Cùng Minh Nguyễn thử nghiệm với Thiết kế đồ họa bằng lập trình sáng tạo - ‘CreAItive Coding’
Như bạn biết về sự hiện hữu của công nghệ thông tin, thiết kế đồ họa hay lĩnh vực sáng tạo… Ở đó, các lĩnh vực được liên kết chặt chẽ, phối hợp mang tính cộng hưởng, tạo ra cho con người những trải nghiệm tốt nhất. Với bài viết này, chúng mình sẽ nói – với một nỗ lực hoàn toàn mới trong tiến trình thực hành & tư duy sáng tạo xung quanh.
Trước khi thực hành về thiết kế đồ họa hay viết lách về sáng tạo, mình là một sinh viên ngành Công nghệ thông tin và được rèn luyện về tư duy logic, hệ thống. Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, mình đã có những suy nghĩ về công việc lập trình, mình cho rằng việc lập trình cũng là sáng tạo. Đó là sự sáng tạo dựa trên việc mã hóa bằng lệnh hay giao tiếp ngôn ngữ máy.
Và khi đó, mình cũng rất thích thiết kế đồ họa – một điều gì đó thật nghệ thuật, sáng tạo & công năng, đã có lúc mình ước mơ về bản thân có sức mạnh to lớn: kết hợp tất cả những lĩnh vực này. Về sau, mình đã tìm hiểu ra một từ khóa Creative Coding – Lập trình sáng tạo/Mã hóa sáng tạo & Generative Design – Thiết kế chuyển đổi. Trong cuộc thảo luận mới đây, với rất nhiều bài viết giữa công nghệ, trí tuệ nhân tạo và cảm xúc của người thực hành sáng tạo diễn ra. Với tư cách là một “nhà báo không chuyên”/nhà thực hành viết, thiết kế và sáng tạo, mình cũng không khỏi nhắc đến.
Thế nên, mình đã tìm hiểu nó trong một khoảng thời gian nhất định, mình định viết những góc nhìn cá nhân về Creative Coding, hơn hết là sự kết hợp giữa công nghệ máy và thiết kế sáng tạo. Cùng với đó, mình sẽ thảo luận chủ đề này với Minh Nguyễn trong bài viết tại iDesign.
Minh Nguyễn & Một nhà thực hành sáng tạo giải pháp kết hợp giữa: quản trị kinh doanh, chuyên môn thiết kế & lập trình sáng tạo
Nguyễn Hữu Quang Minh được biết đến là nhà sáng tạo, người thực hành lập trình, nhà khởi nghiệp (nhiều chức danh) trong lĩnh vực Thiết kế sáng tạo. “Mình sinh ra tại Hà Nội, và theo học ngành Entrepreneurship & Innovation (tạm dịch: Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo) tại Đại học Drexel và đã sinh sống 5 năm tại Philadelphia, Hoa Kỳ. Sau, mình đã chuyển đến & làm việc ở Thành phố New York.”
Minh Nguyễn đang làm việc với vai trò Producer/Project Manager (nhà sản xuất/quản lý dự án) tại AREA17 – một công ty về kỹ thuật số ở Hoa Kỳ, với việc chính là thiết kế website cho các thương hiệu hay các dự án thiết kế sáng tạo lớn như Pentagram, Celine, The New York Times, Balenciaga, OpenAI… Song song đó, anh làm việc như một Co-founder/Production Director (Đồng sáng lập/Giám đốc sản xuất) tại Collective Design Agency – một công ty về thiết kế sáng tạo & ứng dụng giải pháp công nghệ ở Việt Nam, chuyên môn về branding & digital experience (thiết kế thương hiệu và thiết kế truyền thông kỹ thuật số).
Anh có mối quan tâm khá đặc biệt với lập trình – sáng tạo – nghệ thuật. Minh Nguyễn được biết đến về việc chia sẻ lại Generative Design trên mạng xã hội – cách thức ứng dụng trong thiết kế sáng tạo. Bài chia sẻ nhận được nhiều thảo luận mang giá trị từ cộng đồng, trong thời đại công nghệ chuyển giao – mang tính tương lai ngày nay. “Từ những năm cấp III, mình đã có những đam mê về thiết kế đồ họa, sau đó là lập trình. Đến khi bắt đầu học Đại học, mình đã chọn ngành liên quan đến Quản trị Kinh doanh..” Anh kể lại.
Creative Coding – Thiết kế sáng tạo kết hợp giữa thuật toán, chuyển đổi, cảm xúc
Creative Coding (Lập trình sáng tạo) là thuật ngữ được sử dụng để chỉ lập trình thiết kế sáng tạo. Theo Wikipedia, Creative Coding là một dạng lập trình máy tính, nơi mà tạo ra tác phẩm sáng tạo – một thứ gì đó có cảm xúc thay vì chức năng.
Creative Coding không có định nghĩa chặt chẽ, nhưng với các chuyên gia như Tim Rodenbröcker hay Patrik Hübner. Đó là một tiến trình dựa trên việc tìm hiểu, sự lặp lại, sự phản chiếu và khám phá – nơi mà thuật toán được sử dụng như một thành phần chính để tạo ra nhiều tác phẩm đa phương tiện phục vụ cho truyền thông. Lập trình sáng tạo giúp các nhà thiết kế mở rộng khả năng của họ bằng cách kết hợp giữa khả năng lập trình, kiến thức chuyển đổi dữ liệu và cảm xúc ảnh hưởng từ thiết kế đồ họa.
Với góc nhìn từ Minh Nguyễn: Creative Coding giúp các nhà thiết kế có thể suy nghĩ ở một cấp độ cao hơn (design system) so với những nền tảng cơ bản như design element & graphic (yếu tố thiết kế & đồ họa). Thay vì lập trình ra một thứ để giải quyết một vấn đề cụ thể như giải toán, phần mềm ứng dụng… thì chúng ta sẽ dùng Creative Coding để tạo ra một design system (tính hệ thống thiết kế), đôi khi phụ thuộc vào parameter (biến số) và randomness (sự ngẫu nhiên) để tạo ra một (hoặc vô số) thành phẩm hoàn toàn độc nhất dựa trên design system đó.
“Creative Coding là một trong những phương pháp tạo ra được Generative Design. Generative Design bằng Creative Coding là việc cung cấp dữ liệu đầu vào, ở đó máy tính sẽ có quá trình chuyển đổi (generate) dữ liệu bằng sử dụng sự liên kết những “nơron” trong CPU máy tính, tạo ra phần tử thiết kế sáng tạo. Dữ liệu đầu ra là nhiều hoặc hơn 01 thể nghiệm giúp bạn có nhiều lựa chọn triển khai concept (tạm dịch: cách thể hiện thiết kế) tương ứng,” Minh nói.
Tiến trình căn bản cho một lập trình sáng tạo & Một số thử nghiệm xung quanh
Trong quá trình tìm hiểu và sử dụng Creative Coding (dưới sự hướng dẫn từ Minh Nguyễn) & những trải nghiệm học tập khác. Mình cho rằng có các yếu tố (căn bản) cấu tạo thành một tác phẩm sáng tạo bao gồm (1) Mục đích sáng tạo, (2) Ngôn ngữ lập trình, (3) Thực hành lập trình & (4) Thể nghiệm sáng tạo.
(1) Mục đích sáng tạo: Mình có viết một bài viết liên quan Trước khi thiết kế, mình luôn hỏi tại sao?. Với lập trình sáng tạo cũng vậy, bắt đầu xác định điều mong muốn thiết kế để kiểm soát tốt trong quá trình chuẩn bị dữ liệu lập trình.
(2) Ngôn ngữ lập trình giúp bạn giao tiếp với máy tính. Bạn có thể sử dụng phần mềm Processing, ngôn ngữ p5.js để lập trình là một lựa chọn thích hợp.
(3) Thực hành lập trình bắt đầu từ việc làm quen với thuật toán, chuẩn bị cơ sở dữ liệu và thao tác với các tham số và biến số trong ngôn ngữ lập trình. Việc hiểu rõ cấu trúc cơ sở dữ liệu và cách thức hoạt động của các tham số trong ngôn ngữ lập trình là cách bạn đang tiến gần đến mục tiêu cá nhân hơn.
(4) Thể nghiệm sáng tạo/kiểm thử: Đó là quá trình sau việc sử dụng thành thạo thuật toán giao tiếp máy. Thể nghiệm hay kiểm tra nhiều lần giúp đưa ra nhiều giải pháp sáng tạo tốt hơn trong cách máy tính thực hành. Từ mục đích, thực hành lập trình đến quá trình thể nghiệm, chúng ta có thể tìm ra các biến thể và sử dụng chúng để tạo ra những tác phẩm sáng tạo độc đáo.
Ví dụ về một bài toán sáng tạo thuật toán với đề bài: Hãy thử lập trình sáng tạo để chuyển đổi tần số âm nhạc thành một tác phẩm nghệ thuật..
Với kết quả đầu ra, hiệu ứng đốm tròn sáng dựa trên tần số âm nhạc được chồng chéo lên nhau tạo thành một áp phích sáng tạo. Nó được lặp đi, lặp lại và tuân theo một điều kiện có sẵn. Bạn có thể trông thấy khi tần số dexiben của bài hát (đơn vị tần số) to, các đốm màu đó sẽ được đậm và hiển thị to hơn. Những đơn vị âm nhạc được diễn đạt dưới dạng hình dạng sáng tạo, tạo ra một bản thể mới. Theo mình, khi ngồi thực hành lại đoạn code: chúng cũng gợi không ít cảm xúc..
Trong đoạn code diễn đạt rõ cách thức ứng dụng tham số, sự logic của toán học với hàm điều kiện, vòng lặp.. Từ việc khởi tạo biến theo “định dạng” cho trước, ví dụ tham khảo: float freqMix = song.mix.get(int(x)); trong đó float là kiểu biến, freqMix tên phần tử được đặt tự do, song.mix.get() cú pháp gọi hàm… đến những điều kiện ràng buộc để máy tính hiểu rõ và thực hiện thay thế chúng ta phần thiết kế.
Một điểm sáng tạo khác, chúng ta được hiểu rõ công nghệ với cách sáng tạo “bố cục đặt để một cách tự do có kiểm soát – controlled chaos” – nói dễ hiểu hơn, các element design (yếu tố) trong thiết kế được đặt để không theo khuôn khổ nhưng lại làm cho người xem tổng thể trở nên đẹp mắt hay có nguyên lý nào đó được sử dụng. Mình đánh giá cao cách mà công nghệ đã chuyển đổi (generative) điều này.
Để có thể thực hiện những đoạn lập trình cơ bản này. Như gợi ý trước, sau khi thực hiện cấu trúc tổng quan của phần lập trình liên quan, thuộc ngôn ngữ lập trình. Trong từng hạng mục chi tiết bạn cần lưu ý những điều liên quan ngôn ngữ lập trình như: quy định kiểu (kiểu dữ liệu trả về), cách thức vận hành (dựa trên tính điều kiện hay ràng buộc, vòng lặp, etc), thiết kế (màu sắc, bố cục, vị trí xuất hiện phần tử thiết kế: đốm),… Nếu thiết kế trực tiếp dựa trên các phần mềm hay thể hiện bằng thủ công, đối với Processing bạn hoàn toàn dùng thuật toán để thiết kế sáng tạo.
CreAItive Coding là công cụ, con người được đặt để ở vị trí trọng tâm
Với lập trình sáng tạo, con người luôn đóng vai trò chủ chốt hơn công nghệ. Dù công nghệ AI đang phát triển mạnh mẽ, nhưng không đồng nghĩa rằng nó sẽ thay thế tất cả con người. Thông qua sự việc này, đây là cơ hội để có thể phát triển trong lĩnh vực nghệ thuật – sáng tạo nói riêng và những lĩnh vực khác nói chung.
Điều gì cũng có hai mặt, xét về mặt tích cực có thể thấy, nhờ công nghệ ta có thể có nhiều cơ hội phát triển về mặt ý tưởng, hình thức sáng tạo hay kỹ thuật. “Các nghệ sĩ thương mại có thể tìm thấy thêm khách hàng mới bằng cách tìm kiếm người sẵn sàng trả giá cho giá trị cao hơn, mà người sáng tạo có thể cung cấp, thay vì tập trung vào những khách hàng chỉ quan tâm tới sản phẩm được làm ra nhanh chóng với giá trị thấp.” Minh Nguyễn chia sẻ.
Một số người có ý kiến về mặt hại AI trong sáng tạo vì họ tin rằng nó có thể ăn cắp ý tưởng. Tuy nhiên, nguyên lý máy học (Machine Learning) của AI có tính năng học hỏi và nâng cấp những gì đã học, tương tự như não bộ con người hoạt động. Công nghệ luôn là một điều thúc đẩy nhân loại tới những giới hạn mới, thử thách mới. Quan trọng là chúng ta tìm được cách sử dụng công cụ này một cách phù hợp.
“Trong nghệ thuật & sáng tạo, con người luôn cố gắng tìm ý nghĩa từ mọi thứ và đôi khi tự tạo ra những ý nghĩa đó. Trong mua bán sản phẩm trong ngành sáng tạo, giao dịch giữa con người và con người vẫn được đánh giá cao hơn giao dịch giữa con người và sản phẩm. Nếu muốn thành công, hãy tập trung vào những khách hàng sẵn sàng trả giá cho giá trị cao hơn mà người sáng tạo có thể cung cấp”, anh bộc bạch.
Ghi chú: Bài viết của mình được thực hiện trong khoảng thời gian năm 2023 với những trải nghiệm cá nhân cũng như chia sẻ từ nhân vật. Vì vậy đây là thông tin chỉ đúng trong thời điểm hiện tại, rất vui vì được giới thiệu bài viết này với quý độc giả của iDesign.
Viết bài: Lê Quan Thuận
Thiết kế: Uyên Nguyễn
Hình ảnh được cung cấp bởi nhân vật
Các bài khác cùng chủ đề
- 1. Calligrapher Đào Huy Hoàng: “Mình chẳng có gì ngoài kiên nhẫn cả”
- 2. Hậu trường Việt Sử Kiêu Hùng - góc nhìn cận cảnh về nghề lồng tiếng
- 3. Illustrator Đốm: Đem lại ấm áp cho người khác bằng tranh vẽ
- 4. Triển lãm “Vẽ về hát bội” - cánh cửa giao thoa văn hoá giữa hai thế hệ
- 5. Illustrator Kỳ Huỳnh: Dùng lý trí để tư duy sáng tạo
- 6. VR ở Việt Nam: Không khó về kỹ thuật mà là con người
- 7. Vietnam Geographical Indications - Hành trang đưa nông nghiệp Việt bước ra thế giới
- 8. Dạo quanh một vòng triển lãm tốt nghiệp tại Đại học Văn Lang
- 9. Có gì ở triển lãm tốt nghiệp tại đại học Mĩ Thuật (TP.HCM)?
- 10. Dự án “THỊ ƠI”: Trào phúng cùng những cô Thị thích đùa