100 phân đoạn phim góp phần định hình nền công nghiệp hoạt họa (Phần 1)

Danh sách trong bài viết này được xếp theo thứ tự thời gian, chọn lựa bởi các cây bút của trang Vulture với sự cố vấn của các chuyên gia về bối cảnh lịch sử và được biên tập bởi Eric Vilas-BoasJohn Maher . Bài viết này cũng được đăng tải trên mục One Great Story của tờ báo New York.

Người viết xin chỉ lược dịch và thêm chú thích phù hợp.
Mọi quan điểm được giữ nguyên như bài viết gốc.


Minh họa trên trang Vulture bởi Giacomo Gambineri

Trích lời BBT trang Vulture:

“Điều gì xảy ra giữa mỗi khung hình quan trọng hơn những gì xảy ra trên đó,” nhà làm phim hoạt hình Norman McLaren đã từng giải thích. “Vậy nên, hoạt họa là nghệ thuật vận dụng các điểm giao cắt không thể nhìn thấy giữa các khung hình ấy.”

Để nắm bắt ý tưởng của sức mạnh đó và tường thuật lại lịch sử của ngành hoạt họa, chúng tôi đã lập biểu đồ sự phát triển bằng cách xem xét 100 phân đoạn phim (sequence) trong suốt chiều dài lịch sử của phương tiện nghệ thuật này. Tập trung vào phim hoạt hình (cartoon) sẽ tạo ra sự thiên vị, đem nhiều lợi hơn cho các hãng có nguồn lực để sản xuất phim điện ảnh – trong khi lịch sử đã chỉ ra rằng nhiều thành tựu mang tính bước ngoặt trong ngành làm phim hoạt hình đã được sản xuất với ngân sách, định dạng và độ dài phim khác nhau. Chúng tôi đã chủ ý linh hoạt chọn các phân đoạn phim (sequence) vì cảm thấy nó có sự hội tụ đầy đủ nhất khi tạo ra khoảnh khắc mang lại cảm hứng hơn so với một khung hình (single frame) hoặc toàn bộ tác phẩm (entire work), cũng như để thấy được tiến trình phát triển của chúng. Bằng cách tập trung vào các phân cảnh, chúng tôi có thể giúp người sáng tạo và các quyết định cá nhân của họ tỏa sáng theo cách mà các tác phẩm điện ảnh với dung lượng lâu hơn chưa hẳn đã làm được.

Ở đây, danh sách được đưa ra sau nhiều tháng thảo luận giữa sự tin tưởng của các chuyên gia hoạt hình, sử gia và các chuyên gia khác. Hơn 600 đề cử đã được xem xét dựa trên các tiêu chí mà chúng tôi thiết lập. Vì danh sách này dành cho khán giả Mỹ nên các mục xem xét nghiêng về những gì đã ảnh hưởng đến hoạt hình Mỹ. Bạn sẽ nhận thấy đầu phim Nhật Bản được thể hiện tốt hơn so với các nhà làm phim hoạt hình Pháp hoặc Cộng hòa Czech, điều mà chúng tôi cảm thấy đã phản ánh mối quan hệ đang phát triển, kéo dài hàng thập kỷ của khán giả Mỹ với hoạt hình Nhật Bản.

Chúng tôi đã loại trừ nội dung khiêu dâm, trò chơi điện tử và quảng cáo, cho rằng chúng không phù hợp vì có sự tương tác giữa tác phẩm và đối tượng khán giả hơn là một danh sách nghệ thuật nhằm mục đích tiêu thụ. Chúng tôi đặc biệt băn khoăn về việc sử dụng ví dụ nào cho các tác phẩm kết hơp giữa animation live action – một mánh lới đã được triển khai từ rất lâu trước phim Mary Poppins – và các kỹ xảo đặc biệt cũng là điều mà chúng tôi cố gắng giới hạn khi cảm thấy nhiều công cụ và các hình thức này có sự chồng chéo nhất ở các phim hoạt hình và các phim có kỹ xảo được đóng bởi người thật. Và cuối cùng, các tác phẩm của những người làm phim da trắng được thể hiện không cân xứng ở đây khi họ đã ‘đại diện’ một cách không cân xứng trong ngành công nghiệp hoạt hình Mỹ kể từ khi nó hình thành.

Một điều không thể tránh khỏi là danh sách này chỉ có thể cho thấy phần nổi một loại hình nghệ thuật vô song về độ linh hoạt và khả năng kỳ diệu của nó. Các nhà hoạt hình tiếp tục khiến ta tin vào sự chuyển động và hơi thở từ hình ảnh tĩnh là thực, và chính chúng ta vẫn sẽ luôn hân hoan khi được trải nghiệm các khung hình ấy.


1. “Pauvre Pierrot,” (Pierrot đáng thương) từ show Pantomimes Lumineuses (1892)

Théâtre Optique
Đạo diễn: Charles-Émile Reynaud

Bắt đầu từ năm 1892, ba năm trước khi anh em nhà Lumières lần đầu tiên trưng bày những bức ảnh chuyển động của họ, nhà phát minh người Pháp Charles-Émile Reynaud đã giới thiệu các bức ảnh động của mình cho khán giả tại Paris. Théâtre Optique (hay “rạp chiếu phim quang học”) của ông là tiền thân của thứ công nghệ góp phần định nghĩa cả hoạt hình và máy chiếu phim. Các bộ phim của Reynaud được làm từ hàng trăm tác phẩm minh họa riêng lẻ, kết nối qua các dải giấy dài được đục lỗ bằng đĩa xích (lần đầu tiên trong lịch sử điện ảnh) và quấn quanh các ống cuộn, có thể chạy nhanh trước một chiếc đèn lồng ma thuật, chiếu hình ảnh chuyển động cho khán giả thưởng thức..

Các buổi trình chiếu của Reynaud có tên Pantomimes Lumineuses, bao gồm hàng loạt các phim ngắn được ông đã vẽ từ trước. Chúng bao gồm “Un Bon Bock”,“Le Clown et Ses Chiens” và “Pauvre Pierrot”.

Đáng buồn thay, Charles-Émile Reynaud không chỉ là một nhà tiên phong trong lĩnh vực điện ảnh mà còn là nạn nhân sớm của việc chiếm dụng mà về sau nhanh chóng phổ biến ở ngành công nghiệp này. Ông làm việc cho Bảo tàng Grévin theo một hợp đồng vô cùng bất công. Dù cho có được thành công to lớn từ Pantomimes Lumineuses, Charles-Émile Reynaud chỉ thu được rất ít lợi nhuận và cuối cùng phải phá sản. Trong cơn tuyệt vọng, ông phá hủy Théâtre Optique và ném hầu hết các bộ phim của mình xuống sông Seine. Ngày nay, chỉ có các phần của Pauvre Pierrot và phim Autour d’une Cabine (1894) còn tồn tại như minh chứng cho phép thuật của người đàn ông tài ba này.


 2. L’Œuf du Sorcier (1902)

Công ty Star Film
Đạo diễn: George Méliès

Bước sang thế kỷ 20, việc làm phim hiện đại có sự thúc đẩy cần thiết nhờ công của nhà làm phim thử nghiệm người Pháp, nhà thiết kế bối cảnh và ảo thuật gia George Méliès. Ông được xem như người sáng tạo ra các hiệu ứng đặc biệt trong phim ảnh. Méliès được ghi nhận là người đã tiên phong split screen (chia đôi hai cảnh cùng chạy song song trên màn ảnh), double exposure (phơi sáng kép) và dissolve effect (hiệu ứng chuyển cảnh mờ dần).

Sau khi bị mê hoặc bởi chiếc máy ảnh chuyển động đột phá của anh em nhà Lumière thì vào năm 1895, Méliès bắt đầu thiết kế và chế tạo lại chiếc máy ảnh của riêng mình và nhanh chóng thành lập Công ty Star Film. Bộ phim L’Œuf du Sorcier do Méliès đạo diễn và đóng vai chính, là một ví dụ ban sơ về hoạt hình tĩnh vật (stop-motion) SFX khi bộ phim có cảnh nhà ảo thuật làm một quả trứng xuất hiện trong tay và sau đó, khéo léo phát triển quả trứng thành những thứ kì quặc khác.

Đạo diễn Martin Scorsese của Hugo – phim dành giải Quay phim xuất sắc nhất và Hiệu ứng hình ảnh xuất sắc nhất của giải Oscar năm 2011- đã để Ben Kingsley thủ vai Méliès như một sự tri ân cho ảo thuật gia tài năng đã góp công cho nền điện ảnh thế giới.


3. Toys take the town, Dreams of Toyland (1908)

Công ty Alpha Production Works
Đạo diễn Arthur Melbourne-Cooper

Có từ trước Toy Story của Pixar gần 90 năm, bộ phim stop-motion này được Arthur Melbourne-Cooper tạo ra vào năm 1908. Cooper là một nhiếp ảnh gia kiêm nhà làm phim sáng tạo và là người tiên phong trong lĩnh vực truyền thông. Dreams of Toyland được cho là tác phẩm mang tính biểu tượng nhất của nhà làm phim Anh và là một ví dụ tuyệt vời về hoạt hình thời kì đầu có người đóng.

Tác phẩm này có chuyển động mượt mà đáng kinh ngạc khi đặt trong bối cảnh với các thiết bị có sẵn tại thời điểm đó; sự chuyển động ấy không chỉ được nhìn thấy giữa các đồ chơi ở tiền cảnh mà còn với mọi vật được đặt trên màn ảnh. Cốt truyện không có gì nổi bật, nhưng bản thân chuyển động cho thấy mức độ cẩn thận và cống hiến của Cooper khi thử nghiệm loại hình nghệ thuật mới này. Dựa trên chuyển động của bóng đổ từ đồ chơi, tác phẩm này dường như được quay trong một sân khấu ngoài trời, càng làm tăng thêm độ ấn tượng của nó.

Với sự xuyên suốt từ tác phẩm stop-motion như Gumby, hay Wallace và Gromit – sản phẩm stop-motion hiện đại của Laika – và nhiều câu chuyện về đồ chơi sống động khác nhau, giấc mơ hoang đường của Arthur Melbourne-Cooper thuở nào là sự mở đường cho những người đam mê hoạt hình thế hệ sau.


4. Fantasmagorie (1908)

Société des Etablissements L. Gaumont
Đạo diễn Émile Cohl

Là một nhà biếm họa người Pháp và một trong những nhà sáng tạo phim hoạt họa vĩ đại đầu tiên, Émile Cohl biết đến định nghĩa ban sơ của điện ảnh (motion picture) vào năm 1907 và muốn xem liệu nó và ảo ảnh thị giác có thể được đưa vào sở thích của ông về hoạt hình hay không. Fantasmagorie được quay bằng một máy ảnh gắn dọc và bao gồm 700 bức vẽ bằng phấn, mỗi bức được phơi sáng kép và hiển thị theo dòng ý thức (stream of consciousness) cho thấy sự biến đổi không ngừng.

Việc đưa chú hề làm nhân vật trung tâm có nguồn gốc từ phong cách của rạp xiếc lưu động, nơi mà các bộ phim bắt đầu như một phần mở rộng của ảo ảnh thị giác và ảo thuật do các nhà ảo thuật thực hiện. Chú hề trong Fantasmagorie là nhân vật đầu tiên trong lịch sử hoạt hình và bắt đầu một xu hướng lấy nhân vật làm trung tâm mà chúng ta vẫn chứng kiến ngày nay.


5. Gertie the Dinosaur (1914)

The Box Office Attractions Company
Đạo diễn Winsor McCay

Bao gồm 10.000 bức vẽ (với sự giúp đỡ của trợ lý John A. Fitzsimmons, người đã vẽ lại phần nền) và được đặt trên bìa cứng, tác phẩm ngắn thứ ba của Winsor McCay đã đặt nền móng cho thế kỷ tiếp theo của hoạt hình. Đoạn phim ngắn đánh dấu lần đầu tiên sử dụng khung chính (keyframe), dấu đăng ký (registration mark), vòng lặp hoạt ảnh (animation loops), khung xen kẽ (betweening) và quan trọng hơn cả là nhân vật hoạt họa (character animation). McCay không chỉ cho Gertie cuộc sống mà còn ban tặng cho nhân vật một nhân cách. Trước Gertie the Dinosaur, các nhân vật đều hiện lên rỗng tuếch. Bây giờ chúng có thể khóc, điều mà Gertie làm khi McCay mắng, hoặc ăn, uống và thở, tất cả những điều này được nhân vật thực hiện với một sự quyến rũ vui tươi, tao nhã mà nhiều họa sĩ về sau cố gắng mô phỏng và xây dựng nên.

Hầu hết các tác phẩm của McCay cả trong truyện tranh và điện ảnh đều đã bị thất lạc, nhưng Gertie the Dinosaur là một trong những tác phẩm được bảo tồn tốt nhất. Nó trở thành một phần của Cơ quan đăng ký phim quốc gia của Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ từ năm 2011.


Lược dịch: Lệ Lin
Nguồn: Vulture


Theo dõi loạt bài 100 phân đoạn phim định hình nền công nghiệp hoạt họa bằng cách nhấn vào banner bên dưới!

Cùng tác giả

#Tag

100 phân đoạn phim hoạt hình Charles Émile Reynaud Dreams of Toyland Fantasmagorie Gertie the Dinosaur Heirstory hoạt hình hoạt họa Leuf du Sorcier lịch sử nghệ thuật Lumières nhiếp ảnh Pauvre Pierrot phim ảnh sequences video điện ảnh

iDesign Must-try

Các tác phẩm sắp đặt môi trường tạm thời lấy cảm hứng từ ‘những ham muốn đối lập của con người’ 
Các tác phẩm sắp đặt môi trường tạm thời lấy cảm hứng từ ‘những ham muốn đối lập của con người’ 
Những tấm vải tuyn thanh tao với chuyển động ma mị trên đồng cỏ và dưới những tán cây được ghi lại trong những bức ảnh mới nhất của Thomas…
ca’talks #04: Haiku thị giác - Hợp lưu nghệ thuật Đông-Tây
ca’talks #04: Haiku thị giác - Hợp lưu nghệ thuật Đông-Tây
Ngày 30/09/2023 tại Toong Hoàng Đạo Thuý, Tầng 2, Tòa 25T2, Hoàng Đạo Thúy, Hà Nội sẽ diển ra buổi thảo luận về chủ đề “Haiku thị giác” từ hai…
Procreate ra mắt ứng dụng ‘Procreate Dreams’ nhằm cách mạng hóa hoạt hình trên iPad
Procreate ra mắt ứng dụng ‘Procreate Dreams’ nhằm cách mạng hóa hoạt hình trên iPad
Procreate vừa giới thiệu ứng dụng mới, Procreate Dreams trên iPad, giúp người dùng vẽ chuyển động và làm hoạt hình dễ dàng và tối ưu hơn. Procreate là một ứng…
Khoảnh khắc hoài niệm và kỳ diệu ở những nơi biệt lập nhất Bắc Mỹ
Khoảnh khắc hoài niệm và kỳ diệu ở những nơi biệt lập nhất Bắc Mỹ
Lớn lên trong một cộng đồng biệt lập, nhiếp ảnh gia Brendon Burton đã phát triển khả năng quan sát cách các tòa nhà đổ nát nép mình vào cảnh…
[TCBC] Triển lãm ảnh ‘Rạp chiếu phim - Teatros’ của nhiếp ảnh gia Bert Danckaert
[TCBC] Triển lãm ảnh ‘Rạp chiếu phim - Teatros’ của nhiếp ảnh gia Bert Danckaert
Đại sứ quán Bỉ tại Việt Nam và Matca xin hân hạnh giới thiệu triển lãm ảnh “Rạp chiếu phim – Teatros” của nhiếp ảnh gia Bert Danckaert. Bộ ảnh…
/ai đi/ Soi chiếu Hoa và Mắt tại Triển lãm ‘Hoa Mắt’ của nhiếp ảnh gia Thiên Minh
/ai đi/ Soi chiếu Hoa và Mắt tại Triển lãm ‘Hoa Mắt’ của nhiếp ảnh gia Thiên Minh
/ai đi/ – Chuyên mục check-in các địa điểm sáng tạo, nghệ thuật của iDesign Lần đầu tiên, sau 10 năm miệt mài theo đuổi sự nghiệp nhiếp ảnh chuyên…