Cẩm Tú & Thiết kế sáng tạo: Câu chuyện về yếu tố bản địa ở nước ngoài
Yếu tố bản địa hay được giải thích dễ hiểu hơn là văn hóa tại khu vực đó – ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thực hiện thiết kế sao cho phù hợp. Cẩm Tú, một du học sinh tại Singapore đã vượt qua những khó khăn đó như thế nào sau hành trình khám phá bản thân cùng lĩnh vực thiết kế – nghệ thuật – sáng tạo tại một đất nước mới lạ…?
Lướt dạo mạng xã hội Behance ngày ấy để lấy ý tưởng sáng tạo, may mắn thay mình bắt gặp những hình ảnh thiết kế của Cẩm Tú. Mình thích những dự án của Tú vì chúng luôn mang cho mình nguồn cảm hứng để tiếp tục theo đuổi ngành này. Điều mình luôn thắc mắc về cô bạn là chuyện du học và những trải nghiệm thiết kế xung quanh. Mình đã liên hệ ngay Cẩm Tú để mong có dịp trao đổi với nhau về chủ đề này, thế nhưng cô khá bận rộn với ‘cuộc sống nước ngoài’. Kể từ sau một tháng liên hệ, cuối cùng mình đã nhận được mail phản hồi. Và chúng mình (Tú – mình – iDesign) chính thức bắt đầu câu chuyện..
Từ trốn mẹ đến trốn học để tham gia hoạt động ngoại khóa nghệ thuật, sáng tạo
Cẩm Tú Nguyễn từng học ở Hà Nội một năm và sau đó chuyển sang Singapore du học. Năm 2019, cô nhận được văn bằng ngành thiết kế truyền thông (từ gốc: Communication Design) tại trường Lasalle College of the Arts. Sáu năm ở Singapore ‘không ít cũng không nhiều’ giúp cô có nhiều trải nghiệm về yếu tố văn hóa, chuyên môn thiết kế sáng tạo và hơn thế nữa. “Hồi nhỏ, mẹ mình cho mình đi học vẽ, ai ngờ thích đến tận giờ đấy! Phải nói hồi đi học mình môn nào cũng kém, nên đâm ra chán, chỉ ngồi luyện vẽ và làm đồ thủ công. Mình cũng dần nhận ra việc yêu thích các hoạt động ngoại khóa liên quan đến nghệ thuật. Năm nhất đại học mình còn trốn học đi vẽ tường thuê, thiết kế áo phông sự kiện. Nên từ đó mình đã quyết tâm theo nghệ thuật chỉn chu hơn.”
Việc học ở trường Đại học ở Việt Nam của cô không liên quan đến chuyên môn như bây giờ, sau đó Cẩm Tú cảm thấy bản thân không đủ sức đam mê theo học, quyết tâm từ bỏ trường Đại học và xin gia đình chuyển sang Singapore du học ngành thiết kế sáng tạo. “Mình chọn du học vì có nhiều lý do như môi trường nơi mình từng học có nhiều kỷ niệm buồn và mình cũng tiêu quá nhiều tiền của ba mẹ vào việc học IELTS…” – Cẩm Tú hài hước chia sẻ.
‘Mình mở lòng với nhiều trải nghiệm để có góc nhìn bản thân đa dạng. May thay, điều đó hỗ trợ bản thân trong thiết kế sau này...’
Kể về giai đoạn đầu học thiết kế, Cẩm Tú ra sức tìm hiểu và tự học bằng cách tạo cơ hội tiếp xúc môi trường phù hợp. Cô bắt đầu thiết kế những ấn phẩm cho sự kiện trường, làm thêm bên ngoài (freelance), làm dự án cuối kỳ với các bạn trong trường Đại học.
“Phần lớn thời gian mình dành ra để tự học, mình chọn phương pháp ‘đụng cái gì hay ho là thử áp dụng ngay cái nấy’. Chẳng hạn đọc tạp chí, xem các buổi trò chuyện, nghe âm nhạc hoặc tìm hiểu về các vấn đề xã hội, văn hóa… Từ những điều đó mình luyện tập cho bản thân góc nhìn cá nhân về vấn đề, sử dụng kỹ năng công cụ thiết kế rồi diễn hoạt hình ảnh phù hợp.
Sau nhiều thể nghiệm, mình ngộ ra ‘góc nhìn của bản thân’ rất quan trọng, chỉ có chính bản thân mới tạo ra niềm cảm hứng để truyền tải nội dung thông tin. Suy cho cùng thiết kế đồ họa như cách thức mình truyền tải thông tin hình ảnh với góc nhìn của mình, đó là phương pháp học thiết kế đồ họa mà mình áp dụng.” – Cô thổ lộ!
Cẩm Tú cho rằng việc học thiết kế đồ họa khá dễ … mà khó. Dễ ở chỗ là ai cũng có thể học được thậm chí là xuất sắc trong ngành. Khó ở chỗ là không phải nơi đâu cũng đánh giá cao công việc này, nhiều cung hơn cầu, đôi khi khó ở chỗ ý tưởng riêng, cách nhìn nhận mọi thứ đa chiều và đa ý nghĩa. “Mình nghĩ nên tìm ra cho mình chất riêng thông qua quá trình rèn luyện để có thể bắt lấy được cơ hội cho bản thân. Điều này chính mình cũng phải tích góp, thu nhặt và thay đổi góc nhìn sao cho đa diện trong nhiều năm.”
Ở trường Lasalle, cô bày tỏ rất thích cách họ dạy về ‘mổ xẻ’ các vấn đề một cách đa chiều và đưa ra những đề bài mở, bắt buộc cô phải ‘tự thân vận động’ chọn cho mình hướng đi phù hợp với đề tài và tự đưa ra lộ trình hoàn thiện. “Tất nhiên, ban đầu mình khá hoảng vì chưa bao giờ được ‘thả rông’ như thế nhưng sau này mình thấy điều này rất có ích để định hình được hướng đi độc lập và cách giải quyết vấn đề” – Cô bộc bạch.
Conceptualization (Tính khái niệm hóa vấn đề trong thiết kế) là một khung ý tưởng cơ bản bao gồm góc nhìn, quan niệm về vấn đề hoặc kế hoạch để thiết kế, thực thi một cách trực quan. Critical thinking (Tư duy phản biện) tạo tác động nhiều chiều, đánh giá vấn đề với tư duy mới để việc thiết kế trở nên cải thiện hơn. Với trải nghiệm học ở nước ngoài, cô ấn tượng cách họ chú trọng về conceptualization và critical thinking. “Điều này ngược lại với Việt Nam, ở nước chúng ta thường dạy nhiều về cách thực hành hình ảnh (visual skill). Mình cảm thấy rất thú vị vì mỗi bên đều có cái hay và thú vị riêng” – Cô bày tỏ.
Sau tốt nghiệp cũng là thời điểm dịch COVID-19 diễn ra, Cẩm Tú đã trải qua một giai đoạn không xin được việc. Trong vòng 2 năm, cô đã phải xin đến gần 600 công ty và không có phản hồi, không có tiền, không thể quay về Việt Nam.
Cô bạn chia sẻ thêm: “Thật sự mình trầm cảm lắm, mình xin làm thực tập sinh 3 tháng ở một công ty và bị lừa. Nhưng đây cũng là lúc mình nhận ra, bạn bè và người thân thật sự đáng quý, có bạn trả tiền nhà cho mình, có bạn lấy đồ ăn ở nhà mang sang cho mình, gia đình cũng chi trả cho đôi phần”. Trong giai đoạn đó, Cẩm Tú làm thiết kế tự do (freelance), sau Covid-19 thì mọi việc ổn định hơn, “may mắn là khi VISA mình chỉ còn 2 tháng”, cô xin vào một công ty và làm đến tận bây giờ.
Vượt qua khỏi rào cản để tiếp cận nhiều điều mới mẻ
Rào cản ngôn ngữ (tiếng Anh-Singapore bản địa) khiến Cẩm Tú trở ngại trong khoảng thời gian ban đầu. Đặc biệt luyện làm quen với những yếu tố văn hóa mang tính bản địa gây không ít thử thách cho cô gái. Đến khoảng năm 2, 3 Đại học, cô bắt đầu hòa nhịp hơn so với lúc mới đầu, càng ngày cô càng thấy thích thú và chăm chỉ, chỉn chu trong học tập.
“Mình nghĩ điều quan trọng nhất là bản thân đã tự tin hơn, không sợ sai và xấu hổ. Tú mở rộng mối quan hệ giao tiếp với các bạn quốc tế, trau dồi về ngôn ngữ, văn hóa địa phương. Nhờ vậy mà có các bạn thân cho đến tận bây giờ luôn. Ngoài ra, thời còn du học sinh mình cũng hoạt bát trong sự kiện, đi làm thêm làm giàu trải nghiệm.
Lớp mình khá đoàn kết và quan tâm đến nhau, giảng viên trẻ nên khá thân với học sinh và nhiệt tình với bọn mình. Mỗi lần nộp bài cuối kì, nhóm bạn mình ngồi quán cà phê Starbucks từ sáng đến tối mà gọi mỗi cốc nước hoặc có khi là sang nhà nhau ở thâu đêm” – Cô nhớ lại.
Nói về những điều trăn trở trong ngành nghề này, Cẩm Tú bộc bạch: “Thiết kế đồ họa với mình, không chỉ còn là công cụ truyền tải thông tin, nó hoàn toàn có thể tồn tại và được chú trọng. Thế nhưng ở một số nơi ngành nghề này vẫn chưa thực sự được phổ biến, dần dà người ta nghĩ ‘không có cũng chẳng sao’. Đó là vấn đề trong những nỗi trăn trở của mình. Cơ mà, lạc quan mà nói mình vẫn không ngừng cố gắng và cùng nhau đóng góp một phần dự án cá nhân vào để ngành nghề này trở nên phát triển”
Singapore là nơi giao điểm văn hóa, đặc trưng ở đây họ nói nhiều thứ tiếng: tiếng Anh, Tamil, Mã Lai, Quan Thoại – đây cũng chính là điều đặc biệt. Mỗi người đều có những hoàn cảnh sống cùng góc nhìn, quan niệm khác nhau. Nhờ đó việc trao đổi và tham khảo thiết kế có phần mở rộng và đa dạng. “Điều này không chỉ giúp cho mình trau dồi về thiết kế, nó còn hình thành nên quan điểm cá nhân trước những vấn đề xã hội, biết trân trọng, ham học hỏi về nghệ thuật, sáng tạo của các nền văn hóa đầy màu sắc.”
Thiết kế tại đất nước nhiều văn hóa mang lại cho Cẩm Tú nhiều cơ hội và thách thức, phần yêu cầu công việc tại các công ty phải hiểu rõ được đối tượng khách hàng, phần phải tìm hiểu kỹ càng về văn hóa để thiết kế sau cho đúng. “Dịp lễ Tết có lẽ là thời gian mình chạy dự án dữ dội, mình phải đi tham khảo rất nhiều thứ từ tiếp thị đến thiết kế sao cho phù hợp với dự án và thể hiện được tính tôn nghiêm ngày lễ ở mỗi chủng tộc/tôn giáo. Mình có thể kể đến các chiến dịch cho ngày Tết Trung Quốc hoặc Tết Hari Raya dành cho người theo đạo Hồi mà mình thực hiện ở công ty.”
Bên cạnh công việc thì trải nghiệm thú vị nhất mà Cẩm Tú trải qua là làm việc với ripe. Được sáng lập bởi Fern – bạn thân của cô ấy, ripe là nơi dành cho những cá nhân làm nghệ thuật có không gian sáng tạo tự do và không bị đánh giá. Nhờ sân chơi, Cẩm Tú thỏa sức với những tác phẩm thỏa mãn và nói ra được những cảm xúc bên trong. Nếu không có ripe chắc hẳn cô gái ấy sẽ áp lực và chán ghét cuộc sống.
Với mong ước được khám phá nhiều nền văn hóa, Cẩm Tú có dự định sẽ chuyển sang sinh sống ở một đất nước khác, đón nhận những điều mới mẻ hoặc có thể về nhà và mở ra một không gian nghệ thuật riêng cho bản thân. “Bây giờ mình còn trẻ nên ưu ái cho bản thân xíu, chắc tương lai suy nghĩ khác. Cơ mà mong được tự do sáng tạo cho mình và không cần phải làm cho ai khác..”
Ghi chú: Bài viết của mình được thực hiện trong khoảng thời gian năm 2022 với những trải nghiệm cá nhân cũng như chia sẻ từ nhân vật. Vì vậy đây là thông tin chỉ đúng trong thời điểm hiện tại, rất vui vì được chia sẻ bài viết này với quý độc giả của iDesign.
Thực hiện: Lê Quan Thuận
Thiết kế: Uyên Nguyễn
Hình ảnh được cung cấp bởi nhân vật
Các bài khác cùng chủ đề
- 1. Calligrapher Đào Huy Hoàng: “Mình chẳng có gì ngoài kiên nhẫn cả”
- 2. Hậu trường Việt Sử Kiêu Hùng - góc nhìn cận cảnh về nghề lồng tiếng
- 3. Illustrator Đốm: Đem lại ấm áp cho người khác bằng tranh vẽ
- 4. Triển lãm “Vẽ về hát bội” - cánh cửa giao thoa văn hoá giữa hai thế hệ
- 5. Illustrator Kỳ Huỳnh: Dùng lý trí để tư duy sáng tạo
- 6. VR ở Việt Nam: Không khó về kỹ thuật mà là con người
- 7. Vietnam Geographical Indications - Hành trang đưa nông nghiệp Việt bước ra thế giới
- 8. Dạo quanh một vòng triển lãm tốt nghiệp tại Đại học Văn Lang
- 9. Có gì ở triển lãm tốt nghiệp tại đại học Mĩ Thuật (TP.HCM)?
- 10. Dự án “THỊ ƠI”: Trào phúng cùng những cô Thị thích đùa