-
Hội họa |
Minh họa |
Nghệ thuật |
Sáng tạo |
Thiết kế
Cinta Vidal và thế giới của những ‘kiến trúc bất quy tắc’
Nếu nghệ thuật là ánh nhìn của người sáng tạo về thế giới thì thế giới trong đôi mắt nữ họa sĩ Cinta Vidal là chuỗi những điều phi thực tế, khiến người xem ngỡ rằng mình lạc đến nơi nào đó bên ngoài hiện thực đang tồn tại.
Cinta Vidal Agulló là một nghệ sĩ và họa sĩ minh họa người Tây Ban Nha. Đam mê hội họa từ nhỏ, đến năm 16 tuổi, cô đã bắt đầu tiếp xúc với môi trường nghệ thuật chuyên nghiệp bằng công việc nhỏ tại xưởng thiết kế Taller d’Escenografia Castells Planas và sau đó theo học tại Trường Nghệ thuật Massana, Barcelona.
Những sáng tạo của Cinta vô cùng đa dạng và không bị bó hẹp ở một loại chất liệu nào, chúng ta sẽ thấy tác phẩm của cô hiện diện trên cả mặt toan khổ nhỏ, acrylic với bản gỗ mộc kèm đường vân hay một mảng tường lớn bên ngoài không gian công cộng. Tất cả đều như một trải nghiệm mới mẻ để Cinta thỏa sức với những ý tưởng độc đáo của bản thân.
Tuy nhiên điều khiến người hâm mộ thích thú hơn cả là những hình ảnh cô thể hiện trên đó vô cùng lạ lẫm khi mang một chút siêu thực, trừu tượng và cả yếu tố giả tưởng: miêu tả cuộc sống đời thường nhưng chẳng hề tuân theo quy luật vật lý cơ bản, mà là lực hấp dẫn đã tồn tại từ xưa tới nay và con người hiện hữu ở đây cũng chẳng hề mảy may đến vấn đề “nghiêm trọng” này.
Thế giới bất quy tắc vừa gây nên sự hiếu kì nhưng cũng có phần “đáng sợ” ấy được Cinta gọi bằng cái tên gợi hình trừu tượng “Un-Gravity” (Không trọng lực).
Một căn phòng với ánh sáng ấm áp và những khung cửa sổ lặng lẽ nhưng nhìn lên trần nhà xem, một cô bạn đang ngồi thu mình trong góc tường. Những công trình kiến trúc nhiều tầng ngang dọc và lộn xộn được nối với nhau bằng chiếc cầu thang trống trơn làm ta liên tưởng đến thế giới gương được tạo bởi The Ancient One trong Doctor Strange.
Được biết, để xây dựng những công trình phức tạp như vậy không hề đơn giản, bởi nó đòi hỏi tinh thần cực kì tỉ mỉ. Cinta chia sẻ cô phải dành hàng giờ thậm chí vài ngày để hoàn thiện bản thảo nét chì chi tiết, đôi khi phải xóa đi vẽ lại nhiều lần để có được bố cục “tổng thể hợp lí nhất cho thế giới bất hợp lí”.
“Nó giống như thiền định vậy, bạn luôn phải bình tĩnh và thật kiên trì.”
Sau khi bản phác thảo hoàn tất, tiếp theo sẽ là màu sắc, đây là giai đoạn Cinta được sáng tạo tùy hứng để thêm những chi tiết nhỏ xinh như một cái cây, vài món đồ nội thất hay một chú mèo dễ thương.
Nhắc về quá trình sáng tạo, nguồn cảm hứng để Cinta có những hình ảnh đặc biệt như vậy cũng rất phong phú và đến từ nhiều nơi khác nhau, cô cho biết: “Mọi thứ xung quanh tôi đều có thể là nguồn cảm hứng lớn. Tôi luôn tìm kiếm ý tưởng từ các tòa nhà, kết cấu một công trình hoặc đồ vật, cây cối,… và chúng được góp nhặt trong những chuyến đi bộ của cô. Đôi khi một vài tác phẩm sẽ có cả sự xuất hiện của công trình có thật ví dụ như Tai-O ở Hồng Kông, Laomera ở Canarias hay Nijo ở Nhật Bản.”
Bên cạnh việc thu hút thị giác bởi những kiến trúc kì lạ gây ấn tượng tới người xem, chúng còn là một cách ẩn dụ nhẹ nhàng mà Cinta muốn khắc họa về cuộc sống nội tâm trong mỗi con người. Ở đó người xem được đi sâu vào các khái niệm thế giới quan của một cá nhân đối với môi trường xung quanh họ.
Một người nhìn vẩn vơ chiếc cây, người khác thì ngồi lặng yên đọc sách không thì mải mê với chiếc điện thoại. Những bức tranh là hình ảnh về mê cung của cuộc sống, chúng ta sống theo những cách rất khác nhau muôn hình vạn trạng và mỗi người sẽ có cho mình một thế giới của riêng không trùng lặp với bất kì ai.
Vì điều ấy nên có hàng triệu không gian được rẽ nhánh và những thế giới ấy luôn tồn tại xung quanh con người nhưng chúng ta chẳng hề nhìn thấy. Nó được kiến tạo nên từ những điều bình thường và dung dị nhất: các mối quan hệ, công việc, tham vọng và cả ước mơ.
“Tôi không nghĩ rằng tất cả chúng ta đều nhìn thế giới từ một quan điểm. Mọi người luôn có một góc nhìn đặc biệt riêng, đôi khi những thế giới quan đó va đập với nhau khiến chúng ta phải lựa chọn một trong hai hoặc nhiều hơn thế, và tôi nghĩ điều này xảy ra liên tục trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người.”
Thông qua những tác phẩm của mình, nghệ sĩ người Tây Ban Nha mong muốn người xem nhìn thấy những điều vô hình theo một cách đặc biệt mà cô đã hình tượng hóa nó với những cấu trúc phi logic và đâu đó sẽ tìm thấy bản thân mình trong vũ trụ ‘rối bời’ này.
Cinta cũng thổ lộ trong tương lai cô sẽ phát triển Un-Gravity theo nhiều hướng mới lạ hơn nữa, có thể đa chất liệu giúp người xem có những trải nghiệm chân thực hơn trong thế giới thú vị này.
Để hiểu hơn về quá trình thực hiện cũng như nhiều sáng tạo khác của Cinta Vidal, các bạn có thể xem thêm tại:
Biên tập: Hoàng
Các bài khác cùng chủ đề
- 1. Tishk Barzanji - hoạ sỹ vẽ tranh siêu thực bằng sự cô độc lo âu
- 2. Đắm mình trong thế giới siêu thực và thâm độc của hoạ sĩ Marisa Cole
- 3. Nghệ sĩ của tuần: Thế giới trong tâm tưởng mà Miles Johnston miêu tả
- 4. Nhìn sâu vào cuộc sống của Frida Kahlo qua triển lãm tại bảo tàng ở London
- 5. 8 sự kiện nổi bật trong cuộc đời nữ nghệ sĩ Siêu thực nổi tiếng Frida Kahlo
- 6. René Magritte - Người đàn ông nổi tiếng với chiếc mũ nồi của trường phái Siêu thực (P1)
- 7. René Magritte - Người đàn ông nổi tiếng với chiếc mũ nồi của trường phái Siêu thực (P2)
- 8. Empty Space - Chiến dịch nâng cao nhận thức môi trường từ thương hiệu thời trang Marc
- 9. Chùm ảnh kỳ ảo của nhiếp ảnh gia tay ngang Mária Švarbová
- 10. Thế giới siêu thực đầy mộng tưởng của chàng họa sĩ Ori Toor