/Tách Lớp/ Wanderer above the Sea of Fog - Chọn sự tĩnh lặng để hiểu rõ bản thân

/Tách Lớp/ là loạt bài chúng mình cùng các bạn khám phá các tác phẩm hội họa nổi tiếng và tìm hiểu xem điều gì khiến chúng được yêu thích đến vậy.

Không chỉ là một tác phẩm hội họa bình thường, Wanderer above the Sea of Fog còn mang giá trị vượt thời gian và bất kể ai cũng sẽ tìm thấy một phần bản thể của mình trong đó.

Wanderer above the Sea of Fog – 1818 – Caspar David Friedrich , sơn dầu, 75 x 95 cm.

“Wanderer above the Sea of Fog” hay với tựa tiếng việt “Kẻ lãng du trên biển sương mù” là một trong những tác phẩm biểu tượng của trường phái lãng mạn cho đến ngày nay. Bức tranh sơn dầu được họa sĩ tài danh người Đức – Caspar David Friedrich hoàn thành vào năm 1818, mô tả khung cảnh nhìn từ phía sau một người đàn ông trong bộ y phục lịch lãm cùng với chiếc gậy chống đang đứng trên mỏm đá và ngắm nhìn vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ.

Chắc hẳn đây là hình ảnh bạn sẽ cảm thấy vô cùng quen thuộc và mơ hồ rằng nó từng xuất hiện trong trí nhớ của mình ít nhất một lần. Có thể bạn chưa biết nhưng “Wanderer above the Sea of Fog” là nguồn cảm hứng cho rất nhiều sáng tạo nghệ thuật sau này từ nhiếp ảnh, phim, thiết kế và đặc biệt là poster quảng cáo cho những bộ phim điện ảnh.

Ảnh: MartinShervington

Nhà điêu khắc nổi tiếng người Pháp – David d’Angers đã từng cảm thán rằng:

“Bức tranh có sức thôi miên kỳ lạ, Friedrich mang đến cho chúng ta niềm khao khát mãnh liệt, như thể những ký ức, ước mơ và khao khát trong sâu thẳm tâm hồn được hồi sinh.”

Một tác phẩm hội họa nhìn qua có vẻ khắc họa sự cô đơn, hiu quạnh nhưng lại mang đến rất nhiều sắc thái cảm xúc cho người xem… Vậy điều đó đến từ đâu?

Cùng chúng mình tách lớp tác phẩm Kẻ lãng du trên biển sương mù ngay sau đây.

Nghệ thuật thị giác

Ấn tượng đầu tiên đến với người xem cảm nhận được là sự tối giản nhẹ nhàng, đem đến cảm giác dễ chịu và hài hòa cho thị giác. Bối cảnh của bức tranh vẽ lại có thời điểm vào ban ngày nhưng ánh sáng không hề gắt, bóng đổ một cách êm dịu gần như hòa vào nhau.

Sự tối giản ấy được thể hiện rõ thêm qua bảng màu trong Wanderer above the Sea of Fog, khi Friedrich dùng rất tiết chế lượng màu và sắc độ. Với phần hậu cảnh là bầu trời, sương mù và những rặng núi xa, ông sử dụng chủ đạo là Trắng cùng với Xanh Louisiana. Trong khi tiền cảnh với màu chủ đạo là nền tối, pha trộn của Đen với Nâu Carob tạo nên phần mỏm đá và Xanh Bluish tạo nên phần trang phục của người đàn ông.

Ảnh: drawpaintacademy

Với cách sử dụng như vậy, gần như Wanderer above the Sea of Fog tách ra 2 phần rõ ràng tạo nên mảng đối lập chính của tổng thể bức tranh là Tiền cảnh (con người) với Hậu cảnh (thiên nhiên), nét tương phản ấy thể hiện qua màu sắc (sáng – tối) và vật chất (cứng rắn – mềm mại).

Đến với bố cục, ở đây tác giả sử dụng góc nhìn chính diện và chỉ có 2 lớp cảnh xa-gần, lớp cảnh tầm trung được Friedrich tối giản bằng lớp sương mù gần và giúp nó hòa vào lớp cảnh phía sau, qua đó tạo nên sự tách biệt của 2 mảng không gian.

Không chỉ vậy nét hài hòa, dễ chịu còn được thể hiện trong cách bố trí các đối tượng trong bức tranh. Danh họa người Đức của chúng ta là một người khắt khe trong việc sắp xếp cấu trúc, vậy nên tỉ lệ vàng (Golden Ratio) thường xuyên được ông sử dụng trong các tác phẩm của mình.

Ảnh: Medium

Kẻ lãng du, chúng ta có đường chân trời nằm trên đúng đường cầu vai của nhân vật chính, chia thành toàn bộ bức tranh thành 2 phần. Và từ đường này kẻ một đường thẳng vuông góc chính giữa ta sẽ có vị trí của người đàn ông.

Cùng với đó, Friedrich đã khéo léo để cho chiều cao của người đàn ông đúng bằng từ đường chân trời lên đến mép cao nhất của tranh, nhờ vậy tạo nên cảm giác cân bằng cho tổng thể bố cục theo phương dọc.

Vậy điều gì đằng sau những yếu tố thị giác trên?

Câu chuyện xây dựng nên Wanderer above the Sea of Fog

Caspar David Friedrich sinh ra ở Greifswald, Pomerania nay thuộc phía đông nước Đức. Ngay từ nhỏ ông đã là người ít nói và ở cậu bé này luôn khiến người đối diện cảm nhận một nỗi buồn chất chứa giấu kín qua nét mặt. Tuổi thơ là những tháng ngày không trọn vẹn khi mẹ, hai chị gái và một anh trai của ông đều đã qua đời từ sớm.

Trải qua những biến cố ấy càng khiến con người Friedrich trầm buồn hơn và một phần cảm xúc ấy được ông gửi gắm trong những sáng tác của mình, chút gì đó ảm đạm, u sầu len lỏi qua những nét bút uyển chuyển.

Friedrich luôn cố gắng đi nhiều nơi, tham quan nhiều địa điểm vì ông coi đó như một phần của hành trình đi tìm cái đẹp. Wanderer above the Sea of Fog cũng là thành quả trong những lần ông đi khám phá như thế.

Thế nhưng toàn bộ cấu trúc hình ảnh không được lấy y nguyên trong một khung cảnh tự nhiên cụ thể ông nhìn thấy mà chúng được tích góp từ nhiều bản phác họa khác nhau và sau đó Friedrich hoàn thành tác phẩm trong xưởng vẽ của mình.

Được lấy cảm hứng chính trong chuyến đi đến dãy núi sa thạch Elbe, phía đông nam của Dresden và nhân vật chính trong bức tranh cũng được lấy từ hình ảnh của bản thân. Ngoài ra Friedrich cũng ‘mượn’ thêm hình ảnh của một vài địa điểm khác, ví dụ như mỏm đá dưới chân người đàn ông, người ta cũng tìm thấy hình ảnh tương tự trong bản phác thảo khu vực hạ lưu đồi Kaiserkrone năm 1813.

Bản phác thảo năm 1813

Tuy nhiên câu chuyện để xây dựng nên một Kẻ lãng du trên biển sương mù cuối cùng không chỉ dừng lại ở đó.

Quay ngược thời gian trở về năm 1818, thời điểm mà bức tranh ra đời, đây là giai đoạn Đức trong cuộc chiến tranh giải phóng. Bộ quần áo mà người đàn ông đang mặc là bộ trang phục thường thấy của các sinh viên hay người dân. Tuy nhiên khi chính phủ mới lên cầm quyền, bộ y phục này đã bị cấm sử dụng.

Friedrich được biết đến là người quan tâm đến những vấn đề xã hội và ông luôn gửi gắm chúng trong các tác phẩm hội họa của mình. Wanderer above the Sea of Fog không nằm ngoài ý tưởng đó và bằng một cách tinh tế chúng ta sẽ nhận ra điều này.

Người đàn ông mang trên mình bộ trang phục kia là hình ảnh đại diện cho toàn bộ người dân nước Đức. Còn làn sương mù giống như tương lai, mờ mịt và không hề biết rõ điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Nhưng họ vẫn ở đây, kiên cường, đứng trên mỏm đá cao nhất, hiên ngang đối mặt với thách thức vì họ biết rằng ở phía xa kia là vùng trời và áng mây của tự do.


Ý nghĩa biểu tượng

“Tôi muốn ở lại một mình để chiêm ngưỡng và cảm nhận thiên nhiên một cách trọn vẹn. Người họa sĩ không chỉ nên vẽ những gì anh ta có trước mặt, mà còn cả những gì anh ta nhìn thấy bên trong chính mình.”

Caspar David Friedrich

Tạm quên đi những yếu tố lịch sử, Wanderer above the Sea of Fog là hình ảnh vượt qua mọi thời đại và giá trị của nó sẽ trường tồn với nhiều thế hệ.

Bằng kỹ thuật Rückenfigur (nhìn từ phía sau), khuyết đi khuôn mặt của nhân vật chính như một cách ẩn dụ để đặt người xem vào vị trí của chính nhân vật trong bức tranh, để họ là một phần của không gian này và trực tiếp đối diện với cảm xúc bản thân.

Kẻ lãng du trên biển sương mù mang đến một cảm giác khó tả giữa lằn ranh của tích cực và u sầu. Một mặt là sự chinh phục, vượt qua thách thức để chiêm ngưỡng thành quả là vẻ đẹp tạo hóa – Một mặt là sự cô đơn, rời bỏ tất cả để đắm mình vào thiên nhiên là giá trị hạnh phúc mà bản thân trân trọng nhất.

Và sự thật là, hai cảm giác ấy sẽ luôn sóng đôi với nhau trên cả hành trình cuộc đời, sẽ có lúc cán cân nghiêng nặng hơn về một bên và ở thời điểm ấy chúng ta sẽ nhìn sự vật theo một cách rất khác. Nhưng ở điểm mà mọi thứ được cân bằng là khoảng khắc ta chọn cảm giác một mình để nhìn ngắm dòng chảy cuộc sống bằng tâm hồn trong trẻo và thái độ cởi mở.

Đây không phải là sự cô đơn mà là một lựa chọn để bản thân biết rõ chúng ta cần gì. Có lẽ, Friedrich đã chọn tâm thế ấy để hoàn thành Kẻ lãng du trên biển sương mù và sử dụng kỹ năng của mình để phản chiếu lại trên mặt toan những cảm xúc ngây ngất trước tạo hóa. Người nghệ sĩ tìm đến cảm giác ấy như một phần của đời sống sáng tạo, đứng trước vẻ đẹp của thiên nhiên để thấy mình nhỏ bé đến nhường nào và tận hưởng cái cảm giác yên bình. Đó là giây phút đẹp nhất, đáng nhớ nhất trong thế giới đa chiều vẫn xoay vòng ta ngày qua ngày.

Vậy còn bạn, cảm xúc của bạn thế nào khi xem tác phẩm này?

Biên tập: Hoàng
Tham khảo: Artsy, Medium

Cùng tác giả

#Tag

Caspar David Friedrich Kẻ lãng du trên biển sương mù phân tích tranh romanticism Tách lớp trường phái lãng mạn Wanderer above the Sea of Fog

iDesign Must-try

/Tách Lớp/ ‘Christmas Homecoming’ - Hình ảnh từ 73 năm trước và giờ là mong ước quý giá của hiện thực
/Tách Lớp/ ‘Christmas Homecoming’ - Hình ảnh từ 73 năm trước và giờ là mong ước quý giá của hiện thực
Norman Rockwell được biết đến là người mang đến những hình ảnh biểu tượng cho ngày giáng sinh của nước Mỹ với tình cảm dịu dàng và gần gũi trong…
/Tách Lớp/ ‘Women Decorating Porcelain’ - Tuyệt tác ánh sáng của Emma Meyer
/Tách Lớp/ ‘Women Decorating Porcelain’ - Tuyệt tác ánh sáng của Emma Meyer
Tuyệt tác của họa sĩ Emma Meyer đưa người xem trở về những năm cuối thế kỷ 19 với ánh nắng rực rỡ ngập tràn không gian và cho chúng…
/Tách Lớp/ Vì sao ‘View of the Flower of Greece’ là kiệt tác phong cảnh của hội họa Đức
/Tách Lớp/ Vì sao ‘View of the Flower of Greece’ là kiệt tác phong cảnh của hội họa Đức
Nghệ thuật đôi lúc vượt lên trên sự đẹp vốn cố, người ta có thể tạm quên đi tính thẩm mỹ thượng thừa tồn tại trong tác phẩm vì những…
/Tách Lớp/ Chúng ta thấy gì trong ánh mắt ưu tư của Egon Schiele
/Tách Lớp/ Chúng ta thấy gì trong ánh mắt ưu tư của Egon Schiele
Mỗi bức chân dung tự họa của Egon Schiele là một mảnh ghép tâm hồn thấu cảm, đưa người xem lang thang trong thế giới dị biệt của vô vàn…
/Tách Lớp/ Pollice Verso - Bài phê bình đặc tính xã hội của Jean-Léon Gérôme
/Tách Lớp/ Pollice Verso - Bài phê bình đặc tính xã hội của Jean-Léon Gérôme
Lột tả chân thực hình ảnh thời kỳ La Mã cổ đại, những gì Gérôme miêu tả không chỉ dừng lại ở ý nghĩa tái hiện lịch sử. Đó còn…
/Tách Lớp/ The Gulf Stream - Chất thơ ẩn mình trong những ngọn sóng biển của Winslow Homer
/Tách Lớp/ The Gulf Stream - Chất thơ ẩn mình trong những ngọn sóng biển của Winslow Homer
Nghệ thuật của Homer ảnh hưởng mạnh mẽ đến các thế hệ họa sĩ kế tục, chúng mang đậm “tính toàn vẹn của tự nhiên”, lột tả hiện thực tràn…