Hiếu Vũ: Âm nhạc & sự chuyển động, khoảnh khắc chủ chốt cho câu chuyện

Những chuyển động sáng tạo của vật thể được Hiếu Vũ lấy cảm hứng từ đời thường, đặc biệt là về âm nhạc. Tiếp sau đó là khoảnh khắc chủ chốt trong một câu chuyện chuyển động sẽ được trình làng sắp tới đây!

Khi mình bắt đầu bài viết này, mình tự hỏi: “Trong một video thiết kế chuyển động (motion) sẽ có điều gì đặc biệt thu hút mình?”. Bằng phương pháp cá nhân, mình tiếp cận với việc thu thập những thông tin trên website để có thể hiểu hơn về nó. Và với một sự liên tưởng khác, trong khoảng thời gian mình học về thiết kế đồ họa 2D, bài học mình luôn ấn tượng rằng: “điểm chủ chốt/điểm neo” trong một thiết kế..

Mình xin được phép để từ nguyên bản bằng tiếng Anh trong bài viết này. Nếu khi học thiết kế 2D, mình hay gọi cụm từ bằng Focal Point (điểm chủ chốt/điểm neo) thì thiết kế chuyển động (motion design) gọi rằng Key Moments (Khoảnh khắc chủ chốt). “Nó có mối liên hệ với nhau, mình nghĩ vậy!

Mình sẽ không nói về chủ đề lần này một mình, mà cùng với iDesign và Hiếu Vũ – một nhà thiết kế sáng tạo ở Hà Nội. “Một mảng miếng gì đó, mong rằng hữu ích cho bạn đọc.

Hiếu Vũ & Trải nghiệm sáng tạo với một trường Đại học, hai Studio và một Đội nhóm

Mình tên Vũ Đức Hiếu, lấy biệt danh là Hieu Vu cho hoạt động thiết kế và sáng tạo nội dung, hiện đang sinh sống tại Hà Nội. Mình bắt đầu tìm hiểu về Adobe After Effects – một phần mềm thiết kế và thiết kế Motion từ năm lớp 11,” Anh chia sẻ.

Hiếu Vũ – một nhà thiết kế sáng tạo ở Hà Nội

Chàng trai sinh năm 1997 thổ lộ thêm, khi lên đại học, anh theo đuổi ngành thiết kế đồ họa (graphic design) tại trường Đại học Illinois Wesleyan, Hoa Kỳ – nơi mà anh lần đầu được học tập và làm việc xung quanh các người bạn cùng chí hướng. Anh từng làm việc, hợp tác dự án với các studio trên thế giới có thể kể đến 90 Degrees West, We Are Royale, Fustic., Martian Bass Records, Illinois Wesleyan University. Từng được nhắc đến với những tờ báo/truyền thông trong nước và quốc tế: The Rolling Stones, Udiscovermusic, Billboard, Illinois Weslayan University, Sàigòneer, Type O1.

Hiếu có cơ hội thực tập ở hai studio đó là 90 Degrees West ở St. Louis và We Are Royale ở Los Angeles. Năm 2017, Hiếu được Hải Doãn mời tham gia vào Fustic. Studio – nhóm thiết kế sáng tạo ‘hướng đến tương lai’ kết hợp giữa thiết kế, đồ họa chuyển động và công nghệ. “Từ đây, mình là thành viên thứ 5 của nhóm!” Anh hài hước.

Một số hình ảnh được trích từ các dự án motion của Hiếu Vũ

Dự án nổi bật mà mình muốn kể đến có lẽ là chiếc phim ngắn nhỏ: .acceptance – mình thực hiện hồi lúc năm cuối Đại học. Phải mất đến một tháng để mình hoàn thành và tận dụng kỹ năng thiết kế từ 2D đến 3D. Mình tự hào nhất về nó vì dự án hội tụ tất cả cảm xúc và tâm huyết,” Anh bày tỏ.

Anh chàng còn nói về Tuấn Sơn – người truyền cảm hứng cho anh từ hồi thời cấp II. Hiếu kể lại, khi bài vở trên lớp không còn mang cho anh cảm giác cần phải theo đuổi, anh có vẻ thích những chiêu trò photoshop mà Sơn đang thực hiện. Chiếc ứng dụng ‘phù thủy hình ảnh’ này khiến cho Hiếu mê mẩn và thu mình vào đó. “Hơn hết, mình được anh Sơn chỉ dạy mọi thứ về thiết kế, các định nghĩa trên photoshop, chuẩn mực về màu sắc… đây là nền tảng mà mình không bao giờ quên được.”

Một số hình ảnh được trích từ các dự án motion của Hiếu Vũ

Hiếu thích âm nhạc, thích sự tương tác giữa con người & sự tinh tế trong chuyển động của mọi vật. Và nhờ vào những điều đó, anh đều lọc qua máy lọc cảm xúc của mình để tạo ra tác phẩm hoàn chỉnh..

Kể lại quá trình thực tập sinh, Hiếu làm việc với 90 Degrees West vào năm 2018, và với We Are Royale năm 2019. Anh chàng chia sẻ bản thân được tham gia vào trong đội ngũ thiết kế motion và phần việc chính liên quan đến việc lên ý tưởng chuyển động cho thiết kế hoặc cho các concept thiết kế. “Rất may mắn là trong những lần tham gia mình được thực hiện công đoạn từ đầu đến cuối bao gồm đối diện với khách hàng, lên ý tưởng thiết kế, sản xuất chuyển động, giao hàng và đóng gói nên mình được chạm trán với các trách nhiệm điển hình trong một nhóm thiết kế motion. Yếu tố con người với mình thật sự quan trọng.

Ở 90 Degrees West, Hiếu chia sẻ, công ty làm thiên về chuyển động 2D nên đội ngũ thiết kế khá nhỏ, nhóm chỉ có ba thành viên. Do đó, Hiếu với đồng nghiệp gắn bó khá thân thiết, luôn luôn ăn trưa cùng nhau và cũng rủ nhau đi thăm thú thành phố nhân dịp các ngày lễ của Mỹ.

Dự án thiết kế motion .acceptance được đăng tải trên nền tảng Vimeo

Ngược lại, We Are Royale là một studio tập trung vào sản xuất những video thiết kế motion nên thường thuê người thiết kế tự do bên ngoài (freelancer) để làm việc trong thời gian ngắn. “Mỗi tuần mình được làm quen với một bạn mới, thời gian tiếp xúc khá ngắn nhưng mình vẫn tranh thủ làm bạn với các bạn đó, và một số bạn đến bây giờ mình vẫn liên lạc.”

Ngoài thực tập, Hiếu còn kể thêm trải nghiệm làm việc với Fustic., anh phấn khích, “Mình cảm giác cả nhóm khá hiểu nhau và có mức độ tôn trọng giữa nhau rất lớn, nên mỗi lần có cơ hội tham dự một dự án gì đó với các thành viên còn lại thì mình đều cảm thấy vui như Tết. Đến bây giờ chúng mình vẫn cùng nhau làm việc với những dự án sáng tạo.

Âm nhạc khơi gợi tâm hồn, sự nhạy cảm trong ‘công việc chuyển động’ của anh chàng

Bắt đầu học đồ họa chuyển động từ năm lớp 11, thời điểm đầu, Hiếu dành phần lớn thời gian để xem các video trên nền tảng youtube, từ những người kỳ cựu trong ngành như Andrew Kramer, Mt. Mograph, Surfaced Studio. “Mình vừa xem, vừa tập tành làm theo”. Từ nền tảng học hỏi này, dần dần, anh thể nghiệm nhiều hơn, rèn luyện tính tự học và điều này nó cũng là thói quen theo anh trong việc khởi xướng các dự án cá nhân. “Những lúc có khúc mắc gì, mình sẽ tự tìm tòi và cố gắng giải quyết ngay, tạo cho mình việc tự lập và tìm lối giải quyết riêng khi gặp những vấn đề,” Hiếu Vũ chia sẻ.

Một số hình ảnh được trích từ các dự án motion của Hiếu Vũ

Việc học công cụ After Effects và thiết kế Motion vẫn luôn được anh cập nhật mỗi ngày. Ngoài việc tự học, Hiếu còn học từ bạn bè, đồng nghiệp. “Mình thấy có những bài học quý hoá khi mình đi làm, đó là những lần được đồng nghiệp và bạn bè thỉnh giáo, hướng dẫn cho mình. 

Phương pháp này mình cũng hay áp dụng, ví dụ như Hải Doãn chỉ cho mình cách dùng công cụ Null (công cụ hiệu chỉnh tất cả mọi điểm nối với nó), mình sử dụng trong trường hợp để chỉnh kích thước toàn bộ vật trong cảnh. Hay Dylan ở We Are Royale mở rộng cho mình hiểu về công cụ Roughen Edges, không chỉ dùng trong việc làm biến dạng đường viền mà còn nhiều hơn thế. 

Thậm chí có lần mình làm việc thiếu năng suất, trễ deadline (thời gian giao nộp) chỉ vì mình blur (hiệu ứng làm mờ) vật thể không đúng, nên lần đó, ông chú trong nhóm giành tập tin thiết kế (file) để làm giúp mình. Mình thật sự nhớ đến suốt đời nhờ những lần như vậy.” 

Một số hình ảnh được trích từ các dự án motion của Hiếu Vũ

Điều mà Hiếu ấn tượng, về một nguyên lý cá nhân: “Kiến tạo nên khoảnh khắc”. Suốt khoảng thời gian đi học, anh chàng không bao giờ rời chiếc máy nghe nhạc walkman của anh. Với Hiếu, âm nhạc là một phần trong sự kiến tạo trong anh, nó mang đến cả những trải nghiệm tốt cho khán giả khi tận hưởng dự án đồ họa chuyển động. 

Thể loại âm nhạc mình nghe rất đa dạng, nhưng nếu phải nói gói gọn lại thì mình vẫn luôn luôn là fan cuồng của thể loại nhạc experimental music (âm nhạc thể nghiệm), âm nhạc điện tử, trip hop, downtempo. Đôi lúc mình nghe một chút dubstep và dạo gần đây 4 năm trở lại, mình bắt đầu nghe rap. Âm nhạc mình nghe đa số là không lời, khá ủ rủ (moody), gợi lên cảm xúc mang tính khá chủ quan. Thành thật thì hồi đó chắc mình không dám chia sẻ danh sách (playlist) nhạc cho bạn bè. 

Ngược lại, thì những bài này gợi cho mình nhiều cảm hứng về sự tưởng tượng, liên tưởng: hình khối đang nhảy múa, màu sắc đang chuyển sắc (gradient), hay những hình ảnh đồ vật. Các bài có chất liệu (texture) càng phức tạp thì lại càng gợi lên các viễn cảnh sặc sỡ và nhiều hình khối. 

Từ đó, mình lấy công cụ để chuyển hóa những suy nghĩ của mình lúc bấy giờ thành hiện thực rồi chia sẻ với bạn bè xung quanh, và mình nghĩ motion là lối thoát cho mình lúc bấy giờ. Với những điều bé nhỏ, mình góp nhặt chúng để có thể kiến tạo nên những khoảnh khắc, mình nghĩ nó sẽ là chất xúc tác đầy thú vị, đầy lôi cuốn trong sản phẩm motion.”

Dự án thiết kế motion je croirais được đăng tải trên nền tảng Vimeo

Học motion giúp Hiếu trau dồi sự nhạy cảm đối với các chuyển động và biến đổi của sự vật xung quanh. Theo anh, mọi thứ di chuyển theo quy luật nhưng chính những quy luật giúp cho chúng trở nên hấp dẫn. Nếu để ý, một chiếc bánh xe bắt đầu xoay với vòng xoay quá lớn, ta có thể cảm nhận như nó đang đứng yên hoặc bắt đầu quay ngược lại.

Hoặc khi con bướm vỗ cánh, bay lượn thì Hiếu sẽ đặt câu hỏi: “Lực truyền vào phía thân con bướm mỏng manh từ đâu?”. Sự cảm nhận được giới hạn thị giác con người khi tiếp cận thứ gì đó đang diễn ra. Và Hiếu sử dụng giới hạn thị giác để truyền tải và cấy lên cảm xúc cho người xem tác phẩm của anh.

‘Khoảnh khắc chủ chốt’ trong một quy trình sản xuất motion

Trong thiết kế motion, có một khái niệm mang tên Key Moments. Key Moments là những khoảnh khắc chủ chốt, những điểm neo thị giác trong một tác phẩm đồ họa chuyển động, nhờ vào đó chuyển động hình ảnh trở nên mượt mà, mang tính câu chuyện rõ ràng. Như mình có gợi nhắc ở phần đầu, một tác phẩm cần có điểm/khoảnh khắc chủ chốt, nó là yếu tố xuất hiện gây tác động đến thị giác người xem và dẫn họ đi theo chủ ý của người thiết kế. 

Hình ảnh minh họa về Key Moments (Màu vàng) trong chuyển động motion

Vậy, quá trình thiết kế đồ họa chuyển động diễn ra như thế nào? Và khoảnh khắc chủ chốt là gì trong quá trình này?

Quy trình sản xuất tác phẩm đồ họa chuyển động khởi đầu bằng viết một kịch bản ghi ra nội dung chính của tổng thể video và các phân đoạn nhỏ trình bày nội dung đó. Sau đó sẽ phác thảo nháp (draft sketch) tạo thành một bảng câu chuyện (storyboard) bao gồm những khoảnh khắc chủ chốt và tình tiết trong chuỗi diễn biến câu chuyện trong đó.

Tiếp đó là phối màu, thiết lập một phong cách thiết kế riêng cho cả video (lên styleframe/moodboard, định hướng – direction). Sau khi tất cả các đoạn trong kịch bản được thiết kế tĩnh thì sẽ bắt đầu làm chuyển động. Tùy vào từng studio thì quá trình này có thể được xào nấu hoặc đảo lộn lẫn nhau.

Styleframes – Hình ảnh thuộc một khung hình trong thiết kế motion giúp người thiết kế có thể định hướng phong cách tổng thể

Các khoảnh khắc chủ chốt thường được lấy ra từ trong kịch bản motion và bao gồm nội dung. Việc chọn ra các key moment trong quá trình sáng tạo giúp sàng lọc hơn việc tiếp diễn một câu chuyện và đơn giản hóa công đoạn sáng tạo. 

Để chọn ra được các khoảnh khắc chủ chốt đó thì mình phải dựa vào chiều dài của kịch bản nội dung và cảm hứng chính mình muốn truyền tải. Mình thấy là công việc chọn ra và thiết kế các khoảnh khắc đó cũng yêu cầu khá nhiều năng lượng sáng tạo không kém gì khâu sản xuất.

Nhiệm vụ chính của key moments là để trả lời các câu hỏi cái gì, ở đâu, vì sao, làm thế nào trong phân cảnh. Mình nghĩ bản phân cảnh thông thường của một dự án motion sẽ đơn giản hơn nhiều so với trong dự án mang tính điện ảnh, nhưng trong đó thì các phân cảnh vẫn bao gồm các chủ thể, các yếu tố thiết kế, sự chuyển động của chúng và đôi khi bao gồm cả màu sắc. 

Và để có thể vẽ ra một phân cảnh thì mình và đồng nghiệp sẽ phải lần lượt trả lời các câu hỏi như: Ý của tác giả trong kịch bản muốn nói là gì? Cảm giác chính mà tác giả muốn truyền tải là gì? Những thứ mà tác giả nói gợi lên cho mình suy nghĩ về những sự vật như thế nào? Những sự vật đó sẽ di chuyển như thế nào và tác động như thế nào đến nhau để gợi lên các cảm xúc đó? Và bố cục của các sự vật đó trông như thế nào để cho cảnh bắt mắt nhất? 

Sau khi đã chắt lọc ra được các phân đoạn chính như vậy rồi thì phần tiếp theo của công đoạn là sẽ chèn thêm giữa chúng các phân cảnh phụ hoặc phân cảnh giao thoa để việc đi từ khoảnh khắc A đến khoảnh khắc B diễn ra hài hòa. Nếu người khác nhìn vào storyboard của mình mà không bị lúng túng thì có thể nói là storyboard đã làm đúng nhiệm vụ,” Anh giải thích thêm.

Một số hình ảnh Styleframes thuộc dự án của Hiếu Vũ

“Một thiết kế tốt có thể cứu được phần chuyển động nhưng nếu ngược lại, thì..

Khi thiết kế motion, theo Hiếu, anh chú trọng những yếu tố về nền tảng chẳng hạn màu sắc, bố cục, sự chuyển động uyển chuyển có mục đích, sự chuyển giao giữa các cảnh có ý nghĩa. Thêm nữa, Hiếu nói, trong những dự đơn lẻ, thứ mang cho anh những kết quả tốt nhất luôn luôn là tính tò mò và sự thử nghiệm. “Thử nghiệm cử động cách một đồ vật đi từ A đến B hoặc thử nghiệm cách chuyển cảnh từ cảnh một sang cảnh hai. Có vô vàn cách để xử lý nó và truyền tải đúng cảm xúc cũng như cách xử lý một vấn đề thiết kế.” Đút kết từ nhiều năm thực hành motion, Hiếu Vũ cho rằng, nên bắt đầu với kiến thức và đầu óc thiết kế tốt. “Thiết kế tốt và chỉn chu sẽ cứu được motion dở. Nhưng mà, motion tốt đến mấy cũng không thể cứu được thiết kế dở.”

Và khi bàn về tính nguyên bản trong sáng tạo – một câu hỏi mình rất hiếu kỳ khi hỏi các anh, chị làm sáng tạo. Vẫn không ngoại lệ, mình nhận được câu trả lời từ Hiếu với một trạng thái đầy học hỏi, chăm chú: “Theo trong suy nghĩ của mình, người ta hay nói là trong ngành sáng tạo thì không có gì là nguyên bản vì tất cả mọi thứ đều có khởi nguồn từ một người sáng tạo nào đó. 

Và việc của nhà thiết kế là đưa những khởi nguồn và cảm hứng đấy qua túi lọc cảm xúc và trải nghiệm của mình để trình bày và đưa ra một giải pháp được cảm hứng bởi khởi nguồn đó. Mình thấy nhận định đấy cũng ‘nửa đúng nửa sai’.

Ngày nay, đặc biệt trên mạng xã hội thì sự nguyên bản giữa các tác phẩm ngày càng mờ đi khi người tham gia vào sáng tạo thiết kế ngày càng nhiều, càng ngày học hỏi và được cảm hứng bởi nhau và giá trị của một tác phẩm được cân đo đong đếm bằng lượt tương tác. 

Tuy vậy thì mình vẫn thấy những tác phẩm thực sự nổi trội do được chủ nhân của chúng chăm sóc hơn về mặt trình bày, khổ luyện, và nét riêng của cuộc đời và trải nghiệm của họ tô đậm cho tác phẩm. Thì tính nguyên bản đối với mình nằm ở đó, trải nghiệm cuộc đời, sự tận tụy và cách trình bày cảm xúc nói lên con người và cả tác phẩm đó,

Một số hình ảnh được trích từ các dự án motion của Hiếu Vũ

Cuối cùng, mình xin kể về .acceptance – dự án phim ngắn mà Hiếu giành nhiều tâm huyết nhất để thực hiện. Khi anh kể với mình, mình nhận thấy được điều đó trong cách anh thổ lộ. Dự án đánh dấu cột mốc tốt nghiệp và cũng là lời tạm biệt con đường học vấn trên ghế trường Đại học. Ý tưởng từ bài hát “The Owl and The Tanager” của Sufjan Stevens, “nó như gói gọn trải nghiệm 16 năm trường lớp và tự mở ra một chương mới trong đời mình.

Tên phim ngắn được tạm dịch là .sự chấp nhận. Những khối lập phương hình học cơ bản, có phần tối và cũ kĩ, thể hiện bản thân trong quá khứ và sự tự phá hủy của nó như mở ra một con người mới. Dự án đa phần nói về sự chấp nhận hy sinh một cảm giác hoặc góc nhìn cũ mà ta luôn gắn bó để đi đến sự phát triển bản thân. “Nó cũng nói về quá trình chấp nhận rằng một người nào đó không hoàn hảo nhưng ta hoàn toàn có thể vượt qua các định kiến để làm trải nghiệm của ta với người đó dễ chịu hơn” Tác giả .acceptance cho hay.

Bên cạnh công việc thiết kế đồ họa chuyển động,  Hiếu vẫn tiếp tục học hỏi, tập trung vào các tác phẩm chuyển động, mong muốn được hợp tác với các anh, em trong nghề. “Và thêm phần nữa là, mình sẽ mở rộng việc làm nội dung sáng tạo, chia sẻ kiến thức chuyên ngành trên nền tảng Youtube, với mong muốn làm cầu nối giữa mình và những khán giả thích xem sản phẩm của mình. Đây là cơ hội để mình trau dồi cách trình bày và biểu đạt nội dung, và có thể sẽ chuyển sang dạy motion sắp tới,” Anh chàng khiêm tốn nói!

Ghi chú: Bài viết của mình được thực hiện trong khoảng thời gian năm 2022 với những trải nghiệm cá nhân cũng như chia sẻ từ nhân vật. Vì vậy đây là thông tin chỉ đúng trong thời điểm hiện tại, rất vui vì được chia sẻ bài viết này với quý độc giả của iDesign.

Viết bài: Lê Quan Thuận

Thiết kế: Uyên Nguyễn

Hình ảnh được cung cấp bởi nhân vật

Cùng tác giả

#Tag

#motion âm nhạc creative design fustic Hiếu Vũ idesign signature key moments Lê Quan Thuận LQT motion graphic music sáng tạo storyboard sự chuyển động

iDesign Must-try

Dự án Rebrand GHTK: ‘DNA của một ‘kỳ lân logistics’ thuần Việt phải đến từ những góc phố, cung đường thân thuộc của đất nước’
Dự án Rebrand GHTK: ‘DNA của một ‘kỳ lân logistics’ thuần Việt phải đến từ những góc phố, cung đường thân thuộc của đất nước’
Giao Hàng Tiết Kiệm (GHTK) là nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển và giao hàng lớn nhất và hàng đầu tại Việt Nam. GHTK đóng vai trò quan trọng…
Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sự náo nhiệt, hối hả và phần nhìn vô cùng đặc trưng của đường phố Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho những nhà sáng tạo Việt.…
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
A’ Design Award & Competition – Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ theo đuổi mục tiêu vinh danh các công trình thiết kế xuất sắc đã được đề…
Khi những tác phẩm văn học kinh điển đi vào các trang lịch 2024 của Nhã Nam 
Khi những tác phẩm văn học kinh điển đi vào các trang lịch 2024 của Nhã Nam 
Gửi lời chào năm 2024 đến các độc giả, Nhà xuất bản Nhã Nam đã giới thiệu đến công chúng bộ lịch với chủ đề “Từ trong trang sách”, lấy…
Bóc Lịch | Tổng hợp các thiết kế lịch 2024 nổi bật của artist Việt trên Behance
Bóc Lịch | Tổng hợp các thiết kế lịch 2024 nổi bật của artist Việt trên Behance
Chỉ còn vài ngày nữa là Tết Giáp Thìn 2024. Gác lại những muộn phiền của năm 2023, hãy cùng iDesign chiêm ngưỡng bộ lịch Tết 2024 nổi bật đúng…
Giải thưởng Review thương hiệu danh giá thường niên - Brand Review Award (B.R.A)
Giải thưởng Review thương hiệu danh giá thường niên - Brand Review Award (B.R.A)
Đã bao giờ bạn tự hỏi? Là công dân của một nước, điều gì khiến bạn ghi nhớ nhất và tự hào nhất về quốc gia mình, về dân tộc…