Nghệ thuật Đương đại và Đương đại tính - (Phần 1)

“Nghệ thuật đương đại là gì?”

Nghệ thuật đương đại là nghệ thuật ngày nay, được sản xuất vào nửa sau của thế kỷ 20 hoặc trong thế kỷ 21. Các nghệ sĩ đương đại làm việc trong một thế giới có ảnh hưởng toàn cầu, đa dạng về văn hóa và công nghệ. Nghệ thuật của họ là sự kết hợp năng động của các vật liệu, phương pháp, khái niệm và chủ đề tiếp tục thách thức các ranh giới đã được tiến hành tốt trong thế kỷ 20. Với các đặc tính đa dạng và chiết trung, nghệ thuật đương đại nói chung được phân biệt bởi sự thiếu thống nhất, nguyên tắc tổ chức, ý thức hệ hoặc “chủ nghĩa “. Nghệ thuật đương đại là một phần của cuộc đối thoại văn hóa liên quan đến các khuôn khổ bối cảnh lớn hơn như bản sắc cá nhân và văn hóa, gia đình, cộng đồng và quốc tịch.” Đó là lời giải thích về Nghệ thuật đương đại, được trích từ Bách khoa Toàn thư mở Trực tuyến Wikipedia.

Còn với Shelley Esaak, cây viết về Nghệ thuật tại Thoughtco, Nghệ thuật “Đương đại” đơn giản là chỉ thứ nghệ thuật đã và đang tiếp tục được tạo ra trong thời đại mà ta đang sống, hay nói cách khác, là có tính ‘đương thời’ đối với thế hệ của chúng ta hiện nay.

Cùng đón đọc chuỗi bài viết Nghệ thuật đương đại và Đương đại tính của tác giả Terry Smith, biên dịch bởi Út Quyên, để biết thêm về những ví dụ của Nghệ thuật Đương đại, cũng như nắm bắt cho bản thân những kiến thức mở rộng về “Đương đại tính” trong Nghệ thuật.

Bài viết được chia làm 11 phần:

– Phần 1: Dẫn đề
– Phần 2: Nghệ thuật đương đại hiện nay là gì?
– Phần 3: Đương đại như Hiện Đại mới (1)
– Phần 4: Đương đại như Hiện Đại mới (2)
– Phần 5: Lối đi giữa các nền văn hóa
– Phần 6: Giám tuyển bước lên sân khấu tranh biện
– Phần 7: Vấn đề và đề xuất
– Phần 8: Sự chuyển vị và định vị
– Phần 9: Sự bồi đắp hiện tại
– Phần 10: Bàn về Đương đại tính
– Phần 11: Thế giới mới xáo trộn

Phần 1: Dẫn đề

Một công viên ở Istanbul trong những tháng mùa thu năm 2001: bên ngoài thảm cỏ được cắt tỉa cẩn thận nhô lên một góc của một căn nhà mới, tường trắng. Hoặc là nó đang chìm xuống (hình minh họa)? Mang đậm phong cách chủ nghĩa hiện đại đến thế chỉ có thể ám chỉ: phòng trưng bày nghệ thuật. Nhưng cho loại nghệ thuật nào, và tại sao nó lại ở đây? Đi vòng quanh tòa nhà và dòng chữ Temporary Art (Nghệ thuật tạm thời) xuất hiện bên trên cánh cửa bị chặn, gần như không thể đi qua được. Rõ ràng là: một phòng trưng bày hay một bảo tàng nghệ thuật đương đại. Thế nhưng xu hướng mập mờ của nó là một câu đố. Phải chăng chúng ta muốn xây dựng nó như nạn nhân của một vụ động đất không thể cảm nhận được, một bi kịch lịch sử, sự lãng quên của con người? Hay phải chăng nó đang trồi lên từ lòng đất, một chiếc kén kiến trúc đang giành lấy hình dạng đúng đắn của nó một cách đắc thắng?

Michael Elmgreen và Ingar Dragset, Powerless Structures—Traces of a Never Existing History, Figure 222 (Tạm dịch: Những cấu trúc vô lực—Dấu vết của một lịch sử chưa từng tồn tại, Hình 222). Chất liệu tổng hợp, 2001 (tại Istanbul Biennale). Ảnh của Galleri Nicolai Wallner, Copenhagen

Câu trả lời bị cố tình bỏ lửng một cách mơ hồ. Hai tác giả của tác phẩm nghệ thuật công cộng này, Michael Elmgreen và Ingar Dragset, thực hiện nó cho Triển lãm Lưỡng niên Istanbul lần thứ Bảy; công viên là một phần của không gian triển lãm. Vì thế mà, trước hết, dòng chữ trên tác phẩm này thể hiện một cách bông đùa rằng nó là: một tác phẩm tạm thời.

Trong một dự án khác của hai tác giả này, những hình khối kiến trúc và chức năng được thay thế bằng những cách thức hết sức tinh vi và hài hước. Trong một trường hợp, họ sắp đặt một tấm biển lặn để nó hướng ra ngoài cửa sổ một tầng cao trong một tòa cao ốc. Tác phẩm có tên SPECTACULAR 2003 Kunst Palast ở Dusseldorf trải qua một cuộc chuyển đổi trong đó toàn bộ bộ sưu tập của bảo tàng dược tháo dỡ và đóng gói vào xe tải rồi lái quanh tòa nhà một vòng, sau đó lại được lắp đặt y như cũ. Cùng năm đó Elmgreen và Dragset sắp đặt một chiếc xe tải trắng với thùng xe trông như thể bị bắn xuyên qua từ phía bên kia trái đất và trồi lên, gãy gập, giữa ngã tư Galleria, Millan, họ đặt tên cho tác phẩm này là Short Cut (Lối tắt).

Elmgreen và Dragset, Short-cut, 2003 (Tạm dịch: Lối tắt). Sắp đặt đa phương tiện, 250 x 850 x 300 cm, Ottagono, Galleria Vittorio Emanuele, Milan, Ý

Tuy nhiên ở Istanbul, cặp nghệ sĩ thực hiện một phần trong chùm tác phẩm Powerless Structures (Cấu trúc vô lực); bảo tàng lún xuống/trồi lên đi kèm với phụ đề Traces of a Never Existing History, Figure 222 (Dấu vết của một Lịch sử chưa bao giờ tồn tại, Hình 222), như thể nó là một minh họa từ một cuộc khảo cổ tương lai về hiện tại. Cặp nghệ sĩ đã dí dỏm đề xuất rằng nghệ thuật đương đại quan tâm tới việc đặt ra câu hỏi, thường là về chính nó, mà có lẽ không mang theo nhiều hy vọng về hiệu quả, và tất định kết thúc trong sự mơ hồ. Bằng cách nào đó, nghệ thuật đương đại có thể bị mất kết nối với thời gian. Thế nhưng tác phẩm này, cũng như nhiều tác phẩm khác của họ, rất có uy lực: tạo hình thông minh, chặt chẽ về ý niệm, châm chích đầy kiểu cách, dễ hiểu, khó quên. Chính mâu thuẫn giữa tính chắc chắn về hình thức và bấp bênh về nội dung tạo thành dấu ấn của nghệ thuật trong thập niên đầu của thế kỷ 21. Nó gợi ra câu hỏi, loại mâu thuẫn hiển nhiên này có tính đương đại ở chỗ nào, và tại sao nó lại mở đường cho nghệ thuật của thời kỳ đó?

(Còn tiếp)

Đón đọc Phần 2: Nghệ thuật đương đại hiện nay là gì?

Về người dịch:

Út Quyên là một người học báo nhưng không làm báo, học vẽ nhưng không làm họa sĩ. Chị yêu thích ngôn ngữ và thường bị phân tâm bởi rất nhiều sở thích khác nhau. Chị hiện đang cộng tác với Heritage Space, một không gian nghệ thuật độc lập tại Hà Nội, với vai trò Quản lý Chương trình nghệ thuật để tìm hiểu về nghệ thuật đương đại Việt Nam. Chị cũng làm việc cho Mekong Cultural Hub, một tổ chức kết nối và tạo cơ hội phát triển năng lực cho những người thực hành văn hóa nghệ thuật chủ yếu ở Đông Nam Á, để học hỏi thêm về bối cảnh văn hóa nghệ thuật trong khu vực. Thỉnh thoảng, khi có thời gian, hoặc khi quá căng thẳng vì nhiều lý do, chị sẽ tìm đến ngôn ngữ như một cách giải tỏa tâm trạng. Chị dịch nhiều thứ, hầu hết là về nghệ thuật, nhưng hầu như không xuất bản ở đâu cả. Chị đang theo học một khóa thạc sĩ về Công nghiệp Văn hóa Sáng tạo ở Đài Loan nhưng tương lai có lẽ cũng sẽ không làm việc gì liên quan, vì hiện tại chị đang phải lòng với tiếng Trung.

Người dịch: Út Quyên
Hình ảnh: Artplas
Nguồn: Contemporary Art and Contemporaneity

Cùng tác giả

#Tag

Artplas nghệ thuật Nghệ thuật Đương đại Series Nghệ thuật và ? Đương đại Đương đại tính

iDesign Must-try

Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 1)
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 1)
Ngày nay, sự xuất hiện của nhiều loại công nghệ mới đã góp phần không nhỏ trong việc thay đổi mối quan hệ của ta với nghệ thuật.
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật - (Phần 2)
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật - (Phần 2)
Tìm hiểu chi tiết hơn về các tác phẩm nghệ thuật ứng dụng công nghệ trong khuôn khổ triển lãm Nghệ thuật Kỹ thuật số nổi bật của thời đại…
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật (Phần 1)
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật (Phần 1)
“Tất cả chúng ta đều mong đợi xem việc áp dụng công nghệ hiện tại trong nghệ thuật sẽ mở ra những cánh cửa nào. Dù tương lai có ra…
Nghệ thuật và Công nghệ: Cùng tồn tại và phát triển
Nghệ thuật và Công nghệ: Cùng tồn tại và phát triển
Sự xuất hiện của công nghệ số trong quá trình sáng tạo nghệ thuật chưa bao giờ mạnh mẽ như lúc này. Nhưng, tận dụng hay loại bỏ, đâu mới…
Paul Cézanne — Quá trình của Sự thấy - (Phần 7)
Paul Cézanne — Quá trình của Sự thấy - (Phần 7)
Bức tranh rõ ràng là chưa hoàn chỉnh. Làm thế nào nó có thể là nghệ thuật? Nhưng Cezanne không hề nao núng trước những lời chỉ trích nhắm vào…
Paul Cézanne - Quá trình của Sự thấy (Phần 6)
Paul Cézanne - Quá trình của Sự thấy (Phần 6)
Đó là năm 1858. Cezanne mới mười tám. Người bạn thân nhất của cậu, Emile Zola, vừa rời đi Paris, bỏ cậu ở lại Aix-en-Provence.