An Bùi khám phá với Thiết kế sáng tạo đa ngành - Multidisciplinary Design
Multidisciplinary Design là một thuật ngữ “vừa mới, vừa lạ” tại Việt Nam. Mình đã có dịp đọc một bài viết sáng tạo liên quan và tìm hiểu về nó: bài viết của An Bùi với những chia sẻ về Multidisciplinary Design (tạm dịch: Thiết kế sáng tạo đa ngành), hành trình thực hành thể nghiệm sáng tạo, nhấn mạnh việc kết hợp giữa công cụ và tư duy thiết kế, và những thuật ngữ khác được nhắc đến như Transdisciplinary Design, Interdisciplinary Designer...
Làm việc với tư cách một nhà thiết kế sáng tạo đa ngành/toàn diện (Multidisciplinary Designer) – An Bùi hiện đang là một người thiết kế đồ họa đa chiều, người vẽ minh họa, nhà lập trình website và nhà thiết kế chữ. Anh sinh sống, làm việc tại New York, Hoa Kỳ. Tốt nghiệp ngành Thiết kế đồ họa tại chuyên ngành Phương tiện Truyền thông tương tác (tên gốc: Interactive Digital Media) từ Đại học Drexel, USA. Anh đã nhận được nhiều giải thưởng nổi bật như Giải thưởng Thiết kế Website GDUSA USA 2020 và Sinh viên đáng chú ý GDUSA 2021.
Trong quá khứ, An Bùi được trải nghiệm sáng tạo một cách bày bản và đa dạng. Sự cọ xát & thực hành đầy nỗ lực của anh, với tất cả niềm đam mê từ Thiết kế sáng tạo. Công việc thiết kế đối với An là việc kết hợp đa ngành và kiến tạo ra nhiều mẫu thiết kế giải quyết vấn đề.
Thực hành thể nghiệm trong & sau khoảng thời gian tại Đại học Drexel tại Mỹ. An Bùi tiếp cận với việc thực tập tại agency với vai trò thiết kế website hay vai trò media partners (đối tác truyền thông) cho bảo tàng. Anh học được nhiều hơn về chuyên môn, kỹ năng mềm về giao tiếp, lập trình, góc nhìn thương mại và những lĩnh vực cần được thiết kế. Sau khi tốt nghiệp, anh từng làm việc với các vai trò Thiết kế thị giác/Thiết kế tương tác/Thiết kế website tại một công ty tại Mỹ. Trong đó, có những dự án cho các thiết kế website cho NIKE, Gore hay thiết kế thương hiệu cho dự án phi lợi nhuận Los Angeles Conservancy, các dự án Bảo tàng nghệ thuật,…
An Bùi hiện đang làm việc tại Collective Design Agency – một đơn vị xây dựng thương hiệu và trải nghiệm kỹ thuật số đề cao tính con người. Với vai trò Giám đốc Sáng tạo (Creative Director), Đồng sáng lập (Co-founder), anh thử sức từ công tác chuyên môn thiết kế đa ngành cho đến cách khai thác và quản lý đội ngũ sáng tạo cho một dự án. Các dự án tiêu biểu của An Bùi tại Collective Design Agency bao gồm WCC, Bayhaus Concept, Coco Food, Posters project của An, Epigeal Typeface,…
Trở thành Creative Director nhờ kết hợp thành công giữa kỹ thuật, tư duy thiết kế và trải nghiệm cuộc sống cùng việc sáng tạo ở nhiều lĩnh vực
Sự nghiệp của An Bùi là một hành trình đa ngành đầy sáng tạo, từ một Multidisciplinary Designer đến vị trí Creative Director (Giám đốc sáng tạo). Để đạt được điều này, An đã định hình những mục tiêu nhỏ, luyện tập chăm chỉ để trở thành một chuyên gia có kiến thức đa chiều cả về chiều ngang và chiều dọc. An Bùi chia sẻ rằng thành công của anh nằm ở sự kết hợp giữa khả năng sử dụng (1) Công cụ (kỹ thuật), (2) Tư duy thiết kế sáng tạo & (3) Trải nghiệm cuộc sống cá nhân.
Rèn luyện song hành trong việc sử dụng thành thạo công cụ (kỹ thuật) và tư duy thiết kế là một trong những giai đoạn đầu mà An nhấn mạnh. Anh cho rằng việc rèn luyện thông qua hai nền tảng căn bản đó là bước đệm không thể thiếu hay tách rời. “Để có thể khai thác được ý tưởng hay tư duy của bản thân về vấn đề được thiết kế, mình nghĩ bản thân phải nắm vững những công cụ triển khai. Có thể ví dụ, nếu mình không biết dùng công cụ After Effects thì mình sẽ chẳng bao giờ nghĩ đến việc chuyển động (motion) sẽ diễn ra như thế nào? Cách mà mình nghĩ về công cụ, học nó, thử nó cũng là cách mà mình học về tư duy thiết kế nói chung. Nhờ những suy nghĩ trên, bản thân mình thật sự kích thích, thử thách và kỷ luật với mình rằng phải vững vàng về kỹ thuật và tư duy thiết kế trong giai đoạn học thiết kế,” An giải thích.
Tư duy thiết kế sáng tạo luôn được đề cập trong những bài giảng tại trường thiết kế. Nó là cách cảm nhận, suy nghĩ về bố cục, màu sắc, hay phông chữ đặt để như thế nào… An Bùi chia sẻ thêm, anh tập trung khai thác và học hỏi thêm trong tư duy thiết kế sáng tạo. Cách mà anh nhìn nhận về cuộc sống thông qua việc phản chiếu hay đưa ra một quan điểm sáng tạo cá nhân để thực hiện nó.
Trải nghiệm cuộc sống cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp An Bùi hiểu sâu hơn về vấn đề khi chuẩn bị đưa ra lý do thiết kế. Anh chia sẻ việc học thiết kế không chỉ nằm trong sách vở mà còn mở rộng ra các kiến thức về kinh doanh, tiếp thị, văn hóa, và các lĩnh vực chuyên môn khác. “Việc hiểu rõ về việc mình nên thiết kế cái gì và thiết kế như thế nào sẽ giúp mình có cái nhìn rõ ràng hơn về cái đang được thiết kế. Mình học từ khách hàng và trải nghiệm những quan điểm khác nhau từ khách hàng,” anh nói.
Trong thực tế, tại Collective Design Agency, An kể, khi đảm nhiệm vai trò Creative Director, An không chỉ là người học hỏi mà còn là người chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của mình. Anh cùng đội nhóm tại Collective Design Agency hướng dẫn và truyền cảm hứng lẫn nhau trong quá trình triển khai các dự án sáng tạo. An còn chủ động dẫn dắt và tổ chức nhiều workshop nội bộ, chia sẻ kiến thức tạo cơ hội cho mọi người học hỏi và phát triển kỹ năng của mình.
Multidisciplinary Design – Thiết kế sáng tạo đa ngành là gì? & An Bùi cùng ‘triết lý Rhizome‘
Tại Việt Nam, Multidisciplinary Designer chưa được phổ biến trong những công ty tuyển dụng về công việc thiết kế sáng tạo. Tuy nhiên, với sự phát triển tiềm năng, đã có những nhà sáng tạo tại Việt Nam cập nhật về “chức danh” này của mình. Multidisciplinary Designer là người thiết kế đa ngành, hay còn được gọi là thiết kế sáng tạo toàn diện, là những cá nhân có khả năng sáng tạo và thiết kế không chỉ trong một lĩnh vực đơn lẻ mà còn trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Họ có khả năng tiếp cận và hợp nhất các kiến thức từ nhiều ngành và áp dụng chúng vào quá trình thiết kế, từ đó mang lại sự đa dạng và sự sáng tạo đặc biệt.
Multidisciplinary Designer đòi hỏi việc xem xét các khía cạnh thẩm mỹ, công năng, hay về kinh tế, chính trị xã hội của cả đối tượng thiết kế. Sự kết hợp liên quan đến nghiên cứu, suy nghĩ, mô hình hóa, điều chỉnh tương tác và thiết kế tạo ra nhiều bản thể nghiệm… Những thuật ngữ khác được tìm thấy có những nét tương đồng, bạn có thể tham khảo: “Transdisciplinary Designer” – tạm dịch Thiết kế xuyên ngành & “Interdisciplinary Designer” – tạm dịch Thiết kế liên ngành.
Theo An Bùi: “Multi-disciplinary Designer là một nhà thiết kế có góc nhìn về thiết kế theo chiều ngang và chiều dọc. Không chỉ về mặt kỹ thuật, biết nhiều phần mềm, biết nhiều ngôn ngữ thiết kế khác nhau… Thiết kế phải được nhìn nhận dựa trên việc ‘nhập vai’ nhiều nhân vật để có nhiều góc nhìn khác lạ, góc nhìn mang câu chuyện, đẩy mạnh tính ẩn dụ/liên tưởng tài tình”
Quá trình sáng tạo của một nhà thiết kế sáng tạo đa ngành, An chia sẻ: Sự linh hoạt trong công tác làm việc với khách hàng – ở đó có kết hợp giữa khai thác vấn đề cần thiết kế thông qua tính tổng thể hay chi tiết. Sau khi thấu hiểu khách hàng thông qua sản phẩm của họ, tùy vào khách hàng mà có những quy trình sáng tạo cụ thể.
“Thông thường ở một dự án, mình sẽ làm việc linh hoạt giữa việc tổng quan & chi tiết. Ở vai trò làm việc với khách hàng, mình nhìn cái tổng thể, cái chung những thứ làm nổi bật trong dự án mà họ cần thiết kế, hay concept, làm như thế nào để truyền tải thông điệp của họ. An sẽ tìm những thứ trong cuộc sống, có thể những thứ chưa qua thiết kế để truyền cảm hứng bản thân, rồi sau đó sẽ phác thảo.
Mình sẽ tạo ra nhiều concept để trình bày với khách hàng, và đợi khách hàng lựa chọn, trong từng concept mình cố đưa ra nhiều tư duy chiến lược, cái ý tưởng truyền cảm hứng cho chính thương hiệu doanh nghiệp của họ. Mình khá hứng thú triết lý Rhizome trong từng cái concept,” An nói.
“Trong một tiến trình thực tế, có một số giai đoạn nhất định cần làm. Từ concept, đến sản xuất, trình bày với khách hàng. Với mỗi concept mình đều đưa góc nhìn tổng quát, nguyên lý, biểu tượng logo, minh họa,… Sau đó sẽ xác nhận lại phương án khách hàng chọn, rồi mới tạo ra được kết quả cuối.” An sử dụng triết lý Rhizome trong thiết kế và đưa ra nhiều ý tưởng, kết nối chúng lại trong một không gian thiết kế, đề xuất nhiều visual cho dự án. Đặc biệt trong tiến trình này, An thường suy nghĩ rộng để tạo ra được những ý tưởng bất ngờ, không bị rơi vào những ý tưởng cũ.
Đa dạng trong hạng mục công việc với nhiều vai trò, vượt ra khỏi biên giới sáng tạo trong từng thể nghiệm
Với dự án CDSL+ làm việc tại Collective Design Agency, An giữ vai trò là nhà thiết kế website và Creative Director. CDSL+ là một nền tảng quản lý nghệ sĩ, website mô tả nhiều chức năng khác nhau và hạng mục chính là nghệ sĩ. Người dùng có cơ hội nghe nhạc từ nghệ sỹ này trong một database (cơ sở dữ liệu), trình bày hết show diễn, sản phẩm merchandise (sản phẩm bán hàng)… An học hỏi cách để kết nối chặt chẽ những thực thể và xác định mối liên hệ giữa chúng một cách thật logic, có hệ thống.
“Đây là dự án với nhiều khó khăn, khó khăn nhất là mình phải tìm giải pháp dành cho hệ thống website nhiều chức năng như vậy. Trong dự án, mình vừa thiết kế, vừa quản lý, vừa làm Art Director, vừa đưa thiết kế của mình vào trong website thực sự. Mình khá tự hào vì làm nhiều trong một thời gian ngắn. Đó cũng là một trong những work đầu tiên mình làm với Collective Design Agency.” Anh chia sẻ thêm.
Hay ở vai trò là một nhà thiết kế nhận diện thương hiệu cho dự án re-branding của Bayhaus Learning – Đơn vị tư vấn sáng tạo giúp doanh nghiệp áp dụng công nghệ hàng đầu một cách tối ưu hóa. An và đội ngũ Collective Design Agency đã đưa nhiều concept thiết kế để trình bày đến khách hàng. Trong đó, Concept C (hình ảnh bên dưới) anh thể hiện ý tưởng chính từ sự kết nối những nơ-ron thần kinh của AI (Trí tuệ nhân tạo) hoán dụ cho sự kết nối của con người trong doanh nghiệp & thị trường mục tiêu. Thêm nữa, đội ngũ Collective Design Agency đã ứng dụng công cụ Lập trình sáng tạo – Creative Coding để tạo ra những bản thể mới mẽ…
An Bùi không ngừng khám phá và thể hiện sự đa dạng trong hạng mục công việc của mình, vượt ra khỏi ranh giới của một vai trò đơn lẻ. Anh đã thể hiện khả năng đa nhiệm và linh hoạt khi tham gia vào các dự án mang tính đa ngành tại Collective Design Agency. Anh mong muốn trong tương lai có thể làm nhiều hơn về chủ đề văn hóa bản địa về Việt Nam tại chính Collective Design Agency. Anh chàng cũng vừa học thêm về thiết kế kiểu chữ (Type Design), học thêm về 3D để mở rộng chất liệu thiết kế. Và anh cũng đang hoàn thiện từng ngày các kiến thức như tiếp thị (marketing), kinh doanh, phát huy vai trò Creative Director, cùng đồng đội Collective Design Agency thực hiện các dự án chất lượng trong tương lai.
Ghi chú: Bài viết của mình được thực hiện trong khoảng thời gian năm 2023 với những trải nghiệm cá nhân cũng như chia sẻ từ nhân vật. Vì vậy đây là thông tin chỉ đúng trong thời điểm hiện tại, rất vui vì được giới thiệu bài viết này với quý độc giả của iDesign.
Thực hiện: Lê Quan Thuận
Thiết kế ảnh bìa bài viết: Uyên Nguyễn
Hình ảnh được cung cấp bởi nhân vật
Các bài khác cùng chủ đề
- 1. Calligrapher Đào Huy Hoàng: “Mình chẳng có gì ngoài kiên nhẫn cả”
- 2. Hậu trường Việt Sử Kiêu Hùng - góc nhìn cận cảnh về nghề lồng tiếng
- 3. Illustrator Đốm: Đem lại ấm áp cho người khác bằng tranh vẽ
- 4. Triển lãm “Vẽ về hát bội” - cánh cửa giao thoa văn hoá giữa hai thế hệ
- 5. Illustrator Kỳ Huỳnh: Dùng lý trí để tư duy sáng tạo
- 6. VR ở Việt Nam: Không khó về kỹ thuật mà là con người
- 7. Vietnam Geographical Indications - Hành trang đưa nông nghiệp Việt bước ra thế giới
- 8. Dạo quanh một vòng triển lãm tốt nghiệp tại Đại học Văn Lang
- 9. Có gì ở triển lãm tốt nghiệp tại đại học Mĩ Thuật (TP.HCM)?
- 10. Dự án “THỊ ƠI”: Trào phúng cùng những cô Thị thích đùa