ca’talks #04: Haiku thị giác - Hợp lưu nghệ thuật Đông-Tây
Ngày 30/09/2023 tại Toong Hoàng Đạo Thuý, Tầng 2, Tòa 25T2, Hoàng Đạo Thúy, Hà Nội sẽ diển ra buổi thảo luận về chủ đề “Haiku thị giác” từ hai hướng Đông-Tây. Qua đó đi sâu bàn luận vào các thực hành haiku thị giác, cụ thể là nhiếp ảnh – một thực hành phù hợp với xã hội đương đại.
Giới thiệu chung
Haiku thị giác đương đại xuất phát từ điểm hợp lưu giữa hai dòng chảy – một bên là sự thực hành tư tưởng của Lão Tử và Trang Tử trong nền hội hoạ của văn nhân ở Trung Quốc và Nhật Bản, bao gồm haiga (hay tranh haiku); bên kia là diễn ngôn của nhiếp ảnh và tư tưởng nghệ thuật phương Tây từ tiền Hiện đại đến Hậu hiện đại.
Tư tưởng Lão Trang truyền cảm hứng cho những khoảng trống lớn trong khung hình, màu sắc bình đạm, đề tài thiên nhiên, tính chất “hoạ trung hữu thi” và thẩm mỹ wabi-sabi trong nhiều tác phẩm nhiếp ảnh haiku. Trong khi đó, phương pháp tiếp cận và sáng tác của nhiếp ảnh Như hoạ (Pictorialism) và nhiếp ảnh Dada đầu thế kỷ 20 cung cấp những kĩ thuật cắt ghép, xử lí ánh sáng và chất liệu để biến các kết hợp ảnh-thơ thành tác phẩm hữu hình dưới dạng vật chất.
Đồng thời, khi nhìn vào thơ haiku và haiku thị giác từ lăng kính Tây phương, chúng ta sẽ nhận ra những đồng vọng thẩm mĩ, tư tưởng, và cách thực hành giữa haiku và nhiều trường phái nghệ thuật-triết học phương Tây: khoảnh khắc gặp gỡ giữa cá nhân nhỏ bé và thiên nhiên trác tuyệt của hội hoạ phong cảnh Lãng mạn, tính đa nghĩa của hình ảnh trong chủ nghĩa Biểu tượng, phương pháp ghi tự động của chủ nghĩa Siêu thực, tính phân mảnh, tính thời khắc, sự loại bỏ tác giả – thông qua những thực hành như quyền tác giả tập thể – của nghệ thuật và triết học Hậu hiện đại…
Trong trò chuyện ca’talks #04 cùng diễn giả nhà phê bình-nhà thơ Nguyễn Vũ Hiệp và người điều phối Hương Mi Lê, chúng ta sẽ xem xét haiku thị giác từ hai hướng Đông-Tây và đi sâu bàn luận vào các thực hành haiku thị giác, cụ thể là nhiếp ảnh – một thực hành phù hợp với xã hội đương đại.
Về chương trình
ca’talks là chuỗi các trò chuyện chuyên nghiệp về nghệ thuật và thiết kế do CA’ Library – Thư viện Kiến trúc & Nghệ thuật khởi xướng, Toong đồng tổ chức, với các khách mời là các chuyên gia cũng như với tinh thần hợp tác cùng các đơn vị giáo dục và sáng tạo khác.
ca’talks #04 có sự đồng hành về mặt nội dung của Haiku trans-horizon collective và truyền thông của iDesign và Noirfoto.
Về diễn giả
Nguyễn Vũ Hiệp dịch, viết thơ, viết về thơ và điện ảnh trên blog Ikarus Airlines. Anh cũng cộng tác viết mục văn hoá cho một số tờ báo và ấn phẩm như tạp chí Tia Sáng, báo An ninh Thế giới cuối tháng, báo Khoa học & Phát triển, Bản tin Đại học Quốc gia Tp. HCM.
Anh tổ chức nhiều buổi chiếu phim và thảo luận về phim hàng tuần tại những không gian văn hoá tại Hà Nội như Tổ Chim Xanh và Complex 01, phụ trách nhóm Đọc và viết thơ Haiku tại Tổ Chim Xanh. Anh là diễn giả trong tuần phim Đài Loan tại Việt Nam năm 2022, toạ đàm “Thơ, dòng chảy thơ trong văn hoá đương đại” (11/2022, Hà Nội), tham gia “won|derer – chiếu thơ siêu thực” (03/2023, Hà Nội). Anh cũng là thành viên của collective Haiku trans-horizon với các hoạt động như chuỗi workshop và trình diễn “Haiku dịch-chân trời” tại Tổ Chim Xanh và Hanoi Studio Gallery (07/2023) do Japan Foundation tài trợ.
Về người điều phối
Hương Mi Lê là một nhà giáo dục, dịch giả, người xây dựng và điều phối nhiều chương trình về nghệ thuật và thiết kế. Mi đã và đang làm việc với các đơn vị như Omega+, Thái Hà Books, viện Nghiên cứu Hán-Nôm, Viện Pháp tại Hà Nội, viện Goethe TP HCM, VCCA, Sunday Art Club, Pencil Philosophy, Vietnamica, Noirfoto Darkroom-Studio-Gallery, Á Space. Cô cũng là giảng viên tại Học viện Nghệ thuật & Thiết kế Monster Lab, tổ chức các khoá học cảm thụ nghệ thuật và chuỗi trò chuyện ca’talks cùng CA’ Library – Thư viện Kiến trúc và nghệ thuật, và là chủ mục Lịch sử thiết kế đồ hoạ của iDesign. Ngoài ra, Hương Mi Lê thực hành nghệ thuật toàn diện dưới cái tên mi-mimi.
Thông tin sự kiện
- Thời gian: 14h, thứ Bảy, 30/09/2023
- Địa điểm: Toong Hoàng Đạo Thuý, Tầng 2, Tòa 25T2, Hoàng Đạo Thúy, Hà Nội
- Phí tham gia:
– Vé tiêu chuẩn: 120.000đ
– Vé học sinh/sinh viên: 90.000đ
– Miễn phí đối với thành viên của Toong
Chương trình diễn ra đồng thời tại chỗ và online, chi phí không thay đổi.
Link đăng ký: https://forms.gle/7AfsevcQ7hFSRir56