Hành trình đi cùng cảm xúc: Sách minh họa pop up dạy về trí thông minh cảm xúc cho trẻ chậm phát triển của Jenda Huỳnh
“Đối với trẻ nhỏ, cảm xúc thống trị tất cả các mặt trong hoạt động tâm lý của chúng. Sự chậm phát triển ở khía cạnh cảm xúc có thể dẫn đến sự chậm phát triển ở các khía cạnh khác và ngược lại.” – Jenda Huỳnh.
Trên thế giới, trẻ em đã có cơ hội tiếp cận với các chủ đề về cảm xúc từ khi còn rất nhỏ, thông qua nhiều tác phẩm minh họa bằng hình vẽ sinh động, bắt mắt, cùng nhiều kiến thức bổ ích. Tuy nhiên, ở thị trường Việt Nam, những tác phẩm như thế này lại khá ít. Trong khi các dữ liệu hoặc tin tức về tình trạng trẻ chậm phát triển tại nước ta những năm gần đây lại là đề tài đáng lưu tâm và gây nhiều lo lắng cho các bậc phụ huynh đang hoặc sắp có con nhỏ.
Nhận thức được điều này, Huỳnh Ngọc Đan Thư (hay còn được biết đến với biệt danh Jenda Huỳnh), sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Thiết kế đồ họa trường Đại học Tôn Đức Thắng đã quyết định chọn đề tài đặc biệt này cho Đồ án tốt nghiệp của bạn ấy thông qua quyển sách pop up mang tên “Hành trình đi cùng cảm xúc”. Cuốn sách nằm trong bộ sách gồm 3 cuốn, mỗi cuốn đại diện cho một loại cảm xúc khác nhau và có những câu chuyện ngắn dễ hiểu, hỗ trợ bố mẹ nuôi dạy trí thông minh cảm xúc cho trẻ chậm phát triển. Hiện tại, Thư đang hoạt động với tư cách là một Freelancer.
Các trang thông tin và liên hệ với Thư.
Cùng chúng mình nán lại vài phút để xem qua dự án của Thư, nghe bạn ấy chia sẻ nhiều hơn về quyển sách “Hành trình đi cùng cảm xúc” cũng như cách Thư biến những ý tưởng sơ khởi thành một sản phẩm vật lý trực quan nhé!
Thư hãy giới thiệu về quyển sách minh họa pop up “Hành trình đi cùng cảm xúc” của mình! (Chủ đề, đối tượng mà Thư hướng đến, mục đích của quyển sách, v.v…)
Sự phát triển về mặt cảm xúc đan cài trong sự phát triển của trẻ ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Đặc biệt là đối với lứa tuổi nhỏ, cảm xúc thống trị tất cả các mặt trong hoạt động tâm lý của đứa trẻ. Sự chậm phát triển ở lĩnh vực cảm xúc có thể dẫn đến sự chậm phát triển ở các lĩnh vực khác và ngược lại.
Sách minh họa pop up dạy về trí thông minh cảm xúc cho trẻ chậm phát triển, giúp bé hiểu được các cảm xúc của bản thân và từ đó các bé sẽ thấu hiểu được cảm xúc của người khác. Bộ sách gồm 3 cuốn, mỗi cuốn đại diện cho một loại cảm xúc khác nhau và có những câu chuyện ngắn để truyền tải dễ hiểu cho trẻ. Bố mẹ mua về tương tác cùng với trẻ, để trẻ nhận biết được trạng thái ba loại cảm xúc, giúp trẻ phát triển từ từ và học cách ghi nhớ.
Trẻ chậm phát triển thường không có hứng thú và khó tập trung. Vì vậy, việc sử dụng pop up để các hình ảnh từ mặt phẳng 2D từ từ chuyển thành hình nổi, tạo ra không gian hoành tráng để trẻ có thể tương tác vào sẽ dễ cuốn hút đến trẻ. Đi kèm theo sẽ là các quà tặng và ấn phẩm khác.
Vì sao Thư lại chọn thực hiện đề tài này? Theo Thư, cái khó của đề tài này là gì?
Ngày nay, trước sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thì rất nhiều các bậc phụ huynh có ít thời gian để quan tâm và trò chuyện cùng con cái. Chính vì vậy trẻ thường hay thu mình và rất ít khi giao tiếp với thế giới bên ngoài. Điều này đã làm ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển nhận thức, tình cảm của trẻ.
“Nhận thức, ý chí và tình cảm là ba mặt cơ bản trong đời sống tâm lý của con người. Trong đó, tình cảm là khía cạnh khó đánh giá nhất và có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của chúng ta.”
Jenda Huỳnh
Cuốn sách này là công cụ bổ trợ trong quá trình hồi phục của các bé, giúp bé cải thiện tình trạng tốt hơn. Việc kết hợp bộ sách cùng với pop up có thể giúp gia đình tương tác cùng với trẻ.
Do trẻ chậm phát triển nên phải luôn có phụ huynh ở bên cạnh hướng dẫn và tương tác cùng với bé. Với trường hợp trẻ sử dụng điện tử quá nhiều nên sẽ không thích cầm sách. Phụ huynh có thể lia điện thoại vào sách, cho trẻ xem thông qua điện thoại và có một vài cái chuyển động nhẹ để từ đó lôi kéo sự chú ý của trẻ vô hoạt động tương tác thật. Tránh tình trạng trẻ từ chối.
Do đối tượng khá đặc biệt nên việc chọn lọc nội dung sách sao cho hợp lý là một sự khó khăn với mình, kèm theo đó là việc nghiên cứu pop up sao cho phù hợp với sách và thu hút với trẻ nhỏ.
Vậy vì sao lại là một quyển sách popup mà không phải là một hình thức thể hiện khác?
Vì đối tượng mình nhắm đến là những đứa trẻ đặc biệt, những đứa trẻ khó có thể tập trung vào những cuốn sách thông thường.
Để giải quyết vấn đề này, mình đã sử dụng kỹ thuật pop up, tạo ra những hình ảnh ba chiều đẹp mắt và gây ấn tượng. Nhờ đó, quyển sách sẽ thu hút sự chú ý và tò mò của trẻ, giúp trẻ học hỏi và khám phá thế giới xung quanh một cách vui vẻ và hiệu quả.
Ngoài ra, mình luôn có niềm đam mê với những sản phẩm thủ công, những tác phẩm mang dấu ấn cá nhân của mình. Chính vì thế, mình quyết định chọn một đề tài độc đáo và sáng tạo cho đồ án tốt nghiệp của mình, đó là làm một cuốn sách pop up, một loại sách có thể mở ra thành những hình ảnh ba chiều đầy sinh động và ấn tượng.
Đây là một thử thách lớn, nhưng cũng là cơ hội để mình thể hiện khả năng của mình. Bản thân mình rất háo hức và thích thú khi bắt tay vào thực hiện cuốn sách này.
Hãy chia sẻ về quá trình research của Thư? Bạn đã bắt đầu từ đâu và như thế nào?
Trước khi bắt đầu làm đề tài này, mình đã nghiên cứu thật kỹ về đối tượng mà mình muốn hướng đến là những trẻ em có sự phát triển chậm so với bình thường, như những đặc điểm, nhu cầu và khó khăn của đối tượng này để có thể thiết kế sách pop up phù hợp.
Sau đó là tìm hiểu về các loại hình pop up và các cuốn sách pop up hiện có trên thế giới. Mình tham khảo nhiều nguồn thông tin khác nhau từ sách, báo, internet, đến các tác phẩm của các nghệ sĩ pop up nổi tiếng. Qua đó, mình đã học hỏi được nhiều kỹ thuật, mẫu mã và cách sáng tạo trong việc làm sách pop up.
Cuối cùng, mình lựa chọn các hình ảnh minh họa phù hợp với độ tuổi của trẻ. Đặc biệt chú ý đến việc sử dụng màu sắc, hình dạng, kích thước và độ động của các hình ảnh để thu hút sự chú ý và tương tác của trẻ.
Có thể thấy, đây là một sản phẩm đặc biệt, vì đối tượng mà sản phẩm hướng đến cũng vô cùng đặc biệt. Để đảm bảo chất lượng nội dung quyển sách, Thư đã nghiên cứu như thế nào? Hoặc có tham vấn chuyên gia (tâm lý,..) nào không?
Để có thể đảm bảo chất lượng nội dung quyển sách, mình đã nghiên cứu nhiều nguồn thông tin khác nhau như các tài liệu điện tử cũng như tài liệu giấy trong nước và nước ngoài có liên quan tới.
Dưới đây là một số tài liệu mình nghiên cứu:
- Thu Hương, Hoàng My (2020), Cùng Con Trưởng Thành – Cảm Xúc Của Con Do Bạn Quyết Định, NXB Văn Học.
- Daniel Goleman (2011), Trí tuệ xúc cảm, Nhà xuất bản lao động – xã hội.
- Lê Khanh (2018), Cùng con vượt qua hàng rào giao tiếp, Nhà xuất bản thế giới.
- Chuyên gia tâm lý Ngô Phạm Thị Thúy Trinh, Đơn vị tâm lý – Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố, Dạy trẻ xác định và thể hiện cảm xúc, https://bvndtp.org.vn/day-tre-xac-dinh-va-the-hien-cam-xuc/
- Gunnar Dybwad, Mental Retardation, https://www.disabilitymuseum.org/dhm/lib/detail.html?id=2236&page=all
- Ts. Phan Ngọc Hải, Các mốc phát triển mà trẻ nhỏ nên đạt được, https://vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/nhi/cac-moc-phat-trien-ma-tre-nho-nen-dat-duoc/
- Nguyễn Thị Huế, 9 sắc thái cảm xúc của trẻ, https://cara.edu.vn/9-sac-thai-cam-xuc-cua-tre.html
Quá trình thực hiện dự án từ khi có ý tưởng đến khi sản phẩm thành hình trải qua những giai đoạn nào?
Sau khi có ý tưởng đến khi hoàn thành sản phẩm trải qua 8 giai đoạn nhỏ:
- Nghiên cứu đề tài
- Moodboard
- Phác thảo nhân vật
- Storyboard
- Demo pop up
- Thiết kế 3 cuốn sách
- Ứng dụng truyền thông
- Ứng dụng quà tặng
Về phần Illustration, Thư đã định hướng các artwork theo phong cách nào (hoặc sở hữu những đặc điểm nào)?
Nét vẽ gần gũi sẽ khiến trẻ có cảm giác thân thuộc và an tâm khi lật cuốn sách ra, khiến trẻ thêm yêu thích đọc sách.
Các gam màu tươi sáng sẽ mang đến sự vui vẻ và tích cực, đồng thời giúp tính thẩm mỹ của các bé được nâng lên rõ rệt.
Về phần hiện thực hóa các ý tưởng lên sản phẩm vật lý (quyển sách popup), Thư đã thử nghiệm trong bao lâu để cho ra thành phẩm cuối cùng? Đâu là những khó khăn mà Thư gặp phải?
Để có thể thực hiện hóa các ý tưởng lên sản phẩm vật lý, mình đã thử nghiệm liên tục trong suốt 1 tháng. Trong 2 tuần đầu, bản demo của mình sẽ có dạng ngang khổ A4. Nhưng kích thước này lại không phù hợp với đối tượng trẻ chậm phát triển. Không gian sách quá chật, khiến trẻ không có cơ hội tương tác nhiều với các hình ảnh. Đồng thời bản demo này cũng không đủ sáng tạo và hấp dẫn. Với sự hướng dẫn của cô Hoàng Anh, mình quyết định đổi thành dạng dọc. Như vậy, khi mở sách ra, không gian tương tác rộng gấp đôi, tạo ra cảm giác mới lạ và thú vị.
Tuy nhiên, việc thay đổi này cũng mang những thách thức cho mình. Mình phải làm lại các hình nổi trong sách, chú ý đến kích thước và kỹ thuật pop up. Mình phải thử nghiệm nhiều lần để tìm ra cách nối các chi tiết sao cho chắc chắn và linh hoạt. Sau 2 tuần, bản demo cuối cùng cũng đã hoàn thiện, đáp ứng được mục tiêu và mong đợi của mình.
Sau dự án này, Thư học được những gì?
Đề tài về sách minh họa pop up là một lựa chọn tuyệt vời và có ý nghĩa cao, giúp mình nâng cao được nhiều kỹ năng thiết yếu: như khả năng mỹ thuật, sự sáng tạo và cách thể hiện ý tưởng.
Đồng thời, mình cũng đã học được cách nghiên cứu và phân tích nhu cầu của người dùng, để đưa ra những giải pháp phù hợp và hiệu quả. Mình đã chứng tỏ được tinh thần làm việc chăm chỉ, kiên trì và linh hoạt để vượt qua những khó khăn để hoàn thành đồ án của mình. Mình cũng đã biết cách lắng nghe và tiếp thu những góp ý của các thầy cô, để cải thiện và hoàn thiện sản phẩm của bản thân.
Định hướng hiện tại của Thư là gì?
Mình luôn có niềm đam mê với những công việc sáng tạo, những công việc cho phép mình thể hiện những ý tưởng táo bạo, mới mẻ, độc đáo và đột phá cho các vấn đề trong thiết kế.
Mình mong muốn được thử thách bản thân, phát triển tài năng, ứng dụng những kiến thức và và kỹ năng mà mình có vào những sản phẩm. Mình cũng đang không ngừng học hỏi và cải tiến bản thân để có thể tạo ra những sản phẩm thiết kế độc đáo và có giá trị.
Hãy giới thiệu một chút với các bạn đọc của iDesign về các chủ đề mà Thư quan tâm hoặc nghiên cứu trong thời gian gần đây!
Dạo gần đây, mình và hai người bạn đang thực hiện một dự án về thẻ ghi âm giọng nói. Một loại băng nhỏ có thể lưu lại những lời nói hoặc bài hát mà mình muốn để trao tặng cho người mình quan tâm và yêu thương.
Qua tìm hiểu, tụi mình phát hiện rằng sản phẩm này hiện chưa có mặt nhiều trên thị trường trong nước. Hơn nữa, những mẫu thẻ ghi âm hiện có đều thiếu sự sáng tạo, đa dạng về hình thức. Tuy nhiên, do gặp chút vấn đề nên tụi mình chưa thể tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về dự án này.
Xem đầy đủ dự án “Hành trình đi cùng cảm xúc” tại đây bạn nhé!
Thực hiện: May
Hình ảnh: iDesign
Thiết kế: Uyên Nguyễn
Ilustration do Jenda Huỳnh cung cấp
Các bài khác cùng chủ đề
- 1. Calligrapher Đào Huy Hoàng: “Mình chẳng có gì ngoài kiên nhẫn cả”
- 2. Hậu trường Việt Sử Kiêu Hùng - góc nhìn cận cảnh về nghề lồng tiếng
- 3. Illustrator Đốm: Đem lại ấm áp cho người khác bằng tranh vẽ
- 4. Triển lãm “Vẽ về hát bội” - cánh cửa giao thoa văn hoá giữa hai thế hệ
- 5. Illustrator Kỳ Huỳnh: Dùng lý trí để tư duy sáng tạo
- 6. VR ở Việt Nam: Không khó về kỹ thuật mà là con người
- 7. Vietnam Geographical Indications - Hành trang đưa nông nghiệp Việt bước ra thế giới
- 8. Dạo quanh một vòng triển lãm tốt nghiệp tại Đại học Văn Lang
- 9. Có gì ở triển lãm tốt nghiệp tại đại học Mĩ Thuật (TP.HCM)?
- 10. Dự án “THỊ ƠI”: Trào phúng cùng những cô Thị thích đùa