Cheryl Vo: ‘Trước khi thiết kế, mình luôn hỏi tại sao?’

Tính khái niệm trong Design Decisions (tạm dịch: Quyết định thiết kế) của một thiết kế hay là hành trình những cảm xúc Cheryl Vo sẽ được mở khóa từ bài viết này tại iDesign..

Đằng sau câu trả lời trước câu hỏi ‘Tại sao’ luôn là lý do, mục đích cho hành động đó, và nó sẽ được chứng minh rằng liệu có logic không, hay chỉ là ‘bao biện’. Mình còn nhớ, lúc bản thân mới bắt đầu làm thiết kế, mình chỉ đơn giản nghĩ là nó đẹp trong mắt mình và tự bịa ra 101 lý do để chứng minh nó ‘hoàn toàn đủ để xứng đáng’ là một thiết kế hiệu quả. 

Câu chuyện tìm ra lý do để nó thật sự phù hợp chứ không chỉ ‘để đẹp’ vẫn đang diễn ra trong tâm trí của mình nhiều tháng. Để rồi, có lẽ đây là những điều mà mình luôn tìm kiếm câu trả lời, mình & iDesign đã cùng trò chuyện về chủ đề với Trân – một bạn du học sinh, người thiết kế hiện đang sinh sống vùng bang Philadelphia, Pennsylvania.

Thương thầm nghệ thuật, sáng tạo kể từ khi lần đầu cầm cọ vẽ …

Võ Lê Yến Trân (Cheryl Vo) đang học ngành User Experience (UX) and Interaction Design tại Drexel University – Westphal College of Arts and Design. Trân chia sẻ hài hước về cái tên Cheryl Vo được cô đặt khi học ở Mỹ, “vì các bạn bè quốc tế hay gọi nhầm mình thành ‘Train’ (Tàu)”. Năm 2022, Trân xuất sắc đạt giải The Winner of The American Digital Award of 2022 với tác phẩm “12 Versions of You”. “Bên cạnh việc học mình cũng đi thực tập học hỏi ở các công ty. Mình vừa hoàn tất kỳ thực tập với vị trí UX Design Intern với Urban Outfitters và sắp tới mình sẽ bắt đầu kỳ thực tập với Binance

Đam mê được Trân kể lại đó là khoảnh khắc đầu tiên cô nàng cầm cây cọ và vẽ trên tờ giấy trắng. Cô dành nhiều thời gian để vẽ khi bé, lớn hơn một xíu Trân ‘bớt vẽ lại’ và dành rất nhiều thời gian để đi dạo vòng quanh Sài Gòn xem triển lãm hay phòng tranh – lúc này, cô đang là học sinh chuyên Văn trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. “Mình có thể viết văn, vẽ vời hay thiết kế – có lẽ mình đã thương thầm nghệ thuật từ lâu

Trong những năm cấp ba may mắn mình được va chạm với thiết kế đồ họa ở các công ty. Bây giờ, tuy ngành nghề mình theo học là UX Designer, mình vẫn tiếp tục sở thích Graphic Design với những dự án cá nhân. Do vậy mà ngoài thiết kế app và website, mình sẽ dành thời gian trống để tạo các tác phẩm nghệ thuật để thỏa đam mê. 

Nguồn cảm hứng cho những tác phẩm này thường gắn liền với cảm xúc cá nhân mình. Đôi khi cũng rất tình cờ như buổi xem tranh của Monet là cảm hứng cho tác phẩm ‘My heart will bloom for you’, một buổi tối sau khi mua giúp vé số cho một bà lão ở góc đường Phan Đăng Lưu là cảm hứng cho ‘Sao Kê – Kinetic poster’ hay xem những bộ phim của Ghibli Studio là cảm hứng cho ’12 Versions of You’” – Trân thổ lộ!

‘Mình ấn tượng với thầy giáo sư về câu hỏi đầu tiên dành cho bài cuối kỳ, luôn là Tại sao?’

Trải nghiệm học tại đại học Drexel, Trân kể, năm nhất cô được học lớp Visual Studies (lớp học về hình ảnh) – môn học để lại nhiều trải nghiệm trong cô. “Sẽ rất khó để diễn tả được sự chờ đợi của mình trong lớp học Visual. Mình còn nhớ bài thi học kì được giao là phải vẽ và cắt dán (collage art) bằng tay về những sự giao thoa (intersection) thú vị trong cuộc sống ra một bảng vẽ dài khoảng 20x80cm,”. Đề bài ‘mở’ về sự giao thoa bất kỳ điều gì, lớp của Trân cũng có những bạn chọn chủ đề giao thoa giữa hai nền tôn giáo hay văn hóa, có bạn chọn về giao thoa của năm giác quan con người…

“Mình chọn chủ đề về sự giao thoa giữa ‘daydream’ & ‘nightmare’. Với ‘daydream’ thì dễ thở để tả hơn, còn quá trình thực hiện ‘nightmare’ khá khó vì mình không biết tả bằng chất liệu gì cho phù hợp và thể hiện được tính chất. Cuối cùng thì mình chọn ‘tiền giấy’ để tả 2 điều đó..”

Điều đặc biệt mà Trân chia sẻ với mình về thầy giáo sư chấm bài, là sự ngạc nhiên của Trân trước phản hồi của giáo sư. Có lẽ đây cũng là bài học mà Trân khó thể quên trong hành trình học tập của bản thân: “Mình được hỏi bằng những câu hỏi bắt đầu ‘Tại sao’ chẳng hạn ‘Tại sao em chọn nghĩ đồng tiền có thể đại diện cho daydream và nightmare?’, ‘Tại sao em muốn truyền tải thông điệp này?’, ‘Tại sao thông điệp này có ý nghĩa với em?’

Sau khi nghe mình diễn giải về ý tưởng của mình, thầy sẽ hỏi lại ‘Liệu thầy hiểu ý tưởng của em như vậy có đúng không?’ để khi thật sự hiểu ý tưởng của mình rồi, thầy mới đưa ra lời góp ý,” Trân bộc bạch – đây là môn học, cũng là bài học gây ấn tượng không chỉ vì kĩ năng chuyên môn mà là về tính chất Design Decisions, kể cả học được sự lắng nghe và thấu hiểu kỹ của thầy giáo sư dành cho dự án, cảm xúc của người làm sáng tạo…

Design Decisions – người thiết kế sẽ tự vấn bản thân bằng những câu hỏi để tìm ra được ý nghĩa của thiết kế, đôi lúc được kết hợp tư duy phản biện (critical thinking) để làm rõ vấn đề. Một số nguồn tài liệu khác mà mình đã học được: Design Decisions là hành động chọn ra một giải pháp thiết kế hiệu quả một cách tối ưu nhất để giảm thiểu đến những rủi ro cho vấn đề cần thiết kế…

Ngoài ra, ở trường, Trân được ‘thể hiện bản thân’ của mình trong các dự án học tập, những môn học khác không kém thú vị như lớp Art History (môn Lịch sử nghệ thuật). “Ban đầu, với mình đây là một môn học rất rất khô khan và nặng về kiến thức học thuật. Mình đã học thuộc lòng để thi cuối kì, thế nhưng khi bắt đầu thi thì mình nhận được một câu hỏi duy nhất in đậm trên trang giấy trắng,

Đề bài: “Hoạ sĩ Paul Gauguin được biết đến với các tác phẩm như ‘Tehamana has many parents’ và ‘When Will You Marry?’. Các tác phẩm của ông mang đậm tính lịch sử, nhưng đồng thời thể hiện sự thiếu tôn trọng và có thể gây tổn thương đến những người da màu, đặc biệt là phụ nữ, tại Mỹ. Nếu bạn là chủ của viện bảo tàng này, liệu bạn có treo những bức tranh đó lên không? Và bạn sẽ làm gì để mang đến trải nghiệm tốt nhất cho khách tham quan?

Sau này, cô càng yêu hơn về môn học này cũng như cái kỷ niệm ‘bài thi một câu hỏi’ năm đó: “Những bài học thuật tuy khá ngán ngẩm nhưng nó đang dạy cho mình cách tìm hiểu, hiểu ‘tâm tư’ của người làm sáng tạo – nghệ thuật như thế nào..

Dù là ở nước nào, việc hòa nhập với nơi mình sinh sống, làm quen yếu tố văn hóa là điều đáng học hỏi, trải nghiệm. Trước bài viết về Trân, thì mình có viết về Cẩm Tú & trải nghiệm yếu tố bản địa ở Singapore. Với Trân, ở Mỹ câu chuyện yếu tố bản địa khiến cô cũng không khỏi hăng hái chia sẻ: “Văn hóa Mỹ là một nền văn hóa rất đa dạng bản sắc – nơi mà con người được khuyến khích rằng họ có thể trở thành bất kỳ ai mà họ muốn. 

Mình còn nhớ khoảnh khắc khi vừa bước sân bay New York đã thấy một banner thật to với dòng chữ New York – The city that never sleeps but always dreams (Tạm dịch: New York – Thành phố chẳng bao giờ ngủ nhưng luôn luôn là những ‘giấc mơ’ tuyệt vời). Văn hóa nơi đây dạy cho mình việc nuôi dưỡng những giấc mơ lớn, tôn trọng sự khác biệt, và đừng ngại thể hiện mình là ai trước đám đông”

“Mình hứng thú với những cảm xúc mang tính trải nghiệm hơn là ‘thiết kế đồ họa’..”

Sau bài thi ‘kỷ niệm’ đó, Trân đột ngột nhận ra mình không hợp với thiết kế đồ họa như là cô nghĩ. Cô quyết tâm chuyển sang chuyên ngành UX & Interaction Design (thiết kế trải nghiệm & tương tác), “sự trải nghiệm & cảm xúc của con người có vẻ kích thích mình nhiều hơn. Mình được học thử qua lớp Human-Computer Interaction (tương tác giữa con người và máy tính) và Cognitive Psychology (tâm lý học nhận thức) và cảm thấy rất hứng thú,” – Cô kể.

Đi sâu vào chuyên ngành học của Trân, cô bạn chia sẻ về quá trình mình nghiên cứu (research) vấn đề trước khi thiết kế như thế nào: Tìm hiểu, nghiên cứu để thiết kế trải nghiệm (UX) là một phần cần nhiều thời gian luyện tập, thu thập dữ liệu và cũng như cần nhiều ‘trải nghiệm’. 

Những khái niệm chuyên môn được học như Usability Testing (kiểm thử khả năng sử dụng) , Journey Map (sơ đồ hành trình sử dụng của người dùng), hay Empathy Map (sơ đồ thấu hiểu người dùng). Thông thường những nhà thiết kế trải nghiệm (UX Designers) sẽ sử dụng những kỹ thuật này để nghiên cứu về nhu cầu của đối tượng sử dụng ứng dụng (app) của họ, “mình áp dụng điều này vào cả đồ họa cho thú vị trải nghiệm hơn,

Những thiết kế thuộc dự án Nuuly RMS Iconography

Kể về dự án “12 Versions of You” cho chủ đề 12 cung hoàng đạo của Trân: “Mình nghiên cứu trải nghiệm xung quanh về điều mà mọi người thích, không thích về cung hay điều tự hào nhất về tính cách của mình”. Từ những thông tin đó, cô có thông tin để hiểu hơn về vấn đề. “Cung Song ngư đối với mình là sự nhảy cảm, dễ rung động nhưng đối với bạn bè xung quanh thì cho rằng là sự nhạy cảm này mang cảm giác dễ chịu với họ. Mình đã sử dụng ngay hình ảnh mặt trăng lơ lửng trên mặt nước cho lá bài này – sự nhẹ nhàng dễ chịu của mặt trăng khiến con người phải chiêm ngưỡng..

“12 Version of You” là một trong những dự án mà cô thích thú, Trân không ngần ngại kể thêm: “Đây là dự án giúp mình học hỏi được nhiều điều. Từ những giai đoạn phác thảo (sketch) đơn sơ ý tưởng và ghi chú lại đặt điểm của từng cung trên giấy trắng, đến giai đoạn thực hiện giữa lúc thành phố đóng lại vì Covid (lockdown), đến khi hoàn thiện thì lại nhận được phản hồi không tốt.”

Trước khi nộp dự án để tham gia cuộc thi The American Digital Design Award, Trân đã thử liên hệ một số thương hiệu ở TPHCM để xin phép được ‘xuất bản’ bộ bài này nhưng tất cả đều bị từ chối và tệ hơn là không nhận được phản hồi. 

Giai đoạn đó với mình khá tăm tối. Mình đã rất thất vọng về bản thân, mình muốn giấu những tác phẩm của mình đi và cho rằng nó không đáng được biết đến. Sau khoảng thời gian đó, mình nhận ra chỉ cần ’12 Versions of You’ chạm được đến trái tim một người duy nhất trên đời thôi, với mình cũng là quá đủ. 

Mình nghĩ biết đâu một người nào đó tình cờ xem được những hình ảnh về cung hoàng đạo của họ và tìm được sự đồng cảm, từ đó hiểu rõ hơn về bản thân họ. Đoá hoa dẫu chỉ có một người ngắm, nó vẫn nở rộ. Tác phẩm của mình dẫu chỉ chạm đến một người, mình vẫn sẽ tiếp tục” – Cô nói.

Trân sẽ bắt đầu thử sức với vai trò mới ở công ty Binance trong thời gian tới. Bên cạnh đó sẽ là một dự án cá nhân mà cô đang thực hiện “It’s good to be alive – Thật tốt khi ta còn sống”. “Mong nhận được phản hồi tốt từ mọi người khi showcase dự án” – Cô bày tỏ!

Ghi chú: Bài viết của mình được thực hiện trong khoảng thời gian năm 2022 với những trải nghiệm cá nhân cũng như chia sẻ từ nhân vật. Vì vậy đây là thông tin chỉ đúng trong thời điểm hiện tại, rất vui vì được chia sẻ bài viết này với quý độc giả của iDesign.

Thực hiện: Lê Quan Thuận

Thiết kế: Uyên Nguyễn

Hình ảnh được cung cấp bởi nhân vật

Cùng tác giả

#Tag

12 Versions of You art history cheryl vo Cognitive Psychology design Design Decisions Drexel University - Westphal College of Arts and Design Human-Computer Interaction idesign signature interaction design Lê Quan Thuận LQT Monet Tại sao The American Digital Design Award thể hiện bản thân UI USA UX & Interaction Design ux design Visual Studies Why

iDesign Must-try

Đất 3 Miền: Tựa game pixel mô phỏng đặc trưng trong văn hóa Sài Gòn của Cam Hoa
Đất 3 Miền: Tựa game pixel mô phỏng đặc trưng trong văn hóa Sài Gòn của Cam Hoa
Quan tâm đến các chủ đề về văn hóa Việt Nam và dành sự yêu thích đặc biệt cho các phong cách liên quan đến sự hoài cổ như: Vaporwave,…
Dự án Rebrand GHTK: ‘DNA của một ‘kỳ lân logistics’ thuần Việt phải đến từ những góc phố, cung đường thân thuộc của đất nước’
Dự án Rebrand GHTK: ‘DNA của một ‘kỳ lân logistics’ thuần Việt phải đến từ những góc phố, cung đường thân thuộc của đất nước’
Giao Hàng Tiết Kiệm (GHTK) là nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển và giao hàng lớn nhất và hàng đầu tại Việt Nam. GHTK đóng vai trò quan trọng…
Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sự náo nhiệt, hối hả và phần nhìn vô cùng đặc trưng của đường phố Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho những nhà sáng tạo Việt.…
Khi những tác phẩm văn học kinh điển đi vào các trang lịch 2024 của Nhã Nam 
Khi những tác phẩm văn học kinh điển đi vào các trang lịch 2024 của Nhã Nam 
Gửi lời chào năm 2024 đến các độc giả, Nhà xuất bản Nhã Nam đã giới thiệu đến công chúng bộ lịch với chủ đề “Từ trong trang sách”, lấy…
Bóc Lịch | Tổng hợp các thiết kế lịch 2024 nổi bật của artist Việt trên Behance
Bóc Lịch | Tổng hợp các thiết kế lịch 2024 nổi bật của artist Việt trên Behance
Chỉ còn vài ngày nữa là Tết Giáp Thìn 2024. Gác lại những muộn phiền của năm 2023, hãy cùng iDesign chiêm ngưỡng bộ lịch Tết 2024 nổi bật đúng…
Hành trình đi cùng cảm xúc: Sách minh họa pop up dạy về trí thông minh cảm xúc cho trẻ chậm phát triển của Jenda Huỳnh
Hành trình đi cùng cảm xúc: Sách minh họa pop up dạy về trí thông minh cảm xúc cho trẻ chậm phát triển của Jenda Huỳnh
“Đối với trẻ nhỏ, cảm xúc thống trị tất cả các mặt trong hoạt động tâm lý của chúng. Sự chậm phát triển ở khía cạnh cảm xúc có thể…