Cuộc chạm trán với Nghệ thuật

“Theo thời gian, nghệ thuật đã trở nên sẵn có hơn, nhưng cũng trở nên khó khăn hơn để có thể thấu hiểu và ca tụng; và điều này lần lượt tương đương với việc ngay cả khi có nhiều tác phẩm nghệ thuật hơn cho người xem, cũng không thể suy ra rằng mọi người thực sự thưởng thức chúng.” Đó chính là cách mà Tiến sĩ Triết học Daniel Vargas Gómez nhận xét về Nghệ thuật ngày nay. Và hẳn điều đó sẽ còn tiếp tục đúng trong một thời gian dài nữa, đồng hành cũng sự phát triển của xã hội, cho tới khi nhận thức của tất cả mọi người về nghệ thuật được nâng tầm, mà điều này thì không thể xảy ra trong một sớm một chiều.

Cùng tìm hiểu vì sao Daniel Gómez lại đưa ra nhận xét đó qua bài viết Cuộc chạm trán với Nghệ thuật, được đăng tải trên Tạp chí Philosophy Now vào năm 2015. Bài luận cho chúng ta một cái nhìn khái quát về cách quần chúng hiện tại đang chiêm ngưỡng và đánh giá nghệ thuật, cũng như mối ‘ràng buộc’ giữa nghệ sĩ và tác phẩm cũng như tính khách quan của quá trình sáng tạo, để hiểu hơn về giá trị ‘tinh thần’ trong nghệ thuật, giá trị ‘của tinh thần’ trong nghệ thuật, chiếu theo quan điểm của họa sĩ Wassily Kandinsky, rằng ‘Nghệ thuật là cách tốt nhất để bộc lộ tinh thần nội tâm của một con người‘.


Daniel Vargas Gómez: Suy nghĩ về điều mà ta gặp phải khi đối diện với Nghệ thuật.

Khi họa sĩ người Nga Wassily Kandinsky (1866-1944) viết ra cuốn Về Tinh thần trong Nghệ thuậtConcerning the Spiritual in Art (Über das Geistige in der Kunst, 1911), mục đích của ông là miêu tả nghệ thuật như một cách tốt nhất để bộc lộ tinh thần nội tâm của con người. Ông không phải người đầu tiên và chắc chắn cũng không phải người cuối cùng đưa đề xuất về mối quan hệ giữa nghệ thuật và yếu tố nội tâm này. Trước đó, Karl Friedrich Schlegel (1772-1829), và Tư tưởng Lãng mạn nói chung, đã phát triển một cách  tiếp cận tính thẩm mỹ nhằm nêu bật bản chất đối lập giữa cuộc sống con người và những sáng tạo công nghiệp hiện đại. Tuy nhiên, thế kỷ 20 đã chứng kiến một loạt các khái niệm và tác phẩm nghệ thuật, đa dạng đến nỗi việc thừa nhận một tầm nhìn nghệ thuật như của Kandinsky nghe có vẻ tùy tiện, thậm chí là ngây thơ, chỉ vì nó không mang tính tranh luận để ủng hộ hay phản đối giá trị của xu hướng thẩm mỹ căn bản của thế kỷ 20, chẳng hạn như Nghệ thuật Khái niệm giữa những trào lưu nghệ thuật khác.

Có thể nói, ít nhất là ở phần lớn các nước phương Tây, sự tự do nghệ thuật là chưa hề có tiền lệ trong lịch sử hàng trăm năm qua. Song, cùng với đó, với sự xuất hiện của tất cả các loại hình biểu diễn và phong trào nghệ thuật, mọi điệu bộ về việc tìm kiếm giá trị khách quan trong nghệ thuật hoặc thậm chí là những thông điệp ẩn ý về sự tồn tại của chúng ngày càng khó xảy ra.

2 lý do chính cho điều này, đầu tiên là việc thừa nhận tác phẩm của nghệ sĩ như một hình thức thể hiện, trước hết là mang tính chủ quan, với quan điểm rằng nó không tuân theo bất kỳ quy tắc có sẵn nào về hình thái hay gu thẩm mỹ. Cần có một sự tôn trọng tuyệt đối với sự chủ quan này để những người tán dương nghệ thuật có thể cảm nhận được nhiều điều nhất từ hình thức biểu đạt nghệ thuật của cá nhân từng nghệ sĩ. Sự tôn trọng này khiến cho tác phẩm nghệ thuật trở nên khó tiếp cận ở nhiều khía cạnh khác nhau và thường tạo khoảng cách giữa người xem và mục đích của nghệ sĩ. Thứ hai, sự phát triển của đủ thể loại trào lưu nghệ thuật và hình thức biểu trình nghệ thuật đã dẫn đến sự gia tăng bùng nổ của các tác phẩm, cho quần chúng, khiến sự tự do trong nghệ thuật trở thành một nhiệm vụ bất khả thi, khó có thể đạt được, ngay cả đối với dòng nghệ thuật chính mang tính thị trường. 

Thậm chí, khi tác phẩm nghệ thuật đủ mọi thể loại trở nên dễ tiếp cận hơn với tất cả mọi người, dường như xuất hiện một sự thiếu tôn trọng đối với tư tưởng và mục đích thẩm mỹ, kể từ khi Chủ nghĩa ấn tượng (Impressionism) ra đời vào nửa sau thế kỷ 19. Tuy nhiên, tôi tin rằng, tuyên bố của Chủ nghĩa lãng mạn rằng sự sáng tạo của con người tạo nên một ‘sức sống’ đã thực sự thoái trào, bởi sự phát triển đáng kể của tác phẩm nghệ thuật trong suốt thế kỷ qua, và cả trong thế kỷ này. Sự tăng trưởng này, như tôi đã nói, cần phải đi kèm với sự hiểu biết tốt hơn về nghệ thuật và tác phẩm nghệ thuật, chứ không chỉ bằng cách tập trung vào sự tăng trưởng định lượng của ngành.‎

Composition VIII (Tạm dịch: Bố cục VIII), 1923, Wassily Kandinsky

1. Nghệ sĩ và Khán giả

Chính xác thì sự Mất quan điểm trong Nghệ Thuật nghĩa là gì?

Điều đó nghĩa là, theo thời gian, nghệ thuật đã trở nên sẵn có hơn, nhưng cũng trở nên khó khăn hơn để có thể thấu hiểu và ca tụng; và điều này lần lượt tương đương với việc ngay cả khi có nhiều tác phẩm nghệ thuật hơn cho người xem, cũng không thể suy ra rằng mọi người thực sự thưởng thức chúng. 

Vậy ấy có phải ngụ ý rằng, có gì đó đang bị sai lệch trong Nghệ thuật Khái niệm và Trừu tượng không? Hoàn toàn không. Biện pháp giải quyết sự khó khăn trong việc thấu hiểu nghệ thuật không phải là làm cho các tác phẩm nghệ thuật trở nên “dễ hiểu”, dẫn đến sự thiếu hụt những giá trị trí tuệ hoặc thẩm mỹ đặc trưng nội trong tác phẩm. Theo tôi nghĩ, câu trả lời thay vào đó nằm ở việc thấu hiểu một quan điểm như của Kandinsky, đặc biệt tập trung vào mối quan hệ giữa nghệ sĩ, tác phẩm nghệ thuật và khán giả.

Hãy lùi lại một bước và cố gắng hiểu bản chất đã được khẳng định của mối quan hệ này là gì, nó có quan trọng không, và liệu nó có ý nghĩa đối với việc xây dựng các giá trị nghệ thuật cá nhân, cũng như các giá trị của xã hội nói chung hay không.

Bất kỳ tác phẩm nghệ thuật nào cũng đặt ra một thách thức lớn cho khán giả: thách thức là phải hiểu và đánh giá được đầy đủ rằng toàn bộ giá trị của những thứ được bày ra trước họ, rằng chúng không thể chỉ quy về một giá trị duy nhất, ví như niềm vui, chính trị, toán học hoặc bất cứ điều gì.

Tại sao đây lại là một thách thức? Và nếu nó là một nhiệm vụ khó nhằn như vậy, tại sao mọi người vẫn quan tâm đến nghệ thuật? Ví dụ, chẳng phải một bức tranh chỉ nên làm mãn nhãn chứ không nên mang một thách thức đối với trí tuệ hay sao?

Tuy nhiên, ngay cả khi nhiều hoặc hầu hết những bức tranh ngoài kia có thể mang lại một sự hài lòng tuyệt đối cho người nhìn ngắm chúng, thì việc hiểu thấu một bức tranh mà chỉ bằng cách “trau dồi bằng mắt” là không đủ.

Quá trình nắm bắt một bức tranh yêu cầu một số giá trị nhất định – chẳng hạn như lý tưởng về cái đẹp; hoặc “sự thăng hoa”, ví như trong trường hợp của Kazimir Malevich; hoặc trong bức khắc họa về lòng bao dung của một người nghệ sĩ, và hơn thế nữa – điều đó phải được hiện diện trong trí óc và tâm hồn của bất cứ ai muốn đánh giá bức tranh một cách đầy đủ nhất. Không quan trọng nếu ý định của nghệ sĩ  không chỉ đơn giản là để gây thích thú và mãn nhãn, vì có thể nói, rằng vẻ đẹp chắc chắn còn có thể được tìm thấy dựa trên nhiều cơ sở khác, chứ không chỉ đơn thuần dựa vào màu sắc hay sự hài hòa về bố cục. Chúng ta hoàn toàn đúng đắn khi, ít nhất, bắt đầu nghi ngờ về sự “tồn tại song song” của những giá trị này với thực tế vật lý của bức tranh. Từ đó chúng ta có thể cảm nhận bức tranh như một thứ đáng được coi trọng.

Mọi loại hình nghệ thuật đều không chỉ phỏng định sự tồn tại các giá trị của chính người nghệ sĩ và cả khán giả, mà còn đưa ra cho người xem một quan điểm cụ thể về các giá trị đó, và đôi khi là gợi ý sự công nhận những giá trị mới. Nói cách khác, tác phẩm nghệ thuật không chỉ phỏng định giá trị, mà còn yêu cầu khán giả đưa ra lời phê phán về các giá trị, giả định và định kiến của chính người nghệ sĩ. Những giá trị này được sáng tạo thành các tác phẩm nghệ thuật, không chỉ để người xem đánh giá và “coi trọng”, mà còn để khám phá các giá trị vào tâm trí người xem, từ đó bắt đầu định hình lại thành phần cốt lõi của xã hội – những phần tử xã hội có nền tảng kiến thức có thể củng cố. Vì vậy, nghệ thuật có thể đồng thời tạo hình văn hóa và định hình cách mà xã hội nhận thức về nó, cùng với đó định hình cách nó muốn được cảm nhận trong tương lai. Mặc dù vậy, vẫn phải khẳng định rằng, nền tảng tương đối vững chắc mà trên đó văn hóa được xây dựng chính là các giá trị, ngay cả theo nghĩa hàng ngày của thuật ngữ này.

Suprematist Composition (Tạm dịch: Bố cục theo Chủ nghĩa tối cao), 1916, Kazimir Malevich

2. Các giá trị Nghệ thuật

Trước khi đi xa hơn, chúng ta phải đào sâu hơn vào những gì đã được nói về sự tồn tại của giá trị trong một tác phẩm nghệ thuật. Mặc dù, có vẻ rõ ràng rằng các giá trị luôn hiện diện trong nghệ sĩ cũng như trong khán giả, nhưng một tác phẩm nghệ thuật không nhất thiết cần phải đại diện cho các giá trị như vậy. Do đó, là công bằng khi hỏi liệu (ví dụ như) một bức tranh có thể không bị ràng buộc bởi bất kỳ hình thức giá trị nào hay không. Nếu có thể, thì những gì tôi nói, rằng giá trị là cốt lõi của nghệ thuật là không đúng. Nếu vậy, chúng ta phải tự hỏi, nền tảng của một bức tranh hoặc của bất kỳ tác phẩm nghệ thuật nào là gì? Với câu hỏi này, tôi chỉ muốn nói rằng, một ‎‎khía cạnh‎‎ không thể không kể tới của thẩm mỹ là chính biểu hiện của các giá trị –  mà có lẽ ấy chính là khía cạnh cơ bản nhất. Do đó, chúng ta cần phải hỏi liệu có tồn tại các tác phẩm nghệ thuật không mang giá trị gì hay không.‎

Để trả lời cho câu hỏi này, hãy bắt đầu bằng việc hỏi rằng, điều gì thực sự xảy ra trong quá trình sáng tạo, và liệu trong quá trình này người nghệ sĩ hay người sáng tạo có luôn thực hiện một hoạt động có ý thức hay không.

Điều đầu tiên xuất hiện trong đầu ta, có thể là việc nhiều nghệ sĩ sử dụng kỹ thuật trong tác phẩm của họ, tận dụng ‘sự tình cờ’ như một nguyên tắc cơ bản, để người nghệ sĩ có thể tách mình khỏi các giá trị xã hội, hoặc ít nhất là khỏi bất kỳ nỗ lực có ý thức nào để thể hiện điều đó trong tác phẩm nghệ thuật. Ví dụ, chúng ta có thể nói rằng một quá trình như ‎lối vẽ hành động‎‎ (action painting) – được thực hành bởi Jackson Pollock, khi ông nhỏ giọt sơn lên khung vải vẽ – có kết quả hoàn toàn không thể nào dự đoán được, ngay cả khi nghệ sĩ cố gắng hết sức để kiểm soát chúng (điều mà họ thường không làm khi sáng tác).

‎Tuy nhiên, mặc dù bản thân kỹ thuật này có thể là ngẫu nhiên hoặc có các yếu tố không chủ ý, nhưng vẫn đúng khi nói rằng họa sĩ không bao giờ buông lỏng sự thân thuộc, hay chính xác hơn là có một sự ràng buộc, với bức tranh. Từ “ràng buộc” này rõ ràng thể hiện mối quan hệ chặt chẽ tồn tại giữa người sáng tạo và tác phẩm, và sẽ thật vô lý khi nghĩ rằng bất kỳ mối liên kết tương tự nào cũng đều thiếu đi tất cả chủ ý. Tác phẩm nghệ thuật không thể hoàn toàn bị tách rời khỏi nghệ sĩ: nghệ sĩ không bao giờ là người ngoài cuộc đối với tác phẩm của chính mình. Đối với một bức tranh hay với bất kỳ tác phẩm nghệ thuật nào khác, một ‎‎sáng tạo nghệ thuật, theo một nghĩa nào đó, sẽ luôn chỉ là một phần mở rộng của người sáng tạo.‎

Từ đây, có thể thấy rằng, không quan trọng loại tác phẩm nghệ thuật mà chúng ta đang nói đến – có thể nó hoàn toàn thực tế, hoặc là một bức tranh được tạo ra bằng cách nhỏ giọt màu, thậm chí là một ‎‎sự kiện hoặc‎‎ một buổi biểu ‎‎diễn‎‎ – nghệ sĩ không bao giờ có thể tự giải phóng mình khỏi trách nhiệm của một người sáng tạo. Điều này khiến họ không thể trở thành một người ngoài cuộc đối với công việc của mình. Một con người không thể trở thành kẻ ngoại lai trên mảnh đất của chính mình.‎

Nói một cách chính xác hơn, nghệ sĩ không thể giữ được cái mà nhiều người hay gọi là ‘khách quan’ trong nghệ thuật của bản thân. Bất kỳ “khoảng cách tuyệt đối” nào giữa nghệ sĩ và tác phẩm của họ sẽ luôn chỉ là trình độ. Họ chỉ có thể thay đổi ‎‎kỹ thuật‎‎ hoặc ‎‎ý định‎‎ đằng sau tác phẩm nghệ thuật để tạo ra các phản ứng khác nhau giữa khán giả; nhưng dù sao, họ cũng không thể là người ngoài cuộc đối với công việc của chính mình, giống như việc một người mẹ không thể xa lạ với con cái của mình (chúng ta thậm chí có thể nói rằng mối quan hệ ấy còn ‎‎‎‎sâu sắc hơn so với tình mẫu tử, vì nếu so sánh điều này với sự tham gia của người mẹ vào quá trình trưởng thành của con cái, có thể thấy người mẹ không đào tạo con cái để trở thành một biểu hiện của chính mình).‎

Đây là một kết luận rất khác biệt, vì nó có nghĩa là quá trình sáng tạo không khách quan. Điều này đồng nghĩa với, không ai có thể mô tả quá trình sáng tạo nghệ thuật thông qua một loạt các sự kiện ‎‎phải‎‎ diễn ra để một tác phẩm nghệ thuật xuất hiện, và do đó, không thể khái quát hóa quá trình tạo tác nghệ thuật theo lẽ thường. Trong ngôn ngữ chung, chỉ là không có công thức để làm ra nghệ thuật; và một công thức như vậy không chỉ không tồn tại, nó ‎‎không thể‎‎ tồn tại. Đây là lý do tại sao một nghệ sĩ ‎‎tạo tác trong khi một doanh nhân ‎‎lại sản xuất‎‎, và tại sao chúng ta không có nhà máy cho những bức tranh như chúng ta có cho các bản in.‎

Hơn nữa, tính chủ quan trong tác phẩm nghệ thuật quyết định toàn bộ ý nghĩa của việc sáng tạo. Bằng cách suy ngẫm về tính chất chủ quan cần thiết của quá trình, chúng ta có thể nhận ra rằng, những gì diễn ra trong suốt quá trình này là một cuộc gặp gỡ của người nghệ sĩ với một nhu cầu nội tại để thể hiện bản thân họ. Sự cần thiết này không thể được giải thích bởi bất kỳ nhu cầu hữu hình nào, mà chỉ bởi thực tại nội tâm của chính nghệ sĩ. Thực tại này được đánh giá cao hoặc “coi trọng” trong nội tại, và cũng vì các giá trị được thể hiện ra bên ngoài với người khác. Khi chúng ta công nhận điều này, thì một khái niệm như của Kandinsky mới trở nên sáng tỏ.‎

Number 14: Gray (Tạm dịch: Số 14: Xám), 1948, Jackson Pollock

3. Phản hồi của người xem

Bây giờ chúng ta có thể chuyển sang nghiên cứu về quan điểm của người xem.

Vì chúng ta vừa thừa nhận sự hiện diện của các giá trị trong bức tranh, nên đã hợp lý hơn khi nói rằng, vì chúng ta – người xem – coi trọng các giá trị, nên ta coi trọng và đánh giá cao bức tranh bởi nội dung đầy-giá-trị của nó, có thể nói vậy.‎

Như đã bàn luận về tầm quan trọng của tinh thần và giá trị, và mối quan hệ của chúng với nghệ thuật, rõ ràng là để một người ngoài cuộc có thể đánh giá nghệ thuật dưới bất kỳ hình thức nào, họ phải cởi mở không chỉ với việc thể hiện tinh thần độc đáo của nghệ sĩ – những giá trị và thẩm mỹ cá nhân của nghệ sĩ –  mà còn phải chuẩn bị để đón nhận thực tế đó, ở một mức độ nào đó. Điều này rõ ràng cũng ngụ ý rằng, những gì vốn được truyền tải bởi các nghệ sĩ thông qua tác phẩm của họ phải thực sự được hiểu bởi người quan sát! Cuộc đối mặt này mở ra một sự giao tiếp, hoặc một sự dàn xếp, giữa nghệ sĩ và người quan sát; và điều này chỉ có thể xảy ra nếu người quan sát biết được thực tại nội tâm của riêng tác giả và các giá trị mà nó chứa đựng. Nhận thức này chắc chắn là điều kiện chính phải tồn tại, không chỉ để khán giả đánh giá bức tranh treo trước mặt mình, mà nói chung, là để toàn xã hội đón nhận nghệ thuật như một điều cần được thấu hiểu và những giá trị của nó cần được đưa ra thảo luận – cũng như cần tiến hành đánh giá phê bình để luận về vị trí của nghệ thuật trong xã hội.‎

‎Quan trọng nhất, các giá trị không tồn tại trong một thực tại viển vông nào đó ngoài tầm với hoặc tách biệt khỏi các hậu quả của cuộc sống thực tại hàng ngày. Mặc dù nó có thể tiến vào xã hội theo cách đó, nhưng đó chỉ là kết quả của cùng một vấn đề. Xã hội nói chung đã trở nên thiển cận đến nỗi, thực tại nội tâm được nhiều người tưởng tượng giống như cách chúng ta tưởng tượng đến những câu chuyện cổ tích, chứ không có sự liên quan trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày.‎

Delicate Tension No.85 (Tạm dịch: Nỗi căng thẳng mong manh), 1923, Wassily Kandinsky

4. Kết luận

Cuối cùng, chúng ta phải thừa nhận rằng các giá trị hiện hữu nội tại trong các tác phẩm nghệ thuật, chỉ bởi vì chúng là tác phẩm nghệ thuật. Tuy nhiên, điều này không nên bị xem nhẹ, vì nó có ý nghĩa rằng, sự e ngại thực sự của nghệ sĩ (với tư cách là người sáng tạo) đòi hỏi một trạng thái cởi mở của người xem (“trạng thái cởi mở” được nhắc đến trong những ý tưởng của Dilthey, Heidegger và Gadamer). Trạng thái cởi mở này không phải là một cái gì đó nhất thiết phải tồn tại, và có thể không hề tồn tại, nếu người quan sát không nhận thức được những gì họ đang quan sát. Tất nhiên, việc thừa nhận các giá trị nội tại của nghệ thuật cũng đặt ra ranh giới cho chính người nghệ sĩ, một người chỉ có thể tự gọi mình là một nghệ sĩ nếu họ chấp nhận bản chất tinh thần hoặc giá trị của chính mình như là nguồn năng lượng để tạo ra một biểu hiện vật chất.‎

‎Nhìn chung, ngay cả khi giá trị nghệ thuật tiếp tục vượt ra ngoài sự thỏa mãn về thẩm mỹ, có một sự thật ngày càng trở nên rõ ràng rằng, đó là một năng lượng giúp nâng cao và duy trì tinh thần con người, và, mượn thuật ngữ của Gabriel Marcel, nghệ thuật xứng đáng được gọi là nghệ thuật khi luôn mang lại cho cả người tạo ra và người quan sát một cảm giác ‎‎được đáp ứng‎‎ hoặc ‎‎trọn vẹn‎‎. Đây là điều khiến nghệ thuật bấy nay vẫn được coi là biểu hiện nổi bật nhất của tinh thần con người.

Daniel Vargas Gómez
2015


Daniel Vargas Gómez là một Tiến sĩ Triết học tại Đại học Rotterdam. Ông hiện đang nghiên cứu về sự giao thoa giữa thẩm mỹ, truyền thông và văn hóa, từ góc độ triết học.

Tổng hợp và biên tập | Ảnh bìa: Artplas
Nguồn: Art as An Encounter, Daniel Vargas Gómez

Cùng tác giả

#Tag

Artplas hội hoạ jackson pollock Kandinsky nghệ thuật Nghệ thuật Khái niệm Nghệ thuật Trừu tượng sáng tạo Series Nghệ thuật và ?

iDesign Must-try

Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
A’ Design Award & Competition – Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ theo đuổi mục tiêu vinh danh các công trình thiết kế xuất sắc đã được đề…
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 1)
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 1)
Ngày nay, sự xuất hiện của nhiều loại công nghệ mới đã góp phần không nhỏ trong việc thay đổi mối quan hệ của ta với nghệ thuật.
Giải thưởng Review thương hiệu danh giá thường niên - Brand Review Award (B.R.A)
Giải thưởng Review thương hiệu danh giá thường niên - Brand Review Award (B.R.A)
Đã bao giờ bạn tự hỏi? Là công dân của một nước, điều gì khiến bạn ghi nhớ nhất và tự hào nhất về quốc gia mình, về dân tộc…
Dự báo các xu hướng trong ngành thiết kế đồ họa năm 2024
Dự báo các xu hướng trong ngành thiết kế đồ họa năm 2024
Bài viết được thực hiện bởi Tom May, đăng tải trên Creative Boom, dịch bởi May Thế giới thiết kế đồ họa không ngừng phát triển với những xu hướng…
Những tác phẩm chạm khắc trái cây siêu thực của Yuni Yoshida
Những tác phẩm chạm khắc trái cây siêu thực của Yuni Yoshida
Dưới bàn tay của Yuni Yoshida, các loại trái cây quen thuộc trở thành những tác phẩm nghệ thuật siêu thực và trừu tượng. Giám đốc nghệ thuật người Nhật…
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật - (Phần 2)
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật - (Phần 2)
Tìm hiểu chi tiết hơn về các tác phẩm nghệ thuật ứng dụng công nghệ trong khuôn khổ triển lãm Nghệ thuật Kỹ thuật số nổi bật của thời đại…