Bóc Lịch | Tổng hợp các thiết kế lịch 2024 nổi bật của artist Việt trên Behance
Chỉ còn vài ngày nữa là Tết Giáp Thìn 2024. Gác lại những muộn phiền của năm 2023, hãy cùng iDesign chiêm ngưỡng bộ lịch Tết 2024 nổi bật đúng chuẩn “made in Vietnam” đang được cộng đồng Behance yêu thích để tìm cảm hứng sáng tạo những ngày đầu năm nhé!
1. Bộ lịch “VIETNAM DRAGON” của Do Tung
Mượn hình tượng con Rồng – linh vật của năm 2024 để kể những câu chuyện đậm chất miệt vườn của vùng đất Nam Bộ, ở mỗi trang lịch trong VIETNAM DRAGON – Calendar 2024, Do Tung đã cho Rồng hóa thân thành từng nhân vật khác nhau, lao động, sinh hoạt hệt như một người miền Tây thực thụ.
Đó là chú Rồng vàng xúng xính trong tà áo dài Tết, đầu đội mâm ngũ quả, bên cạnh là những chậu hoa cúc vạn thọ, bình mai vàng và dưa hấu đỏ. Là chú Rồng cam trong bộ áo bà ba, đầu đội chiếc nón lá quen thuộc với nụ cười chân chất đang vội chèo ghe cho kịp chợ Tết. Hay cặp đôi Rồng khác đang đứng trước chiếc cổng cưới được làm từ lá dừa và cây đủng đỉnh (chiếc cổng cưới đặc trưng của miền Tây sông nước) ở buổi lễ Thành Hôn của mình, v.v….
Bạn có thể xem đầy đủ bộ lịch tại đây.
2. Bộ lịch hình tượng Rồng của Di tích Hoàng Thành Thăng Long do Chung Phạm thực hiện
Hình tượng Rồng trên bộ lịch của Chung Phạm được sáng tạo từ những chất liệu truyền thống Việt nam, với kỹ thuật sơn mài trảm trai kết hợp khéo léo vào từng cổ vật tương ứng với các thời kỳ tại Hoàng Thành Thăng Long.
– Thời kỳ nhà Lý (thế kỷ XI – XII)
– Thời kỳ nhà Trần (thế kỷ XIII – XVI)
– Thời kỳ nhà Lê Sơ (thế kỷ XVI)
– Thời kỳ nhà Mạc (thế kỷ XVI)
– Thời kỳ nhà Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII – XVIII)
Bạn có thể xem đầy đủ bộ lịch tại đây.
3. Bộ lịch “Âm Sắc Dân Tộc” của Thi Nguyễn
Bộ lịch “Âm Sắc Dân Tộc” được lấy cảm hứng từ các nhạc cụ truyền thống của Việt Nam như Đàn Tính, Đàn Bầu, Đàn Nguyệt, Cồng Chiêng Tây Nguyên, Đàn Tỳ Bà, Đàn Đáy, v.v,…
Qua từng trang lịch, dáng hình từng loại nhạc cụ dân gian được Thi Nguyễn mô phỏng một cách sinh động bên cạnh các hoạt động giải trí, sinh hoạt đặc trưng của từng vùng miền.
Bộ lịch cũng cung cấp thông tin của từng loại nhạc cụ như xuất xứ, đặc trưng trong cấu tạo của từng nhạc cụ cũng như âm thanh mà nhạc cụ đó phát ra.
Bạn có thể xem đầy đủ bộ lịch tại đây.
4. Bộ lịch “Hồn Việt Tuyệt Ca” của Phạm Vỹ
Nghệ thuật ca múa nhạc là một nét văn hóa đặc trưng của người Việt Nam. Lựa chọn chủ đề này trong đồ án của mình, Phạm Vỹ đã minh họa lại 12 loại hình nghệ thuật ca múa nhạc dân gian tiêu biểu như Hát Bội (Tuồng), Dân Ca Quan Họ, Đờn Ca Tài Tử, Hát Chầu Văn, Hát Xẩm, Hát Xoan, Nhã Nhạc Cung Đình Huế, Cồng Chiêng Tây Nguyên, Múa Rối Nước, Diễn Chèo, Hát Ca Trù, Hát Then.
Bạn có thể xem đầy đủ bộ lịch tại đây.
5. Bộ lịch “Nét Đẹp Dân Tộc” của Ngọc Huyền
“Nét Đẹp Dân Tộc” là bộ lịch minh họa trang phục truyền thống của các dân tộc Việt Nam như Pà Thẻn, H-mông, Thái, Hà Nhì, Dao Đỏ, Khmer, v.v,…
Thông qua bộ lịch Tết 2024 do mình thực hiện, Ngọc Huyền muốn giới thiệu về trang phục truyền thống của đất nước ta đến bạn bè trong nước và quốc tế.
Bạn có thể xem đầy đủ bộ lịch tại đây.
6. Bộ lịch “Vị Bản Sắc” của Shiro Nguynn và Meow Meow
Bộ lịch “Vị Bản Sắc” được lấy cảm hứng từ các món ăn truyền thống của từng vùng miền trải dài đất nước Việt Nam. Trong tên gọi “Vị Bản Sắc”, “Vị” ở đây là đồ ăn, ý chỉ các món ăn độc đáo của các dân tộc, vùng miền, được người dân chuẩn bị trong những ngày lễ hội lớn hoặc để tiếp đón khách, còn “Bản Sắc” hàm ý nói đến văn hóa và truyền thống từ thời xa xưa của từng dân tộc được họ bảo tồn cho đến tận ngày nay.
Bạn có thể xem đầy đủ bộ lịch tại đây.
7. Bộ lịch “Yêu Ma Quỷ Quái” của Sa Lim
“Yêu Ma Quỷ Quái” là bộ lịch được lấy ý tưởng từ truyền thuyết yêu ma quỷ quái dân gian của nước ta như Ma Lai, Sấu Năm Chèo, Hồ Yêu, Ma Da, Thần Trùng, Ma Trơi, Ma Lon, Ma Dú Dài, Ma Gương, Chó đội nón Mê, Trành Hổ, Bươm Bướm; với cách thể hiện hình ảnh, nét vẽ và màu sắc mang tính đương đại và thuần túy của dân gian Việt Nam.
Bạn có thể xem đầy đủ bộ lịch tại đây.
8. Bộ lịch “An Nam Chích Thập” của Vũ.Th Quỳnh
Vẫn là chủ đề về yêu ma quỷ quái, nhưng Vũ Th. Quỳnh lại có góc nhìn khác với cách vật lý hóa sản phẩm cũng khác, kết hợp hoạt động thêu tay trong các trang lịch, cùng những miêu tả và hướng dẫn tỉ mỉ về đặc điểm cũng như phương cách tạo nên từng đường kim mũi chỉ, tương ứng với từng kiểu thêu tay truyền thống của Việt Nam.
Ví như kiểu Thêu bó hạt: là những đường thêu thẳng song song nhưng vẫn có thể tạo ra vẻ ngoài mềm mại, sáng bóng. Được ứng dụng để thêu lắp đầy bên trong hoa, lá, chữ nét dày,…
Bạn có thể xem đầy đủ bộ lịch tại đây.
Thực hiện: May
Các bài khác cùng chủ đề
- 1. Calligrapher Đào Huy Hoàng: “Mình chẳng có gì ngoài kiên nhẫn cả”
- 2. Hậu trường Việt Sử Kiêu Hùng - góc nhìn cận cảnh về nghề lồng tiếng
- 3. Illustrator Đốm: Đem lại ấm áp cho người khác bằng tranh vẽ
- 4. Triển lãm “Vẽ về hát bội” - cánh cửa giao thoa văn hoá giữa hai thế hệ
- 5. Illustrator Kỳ Huỳnh: Dùng lý trí để tư duy sáng tạo
- 6. VR ở Việt Nam: Không khó về kỹ thuật mà là con người
- 7. Vietnam Geographical Indications - Hành trang đưa nông nghiệp Việt bước ra thế giới
- 8. Dạo quanh một vòng triển lãm tốt nghiệp tại Đại học Văn Lang
- 9. Có gì ở triển lãm tốt nghiệp tại đại học Mĩ Thuật (TP.HCM)?
- 10. Dự án “THỊ ƠI”: Trào phúng cùng những cô Thị thích đùa