PLEXUS - Từ sợi chỉ mong manh đến nghệ thuật mê hoặc thị giác
60 dặm tương đương gần 100 km, quãng đường đủ xa cho ta một chuyến hành trình liên tỉnh đáng nhớ. Nhưng con số đó cũng liên quan mật thiết đến dự án nghệ thuật Plexus tuyệt vời của Gabriel Dawe. 60 dặm là tổng chiều dài trung bình của tất cả sợi chỉ có trong một tác phẩm mà nghệ sĩ người Mexico cần đến nhằm hiện thực trực quan cầu vồng từ thế giới tự nhiên và mang những gam sắc tuyệt vời ấy vào không gian triển lãm hữu hình của mình.
“Cầu vồng trong nhà” của Gabriel Dawe gần như thách thức giới hạn sự hiểu biết của con người về mặt thị giác. Các tác phẩm sắp đặt ảo ảnh quang học này đã miêu tả toàn bộ quang phổ ánh sáng tự nhiên được khai thác dưới góc nhìn khi ánh nắng mặt trời đi qua lăng kính và gói gọn trong bốn bức tường của không gian phòng trưng bày. Chúng được tạo nên bởi chỉ thêu thông thường nối từ sàn đến trần nhà theo quy tắc tuần hoàn. Qua đó cho ra đời một “hoa văn” trang nhã và lấp lánh làm mê hoặc nhận thức người xem, khiến họ tưởng tượng chúng như thể được nghệ sĩ thêu dệt lại không gian.
Những tác phẩm thị giác này là “Plexus”. Trong y học, Plexus là một từ để chỉ mạng lưới đan xen của các mạch máu và dây thần kinh duy trì sự sống trong cơ thể con người. Còn với ngôn ngữ nghệ thuật của Dawe, anh định nghĩa chúng là “Sự kết nối của chủ thể tác phẩm với môi trường của nó. Tương tự, khi nhìn thấy cầu vồng trong tự nhiên, bạn sẽ biết được trật tự tồn tại đằng sau bởi những định luật vật lý. Mặt khác, nó cũng liên quan trực tiếp đến mạng lưới sợi chỉ phức tạp kiến tạo nên bản thân chúng trong việc lắp đặt, lực căng vốn có trong sợi và rung cảm độ sáng gần như hữu hình.”
Vì vậy, việc lắp đặt tác phẩm của Dawe luôn nằm trong một trật tự tính toán đã lên kế hoạch tỉ mỉ từ trước. Mỗi Plexus khác nhau được thiết kế chính xác để phù hợp căn phòng và diện tích không gian sẽ chứa đựng nó. Anh ấy sử dụng phần mềm đặc biệt để tạo các bản phác thảo, nhưng không sử dụng thiết kế có sự hỗ trợ của máy tính hoặc bất kỳ thuật toán nào do máy tính lập trình nhằm thiết lập các hình dáng cho tác phẩm.
“Tôi luôn cố gắng đoán trước toàn bộ quy trình lắp đặt sẽ hoạt động như thế nào và chuẩn bị với một kế hoạch được vẽ bằng biểu đồ mà các sợi chỉ màu sẽ có hướng đi ra sao. Vì không có nhiều thời gian để ứng biến sai số do tính chất công việc dày đặc nên tất cả sẽ được xây dựng theo một thứ tự cụ thể, phân chia thành từng lớp.” – Gabriel Dawe nó về cách anh lắp đặt các tác phẩm Plexus.
Mỗi không gian đều có những thách thức riêng biệt. Ví dụ như Không gian ở Renwick tại Bảo tàng Nghệ thuật Mỹ Smithsonian (nơi anh trưng bày Plexus A1) mang lại sự tự do về chiều cao vì từ sàn lên trần nhà là 19 ft, nhưng bốn cột chống lại quá lớn nên bị bó hẹp chiều dài và chiều rộng của công trình. Với không gian dài, hẹp như vậy khiến Dawe khó đạt được hiệu ứng mong muốn, bù lại anh tạo ra “một khối sắc” của sợi chỉ dạng xoắn trong không gian làm chúng đậm nét hơn.
Tính đến nay, Dawe đã có 11 năm thực hành nghệ thuật đối với các tác phẩm trong loạt Plexus gồm hơn 35 sắp đặt khác nhau tại nhiều viện bảo tàng, sân bay và phòng trưng bày nổi tiếng ở khắp Bắc Mỹ và Châu Âu. Tuy nhiên ít ai biết được rằng anh đã phải mất 5 năm trước đó đi tìm nguyên tắc thiết kế chung và hành trình từ tận tuổi thơ để có sự công nhận với loại chỉ ma thuật này.
Gabriel Dawe đến từ thành phố Mexico, nơi trong ký ức ngày bé của anh là những lời chế giễu phân biệt vì muốn học thêu thùa giống như bà của mình, người luôn giữ vững niềm tin văn hóa rằng việc may vá là dành cho con gái, không phải con trai. Bà đã dạy em gái Dawe thêu, còn anh thì không được làm điều đó. Và như Binz có nói: “Nếu người con gái có khả năng lãnh đạo được, thì người con trai cũng có thể khoác chiếc áo lông màu hồng.” Dawe quyết định tự mình khám phá con đường nghệ thuật của bản thân, chuyển những mong muốn sáng tạo vào môi trường đại học trong ngành thiết kế đồ họa năm 1998.
Năm 2002, anh bắt đầu thực hành nghệ thuật với vai trò nghệ sĩ solo đồng thời tham gia triển lãm cùng các nhóm sáng tạo. Trong số các tác phẩm đầu tiên của mình, Dawe cũng cho ra đời một bức tranh thêu mà như những gì anh mô tả là sự nhận thức sâu sắc và đề cập đến cảm xúc thất vọng khi mình bị bỏ rơi trong loại hình nghệ thuật truyền thống lúc còn nhỏ. Tuy nhiên, Dawe vẫn bày tỏ lòng kính trọng đối với người bà của mình bằng việc anh mượn một số con tem từ bộ sưu tập của bà và thổi hồn cho chúng thành những hình ảnh lớn hơn để thêu lên.
Tác phẩm “Plexus no.24” tại Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại, Houston, Texas. Tác phẩm “Plexus no.19″ tại Villa Olmo, Como, Ý.
Từ sự khát khao khẳng định bản thân mà các các tác phẩm trong “Plexus” ra đời giống như một phiên bản mở rộng tự nhiên về cả tầm vóc lẫn tư tưởng nghệ thuật trong đó. Và điểm chuyển quan trọng này được bắt nguồn từ một nghệ sĩ khác, Jennifer Angus là người truyền cảm hứng cho Dawe đi theo hướng hiện tại sau khi anh xem buổi trình diễn có họa tiết côn trùng “A Terrible Beauty” (tạm dịch: Một vẻ đẹp ghê sợ) của ông vào năm 2005 tại Bảo tàng Dệt may Canada, Toronto.
Để rồi 5 năm sau, chiếc “Plexus” đầu tiên của Dawe ra đời vào năm 2010 là một thử nghiệm lớn trong studio của nghệ sĩ người Mexico. Anh quyết định tạo ra một mẫu thêu trên tường, dù mất nhiều tuần nhưng nó đã mở lối cho một buổi trưng bày ở Dallas. Từ đó, những tác phẩm sắp đặt mới cũng bắt đầu xuất hiện trong các phòng trưng bày và bảo tàng nhỏ trên khắp nước Mỹ, rồi London và Hà Lan.
Tác phẩm “Plexus no.31” tại Bảo tàng Newark. Tác phẩm “Plexus no.30” tại Bảo tàng Newark. Tác phẩm “Plexus C18” tại Sân bay San Antonio. Tác phẩm “Plexus no.35” tại Bảo tàng Nghệ thuật Toledo. Tác phẩm “Plexus no.19″ tại Villa Olmo, Como, Ý. Tác phẩm “Plexus no.30” tại Bảo tàng Newark.
Đến thời điểm hiện tại, các Plexus của Dawe đã đi xa hơn “60 dặm” rất nhiều. Những thách thức ràng buộc nam tính ngày nào giờ nổi tiếng và nhận được sức hưởng ứng nhiệt tình của khán giả trong những năm qua. Một số người xem đã hiểu các trưng bày “cầu vồng khổng lồ” của anh là một tuyên bố chính trị – vì cờ cầu vồng được dùng để tượng trưng cho niềm tự hào và bình đẳng trong cộng đồng LGBTQ.
Nhưng đây không phải điều thực sự nghệ sĩ hướng tới, anh nói: “Cầu vồng tượng trưng cho ánh sáng chứ không phải bóng tối và đó là một thứ thống nhất”. Thành phần quan trọng nhất ở đây là màu sắc, anh muốn sử dụng màu sắc để lật đổ cái nhìn hạn hẹp của thế giới về giới tính và bản dạng, từ đó cho phép mọi người thể hiện con người thật của bản thân.
Bên cạnh các tác phẩm “Plexus”, nghệ sĩ Gabriel Dawe cũng đang phát triển một loại thảm đặc biệt được thiết kế lấy cảm hứng từ chính những cầu vồng nổi tiếng của anh. Để khám phá nhiều hơn các sáng tạo và thực hành nghệ thuật khác của nghệ sĩ người Mexico, các bạn có thể ghé thăm: Website | Instagram.
Biên tập: Hoàng