Nàng thơ tóc đỏ Elizabeth Siddal cùng bi kịch có thực phía sau bức tranh ‘Ophelia’ ám ảnh
Hãy cùng du hành đến thế giới mờ ảo và đầy nắng của những họa sĩ thời Tiền Raphael (Pre-Raphaelite Brotherhood) lãng mạn và tìm hiểu thêm về nữ hoàng vô danh của họ trong bức tranh ‘Ophelia’ nức tiếng và mang tính biểu tượng này. Người phụ nữ trong tác phẩm được hóa thân bởi một chân dung có thật, Elizabeth ‘Lizzie’ Siddal, được biết đến như là người mẫu vẽ của những người họa sĩ cùng thời, nhưng lại ít được biết với tư cách một nghệ sĩ/ nhà thơ quan trọng và có tầm ảnh hưởng.
Cuộc đời của cô cũng đầy thú vị và ám ảnh như chính câu chuyện của Shakespeare mà cô làm mẫu trong tranh của họa sĩ John Everett Millais vào năm 1851 khi cô ở tuổi 23.
Dường như là định mệnh khi Siddal xuất hiện trên vô số bức tranh của các họa sĩ thời Tiền Raphaelite, một phong trào nghệ thuật mới ngoan cường được thành lập vào giữa thế kỷ 19. Ở cô, họ thấy sự biểu lộ của tất cả những năng lượng trang nghiêm, thanh tao mà họ mong mỏi.
Siddal cao hơn 1m8 và có một mái tóc màu đồng rạng rỡ mà người ta có thể nhận ra vào những ngày trong xanh nhất của nước Anh. Vào thời điểm đó, cô là một người hoàn toàn khác biệt với tiêu chuẩn cái đẹp nổi tiếng thường thấy trong các bức tranh – Siddal có nước da nhợt nhạt, nhưng dáng vẻ cao ngạo và có phần nam tính của Siddal đã “thay đổi bộ mặt của thời trang”, như Lucinda Hawksley viết trong quyển Lizzie Siddal: The Tragedy Of A Pre-Raphaelite Supermodel.
Đối với công chúng, có một sức hút ma mị về mái tóc màu đỏ đồng của Siddal, vẻ khinh miệt của cô khi mặc những chiếc áo nịt ngực và cô thường tự chọn những trang phục thoải mái, tự do thay vào đó. Thông thường, điều này khiến cô trở thành đối tượng của sự chế giễu trong các bức tranh hoạt họa trên báo; một nhà báo viết về thời Victoria có ghi rằng,”hình ảnh mái tóc đỏ được cho là cố tình xa lánh xã hội“. Siddal với sự tự tin về ngoại hình và phong cách của cô đã làm lung lay ý nghĩ này.
Trào lưu Tiền Raphaelite chỉ tồn tại trong vài năm nhưng nó hoàn toàn khiến cả thế giới nghệ thuật phải ngoái nhìn.
Được thành lập bởi một nhóm các nghệ sĩ nam có phần ngông nghênh, thuộc tầng lớp trung đến thượng lưu, họ tìm cách tránh xa những gì mà bản thân xem là thứ nghệ thuật nhàm chán, bắt đầu có chiều hướng suy tàn sau thế kỷ 15. Thay vì chỉ tập trung vào những bức tranh tôn giáo tôn vinh con trai của Chúa, họ muốn hướng ra khỏi điều ấy.
Các họa sĩ dành hàng giờ trong thế giới tự nhiên, không chỉ thể hiện thiên nhiên như là phông nền mà trở thành trung tâm cho tác phẩm họ. Và điều này còn khá xa lạ trước khi có trường phái Ấn tượng. Họ tìm kiếm màu sắc, sự bi kịch và lãng mạn. Hơn tất thảy, họ muốn có một nàng thơ. Năm 1849, những người nghệ sĩ ấy tìm thấy cô gái đó trong một cửa hàng bán mũ ở London.
Một ngày nọ, họa sĩ Walter Deverell được cho là đang đi dạo trong một con hẻm phía sau Quảng trường Leicester thì phát hiện ra Siddal – khi ấy 19 tuổi – đang làm việc trong một cửa hàng bán mũ.
William Holman Hunt, người bạn của Deverell, đã ghi lại chính xác những gì Walter nói với anh em của mình ngày hôm đó: “Các cậu sẽ không đoán được sinh vật tuyệt đẹp nào mà tôi vừa tìm thấy. Cô ấy giống như một nữ hoàng vậy, cao lớn với dáng người đáng yêu, cổ cao và khuôn mặt như sự kết hợp tinh tế và hoàn thiện nhất từng được tạo nên: những đường nét từ thái dương tới trên gò má giống hệt như bức tượng nữ thần được chạm khắc bởi Phidean…”
Kì diệu thay, ông đã thuyết phục được Siddal ngồi làm mẫu cho bức tranh của mình, The Twelfth Night, trong vai nhân vật Viola:
Phải dùng từ kì diệu thay là vì ngày trước, vẫn còn rất nhiều sự kỳ thị xung quanh những người làm mẫu cho tranh. Siddal cũng không đến từ cùng một tầng lớp xã hội như những họa sĩ thời Tiền Raphael này, mà là một phụ nữ thuộc tầng lớp lao động. Cô biết đọc lẫn viết và nuôi dưỡng niềm đam mê sâu sắc đối với thơ ca và nghệ thuật – nhưng trong khi những người đàn ông này được học tại Học viện Nghệ thuật Hoàng gia, Siddal chỉ được mẹ dạy học tại nhà và được cho là tiếp xúc với hương vị thơ nước Anh đầu tiên từ cây que bơ – thứ được gói trong một trang xé ra từ tác phẩm của nhà thơ Alfred Tennyson, một ảnh hưởng lớn với nhiều họa sĩ thời Tiền Raphael.
Siddal hẳn đã cảm thấy bị giằng xé khủng khiếp khi được đề xuất làm người mẫu cho Deverell. Một mặt, đây là cơ hội để lao vào thế giới mà cô yêu thích. Rốt cuộc thì cô vẫn luôn có khao khát trở thành một nhà thơ – và bản thân cô cũng có thể kiếm được rất nhiều tiền trong một lần ngồi làm mẫu hơn là đi theo những khách hàng tại chỗ làm. Mặt khác, nó có thể làm hoen ố mãi mãi danh tiếng của một phụ nữ trẻ.
Được sự chấp thuận của cha mẹ, Siddal đã mạo hiểm và bắt đầu kiếm một mức lương vừa vặn với nghề người mẫu. Chẳng mấy chốc, khuôn mặt của một nàng thơ mới hiện lên những bức tranh thời Tiền Raphael ở khắp mọi nơi.
Làm sao họ dám vẽ Jesus như một nhân vật thứ yếu, thấp hèn? Bức tranh Christ in the House of His Parents của người đồng sáng lập trào lưu là John Everett Millais đã bị tuyên bố là một sự báng bổ. Nó thậm chí còn truyền cảm hứng cho bức thư đầy hiềm khích từ Charles Dickens, người đã gọi bức họa Đức Trinh Nữ Maria của vị họa sĩ là “kinh khủng trong sự khắc họa xấu xí về Người.”.
Cũng chính từ tác phẩm Ophelia bởi Millais đã đưa người mẫu vẽ Siddal lên thành ngôi sao mới vào năm 1851 đến 1852. Ngày nay, các nhà sử học tin rằng họ thực sự đã tìm thấy vị trí chính xác tại sông Hogsmill, nơi vị hoa sĩ vẽ bức tranh en plein air này – một sự kết hợp giữa cây xanh và hoa mang tính biểu tượng.
Đó có vẻ như là phần dễ dàng cho người họa sĩ. Nhưng từng có cáo buộc rằng khi Siddal đang tạo dáng cho Millais trong chiếc váy cưới lộng lẫy cổ xưa ấy, cô đóng băng gần như chết. Có thể bạn cũng sẽ như thế nếu phải đắm mình trong làn nước băng giá, chỉ được sưởi ấm bởi một vài ngọn nến bên dưới bồn tắm.
Millais rất say mê với bức tranh của mình – và Siddal rất ngại phàn nàn – rằng vị họa sĩ đã không chú ý đến những ngọn nến đã tắt cho đến khi quá muộn. Siddal may mắn hồi phục sau khi bị viêm phổi, nhưng là tiền thân của những rắc rối về sức khỏe của cô sau này. Trước yêu cầu của cha mẹ Siddal, Millais đã trả cho bác sĩ của cô tiền chữa trị.
Giá như có thể nói rằng câu chuyện được thuận buồm xuôi gió từ đây, rằng Siddal liên tục chuyển từ nàng thơ sang việc trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp và sống hạnh phúc viên mãn. Thay vào đó, cô đã gặp nghệ sĩ Dante Gabriel Rossetti, một thiên tài nổi tiếng của thời Tiền Raphael nhưng cũng là kẻ khiến trái tim bao thiếu nữ tan nát.
Trong khi có sự cho và nhận trong mối quan hệ chuyên nghiệp và lãng mạn của họ, hầu hết các học giả đều đồng ý rằng: Dante khá khó nhằn. Với vẻ ngoài tối tăm đầy suy tư, ông cũng có một chút vấn đề với lòng tự trọng lớn của mình.
Một mặt, Dante giúp Siddal hòa nhập hơn nữa vào thế giới thơ ca và nghệ thuật, cung cấp cho cô các vật dụng cần thiết, mặc dù ông thường để lại lời bình luận cho những bài thơ của cô rằng chúng “buồn bã, ướt át và có ý thức về sự thương tâm của bản thân.”
A Silent Wood
O silent wood/ I enter thee / With a heart so full of misery / For all the voices from the trees / And the ferns that cling about my knees. / In thy darkest shadow let me sit / When the grey owls about thee flit; There will I ask of thee a boon, / That I may not faint or die or swoon. Gazing through the gloom like one / Whose life and hopes are also done, / Frozen like a thing of stone I sit in thy shadow but not alone. Can God bring back the day when we two stood / Beneath the clinging trees in that dark wood?
Elizabeth Siddal’s poem, “A Silent Wood”
Mặc cho sự chua cay của Rossetti, hai người đã dọn vào ở cùng nhau, trở thành những người ẩn dật khỏi phần còn lại của thế giới trong niềm đam mê của họ. Họ còn gọi nhau trìu mến là ‘Guggums’.
Rossetti đã tạo ra hàng trăm bản phác thảo và các tác phẩm về Siddal – gây ra nhiều phiền toái cho gia đình ông. “Anh ấy cứ bám vào cô ta cả ngày lẫn đêm,” em gái của vị họa sĩ – Christina – quan sát và kể lại, “Còn cô ấy thì nhìn lại anh tôi bằng đôi mắt chân thành.”
Rossetti thậm chí còn xui cô thay đổi cách đánh vần tên của mình, và bắt đầu kiểm soát những người mà Siddal có thể làm mẫu cho. Sức khỏe của cô ngày càng yếu dần, trong khi sự chú ý của Rossetti bắt đầu hướng đến công việc và những người phụ nữ khác nhiều hơn.
Tuy nhiên, Siddal cũng có một người bạn nổi tiếng giúp cô tìm kiếm các lợi ích tốt nhất, nhà phê bình nghệ thuật John Ruskin. Ông là một trong những người đầu tiên ca ngợi trào lưu Tiền Raphael như đứa con bị thất lạc – chưa kể, ông cũng nêu tên Siddal trong những bài cần phải thể hiện sự tín nhiệm với cô.
Ruskin gọi cô là ‘một thiên tài’ vì cho rằng về cơ bản, cô đã học được tất cả các kỹ thuật vẽ tranh của mình dưới cái bóng của Rossetti, và ông cũng đồng ý trở thành một người bảo trợ tài chính cho các tác phẩm nghệ thuật của cô.
Nhìn vào bức tranh của Rossetti từ thời kỳ đó, ta dễ dàng nhận ra họ cùng làm việc cạnh nhau khi ấy…
Sự tài trợ này lẽ ra là một khoảnh khắc đáng tự hào cho cặp đôi nghệ sĩ – thế mà thay vào đó, nó khiến mọi chuyện có phần trở nên lúng túng.
Ruskin muốn bảo trợ cho Siddal, không phải Rossetti, và có khả năng do mối tình tay ba lộn xộn giữa Ruskin, vợ ông và Millais của trào lưu Tiền Raphael lúc trước (người đã đánh cắp trái tim cô vợ).
Sau đó, Ruskin đã thuyết phục Siddal đi du lịch đến châu Âu, nơi anh hy vọng thời tiết có thể cải thiện sức khỏe của cô. Đáng buồn thay, mọi thứ dường như trái ngược. Khi trở về, cô phát hiện ra Rossetti đang ngoại tình với một người mẫu tóc đỏ khác, Fanny Cornforth, người được miêu tả là Judith ở một trong những bức tranh của Rossetti.
Trong cơn giận dữ, Siddal đau khổ đã phá hủy tất cả các bản phác thảo của chồng vẽ Cornforth.
Cũng cần đề cập rằng Siddal không phải là nàng thơ với mái tóc đỏ duy nhất trong bối cảnh thời Tiền Raphael. Có một số ít phụ nữ mạnh mẽ, bản lĩnh có sự đóng góp cho phong trào nhưng chỉ nhận được sự công nhận xứng đáng thông qua các triển lãm gần đây như The Pre-Raphaelite Sisterhood tại National Portrait Gallery. Một cuốn sách cùng tên đã được Jan Marsh viết vào những năm 90, để tỏ lòng kính trọng với những người phụ nữ tài năng và đầy tham vọng này.
Trong khi Siddal xem Fanny Cornforth là tình địch, thực chất cô vẫn tìm được sự ủng hộ, cảm hứng và tình bạn ở nhiều phụ nữ độc lập trong vòng tròn của những nghệ sĩ nữ thuộc tầng lớp lao động, khao khát vươn lên từ việc làm người mẫu.
Sự lãng mạn hỗn độn, kịch tính giữa các nàng thơ là khía cạnh rất thực của câu chuyện về Siddal, nhưng nó đã làm lu mờ một cách bất công về sự dũng cảm trong công việc của chính cô cũng như ‘các chị em’ thời Tiền Raphael.
Rossetti đã vẽ nên Siddal. Nhưng Siddal cũng đã định nghĩa chính mình trong hàng trăm bức tranh của chồng cũng như của chính mình. Chưa kể, cô cũng đã phải khéo léo luồn lách trong thế giới kỳ lạ và phát triển không ngừng về ý nghĩa của một nàng thơ nổi tiếng thuở bấy giờ.
Do đó, đây cũng có thể là lí do tại sao Siddal quyết định đưa ra một động thái phức tạp hướng tới việc tự chủ mà chúng ta vẫn có thể thấy ở những nàng thơ – người mẫu, mặc dù ngày nay ta cũng có thể gọi họ là ‘siêu mẫu’.
Vẫn còn một vấn đề rắc rối bên dưới sự quyến rũ ấy, Prose từng cho biết, là nó đi kèm với việc ‘tự hủy hoại bản thân‘ mà dân chúng thường nghĩ đến, thậm chí là mong muốn như thế từ những người phụ nữ này.
Năm 1860, điều dường như không thể đã xảy ra: Siddal và Rossetti kết hôn. Họ sống với nhau được một thập kỷ, nhưng giai cấp xã hội thấp hơn của nhà Siddal đã bị gia đình Rossetti xem như một nỗi xấu hổ. Cuộc hôn nhân có thể chỉ là cử chỉ thương hại: Siddal rất mong manh, đến nỗi chính cô phải được người dìu đến nhà thờ.
Ngày nay, các nhà sử học tin rằng Siddal đã có thể bị mắc bệnh lao, hoặc rối loạn ăn uống (eating disorder) – như bị biếng ăn tâm lý (anorexia), thứ chỉ được phân loại vào tận năm 1873 bởi một trong những bác sĩ riêng của Nữ hoàng Victoria.
Thời kì Victoria tại Anh là một trong những khoảng thời gian kỳ quái nếu bạn là một người phụ nữ hay bệnh tật: Xuất hiện với nước da nhợt nhạt chết chóc lại được coi là hợp thời trang và được tôn sùng. Đáng thương thay, Siddal đã sảy thai không chỉ một mà đến hai lần, và là khởi phát của chứng chứng trầm cảm chết người.
Một ngày vào năm 1862, Rossetti nhận thấy Siddal trông đặc biệt ốm yếu. Dù vậy, ông vẫn ra ngoài để dạy lớp học ban đêm tại Working Men’s College và ăn tối với một người bạn. Khi trở về nhà, Rossetti nhận ra vợ mình bị quá liều cồn thuốc phiện với một lá thư tuyệt mệnh được ghim ở ngực, nhưng ông đã phá hủy nó để đảm bảo Siddal được chôn cất theo nghi lễ đạo Ki-tô đúng nghĩa. Lúc đó cô chỉ mới 33 tuổi.
Kết thúc một chương về Lizzie Siddal, nhưng cũng là khởi đầu của một người nổi tiếng kỳ lạ.
Đối với công chúng, không có gì bi kịch hơn sự mất mát của một nàng thơ đã đầy bi thảm. Siddal lúc đó đã dùng quá liều laudanum – một loại thuốc phiện làm từ cây anh túc – để lại một sự trùng hợp đen tối; trong bức tranh Ophelia của Millais, họa sĩ miêu tả nhân vật trong tranh đang nắm chặt lấy cây anh túc và hoa violet như là biểu tượng của cái chết.
Đối với Rossetti, người luôn có nhiều cử chỉ lớn, đã thêm sự kịch tính cho câu chuyện này bằng cách ném những bài thơ của chính ông vào quan tài của Siddal trong tang lễ. “Tôi thường viết những bài thơ đó khi Lizzie bị ốm và đau khổ,” ông từng nói, “trong khi lẽ ra phải chú ý tới nàng hơn, và bây giờ thì chúng cũng nên ra đi.”
Thời gian trôi qua, Rossetti ngày càng trở nên hoang tưởng và tin rằng Siddal đang ám ảnh ông. Thứ linh cảm này còn phần nào được khuyến khích bởi phong trào Tâm linh (Spiritualist movement) đang phát triển, trong đó phổ biến sử dụng sự chiêu hồn thuật để liên lạc với người chết.
Cũng trong khoảng thời gian này, sức khỏe thị giác và tài chính của Rossetti xuống dốc, và trong một hành động không biết từ tuyệt vọng hay ích kỷ – ông đã làm điều không tưởng: khai quật mộ của Siddal để lấy lại những bài thơ ông viết nhằm xuất bản (ngạc nhiên là ông đã làm tất cả điều này một cách hợp pháp). Tất nhiên chuyện này trở thành tiêu đề để bàn tán; các tờ báo viết về việc ngay cả khi chết, vẻ đẹp của Siddal vẫn rực rỡ. Rossetti thậm chí còn tuyên bố rằng mái tóc vàng của cô vẫn dài thêm.
Các yếu tố rùng rợn của cuộc đời Siddal là không thể phủ nhận, thậm chí là mang tính biểu tượng. Không một người phụ nữ nào khác trong lịch sử nghệ thuật có thể tự hào về việc miêu tả sự tương đồng với Ophelia hay Công chúa Sabra như nàng thơ Siddal, và – trong sự mô tả phù hợp với câu chuyện cho nhân vật riêng của chính Rossetti – Beatrice. Vị họa sĩ đã hoàn thành bức tranh này của Siddal với tư cách là người hướng dẫn bức tranh Inferno của Dante…
Các tác phẩm của Siddal với tư cách là một nghệ sĩ chỉ mới bắt đầu nhận được sự chú ý. Vào những năm 1990, có một triển lãm đầu tiên dành cho riêng cô và tiền thân của National Portrait Gallery đã giúp định hướng câu chuyện tới những đóng góp của chính cô như một nhà thơ và họa sĩ.
Siddal và Nhóm chị em thời Tiền Raphael đã mang đến cuộc sống mới cho thơ ca, hội họa và thậm chí là thêu thùa; chưa kể đến sự chuyển hướng ấn tượng của họ đối với việc kinh doanh trong thế giới nghệ thuật khi ấy chỉ là nơi đặc quyền của giới nam.
The Art of the Pre-Raphaelites của Elizabeth Prettejohn và Pre-Raphaelite Sisterhood viết bởi Jan Marsh là hai quyển sách tuyệt vời tái hiện câu chuyện thời Tiền Raphael, cho thấy những người phụ nữ như Siddal không chỉ ở bên lề mà là trung tâm của phong trào – được viết một cách sáng tạo, chan chứa tình cảm và rất đáng giá. Việc cố gắng viết lại Lịch sử nghệ thuật với chân dung người phụ nữ bằng hình ảnh vẫn là một nỗ lực không ngừng.
lược dịch: Lệ Lin
nguồn: messynessychic