Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam

Sự náo nhiệt, hối hả và phần nhìn vô cùng đặc trưng của đường phố Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho những nhà sáng tạo Việt. Nắm bắt được tinh thần này, Trương Chí Nguyện (Graphic & Type Designer) đã “ủ mưu” thực hiện dự án Sans-Phố Typeface, một dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công ở các địa điểm công cộng trên khắp Việt Nam. 

Suy nghĩ cái tên cho dự án, Nguyện nhận thấy “Việc qua đường ở đường phố Việt Nam có thể được ví như một môn thể thao vừa mạo hiểm vừa hài hước, trong khi đó, những người Việt chính là những vận động viên cực kỳ chuyên nghiệp và rất cá tính”. Vậy nên, cái tên Sans-Phố ra đời.

Sans-Phố có thể được hiểu là “Sans” trong “Sans-serif” (chữ không chân) và “Phố” có nghĩa là “Phố Việt Nam”. Sans-Phố cũng đồng âm với từ “Sang phố” trong tiếng Việt có nghĩa là “Băng qua đường”

Cùng iDesign chiêm ngưỡng bộ Typeface đặc sệt chất liệu đường phố Việt Nam này và nghe Chí Nguyện chia sẻ quá trình bạn ấy cùng đồng đội “vượt cạn” để hoàn chỉnh bộ Typeface này nhé!

Các trang thông tin và liên hệ với Chí Nguyện:

Behance | Facebook | Instagram

Trước hết, vì sao Nguyện lại lựa chọn thử sức với đề tài về Type Design – Thiết kế mặt chữ?

Từ lâu, Nguyện đã rất yêu thích con chữ, đặc biệt là mặt-chữ Tiếng Việt, nên mình rất để tâm đến những biển hiệu quảng cáo khi dạo trên khắp phố phường Việt Nam. Có thể vì vậy mà tình yêu này được ấp ủ từ đó và kết hợp cùng với chất liệu đường phố Việt Nam, mình đã tạo nên Sans-Phố Typeface. 

Để đến được với quyết định chọn nhóm đề tài nào cho dự án này, Nguyện cũng đã khá trăn trở và suy nghĩ nhiều trong một thời gian. Vì hiện tại theo Nguyện tự đánh giá thì Type Design vẫn là một ngành công nghiệp khá mới ở Việt Nam, định nghĩa này vẫn còn khá xa lạ với các doanh nghiệp kể cả các bạn trong chính ngành thiết kế đồ họa.

 “Liệu rằng mình đã đủ kiến thức để có thể bắt đầu thiết kế một typeface chưa?” “Đọc những sách nào?” “Đọc đến bao giờ thì đủ để bắt đầu?”. Đấy là loạt những câu hỏi mà mình tự định kiến cho chính bản thân từ những ngày đầu khi chưa quyết định được nhóm đề tài của mình. Và rất nhiều nỗi sợ phải đối mặt với nhiều ý kiến khác nhau trong bối cảnh Type Design ở nước mình hiện tại. Nhưng cuối cùng, Nguyện đã quyết định chọn Type Design và thử thách bản thân mình vượt qua rào cản lần này.  Một phần để có thể thỏa mãn tình yêu làm-chữ, chín phần còn lại mình muốn bắt đầu cái-đầu-tiên này để có thể có những cái tiếp theo, dù cho cái-đầu-tiên của mình có ra sao đi nữa. Đây cũng là một cơ hội lớn để mình có thể học tập và hiểu rõ hơn về con chữ nói riêng hay Type Design nói chung.

Điều gì khiến bạn quyết định lựa chọn sử liệu các chất liệu đường phố Việt Nam để làm cảm hứng cho dự án này?

Câu chuyện của Sans-Phố cũng bắt nguồn từ những mặt chữ thủ công trên các biển hiệu/quảng cáo được chính những người dân Việt Nam cắt dán bằng tay. Chính vì vậy, đường phố Việt Nam là một chất liệu khởi nguồn cho Sans-Phố, nó không chỉ bao gồm về thủ pháp cắt dán, mà còn là khi mặt chữ hòa vào đời sống của người dân địa phương, mà cụ thể là khi mặt chữ đã chứng kiến toàn bộ sự kiện trong cuộc sống hằng ngày, từ con người, hàng quán, giao thông, hay những âm thanh náo nhiệt, đôi lúc cũng ồn ào. Với mình, tất cả cùng với mặt chữ tạo nên một visual-pollution (tạm dịch: ô nhiễm hình ảnh) vô cùng thú vị.

Như Nguyện đã giới thiệu, Sans-Phố phù hợp để ứng dụng cho các nội dung thuộc title (tiêu đề) và headings (thẻ tiêu đề). Vậy các đặc tính nào của bộ Typeface Sans-Phố khiến bạn nhận thấy có sự phù hợp đó?

Hiện tại Sans-Phố chỉ có style font là Condensed-Bold. Bởi mặt chữ này lấy cảm hứng từ các mặt chữ cắt dán trên đường phố công cộng; các nội dung hiển thị trên đường phố đa phần đều phải đáp ứng 2 điều kiện: Đọc đúng thông tin và đọc nhanh.

Vì vậy, bạn có thể thấy các mặt chữ này đa số sẽ được thiết kế ở một độ dày và hiển thị ở một kích thước lớn nhất định, để khi ở một vị trí xa nhất định, người tham gia giao thông vẫn có thể đọc đúng thông tin. 

Ngoài ra, với những lượng thông tin nhiều ký tự, đôi lúc chúng được trình bày dưới tác động nén lại (condensed) để có thể hiển thị đầy đủ nội dung mà người thiết kế muốn truyền tải. Thừa kế từ 2 yếu tố này, Sans-Phố typeface sẽ hoạt động tốt cho các tiêu đề, headings hơn là các đoạn văn bản có nhiều dòng và nhiều ký tự.

Quá trình research (nghiên cứu) đã diễn ra như thế nào? Sau quá trình này, bạn nhận thấy đâu là những yếu tố “đắt giá” để bạn đưa vào bộ Typeface của mình?

Trước khi bắt đầu vào thực hiện thiết kế mặt chữ, Nguyện đã đi khảo sát ở rất nhiều biển hiệu trên các con đường, chụp lại và ngồi phân tích những mặt chữ. Sau đó, research và làm case study về các mặt chữ được thiết kế cho hệ thống giao thông trên thế giới; điểm này rất quan trọng vì nó không chỉ là câu chuyện của Sans-Phố mà mình mong muốn mặt chữ Sans-Phố cũng được ứng dụng sử dụng trên đường phố, khu vực công cộng. 

Ngoài ra, mình cũng có đọc thêm quyển Designing Type của cô Karen Cheng để có thể học thêm những kiến thức bổ sung cho chuyên môn thiết kế chữ.

“Việc research, phân tích case study và thử nghiệm đã giúp mình nhận ra rất nhiều thứ, từ quy trình thực hiện một bộ chữ cho đến tính con người được thể hiện trong phương thức cắt dán bằng những đường vạt thẳng tương đối thô; và việc tạo ra nguyên tắc cho một bộ chữ rất quan trọng, vì nó giúp mình duy trì DNA của Typeface đó.”

Nguyện đã bắt đầu từ đâu?

Sau khi research và phân tích xong các case studies, Nguyện tìm hiểu về quá trình cắt dán thủ công, từ những bài cắt dán ngày xưa khi mình ở lớp tiểu học, hay thậm chí là một video trên youtube hướng dẫn cắt dán chữ thủ công bằng tay của một chú tự quay lại. Sau đó mình đọc thêm Designing Type của cô Karen Cheng để có thể nắm rõ hơn về kiến thức để đưa chữ từ phương pháp thủ công lên digital. Và rồi, mình bắt đầu cắt dán thực tế để có thể hiểu được quy tắc, chất liệu hay cả những texture (kết cấu), structure (cấu trúc) được tạo nên từ những đường cắt của dụng cụ cắt. Đây là lúc Nguyện cũng thành lập nên principles về executing (nguyên tắc thực hiện) cho Sans-Phố Typeface. 

Mình bắt đầu với chữ cái O viết hoa và chữ cái o viết thường, bước này nhằm quyết định được DNA của bộ chữ và cũng xác định được các đường gióng (metric lines); sau đấy dùng cấu trúc của chữ o thường làm nền tảng để tạo nên những kí tự có cấu trúc tương tự, ví dụ như chữ c, e viết thường; bộ chữ viết hoa cũng từ quy trình đó được tạo nên. Cuối cùng, mình đưa mặt chữ lên digital triển khai.

Bạn định hình phong cách cho bộ Typography Sans-Phố là gì?

Trông giống Geometric Sans-Serif (Sans-Serif: chữ không chân) nhưng nếu tìm hiểu kĩ hơn về Geometric Sans thì Sans-Phố không thuộc diện này. Mình đơn giản giới thiệu rằng Sans-Phố là một Sans-serif Typeface có 1 style font là Condensed-Bold.

Theo bạn, đâu là yếu tố “khó nuốt” nhất trong dự án? Bạn đã xử lý nó như thế nào?

Một trong những case mình nghiên cứu về các mặt chữ có thể kể đến: “Năm 2004, kiểu chữ Clearview (được thiết kế bởi Type Designer – Don Meeker) đã được Cục Quản lý Đường cao tốc Liên bang (FHWA) phê duyệt thay thế cho kiểu chữ Highway Gothic trên toàn bộ đường cao tốc tại Mỹ sau hơn 60 năm sử dụng. Trước đó, Highway Gothic có nhiều vấn đề về tính dễ đọc của kiểu chữ trên các biển báo và gây ra mất an toàn cho giao thông (cụ thể là do các khoảng trống bên trong các chữ “a”, “e” và “u”, các chữ này sẽ dễ bị đọc thành chữ “o” trong khi di chuyển ở tốc độ nhanh gây ra đọc sai thông tin; hay hiệu ứng Halation xảy ra khi ánh sáng chói của đèn pha vào ban đêm, làm không thể phân biệt được chữ “i” và chữ “t”).

Các nghiên cứu của PTI cho thấy: so với Highway Gothic, Clearview đã cải thiện khoảng cách đọc lên 16%, có thể dễ dàng chuyển thành khoảng cách đọc thêm 80 feet hoặc thêm 1,2 giây thời gian đọc cho người lái xe di chuyển với tốc độ 45 dặm một giờ. Dù vậy, sau 12 năm sử dụng Clearview, năm 2016, FWHA thông báo hủy bỏ tuyên bố năm 2004 và sử dụng trở lại Highway Gothic, áp dụng cho 50.000 dặm đường cao tốc và 4 triệu dặm đường bộ trên khắp nước Mỹ; với kết luận rằng mặc dù Clearview hoạt động tốt đối với chữ trắng trên nền tối, nhưng nó không hiệu quả đối với chữ tối trên nền trắng và một số lí do khác. (Tham khảo từ “To Halation and Back: How a Freeway Font Can Save Your Life” của tác giả Ami Pascual từ medium.com)

Qua case study này, mình đã rút ra rằng, một mặt chữ khi được thiết kế chuyên dụng cho giao thông, hay sử dụng trên đường phố cần phải tối ưu về việc tạo hình, cấu trúc chữ; một sự thay đổi nhỏ có thể ảnh hưởng lớn đến việc đọc đúng và đọc nhanh thông tin truyền tải. Cả Highway Gothic và Clearview đều được ứng dụng vào hệ thống giao thông, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng cần phải thể hiện rõ được visual concept từ môi trường chúng được đặt để và sử dụng, mà quan trọng hơn đó chính là chức năng, tính nhận diện chữ và tính dễ đọc của mặt chữ đó.

Sau đó, mình đã liên tục đặt ra những câu hỏi, “Liệu một mặt chữ mang đậm visual concept (tạm dịch: khái niệm hình ảnh) thì có đáp ứng được việc đọc không (đặc biệt ở trường hợp sử dụng ở không gian công cộng, đường phố cần đọc đúng và đọc nhanh thông tin)”; hay ngược lại, “Nếu một mặt-chữ hoàn toàn functional (có tính hữu ích), cực kỳ dễ đọc, thì liệu có thuyết phục không khi nói rằng câu chuyện của nó xuất phát từ chất liệu đường phố Việt Nam nhưng không thể hiện được bất kỳ đặc tính nào?”

Với mình, ngay từ đầu, Sans-Phố ra đời không nhằm giải quyết cho vấn đề kiểu chữ trong hệ thống giao thông, mà Sans-Phố đi từ câu chuyện đường phố và được ứng dụng trong không gian công cộng (như biển quảng cáo, thông báo, ấn phẩm in ấn,…). Vậy nên, cuối cùng, việc cân bằng giữa visual concept và function (chức năng) của một mặt chữ mới là tiêu chí mình đặt ra và phải giải quyết trong xuyên suốt quá trình thiết kế Sans-Phố Typeface.

*Highway Gothic (chính thức được gọi là phông chữ FHWA Series hoặc Bảng chữ cái tiêu chuẩn cho biển báo đường cao tốc) là một kiểu chữ sans-serif được phát triển bởi Cục quản lý đường cao tốc liên bang Hoa Kỳ (FHWA) và được sử dụng cho biển báo đường bộ ở Châu Mỹ, bao gồm Hoa Kỳ, Canada, Châu Mỹ Latinh và một số quốc gia vùng Caribe, cũng như ở các quốc gia Châu Á chịu ảnh hưởng từ thông lệ biển báo của Mỹ, bao gồm Philippines, Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia, Indonesia và Thái Lan.

Hãy kể về kỉ niệm đáng nhớ nhất trong quá trình bạn thực hiện dự án?

Kỉ niệm đáng nhớ nhất là giai đoạn “vượt cạn” cùng với bạn bè, đồng đội, chúng mình đã chăm sóc lẫn nhau như một gia đình. Và kỉ niệm về những đêm thức trắng không vì gì, chỉ vì ngồi chỉnh detail (chi tiết) của từng ký tự cho đã cái nư; suốt hành trình digitalize (số hóa) bộ chữ, mình đã điều chỉnh, gần như đã làm lại 3 lần toàn bộ kí tự của Sans-Phố Typeface. 

Nguyện hay đùa với bạn mình rằng là, nếu cứ giữ file bộ chữ này mà mãi không tung ra thì chắc cứ đè nó ra chỉnh miết thôi. Hiện tại, Nguyện cũng đang điều chỉnh lại lần cuối nên mong là trong tháng 03 này, mình có thể kịp cho ra mắt Sans-Phố Typeface để mọi người có thể sử dụng.

Trong tương lai, Nguyện có dự định theo đuổi Typography một cách chuyên nghiệp hơn không? Các yếu tố nào từ Typography khiến bạn cảm thấy hứng thú và muốn tìm hiểu sâu hơn?

Ngay từ lúc bắt đầu dự án, Nguyện đã đặt mục tiêu rằng Sans-Phố Typeface là cái đầu tiên, hay chính là tiền đề để có thể bắt đầu cho hành trình làm-chữ của mình. 

Với Nguyện, con chữ là một phương tiện truyền tải cảm xúc tốt, từ chữ viết tay cho đến chữ sử dụng cho digital, ở mỗi phân loại kiểu chữ đều có riêng một cách thể hiện cảm xúc của một ý tưởng. Vì vậy, mình luôn có hứng thú với các mặt chữ. Với mình, con chữ luôn giữ một giá trị timeless (vượt thời gian) và là yếu tố đồ họa quan trọng xuất hiện trong hầu hết các thiết kế.

Thực hiện: May

Thiết kế hình ảnh cover bài viết: Uyên Nguyễn

Cùng tác giả

#Tag

idesign signature may Sans-Phố Typeface Trương Chí Nguyện Type Design

iDesign Must-try

Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
A’ Design Award & Competition – Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ theo đuổi mục tiêu vinh danh các công trình thiết kế xuất sắc đã được đề…
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
Những mảng xanh trùng điệp yên bình của vùng đất nông nghiệp Palouse 
Những mảng xanh trùng điệp yên bình của vùng đất nông nghiệp Palouse 
Những ngọn đồi thoai thoải ở vùng Palouse miền bắc Hoa Kỳ với đất đai màu mỡ là kết quả của hoạt động núi lửa cổ xưa và xói mòn…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Picasso
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Picasso
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…
Maybe bạn nên … Đi! Tháng 03/2023
Maybe bạn nên … Đi! Tháng 03/2023
/Maybe bạn nên … Đi/ là series giới thiệu những sự kiện nổi bật trong tuần hoặc trong tháng mà bạn không nên bỏ lỡ 1. Triển lãm ‘Alice ở…