/Tách Lớp/ The Gulf Stream - Chất thơ ẩn mình trong những ngọn sóng biển của Winslow Homer

Nghệ thuật của Homer ảnh hưởng mạnh mẽ đến các thế hệ họa sĩ kế tục, chúng mang đậm “tính toàn vẹn của tự nhiên”, lột tả hiện thực tràn đầy năng lượng thông qua mối quan hệ khắc kỷ giữa con người với thiên nhiên hoang dã.

Nếu Châu Âu nói chung và đất nước Tây Ban Nha nói riêng luôn tự hào vì họ có họa sĩ tài danh Joaquin Sorolla với loạt tác phẩm miêu tả ấn tượng về những cơn sóng cuộn trào ngoài đại dương. Thì ở phía bên kia Đại Tây Dương, nghệ thuật xứ sở cờ hoa cũng có một danh họa kiệt xuất được người đời tán dương là “Nhà thơ của biển cả” – đó là Winslow Homer.

Winslow Homer (1836-1910) theo đuổi trường phái hiện thực, ông là một trong số những họa sĩ hàng đầu của nước Mỹ thế kỷ 19. Nhắc đến ông là nhắc đến những bức tranh với chủ đề phong cảnh biển đậm chất thi vị, đưa con người vào những hoàn cảnh nghịch lý khác nhau để họ đối mặt với hiện thực. Họa sĩ lừng danh Andrew Wyeth, người nổi tiếng với bức tranh Christina’s World (tạm dịch: Thế giới của Christina), coi Homer như một nguồn cảm hứng trong nghệ thuật của mình.

Wyeth từng viết: “Nghệ thuật của Homer ảnh hưởng mạnh mẽ đến các thế hệ họa sĩ kế tục vì chúng mang đậm “tính toàn vẹn của tự nhiên”, lột tả hiện thực tràn đầy năng lượng thông qua mối quan hệ khắc kỷ giữa con người với thiên nhiên hoang dã.

Trong số Tách Lớp ngày hôm nay, chúng mình sẽ ghé thăm một góc nhỏ trong cuộc đời nghệ thuật của Winslow Homer với tác phẩm nổi tiếng mang tựa đề “The Gulf Stream” (tạm dịch: Hải lưu Gulf Stream). Bức tranh là đỉnh cao nghệ thuật của Homer trong thập niên cuối đời và được các nhà phê bình đánh giá là một trong số các tác phẩm hội họa vĩ đại nhất từng được vẽ ở nước Mỹ. Học giả về văn hóa người Mỹ gốc Phi – Sidney Kaplan đã gọi đây là “kiệt tác về hình ảnh người da màu”.

The Gulf Stream (1899) – Winslow Homer
Kích thước: 71.4 cm × 124.8 cm. Chất liệu: Sơn dầu.
Hiện đang trưng bày tại: Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan.
Nguồn ảnh: Wikipedia.

Bối cảnh nghệ thuật

Trước khi bén duyên với hình ảnh biển cả trong nghệ thuật, Winslow Homer quan tâm nhiều đến phong cảnh đồng quê, chủ yếu miêu tả vẻ đẹp của người phụ nữ cũng như những đứa trẻ vui đùa mê say. Đến khoảng những năm 1869s, ông bắt đầu dành sự chú ý cho mặt nước trong xanh của đại dương, tuy nhiên vẫn đan xen với hình ảnh của chủ đề thân quen trước đó.

Bức Breezing Up (A Fair Wind) – 1876 – Winslow Homer
Nguồn ảnh: Wikipedia.

Sự chuyển mình mạnh mẽ nhất trong phong cách bắt đầu đến khi tác phẩm Breezing Up (A Fair Wind) (tạm dịch: Thuận buồm xuôi gió) năm 1876 nhận được nhiều lời khen từ giới phê bình. Sau đó, ông dành ra 2 năm từ 1881-1882 để thực hiện chuyến đi đến Anh. Lưu trú tại ngôi làng ven biển Cullercoats, Homer vẽ và nghiên cứu hình ảnh lao động của những ngư dân, thấm nhuần tinh thần hiện thực. Ông tạo sự chuyển biến trong phong cách của mình, nhằm định hướng tương lai chạm đến bình diện cao hơn, đó là những tác phẩm của Nghệ thuật Cao cấp.

Trở về Mỹ năm 1883, Homer chuyển đến Prouts Neck, một làng chài trên bờ biển Maine ảm đạm và hoang vắng. Sự yên tĩnh của nơi này cho ông tinh thần tập trung để hướng toàn vẹn tâm trí vào nghệ thuật. Từ đây hình ảnh biển cả trở thành chủ đề chính trong mọi sáng tác của họa sĩ người Mỹ.


Câu chuyện xây dựng nên bức tranh

Với “The Gulf Stream“, bức tranh nằm trong loạt bốn sáng tác lấy cảm hứng khởi nguồn từ những lần đi qua hải lưu Gulf Stream. Năm 1885, trong chuyến đi đầu tiên qua vùng biển Caribbean, Homer thực hiện những phác thảo sơ bộ bao gồm một bức vẽ chì của một con thuyền mục, hai bức màu nước cỡ lớn về cá mập và đặc tả phần mũi thuyền. Đặc biệt là bản nghiên cứu màu cho “The Gulf Stream” với hình ảnh một thủy thủ trên con thuyền hỏng bị bao vây của đàn cá mập.

Phác thảo đầu tiên cho “The Gulf Stream”
Nguồn ảnh: Art Institute Chicago.

Bên cạnh đó, một phần ý tưởng cho bức tranh đến từ câu chuyện “Lời nguyền McCabe” ở Bahamas. Năm 1814, một vị thuyền trưởng người Anh, McCabe bị bọn cướp tấn công và lấy đi tất cả tư trang, hành lí. Sau đó, ông đã phải thuê một chiếc thuyền nhỏ với hy vọng có thể đến được một hòn đảo ở gần đó. Nhưng vì cơn bão đến bất chợt nên ông bị mắc kẹt tại đây và sau đó chết ở Nassau vì bệnh sốt vàng da.

Từ tháng 12/1898 đến tháng 2/1899, Homer đã có một chuyến thăm đến NassauFlorida để thực hiện các nghiên cứu màu nước về cảnh quan cũng như tìm hiểu chi tiết câu chuyện kể trên. Tháng 9/1899 ông mới chính thức bắt tay vào quá trình vẽ “The Gulfs Stream” tại xưởng của mình ở Prouts Neck, Mỹ.


Hiệu ứng thị giác

Bố cục của bức tranh có nét tương tự so với nhiều tác phẩm khác về biển của Homer trước đó, một chiếc thuyền trơ trọi nằm giữa trung tâm khung hình, đường chân trời nằm ở nửa trên đặt góc nhìn chính diện vào toàn bộ bối cảnh. Tuy nhiên, điểm khác biệt gây sự hấp dẫn ở “The Gulf Stream” đó là hình ảnh con thuyền nằm gọn trong khung tam giác lớn tạo nên bởi các ngọn sóng.

Cách xử lí này đem đến hiệu ứng thị giác bố cục chắc chắn cho đối tượng được miêu tả, ở đây là con thuyền và người thủy thủ. Không chỉ vậy, khoảng không tam giác cũng nổi bật hơn tất cả xung quanh, lôi kéo điểm nhìn từ xa bởi được ánh sáng mặt trời soi rọi rõ nét. Chúng làm tăng tính tương phản tổng thể, so với phần tiền cảnh màu tối sậm nơi những con cá mập đang đói bụng săn mồi và phía xa u ám bởi cơn bão – lốc xoáy đang ập tới.

Ngoài ra, vùng không gian nằm ở mặt bụng của con sóng cao, Homer khéo léo sắp đặt nhân vật chính vào đây để gợi nhịp điệu cho hình ảnh. Những nét cong của đợt sóng và cạnh thuyền hứng nắng, cùng hình ảnh người bạn da màu nằm thảnh thơi trên đó khiến khung cảnh trở nên thi vị, đối lập hoàn toàn với toàn cảnh biển động dữ dội bao quanh.

Bảng màu trong bức tranh cho thấy sự hiện đại với dải sắc nổi bật.

Một chi tiết nhỏ có thể ít ai để ý trong “The Gulf Stream” nhưng lại đem đến hiệu ứng màu sắc cực tốt đó là những vệt đỏ điểm trên mặt biển. Chúng xuất hiện rải rắc để kích thích thị giác, tạo ra gam nóng nổi bật, qua đó cân bằng sắc trên tông nền xanh lạnh của mặt biển.

Ngoài mang đến hiệu ứng bắt mắt, sắc đỏ này còn gợi tính hiện thực. Có thể đó là vùng máu sót lại trong cuộc đi săn của đàn cá mập hung dữ kia và góp phần cho thấy sự tàn khốc của thế giới tự nhiên mà người thủy thủ phải đối mặt sinh tồn.

Cận cảnh một số chi tiết trong bức tranh.

Với tất cả những gì Homer xây dựng, ông muốn gửi gắm điều gì qua bức tranh?


Ý nghĩa hình tượng

Tác phẩm của Winslows Homer không phải tái hiện về sự bâng khuâng hay hoài niệm, mà là cảm giác thấu hiểu về những trải nghiệm của con người, được đào sâu bởi nghịch cảnh và những dung cảm cận kề khoảnh khắc vĩnh hằng. Chúng chứa đựng ở miền ký ức được sắp xếp bằng sự phản ánh qua ngôn ngữ thị giác biểu cảm với các đối tượng và những sự vật gần gũi nhất.

Đặt hình ảnh người da màu làm trung tâm câu chuyện, Homer đã tạo nên sự khác biệt trong nghệ thuật lúc bấy giờ. Đầu thế kỷ 20, người Mỹ gốc Phi luôn ở vị trí yếu thế trong xã hội, hình ảnh của họ trong nghệ thuật cũng gắn liền với sự khốn cùng và đau thương. Thế nhưng trong tác phẩm của mình, Homer miêu tả anh ấy ở một tư thế hiên ngang trước hoàn cảnh ngặt nghèo.

Từ con thuyền tan tác, không còn bánh lái, gãy cột buồn và hỏng mũi thuyền. Đàn cá mập hung hãn lượn lờ phía dưới mặt nước chỉ trực chờ cơ hội nuốt lấy anh ta. Cho đến cơn bão âm u từ đằng xa với lốc xoáy tàn bạo cao ngút trời có thể cuốn bay mọi thứ trong phút chốc. Tất cả khiến người xem đặt dấu hỏi lớn không biết điều tồi tệ nhất đã xảy đến hay chưa.

Homer đặt người đàn ông vào môi trường xung quanh khắc nghiệt như vậy để ám chỉ sự kiên cường của người da đen khi họ đối mặt với mọi khía cạnh của cuộc sống trong xã hội lúc bấy giờ. Phong thái của anh ta trên con thuyền thực sự nói lên những nỗi vất vả thường trực của người da màu. Đến nỗi, chúng thậm chí không làm ảnh hưởng đến cảm xúc của họ vì đó là cuộc sống, là câu chuyện thường nhật.

Một câu chuyện đặc biệt khác về “The Gulf Stream” là những gì chúng ta nhìn thấy trong bức tranh hiện tại không xuất phát từ lần đầu tiên nó hoàn thiện. Nhiều chi tiết được điều chỉnh bổ sung sau khi trưng bày ra mắt tại triển lãm Học viện Mỹ thuật Pennsylvania năm 1900, thời điểm mà người cha của Homer mới qua đời không lâu. Trong số những chi tiết được thêm vào có hình ảnh con thuyền hùng vĩ mờ ảo phía xa – đó là hy vọng, mong ước và cũng là hình ảnh tượng trưng cho người cha quá cố của tác giả.

Biên tập: Hoàng

/Tách Lớp/ là loạt bài chúng mình cùng trò chuyện về các tác phẩm hội họa nổi tiếng và tìm hiểu xem điều gì khiến chúng được yêu thích đến vậy.

Cùng tác giả

#Tag

Hoàng Hội họa Mỹ Nghệ thuật thế kỉ 19 người da màu Phong cảnh biển Tách lớp The Gulf Stream trường phái hiện thực Winslow Homer

iDesign Must-try

Họa sĩ minh họa Lổn Nương: ‘Người cầm tinh tuổi hổ luôn mạnh mẽ, vang dội và giàu tình cảm’
Họa sĩ minh họa Lổn Nương: ‘Người cầm tinh tuổi hổ luôn mạnh mẽ, vang dội và giàu tình cảm’
“Mình sẽ luôn chọn tết cổ truyền, bởi môi trường sống và các giá trị mình được truyền lại từ nhỏ.” – Lời tâm tình của Lổn Nương về những…
Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 1/2022
Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 1/2022
Tháng đầu tiên của năm 2022 các độc giả iDesign có gì mới không nhỉ? Riêng chúng mình thì có loạt điểm tin nghệ thuật nổi bật diễn ra trên…
Trung Bảo (Fustic): ‘Hãy cứ gọi mình là người làm sáng tạo’
Trung Bảo (Fustic): ‘Hãy cứ gọi mình là người làm sáng tạo’
Bằng ngôn ngữ sáng tạo độc đáo của bản thân, Trung Bảo đang dần xóa nhoà ranh giới giữa âm nhạc và nghệ thuật thị giác, biến hai loại hình…
Bộ nhận diện Mineral Cafe - Bài toán thân thiện môi trường được xây dựng từ những giá trị bền vững
Bộ nhận diện Mineral Cafe - Bài toán thân thiện môi trường được xây dựng từ những giá trị bền vững
Tọa lạc tại Jakarta, Indonesia, Mineral Cafe là không gian cafe cung cấp các dịch vụ về thức uống và đồ ăn tự chế biến với phương châm mang đến…
Điêu khắc gia JAGO - Michelangelo của nghệ thuật đương đại
Điêu khắc gia JAGO - Michelangelo của nghệ thuật đương đại
Michelangelo được biết đến là nghệ sĩ nổi tiếng và đa tài của thế kỷ 16, ông là bậc thầy nghệ thuật với các kiệt tác điêu khắc vượt thời…
PLEXUS - Từ sợi chỉ mong manh đến nghệ thuật mê hoặc thị giác
PLEXUS - Từ sợi chỉ mong manh đến nghệ thuật mê hoặc thị giác
60 dặm tương đương gần 100 km, quãng đường đủ xa cho ta một chuyến hành trình liên tỉnh đáng nhớ. Nhưng con số đó cũng liên quan mật thiết…