Tishk Barzanji - hoạ sỹ vẽ tranh siêu thực bằng sự cô độc lo âu
Nghệ sĩ minh họa người Kurd Tishk Barzanji tạo ra những khung cảnh siêu thực, ảo mộng trong tông màu pastel, và mang ý nghĩa tăm tối hơn vẻ ngoài lộng lẫy của chúng. Trung cảnh hầu hết bị bao phủ bởi những bức tường, các bậc thang kiểu Escher và lối kiến trúc phi thực tế, và Tishk nói với It’s Nice That rằng chúng thể hiện một khó khăn cá nhân mà anh từng phải đối mặt.
“Tôi chủ yếu lấy cảm hứng từ một thời điểm hoặc giai đoạn trong cuộc đời mình, tốt hoặc xấu, mỗi khi tôi cảm thấy lạc lối. Vài năm trước chứng lo âu của tôi trở nên nặng hơn, tôi không thể rời khỏi nhà và kết nối với mọi người. Tôi thấy cuộc đời mình trôi qua lạnh lẽo trước mắt,” anh kể.
“Phần lớn những tác phẩm của tôi kể về thời gian đó. Tôi muốn cho mọi người thấy được hình ảnh con người khi cô độc và lo lắng.”
Từ khi vượt qua được điều này, anh đã trở nên hứng thú với thiết kế không gian và cách mà mọi người phản ứng với không gian quanh họ. “Hình dạng của kết cấu, ví dụ như hình dáng của một con đường, có thể ảnh hưởng đến bước đi của bạn. Tôi muốn tạo ra một thế giới không có những giới hạn về không gian và màu sắc, tất cả đều va chạm với nhau một cách tự do.”
Tishk vốn sinh ra ở Iraq nhưng đã chuyển đến London vào năm 1997. Sau khi học xong ngành Vật lý anh đã chuyển hướng hoàn toàn, quyết định tập trung hoàn toàn vào những tác phẩm nghệ thuật. Anh vẽ bằng tay những bức tranh của mình, vẽ nền với màu nước hoặc acrylic, sau đó scan lên máy và thêm vào màu digital để tạo ra “thứ gì đó hoà trộn giữa nghệ thuật 3D và một bức vẽ tay.”
Anh chỉ ra rằng Ricardo Bofill là người có ảnh hướng lớn đối với mình: “Tôi thực sự khâm phục cách ông ấy sử dụng không gian và những tư liệu lịch sử. Tôi còn bị ảnh hưởng bởi xu hướng De Stijl, đặc biệt là Mondrian, và màu sắc của Ken Price. Chủ nghĩa Brutalism cũng đóng vai trò quan trọng trong những tác phẩm đầu tiên của tôi, vì tôi lớn lên xung quanh những kiến trúc của Brutalism ở London, và ‘utopia’ (thế giới trong mơ) là một từ mấu chốt đối với tôi. Một thế giới hữu cơ được xây dựng từ những không gian cũ chúng ta bỏ lại, kết nối 24/7, dù bằng mạng xã hội hoặc công nghệ tân tiến nào đó. Đó là thế giới tương lai mà tôi xây dựng.”
Nguồn: https://www.itsnicethat.com