Nghệ thuật để làm gì? 5 giá trị mà nghệ thuật mang lại cho cuộc sống
“Bạn nghĩ rằng sẽ dễ dàng có câu trả lời cho câu hỏi này. Giờ đây người ta kéo nhau đến bảo tàng nhiều hơn bao giờ hết, nên hẳn phải có lý do nào đó, nhưng khi nhắc tới Nghệ thuật, thật lạ là người ta lại chẳng bao giờ tự tin đi hỏi một người khác rằng ‘Nghệ thuật để làm gì?’. Và đôi khi không ai có thể cho ta một câu trả lời rõ ràng.”
Và đó chính là vấn đề được đặt ra ở đầu video “What is Art for?” thực hiện bởi The School of Life.
Đây là một video vô cùng thú vị từ nội dung cho tới hình ảnh, tổng hợp lại 5 điều mà nghệ thuật có thể ảnh hưởng tới đời sống của chúng ta. Chúng mình xin lược dịch về 5 điều đó ngay dưới đây, còn nội dung chi tiết của video thì xin mời các bạn theo dõi tại video gốc phía cuối bài nhé!
1. Điều đầu tiên: Nghệ thuật giúp ta có hy vọng
Một sự thật hiển nhiên nhưng cũng ấn tượng rằng những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng nhất trên thế giới chỉ thể hiện những thứ đẹp mắt và đôi lúc khiến người ta tự hỏi, “Có phải trong nghệ thuật người ta đã quên mất sự khốc liệt của thực tại rồi sao?”.
Nhưng thực tế thì có lẽ ta chẳng phải lo. Bởi nghệ thuật được làm ra không phải để ta quên đi những điều xấu xa, mà để đôi lúc ta được khỏa khuây giữa bộn bề muộn phiền âu lo và đớn đau của cuộc sống. Đó là lý do những gì đẹp đẽ lại quan trọng, bởi đó là biểu tượng của hòa bình, thứ mà ta luôn hướng tới và coi là thành tựu lớn lao nhất của cuộc đời. Sự mĩ miều của những bông hoa ấy, và bầu trời trong xanh kia, với những đứa trẻ tung tăng trên đồng cỏ là niềm hy vọng, được gói gọn lại và bảo quản trong những tác phẩm nghệ thuật, chờ ta dùng đến khi nào ta cần.
2. Điều thứ hai: Nghệ thuật giúp ta bớt cô đơn
Thế giới thường bắt ta phải đeo lên bộ mặt vui tươi, nhưng dưới tấm mặt nạ là rất nhiều nỗi buồn và hối tiếc mà ta không thể biểu hiện ra bởi sợ bị đánh giá là kì quặc hay thất bại. Và có một điều mà nghệ thuật có thể làm, là khẳng định lại với ta rằng nỗi đau là một điều rất bình thường.
Một tác phẩm nghệ thuật u tối không cần phải khiến ta thấy phiền muộn. Thay vào đó, nó có thể khiến ta thấy được chào đón, khi công nhận nỗi đau là một phần tồn tại trong tất cả mọi người. Nghệ thuật khẳng định với ta rằng, mọi cuộc đời tốt đẹp đều đong đầy những lo lắng, đớn đau, cô đơn và phiền muộn bên trong ấy. Và nỗi buồn của ta luôn được đồng cảm bởi những tác gia.
3. Điều thứ ba: Nghệ thuật giúp cân bằng lại cuộc sống
Tất cả chúng ta đều thiếu cân bằng đâu đó: mình hơi quá nhiều tính cách nọ, hơi thiếu phẩm chất kia. Và thứ nghệ thuật khiến ta cảm thấy hấp dẫn thường mang trong nó những yếu tố mà bản thân ta cảm thấy mình thiếu sót.
Khi ta bị xúc động bởi một tác phẩm nghệ thuật, có thể bởi vì tác phẩm ấy mang bên trong một lượng tinh túy của những phẩm chất mà ta đang cần thêm trong cuộc sống của mình.
Điều ấy không chỉ xuất hiện ở cá nhân, mà còn xuất hiện ở cả một quốc gia, một cộng đồng. Và chính sức mạnh của nghệ thuật giúp ta cảm thấy toàn vẹn hơn, cân bằng hơn và lành mạnh hơn.
4. Điều thứ tư: Nghệ thuật giúp ta trân trọng mọi thứ
Truyền thông liên tục đưa đến cho chúng ta những định nghĩa sai lệch về những giá trị quan trọng trong đời sống và làm ta mờ mắt bởi những thứ hào nhoáng. Vậy nên nhiều nghệ sĩ đi ngược lại với những thứ hào nhoáng mù quáng ấy, để tìm tới những giá trị nhỏ bé chân thực của cuộc sống hơn: Như Albrecht Durer làm rạng rỡ những tùm cây ngọn cỏ, John Constable khiến ta nhận ra vẻ đẹp của bầu trời, với Van Gogh là những trái cam tươi mà ta thấy mỗi ngày và hơn cả là Marcel Duchamp với chiếc bồn vệ sinh lộn ngược.
Họ chỉ đơn giản khơi gợi những giá trị thực sự đã bị thế giới lãng quên bởi những hào nhoáng bên ngoài, nhấn mạnh vào những gì thực sự đáng được đề cao và xác định lại định nghĩa của những thứ được coi là “đẹp đẽ”, để ta có thể nhìn nhận lại về quan niệm cái đẹp trong cuộc sống của chính mình.
5. Điều thứ năm: Nghệ thuật giúp tuyên truyền những gì thực sự trọng yếu
Việc tuyên truyền văn hóa, khuyến khích đấu tranh hay ủng hộ cho điều gì hẳn là điều mà ta hay cho rằng chẳng có liên quan gì tới nghệ thuật, nhưng thực tế thì không hẳn là vậy.
Nghệ thuật cũng chính là một phương pháp tuyên truyền, một công cụ thúc đẩy và truyền cho ta động lực trong cuộc sống. Nhưng thứ mà nghệ thuật tuyên truyền là việc sống giản đơn, cởi mở hơn, hay tiếp nhận cuộc sống một cách vui vẻ và nhẹ nhàng hơn.
Mà cũng có đôi khi, nghệ thuật vươn mình đứng lên để bảo vệ những phẩm chất tốt đẹp của con người, trở thành nền tảng nâng đỡ và cất liên tiếng nói cho những điều đẹp đẽ đang bị người ta quên lãng, trong thế giới hỗn loạn ngày nay.
Thế đấy, nghệ thuật cố ý hoặc có thể là vô tình mang đến cho ta những cảm nhận mới mẻ hơn về cuộc sống, và cũng giúp ta có cái nhìn tích cực hơn về thực tại khốc liệt. Và nghệ thuật vẫn luôn tồn tại bấy nay trong lịch sử của loài người, kể từ thời kì đồ đá bằng sự hiện diện của những bức họa trong hang động, với mục đích trở thành “một nguồn hỗ trợ và khuyến khích vô hạn cổ vũ chúng ta trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình”.
Tổng hợp và biên tập | Ảnh bìa: Artplas
Nguồn: The School of Life
Nguồn tham khảo
Các bài khác cùng chủ đề
- 1. Nghệ thuật là gì? Cái đẹp là gì?
- 2. Nghệ thuật có cần đẹp không?
- 3. Cuộc chạm trán với Nghệ thuật
- 4. Định nghĩa của Nghệ thuật
- 5. Nghệ thuật và Sự tự do Thể hiện
- 6. Nghệ thuật Phi thẩm mỹ
- 7. Thẩm mỹ vs. Nghệ thuật
- 8. Nghệ thuật và Tâm hồn
- 9. Đây có thật là Nghệ thuật?
- 10. Vai trò của Nghệ thuật trong Thiết kế sản phẩm