/Tách Lớp/ Chúng ta thấy gì trong ánh mắt ưu tư của Egon Schiele

Mỗi bức chân dung tự họa của Egon Schiele là một mảnh ghép tâm hồn thấu cảm, đưa người xem lang thang trong thế giới dị biệt của vô vàn cung bậc khác nhau.

Những bức chân dung tự họa vốn không còn xa lạ trong thế giới nghệ thuật, ngoài “trưng bày” cái tôi mà người nghệ sĩ nào cũng có, đây còn là cuộc tâm tình trực tiếp với bản ngã để họ thực sự biết bản thân mình là ai. Với Rembrantd, ông phô diễn kỹ thuật hội họa Impasto điêu luyện song song với đó là sự nghiền ngẫm về dòng chảy thời gian đã đi qua sau nhiều năm thực hành nghệ thuật. Trong khi đó, chúng ta nhìn thấy ở Van Gogh là hành trình du ngoạn trong thế giới sắc màu, đào sâu vào những cảm xúc lẩn khuất bên trong tâm hồn để khơi dậy những chất chứa dung dị.

Egon Schiele thì sao? 12 năm ngắn ngủi của sự nghiệp, họa sĩ người Áo đã cho ra đời hơn 300 tác phẩm sơn dầu và vài nghìn bức tranh màu nước, rất nhiều trong số đó là những bản vẽ chân dung tự họa. Không phải ngẫu nhiên mà Schiele lại thực hiện số lượng vô kể như vậy, chúng là những ghi chép chi tiết về “cuộc sống” tâm lí phức tạp; có khi là sự tự tin, đôi lúc lại u uất, giằng xé, thậm chí là cả khiêu gợi khiến người ta cảm thấy thô thiển.

Được xem là người đạt đến đỉnh cao trong chủ nghĩa Biểu Hiện ở Áo so với những nghệ sĩ cùng thời, Egon đã bác bỏ những quy ước điển hình về cái đẹp để đưa “cái xấu” và cảm xúc phóng đại vào trong nghệ thuật. Hôm nay chúng mình sẽ ghé thăm thế giới nhỏ bên trong cuộc sống nội tâm đầy phức tạp ấy của Schiele trong tác phẩm tự họa nổi tiếng nhất của ông – Bức tranh “Self-portrait with Chinese Lantern Plant” (tạm dịch: Chân dung tự họa với cây lồng đèn Trung Hoa).

Self-portrait with Chinese Lantern Plant“, 1912 – Egon Schiele.
Kích thước: 32,2 x 39,8 cm. Chất liệu: Sơn dầu.
Nơi trưng bày: Bảo tàng Leopold, Áo.
Nguồn ảnh: Wikipedia.

Bối cảnh nghệ thuật

Bức “Chân dung tự họa với cây lồng đèn Trung Hoa” được xem là một trong số những tác phẩm khép lại thời kì nổi loạn cực thịnh của Egon Schiele trong nghệ thuật từ năm 1909-1912. Nói qua một chút, đây là giai đoạn mà nghệ sĩ người Áo khẳng định cái tôi mãnh liệt nhất trong sự nghiệp cầm cọ ngắn ngủi của mình. Tính dục và sự thấu tâm cực độ luôn thường trực trong mỗi bức chân dung mà ông thể hiện.

Bức “Lưng trần với mũ đỏ” – 1910. Ảnh: Wikiart

Năm 1910 là thời điểm mà Schiele dần thoát ly khỏi phong trào Ly khai Vienne khi trước đó nghệ sĩ người Áo chịu ảnh hưởng rất nhiều từ danh họa đồng hương nổi tiếng Gustav Klimt. Ông tiến gần đến chủ nghĩa Biểu Hiện mới nổi lúc bấy giờ, vẫn là những bức tranh sơn dầu nhưng kỹ thuật điêu luyện hơn cho thấy sự tự nhiên trong bút lực miêu tả và tạo hình nhân vật.

Đặc biệt, các bức chân dung tự họa bày tỏ sâu sắc những dằn vặt nội tâm, nỗi thống khổ của cuộc sống, của tình dục và cái chết trong vô thức. Schiele dành một tình yêu nồng cháy với cơ thể trần tục của chính mình cũng như các người mẫu nữ. Để rồi, ông đưa “hình ảnh khiêu gợi” ấy trở thành một lĩnh vực nghiên cứu nhằm lột tả sự “trần trụi” trong đời sống tinh thần của con người thông qua các sáng tạo nghệ thuật.

Với những tác phẩm khỏa thân táo bạo như vậy, cuộc sống của Schiele luôn bị soi mói bởi xã hội bảo thủ ở Áo ngày ấy và những người dân sống xung quanh ông. Năm 1912, ông cùng nàng thơ Wally Neuzil trốn khỏi thành thị và chuyển về thị trấn nhỏ Neulengbach, cách Vienna 30 dặm về phía tây sinh sống. Xưởng vẽ của ông là nơi trẻ em trong làng thường xuyên lui tới và sự việc gây tranh cãi nhất xảy ra khi Schiele bị tình nghi dụ dỗ và bắt cóc một cô bé 13 tuổi.

Schiele nhanh chóng được xóa bỏ những tội danh đó sau 21 ngày tạm giam, tuy nhiên, một cáo buộc khác nảy sinh khi cảnh sát thu giữ 125 bức tranh khỏa thân trong xưởng vẽ của ông. Thẩm phán coi đây là văn hóa khiêu dâm kích động trẻ em vị thành niên, kết án ông thêm 3 ngày tù nữa và đốt một vài bức tranh trước mặt nghệ sĩ người Áo.

Chính sự kiện trên cùng khoảng thời gian sau song sắt đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự nghiệp cũng như tâm lí của Schiele. Đây là tiền đề khiến ông hướng đến giai đoạn “Trưởng Thành” trong nghệ thuật sau đó và “Bức chân dung tự họa với cây lồng đèn Trung Hoa” là hình ảnh rõ nét nhất để thấy bước chuyển mình này.


Hiệu ứng thị giác

Có thể coi “Self-portrait with Chinese Lantern Plant” là tác phẩm chân dung xuất sắc nhất của Egon Schiele trong cả sự nghiệp. Kỹ thuật bút pháp hoàn hảo kết hợp cùng sự hài hòa trong hình ảnh với màu sắc tinh tế đã tạo ra một ấn tượng khó có thể rời mắt.

Về phần bố cục, dù trước đó ông khẳng định đã cố gắng thoát ly khỏi nghệ thuật của Klimt, nhưng, dấu ấn ảnh hưởng vẫn tồn tại đậm nét ở đây; tiêu biểu là “tính phẳng” trong biểu hiện thị giác khi được bố cục bởi các mảng hình màu lớn. Tuy nhiên khác với Klimt, Schiele xây dựng ít chi tiết nhỏ hơn để tập trung điểm nhìn vào biểu cảm của cơ thể và gương mặt.

Bố cục chân dung 2/3.

Một tổng thể cân bằng được sắp đặt có chủ ý với diện tích chân dung chiếm 2/3 bức tranh. Schiele miêu tả hình ảnh bản thân với cầu vai nghiêng về bên trái, phần đầu hơi quay sang bên phải, cằm đưa ra và mắt nhìn về hướng chính diện. Mái tóc và phần thân cơ thể được cố tình cắt bớt trên dưới để phù hợp với nhịp điệu đặc tả cảm xúc gương mặt trong bức chân dung.

Đặc biệt là cái nhìn rất tách biệt khi hướng thẳng về phía người xem với đôi mắt đen to quá khổ phản ánh sự chuyển động trong tâm hồn. “Schiele hững hờ” dường như đang tự miêu tả mình là một chàng trai nhạy cảm và ông đắm mình trong chính những suy tư của bản thân khi tìm kiếm sự thay đổi.

Bảng màu trong bức tranh.

Về phần màu sắc, Schiele sử dụng cặp tương phản để nhấn mạnh hai đối tượng riêng biệt giữa “chân dung cùng cây lồng đèn” có gam màu thuộc dải tối chủ đạo với nền trắng trung tính ở phía sau. Không chỉ vậy, bên trong đối tượng chính là chân dung và cây lồng đèn cũng có sự tương tác qua lại. Ngoài là hình dáng mảnh mai cho thấy sự đồng điệu, Schiele sử dụng cặp màu bổ túc của Đỏ Vermilion (hoa) – Lục Phthalo + Tím (áo Schiele) để tăng hiệu ứng thị giác cho bức tranh.

Thêm vào đó là sự xuất hiện sắc đỏ ở chân dung Schiele (gương mặt, đôi môi, đồng tử) cho thấy tính kết nối của hai chủ thể trong đối tượng chính với nhau. Với phong cách chấp nhận sự bóp méo hình tượng và mạnh dạn thách thức các quy chuẩn thông thường về cái đẹp. Mặc dù ở đây Schiele tạo ra ít biến dạng hơn so với các bức chân dung tự họa khác, nhưng “Self-portrait with Chinese Lantern Plant” vẫn có các đường nét gợi hình dứt khoát trong phong cách đồ họa đặc trưng.

Nếu nhìn cận cảnh chúng ta sẽ thấy những vệt bút khá rõ ràng, Schiele đã sử dụng sơn loãng và cọ với độ cứng vừa phải để tạo chất cho bức tranh. Phương pháp này đem đến hai tác dụng chính: Một là tăng tính chi tiết hiển thị, giúp cho tổng thể không bị trơ trọi khi có nhiều mảng màu lớn – Hai là gợi khối ba chiều cho đối tượng, rõ ràng nhất với phần áo tạo cảm giác nếp gấp của vải và phần khuôn mặt gầy gò cho người xem cảm giác khối xương bên trong.


Ý nghĩa hình tượng

Dù vấp phải nhiều đàm tiếu từ xã hội về nghệ thuật của mình có phần mang tính gợi dục nhưng Egon Schiele chưa bao giờ mất đi sự tự tin về cá tính bản thân. Ông không ngần ngại bày tỏ quan điểm: “Ngay cả nghệ thuật gợi dục cũng có một sự tôn nghiêm nhất định….Tôi không phủ nhận rằng tôi đã tạo ra những bức vẽ và màu nước có tính khiêu gợi. Nhưng chúng luôn là các tác phẩm nghệ thuật chân chính.”

Người ta truyền tai nhau rằng chỉ khi có hình ảnh “khỏa thân” thì Egon Schiele mới lột tả hết nội tâm trong Biểu Hiện và nghệ sĩ người Áo đã chứng minh cho họ thấy rằng không cần đến sự trần trụi kia, ông vẫn có một tác phẩm để đời khiến người xem phải suy tưởng trong chiều sâu của những dòng tâm sự miên man.

Biên tập: Hoàng

Cùng tác giả

#Tag

chủ nghĩa biểu hiện egon schiele gustav klimt Hoàng Hội họa Áo Nghệ thuật thế kỉ 20 Self-portrait with Chinese Lantern Plant Tách lớp

iDesign Must-try

Betty Acquah và điệu múa của những đường cọ màu sắc mang nét đẹp người phụ nữ Ghana
Betty Acquah và điệu múa của những đường cọ màu sắc mang nét đẹp người phụ nữ Ghana
Betty Acquah là một nữ hoạ sĩ theo chủ nghĩa Nữ quyền ngụ tại Ghana. Trong các tác phẩm của cô, nét đẹp của những người phụ nữ cần cù…
Họa sĩ minh họa Lổn Nương: ‘Người cầm tinh tuổi hổ luôn mạnh mẽ, vang dội và giàu tình cảm’
Họa sĩ minh họa Lổn Nương: ‘Người cầm tinh tuổi hổ luôn mạnh mẽ, vang dội và giàu tình cảm’
“Mình sẽ luôn chọn tết cổ truyền, bởi môi trường sống và các giá trị mình được truyền lại từ nhỏ.” – Lời tâm tình của Lổn Nương về những…
Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 1/2022
Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 1/2022
Tháng đầu tiên của năm 2022 các độc giả iDesign có gì mới không nhỉ? Riêng chúng mình thì có loạt điểm tin nghệ thuật nổi bật diễn ra trên…
Trung Bảo (Fustic): ‘Hãy cứ gọi mình là người làm sáng tạo’
Trung Bảo (Fustic): ‘Hãy cứ gọi mình là người làm sáng tạo’
Bằng ngôn ngữ sáng tạo độc đáo của bản thân, Trung Bảo đang dần xóa nhoà ranh giới giữa âm nhạc và nghệ thuật thị giác, biến hai loại hình…
Bộ nhận diện Mineral Cafe - Bài toán thân thiện môi trường được xây dựng từ những giá trị bền vững
Bộ nhận diện Mineral Cafe - Bài toán thân thiện môi trường được xây dựng từ những giá trị bền vững
Tọa lạc tại Jakarta, Indonesia, Mineral Cafe là không gian cafe cung cấp các dịch vụ về thức uống và đồ ăn tự chế biến với phương châm mang đến…
Điêu khắc gia JAGO - Michelangelo của nghệ thuật đương đại
Điêu khắc gia JAGO - Michelangelo của nghệ thuật đương đại
Michelangelo được biết đến là nghệ sĩ nổi tiếng và đa tài của thế kỷ 16, ông là bậc thầy nghệ thuật với các kiệt tác điêu khắc vượt thời…