Haiku thị giác - hợp lưu nghệ thuật Đông - Tây
Những tác phẩm pha trộn giữa thơ haiku và nghệ thuật thị giác có thể mang đến gợi ý gì cho những người thực hành nghệ thuật đa phương tiện, và những người mong muốn kế thừa thẩm mỹ Á Đông trong bối cảnh hiện đại và toàn cầu hoá hiện nay? Đó là câu hỏi chính dẫn dắt phần trình bày của diễn giả Nguyễn Vũ Hiệp và người điều phối Hương Mi Lê trong buổi ca’talk04: “Haiku thị giác – hợp lưu nghệ thuật Đông-Tây”, do CA’Library tổ chức chiều 07/10/2023 tại Toong Hoàng Đạo Thuý.
Theo lời diễn giả, “haiku thị giác” là cụm từ được dùng một cách tự phát, để chỉ một số thực hành nghệ thuật thị giác hiện đại hoặc đương đại chịu ảnh hưởng bởi thẩm mỹ haiku. Số này bao gồm những bức “haiga” (hài hoạ) đương đại, được những nghệ sĩ như Katja Fox tạo nên bằng cách phối hợp giữa thơ haiku, tranh thuỷ mặc, và nghệ thuật sắp đặt; và các tác phẩm “nhiếp ảnh haiku” của Yamamoto Masao, Kajioka Miho, Kobayashi Nobuyuki, Paul Cupido, Margaret Lansink, Albarrán Cabrera…, hay một nhóm nhiếp ảnh gia đa quốc tịch đã được phòng trưng bày Ibasho ở Hà Lan giới thiệu. Những tác phẩm này là những bức ảnh theo phong cách tối giản như tinh thần của thơ haiku, có đường nét, màu sắc và tiêu chuẩn thẩm mỹ giống tranh thuỷ mặc, và do những nhiếp ảnh gia tuyên bố rằng mình chịu ảnh hưởng từ thơ haiku, thơ tanka, cùng tư tưởng Lão giáo hoặc Phật giáo Thiền tông thực hiện. Những đặc điểm chung này xuất phát từ một thực tế rằng cả haiga đương đại lẫn nhiếp ảnh haiku đều kế thừa di sản thẩm mỹ và tư tưởng của hội hoạ văn nhân (hay văn nhân hoạ/bunjinga) ở Trung Quốc và Nhật Bản, thông qua việc tham khảo các bức haiga của Basho (cha đẻ của thơ haiku) và tranh thuỷ mặc Nhật.
Là nhóm người có học vấn và địa vị nhất định, chỉ xem hội hoạ như một thú chơi vô vụ lợi, vì mục đích rèn luyện thẩm mỹ và tâm tính, các hoạ sĩ – văn nhân thời trước do vậy chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi tư tưởng của Lão Tử và Trang Tử. Họ nhìn vũ trụ như một biển vật chất hỗn độn liên tục luân chuyển và biến đổi – nơi cái tôi cá nhân của con người chỉ là một quy ước tạm bợ được dùng làm điểm hợp lưu của nhiều dòng chảy vật chất và tư tưởng khác nhau, thay vì là một thực thể độc lập hằng hữu. Để bảo toàn sự sống của mình và kẻ khác, họ chủ trương rút khỏi chuyện thị phi, lợi quyền, trở về với thiên nhiên tĩnh mịch để dọn lòng mình thành một khoảng trống, nơi xung năng của mình và kẻ khác có thể tự do chảy qua mà không tàn hại nhau. Thế giới quan này khuyến khích họ theo đuổi thứ nghệ thuật duy cảm – theo đó, thay vì cố bắt chước từng chi tiết của sự vật trong thiên nhiên (như thường thấy trong mỹ thuật truyền thống của phương Tây), hoạ sĩ sẽ dọn trống lòng mình để cảm nhận “khí” của sự vật, tức dòng cảm giác vô ảnh, vô ngôn chảy qua tương tác giữa mình và sự vật. Để nắm bắt và truyền tải những cảm giác mơ hồ chỉ hiện ra trong một khoảnh khắc, họ dùng bút pháp tối giản của lối vẽ chấm phá tả ý và thể thơ ngắn haiku. Trên tinh thần này, họ đã tạo ra các tác phẩm nghệ thuật đa phương tiện, nơi tranh vẽ, thơ và thư pháp phối hợp hài hoà với nhau, vì cả ba đều truyền tải cùng một thứ “khí”.
Không chỉ định hình lối sống và cách tìm cảm hứng sáng tác của nghệ sĩ, tư tưởng Lão Trang còn chi phối nhiều quy chuẩn về hình thức của tác phẩm văn nhân hoạ, haiga và nhiếp ảnh haiku. Chúng bao gồm việc sắp đặt các khoảng trống trong khung hình, việc sử dụng màu sắc bình đạm, tinh thần vô ngôn và phi nhị nguyên, cùng sự ca tụng dấu ấn thời gian trong thẩm mỹ wabi-sabi của Nhật Bản. Các quy chuẩn này được thể hiện một cách sáng tạo trong thực hành của Yamamoto Masao. Cụ thể, ông chụp những bức ảnh đen trắng cỡ nhỏ, nằm gọn trong lòng bàn tay, và dùng ma sát, nước trà, hoá chất, v.v để làm bức ảnh trông cũ đi, rồi gọi sự giả cổ này là một quá trình “lãng quên kiêm sản xuất ký ức”.
Bên cạnh việc là một thực hành mang tính thơ và tính hoạ kế thừa từ tinh thần phương Đông như tên gọi của nó, nhiếp ảnh haiku cũng kế thừa kỹ thuật từ những trào lưu tương ứng của nhiếp ảnh phương Tây – nơi sản sinh ra phương pháp sáng tạo nghệ thuật này. Chẳng hạn, nó đã kế thừa từ trào lưu nhiếp ảnh Như hoạ (Pictorialism), kỹ thuật in kết hợp (combination printing), và việc in ảnh bằng muối bạch kim (platinotype) – với sắc tối ngả nâu điển hình khơi gợi tính thời gian – thay vì muối bạc – vốn được ưa chuộng bởi sắc tối rất đen – để đa dạng hoá sắc độ. Vài nghệ sĩ nhiếp ảnh haiku cũng kế thừa từ nhiếp ảnh Dada kỹ thuật cắt dán ảnh (photomontage) với tính ngẫu nhiên.
Cuối sự kiện, diễn giả và người điều phối cũng điểm lại những tương đồng về tư tưởng giữa khuynh hướng nhiếp ảnh haiku và các trào lưu nghệ thuật và văn hoá từng xuất hiện ở phương Tây ngay cả khi không thừa nhận những giao thoa trực tiếp với phương Đông – như khái niệm “bầu không khí” của nhiếp ảnh Như hoạ, cái nhìn về quan hệ giữa con người nhỏ bé và thiên nhiên rộng lớn trong thẩm mỹ “trác tuyệt” của hội hoạ Lãng mạn, hay quyền tác giả tập thể trong nghệ thuật Hậu Hiện đại.
Bài viết: Nguyễn Vũ Hiệp