Agnes Pelton: ‘Mọi tranh trừu tượng của tôi đều liên quan đến ánh sáng, vì ánh sáng là tất cả cuộc sống này.’

Sự cuốn hút của các bức tranh phong cảnh gần như là trừu tượng của họa sĩ người Mỹ Agnes Lawrence Pelton (1881-1961) được tạo nên bởi những yếu tố hài hòa, có phần độc đáo như chính cuộc đời riêng của vị họa sĩ này. Tranh của Agnes Pelton có thể mờ nhạt và khó hiểu với đôi người nhưng vẫn có thể tìm được sự đồng điệu với trải nghiệm tinh thần của nhiều người xem khác.

Ảnh: bảo tàng Whitney. Mĩ

Những nét vẽ hữu cơ tựa như đường cong hình sin, màu sắc sống động như đá quý và các chi tiết lấp lánh trên bầu trời mềm mại; những ngôi sao rực cháy và hiện tượng lung linh phát sáng, thường lơ lửng trên đụn cát, đỉnh núi hùng vĩ hoặc những vùng nước bí ẩn. Sự miêu tả tỉ mỉ — đôi khi cầu kỳ — của Agnes Pelton về những bóng hình ẩn hiện dường như là một tổng hòa hoàn hảo từ tầm nhìn trừu tượng của Wassily Kandinsky (1866 – 1944), địa hình và hệ thực vật có phần mộng tưởng của Georgia O’Keeffe (1887-1986) cũng như những thước phim Fantasia tuyệt đẹp đến từ Walt Disney.


Cuộc đời riêng và khởi đầu nghệ thuật

Agnes Pelton, 1957. Ảnh thuộc sở hữu của Nyna Dolby và Carolyn Tilton Cunningham .

Sinh ra ở Stuttgart (Đức) và cùng cha mẹ sống ở nhiều nơi rồi chuyển đến Mỹ khi còn nhỏ, Agnes Lawrence Pelton có một nền giáo dục khá phóng túng. Mẹ là một nhạc sĩ, cùng Agnes trở về Mỹ định cư ở Brooklyn và mở một trường dạy nhạc để hỗ trợ về tài chính cho gia đình. Cha của Agnes mất ở nhà họ hàng khi nữ họa sĩ mới lên chín. Agnes Pelton sống với mẹ cho đến khi người mẹ qua đời vào năm 1920.

Ở tuổi 40, nữ họa sĩ rời thành phố đến vùng nông thôn khá cô lập ở phía đông Long Island. Agnes Pelton sống trong một cối xay gió (cũng là studio của bà) và bắt đầu cuộc sống cô độc kéo dài đến cuối đời. Agnes ngày càng say mê với nhiều hệ thống niềm tin huyền bí khác nhau, bao gồm Tư tưởng Mới (New Thought), chiêm tinh học và quan trọng nhất là Thuyết thần trí (Theosophy) và các nhánh của nó, đặc biệt là Agni Yoga (hay Đạo đức sống). Nữ họa sĩ cũng bỏ lại phong cách tranh tình cảm hoài cổ trước đây để theo đuổi chủ nghĩa hiện đại thoải mái hơn.

Đến năm 1926, Agnes Pelton đã bắt tay vào thực hiện một loạt các bức tranh tạo nên phần lớn buổi triển lãm tại bảo tàng Whitney gần đây. Các yếu tố trừu tượng về mặt tinh thần mà họa sĩ có đã tạo nên hình thức (form) cho các khái niệm cũng như hình ảnh cho các nghiên cứu bí truyền và thiền định của bà.

Agnes Pelton làm việc tại studio vào khoảng năm 1923.  
Agnes Pelton Papers, Archives of American Art, Smithsonian Institution

Năm 1932, Agnes Pelton chuyển đến Cathedral City ở sa mạc California. Ở vùng đất xa xôi ấy và cũng khá muộn màng trong cuộc đời, bà mới thật sự bước vào con đường nghệ thuật. Tranh của bà không có gì giống với những bức tranh của Pelton trong nghệ thuật nước Mỹ ở thế kỷ 20, chẳng những có sự pha trộn giữa Thông thiên học, Phật giáo, chiêm tinh và huyền bí mà là sự hài hòa vô cùng về mặt thị giác, cho thấy được sự phổ biến rộng rãi của niềm tin tâm linh khó cưỡng lúc bấy giờ.


Tác phẩm bởi Agnes Pelton: tâm linh, huyền ảo và nhiều tranh cãi

Vốn từ vựng thị giác trong những bức tranh có kích thước khiêm tốn của vị họa sĩ này thậm chí còn đặc trưng hơn. Các sáng tác của bà cũng thế, khá kỳ quặc và phần nào khiến chúng trở nên kém quý giá, ít được kỳ vọng hơn.

Agnes Lawrence Pelton, Star Gazer (1929)

Ví dụ như Star Gazer (1929), một búp sen màu hồng phủ sương được bao bọc bởi đài hoa thủy tinh trong suốt, mọc lên từ những ngọn núi mềm mại được mặt trời hôn lên; đằng xa là ngôi sao mai sáng tỏ trên vòm trời đã chuyển sang màu chàm. Dù không thể xác định rõ nguồn gốc của hình tượng trong tranh, ta vẫn có thể khẳng định sự liên quan của chúng với thuyết thần bí có nguồn gốc từ phương Đông. Tuy nhiên, đối với người xem đương đại, chất lượng nằm ở sự phối màu trong tranh, tạo ra cảm giác về một niềm tin sâu sắc được thể hiện dưới hình thức đẹp tựa thơ ca, mang lại cho tác phẩm thứ ma thuật dường như có thể chạm tay đến.

Agnes Pelton; Messengers; 1932; sơn dầu
Bảo tàng Nghệ thuật Phoenix

Mặc cho sự nghiêm túc trong cảm xúc tâm linh của Agnes Pelton cũng như sự tinh tế trong các tác phẩm riêng lẻ, khi xem các tác phẩm liên tục, ta thường thấy nét lặp đi lặp lại ở một số hình tượng. Ngôi sao đính giữa và làm nên sự cân bằng cho tác phẩm Star Gazer năm 1929 cũng được lặp đi lặp lại trong những bức tranh hoàn hảo đến mê hồn như Sand Storm Messengers (cả hai từ năm 1932) và Even Song (1934).

Agnes Pelton, Room Decoration in Purple and Gray (1917)

Sự nhạy cảm đầy tính minh họa lan tỏa khắp nơi trong tranh của Agnes Pelton.

Room Decoration in Purple and Gray (1917), có hình ảnh một người phụ nữ mặc áo choàng màu mận, đặt tay chéo trước ngực và nhìn chằm chằm vào một con chim màu vàng được bao quanh bởi ánh sáng mờ ảo. Hình ảnh người phụ nữ hiện lên tựa như thiên thần, gợi ra ý nghĩ kinh điển về sự nữ tính, hay hai con chim bồ câu nhỏ xuất hiện ở góc dưới bên trái của bức tranh Winter (1933) và bức Orbits (1934) – một bức tranh mơ mộng xa xăm với các vòng sáng, chấm li ti được đính quanh các ngôi sao, tất cả đều có sự lặp đi lặp lại về mặt bố cục. Những sợi đốt xoắn, quả cầu ánh sáng và dáng hoa thường xuất hiện chính giữa trên các bức tranh của Agnes Pelton. Các yếu tố thị giác này bắt nguồn từ giấc mơ, tầm nhìn và ảo ảnh thường đến khi người họa sĩ ngủ hoặc ngồi thiền và chúng hiện lên khá rõ rệt (bằng chứng là những yếu tố này được cô phác họa lại cẩn thận trong sổ tay, từng được Bảo tàng Phoenix trưng bày một triển lãm gần đây).

Agnes Pelton, Orbits, 1934

Khi mà yếu tố trong tranh của Agnes thường được tiếp cận như một sơ đồ hay mộng tưởng, việc đưa sự trừu tượng vào những suy nghĩ thần bí hoặc ảo giác xuất thần có thể dẫn đến những liên tưởng khó ngờ. Một điển hình là bức Return (1940), có hình ảnh bóng chim trong suốt bay vút qua ốc đảo với một ngôi sao trên mỏ của nó. Đây có thể dễ dàng bị xem là lấy từ một tác phẩm khác được sản xuất ở miền nam California cùng năm ấy, Fantasia từ Walt Disney, bao gồm các phân cảnh trừu tượng do nhà làm phim avant-garde hiện đại Oskar Fischinger tạo hình. Sự liên hệ giữa tranh của Agnes Pelton với người nổi tiếng tạo ra vấn đề nghiêm trọng đối với tác phẩm của bà: hình dung về niềm tin chân thành của họa sĩ thường bị những người không cầu thị cho là rỗng nghĩa.

Agnes Pelton, Return (1940)

Bất chấp sự đánh giá cao của Agnes Pelton về chủ nghĩa thần bí, bà vẫn là một Cơ đốc nhân mộ đạo trong suốt cuộc đời của mình. Michael Zakian – giám tuyển cho triển lãm tranh gần đây mang tên “Agnes Pelton: Desert Transcendentalist” tại Mĩ viết trong danh mục triển lãm: “Cô ấy luôn tôn trọng niềm tin Cơ đốc cốt lõi của gia đình mình rằng thế giới là món quà quý giá của Chúa và mục đích của cuộc sống là theo đuổi điều tốt đẹp. ” Với Alina Cohen, người chấp bút cho bài viết về Agnes Pelton trên Artsy cho rằng: Tình cảm đó, có thể mang lại lợi ích cho cộng đồng nhưng khi hướng ra bên ngoài lại trở thành vật cản trong nghệ thuật hiện đại. Nếu các nghệ sĩ tin tất cả những gì họ đã được căn dặn thì không có chỗ cho những câu hỏi hoặc thứ bí bách làm nguồn cơn cho việc tạo ra tác phẩm nữa. Từ góc độ ấy, tác phẩm của họ trở nên phẳng lặng và an toàn hơn.


Agnes Pelton, “heart music,” 1932

Dẫu sao chăng nữa, họa sĩ người Mỹ Agnes Pelton (1881-1961) với những bức tranh độc đáo và huyền ảo của bà nhắc nhở rằng lịch sử của riêng chủ nghĩa Trừu tượng hiện đại và sự đóng góp của phụ nữ vào bề dày lịch sử nghệ thuật vẫn đang được tiếp tục được viết nên. Tranh của Agnes Pelton có thể mờ nhạt và khó hiểu với đôi người nhưng vẫn có thể tìm được sự đồng điệu với trải nghiệm tinh thần của nhiều người xem khác. Một điều quan trọng: bà vẽ tranh với một tâm thế mở và ôm về mình những niềm tin thuần khiết, tìm thấy cả cái ‘hồn’ ở khắp nơi, dù chỉ là một hoang mạc cằn cỗi.


Biên tập: Lệ Lin
Tham khảo: BorderCrossings / Artsy / The New York Times


Cùng tác giả

#Tag

agnes pelton artist Heirstory trừu tượng

iDesign Must-try

Hiroyuki Doi: ‘Bằng cách vẽ vòng tròn, tôi cảm thấy mình đang sống và hiện hữu trong vũ trụ.’
Hiroyuki Doi: ‘Bằng cách vẽ vòng tròn, tôi cảm thấy mình đang sống và hiện hữu trong vũ trụ.’
Hình tròn trong tác phẩm của Hiroyuki Doi ẩn chứa điều gì? Vì sao ông lại vẽ hình tròn cả đời mình?
Du hành trong vũ trụ trừu tượng vô định của Ori Toor
Du hành trong vũ trụ trừu tượng vô định của Ori Toor
Ori Toor là họa sĩ minh họa tự do người Israel. Nghệ thuật của anh ấy chứa đựng những ý tưởng kì lạ được đan kết bởi các mảng màu sặc…
Edvard Munch (Phần 1)
Edvard Munch (Phần 1)
Trong loạt bài hai phần về Edvard Munch, chúng ta tìm hiểu về một trong những hoạ sĩ tài năng nhất, gây tranh cãi nhất, có những tác phẩm độc…
Cinta Vidal và thế giới của những ‘kiến trúc bất quy tắc’
Cinta Vidal và thế giới của những ‘kiến trúc bất quy tắc’
Nếu nghệ thuật là ánh nhìn của người sáng tạo về thế giới thì thế giới trong đôi mắt nữ họa sĩ Cinta Vidal là chuỗi những điều phi thực…
/Tách Lớp/ Vì sao Người Mẹ của Whistler lại nổi danh khắp thế giới
/Tách Lớp/ Vì sao Người Mẹ của Whistler lại nổi danh khắp thế giới
/Tách Lớp/ là loạt bài chúng mình cùng trò chuyện về các tác phẩm hội họa nổi tiếng và tìm hiểu xem điều gì khiến chúng được yêu thích đến…
Lạc vào thế giới điện ảnh màu sắc qua các tác phẩm của họa sĩ James Chapman
Lạc vào thế giới điện ảnh màu sắc qua các tác phẩm của họa sĩ James Chapman
Một điểm dễ dàng nhận thấy trong tranh vẽ của James Chapman là bảng màu rực rỡ cùng cách tiếp cận vô cùng hài hước. Tuy không sử dụng quá…