tại sân khấu biểu diễn ISAM của nghệ sĩ Amon Tobin, năm 2011. Ảnh chụp bởi Calder Wilson

Công nghệ ảo đem những kiệt tác nghệ thuật đến gần hơn với khán giả, giúp chúng ta hiểu tầm nhìn nghệ thuật và lịch sử của nó. Nhiều bảo tàng nghệ thuật nổi tiếng thế giới đã tổ chức các chuyến tham quan trực tuyến, mở cửa đón khách tham quan trên toàn cầu và những ai không thể đến tận nơi được. Bên cạnh đó, một số bảo tàng đang áp dụng tiến bộ công nghệ để phát triển các ứng dụng di động có thể trả lời các câu hỏi của du khách ngay lập tức. Tất cả chúng ta đều mong đợi xem việc áp dụng công nghệ hiện tại trong nghệ thuật sẽ mở ra những cánh cửa nào. Dù tương lai có ra sao, chắc chắn là công nghệ sẽ tiếp tục thay đổi cách nghệ sĩ thể hiện bản thân và giúp lan rộng sự sáng tạo của họ, truyền cảm hứng và gây ảnh hưởng lớn tới nhân loại.

Tổng hợp và biên tập | Ảnh bìa: Artplas 

Nguồn: How Technology is Changing the Art World, Artdex

Cùng tác giả

#Tag

Ai Artplas công nghệ nghệ thuật Nghệ thuật kỹ thuật số Nghệ thuật thị giác Series Nghệ thuật và ?

iDesign Must-try

Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 2)
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 2)
Hiện nay, một số nền tảng cho phép người dùng số hóa và quốc tế hoá thị trường nghệ thuật.
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 1)
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 1)
Ngày nay, sự xuất hiện của nhiều loại công nghệ mới đã góp phần không nhỏ trong việc thay đổi mối quan hệ của ta với nghệ thuật.
Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 01/2024
Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 01/2024
Một cậu bé 13 tuổi được tuyển làm thực tập sinh cho Louis Vuitton; ‘Thiếu niên và chim diệc’ giúp đạo diễn Hayao Miyazaki giành Quả Cầu Vàng đầu tiên…
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật (Phần 1)
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật (Phần 1)
“Tất cả chúng ta đều mong đợi xem việc áp dụng công nghệ hiện tại trong nghệ thuật sẽ mở ra những cánh cửa nào. Dù tương lai có ra…
Nghệ thuật và Công nghệ: Cùng tồn tại và phát triển
Nghệ thuật và Công nghệ: Cùng tồn tại và phát triển
Sự xuất hiện của công nghệ số trong quá trình sáng tạo nghệ thuật chưa bao giờ mạnh mẽ như lúc này. Nhưng, tận dụng hay loại bỏ, đâu mới…
‘Products of Place’ Giới thiệu trí tuệ nhân tạo trong thiết kế sản phẩm bền vững
‘Products of Place’ Giới thiệu trí tuệ nhân tạo trong thiết kế sản phẩm bền vững
“Products of Place” là một nỗ lực khám phá cách mà trí tuệ nhân tạo (AI) có thể giúp các nhà thiết kế tạo ra các sản phẩm bền vững…