/Tách Lớp/ Vì sao ‘View of the Flower of Greece’ là kiệt tác phong cảnh của hội họa Đức

Nghệ thuật đôi lúc vượt lên trên sự đẹp vốn cố, người ta có thể tạm quên đi tính thẩm mỹ thượng thừa tồn tại trong tác phẩm vì những hình ảnh hiện hữu ở đây khiến họ lạc trôi vào thế giới mà nghệ sĩ tạo ra và tâm tưởng huyền hoặc được xây dựng công phu.

“View of the Flower of Greece”, 1824-1825, Karl Friedrich Schinkel.
Kích thước: 94 × 235 cm. Chất liệu: Sơn dầu.
Nguồn ảnh: Wikipedia.

“Blick in Griechenlands Blüte” với tựa tiếng Anh là “View of the Flower of Greece” (tạm dịch: Khung cảnh tuyệt đẹp của Hy Lạp) là tác phẩm theo trường phái Lãng Mạn của họa sĩ người Đức – Karl Friedrich Schinkel (1781-1841). Không chỉ là một họa sĩ tài danh, Schinkel còn được biết đến là bậc thầy về kiến trúc và thiết kế, ông là người đóng vai trò quan trọng trong việc định hình Chủ nghĩa Cổ Điển và Chủ nghĩa Lịch Sử ở Đức những năm đầu thế kỷ 19.

Là tác phẩm cuối cùng trong sự nghiệp hội họa, bức tranh được vẽ trong hai năm từ 1824 – 1825, trước khi Schinkel dành toàn tâm cho kiến trúc, bắt tay vào thiết kế Cung điện CharlottenhofNhà thờ Thánh Nikolai ở Potsdam và tòa thị chính ở Kolberg vào năm 1826. “View of the Flower of Greece” miêu tả phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ ở Hy Lạp thời kì cổ đại, với thành phố yên bình nằm mộng mơ trong thung lũng trải nắng vàng và ngay gần mắt người xem là những người công nhân đang xây dựng công trình gợi chúng ta nhớ nhiều đến ngôi đền nổi tiếng như Partheon hay Artemis.

Sau khi hoàn thành, bức tranh được chính quyền Berlin mua lại để làm quà cưới cho con gái út Vua Frederich Wilhelm III, Công chúa Luise nước Phổ và Hoàng tử Friedrich của Hà Lan. Năm 1931, Phòng trưng bày Quốc gia Đức đã mua lại bức tranh từ Hà Lan, tuy nhiên đến năm 1945, tác phẩm gốc của Schinkel đã bị tiêu hủy trong chiến tranh. Hiện tại hình ảnh của “View of the Flower of Greece” được lưu giữ trong bản sao do họa sĩ Wilhelm Ahlborn thực hiện năm 1836 và đang được trưng bày tại Bảo tàng Alte, Đức.

Chữ ký bản sao của Alhborn.

Với tác phẩm nghệ thuật cuối cùng này, Karl Schinkel đã thể hiện ý tưởng về một bức tranh phong cảnh nơi thiên nhiên và hoạt động của con người hòa hợp vào nhau. Vậy còn điều gì khác ở “View of the Flower of Greece” khiến những nhà cầm quyền lúc ấy lại yêu thích nó đến vậy. Chúng mình sẽ cùng khám phá những ẩn ý đó trong số Tách Lớp ngày hôm nay.


Nghệ thuật thị giác

“View of the Flower of Greece” mang đến góc nhìn từ trên cao trải dài khung hình rộng theo chiều ngang với hình thức “panorama” để bao quát toàn bộ một vùng rộng lớn cho đến tận đường chân trời xa xăm. Bettina von Arnim, nữ nhà văn người Đức và cũng là một đại diện quan trọng của Chủ nghĩa Lãng Mạn nước này đã viết về bức tranh rằng: “Cảnh quan mà Schinkel miêu tả khiến tôi có thể lắng mình ngắm nhìn nó trong vài tiếng, thậm chí vài ngày. Bất cứ ai khi nhìn thấy bức tranh này đều rất kinh ngạc và tôi muốn nói rằng nó là một kiệt tác để đời của ông ấy.”

Là một kiến trúc sư bậc thầy, bên cạnh việc đưa những công trình biểu tượng vào trong tác phẩm hội họa, thì cách xây dựng bố cục chỉn chu được xem là vấn đề tiên quyết để Schinkel có được nét đẹp phong cảnh “hút hồn tự nhiên” trong bức tranh của mình. Sự “hoàn hảo” này được nhìn thấy ngay ở cách lựa chọn phối cảnh một điểm tụ. Nếu chia bức tranh theo chiều dọc thành 5 phần bằng nhau, tại giao điểm của ranh giới giữa “phần năm thứ nhất” và “phần năm thứ hai” hợp cùng đường ngang phân đôi bức tranh (đường chân trời), chúng ta sẽ có điểm nhìn của toàn bộ khung hình.

Mang đậm dấu ấn phong cách cổ điển, vậy nên nghệ sĩ người Đức rất chú trọng đến tính nhất quán trong không gian. Với một tác phẩm hội họa phong cảnh, có ba “vùng nhìn” luôn được chú ý thị giác nhiều nhất gồm: Điểm tụ (đen) – Tâm tranh (xanh) – Tiền cảnh (đỏ). Trong “View of the Flower of Greece”, Schinkel đã tận dụng triệt để ba yếu tố này kiến thiết bố cục cân bằng nhằm xây dựng mạch chuyện tổng thể hài hòa.

1. Điểm Tụ – Như đã đề cập ở trên, điểm tụ của bức tranh nằm ở vị trí cân đối (trên đường chân trời và lệch về cạnh trái). Với vị trí này, nó hoàn toàn cho phép người xem được phóng tầm mắt một cách tự nhiên ra khoảng rộng phía bên phải, từ đó những cảnh được miêu tả trong không gian này mang đến cảm nhận thoải mái trong thị giác hơn là đặt điểm tụ ở chính giữa.

Ngoài ra, việc không đặt điểm tụ sát mép cạnh trái còn để tạo ra khoảng mở ở đây, giúp Schinkel xây dựng một trong những bối cảnh chính trong bức tranh với đoàn quân lính và đặc biệt điểm tụ nằm ở đúng vị trí hình tượng con bò (mình sẽ nói riêng chi tiết này ở phần sau).

2. Tâm Tranh – Là điểm chính giữa bức tranh, giao của 2 đường chéo chính. Ở đây nó nằm trong khoảng không mênh mông của thiên nhiên hùng vĩ mà họa sĩ đã tinh tế sắp đặt (đó là lí do vì sao Schinkel đặt điểm tụ lệch một bên). Được xem là khoảng nhìn gây ấn tượng đầu tiên đến với khán giả khi chiêm ngưỡng bức tranh từ xa, phần lớn diện tích vùng lân cận tâm tranh được Schinkel miêu tả thành phố trù phú có hải cảng và những mái nhà bố trí ngăn nắp dưới chân đồi.

Khoảng trời phía trên bao la thoáng đãng, trong ánh nắng lung linh, thành phố này hiện lên êm đềm và thanh bình. Bằng những gam màu với tông sắc nhẹ nhàng kết hợp cùng kỹ thuật vẽ hậu cảnh – Aerial Perspective, Karl Schinkel đã khơi gợi cảm giác bầu khí quyển chân thực cho các lớp cảnh ở xa.

Bettina von Arnim miêu tả vẻ đẹp của thành phố như sau: “Ở trung địa, một thành phố Hy Lạp tráng lệ giữa rừng với đền thờ thần Jupiter, cung điện, tượng đài, khu chợ, đài phun nước và các khu vườn xanh mướt. Tất cả được bao quanh bởi một con sông với những hòn đảo, điểm xuyết là vài đồng cỏ màu mỡ, đôi khi là dải cát êm mịn len lỏi dưới ánh mặt trời phía nam. Một dãy núi chạy dài từ trái sang phải với sự hùng vĩ đến tuyệt vời, hiện lên một nét thánh thiện khiến tôi bị rung động ngay tức khắc. Chúng lẩn khuất trong đám mây mù phía xa và dần dần biến mất phía sau chân trời.”

3. Tiền cảnh – Vị trí có chi tiết hình ảnh lớn và nổi bật nhất. Tại đây, Schinkel đặt ngôi đền khổng lồ đang được xây dựng với những người công nhân bán khoả thân lao động hăng say. Hình ảnh chạy dọc theo chiều ngang của bức tranh, có thể thấy kiến trúc của công trình mang nét đặc trưng của văn hóa Hy Lạp cổ đại: Cột trụ Ionic, khối đá cẩm thạch Marble và phù điêu mô tả những người hành lễ trong trang phục cổ.

Với góc nhìn này, Schinkel đang đứng từ bên trong nội thất ngôi đền nhìn ra và nó được miêu tả như một cảnh quan trong toàn cảnh thiên nhiên. Ngôi đền sắm vai ở vị trí để hướng đến tinh thần chủ đạo cho toàn thể bức tranh và manh mối để chúng ta biết điều này là những dòng chữ nhỏ nằm dưới cùng ở phần năm thứ hai. Đây là bài thánh ca ca ngợi nữ thần nhân đức Arete được sáng tác bởi Aristotle và ngôi đền có lẽ được hiểu với ý nghĩa mang đến sự đức hạnh.

Từ 3 yếu tố trên, sự liên kết nhất quán trong bố cục được thể hiện như thế nào?

Theo thị giác tự nhiên, người xem luôn có xu hướng điều khiển mắt từ gần ra xa và từ trái qua phải. Đặt để trong “View of the Flower of Greece”, Karl Schinkel đã tạo ra một cánh cung tuyến tính thị giác theo chiều ngang bức tranh, trải đều khắp nửa dưới đường chân trời; bắt đầu từ góc dưới bên trái tiến đến phần công trình khổng lồ mép phải, sau đó hướng ánh nhìn về khung cảnh thành phố và kết thúc tại hình ảnh đoàn lính diễu hành.

Tuyến tính thị giác trong bức tranh.

Không chỉ bố cục tuân theo quy ước, ánh sáng cũng có hướng chiếu tương tự với bóng đổ từ trái sang phải. Schinkel đã đặt thành phố Athens trong môi trường khí hậu thơ mộng và tự do, ông xử lí chúng thông qua ánh sáng mê hoặc mang đến cảm giác như nghệ sĩ có mặt trực tiếp tại đó. Khu rừng vùng cận tiền cảnh đổ bóng tối mờ để tạo nét tương phản lung linh cho thành phố tráng lệ trong nắng. Vùng trời chuyển sắc đơn giản nửa trên làm nhịp nghỉ cho toàn cảnh chi tiết dày đặc nửa dưới là cách để nghệ sĩ người Đức mang đến biểu hiện hài hòa không gian.

Bảng màu trong “View of the Flower of Greece”.

Bằng sự sắp đặt hình ảnh cân bằng toàn khung hình, bức tranh không đơn thuần là sự tái hiện lại Athens cổ đại mà Schinkel ở đây muốn xây dựng một thành phố hoàn toàn mới lạ với những khung cảnh hòa quyện vào nhau trong một thế giới tuyệt vời. Ngôn ngữ nghệ thuật cổ điển hóa của Schinkel đưa lý tưởng Hy Lạp về Thời kì Khai Sáng nơi con người chung sống thân thiện với thiên nhiên và xã hội loài ngoài gắn kết hoà thuận cùng chung tay xây dựng cộng đồng.

Bức tranh là tiếng nói thể hiện tư tưởng của Karl Schinkel, một cách nội suy chủ thể với những nghệ sĩ cùng thời. Tại đây ông xây dựng kiến trúc Berlin dựa trên giá trị cổ xưa, không phải hình ảnh tàn tích, mục nát thông lệ mà thể hiện với góc nhìn ấn tượng, tích cực và Ngôi đền “Đức Hạnh Arete” là đại diện giáo dục thẩm mỹ, tượng trưng cho đạo đức của một cộng đồng lịch sử và bản sắc chính trị của đất nước.

Vì sao bức tranh là món quà đại diện cho nước Đức?

Như đã nói đến ở đầu bài, “View of the Flower of Greece” là quà cưới mà chính phủ Berlin dành tới cho Công chúa nước Phổ. Không chỉ xuất phát từ vẻ đẹp duy mỹ mà bức tranh thể hiện ra bên ngoài cùng ý nghĩa khơi dậy vẻ đẹp lãng mạn thế kỷ 19, hình ảnh đó còn mang một tầng lớp nghĩa thứ 2.

Ở đây chúng ta thấy một vài người công nhân xây dựng ngôi đền đang hướng mắt về phía đoàn chiến binh trở về nhà – đó là hình ảnh ám chỉ liên tưởng đến Cách mạng Hy Lạp (1821–1829) chống lại sự thống trị của đế chế Ottoman và thời điểm bức tranh hoàn thành, Hy Lạp đã nắm lợi thế để dần tiến đến chiến thắng.

Cùng lúc ấy, nước Phổ cũng đang trong cuộc chiến chống lại đội quân Napoléon. Từ điểm tụ là bức tượng với hình ảnh Con bò Cretan trong thần thoại Hy Lạp mang ý nghĩa Quyết Tâm Sức Mạnh, bức tranh là một lời chúc của Đức giành cho nước bạn láng giềng như đoàn lính hân hoan kia mang chiến thắng trở về quê hương.

Biên tập: Hoàng

Cùng tác giả

#Tag

chủ nghĩa lãng mạn Hoàng hội họa đức hy lạp cổ đại Karl Friedrich Schinkel Nghệ thuật thế kỉ 19 phong cảnh Tách lớp View of the Flower of Greece

iDesign Must-try

Thế giới hùng vĩ từ trên cao qua ống kính của Dimitar Karanikolov
Thế giới hùng vĩ từ trên cao qua ống kính của Dimitar Karanikolov
Dimitar là một kiến trúc sư có niềm đam mê du lịch và chụp ảnh từ trên không. Những tác phẩm của ông mang những góc chụp và không gian…
Nghệ thuật Phi thẩm mỹ
Nghệ thuật Phi thẩm mỹ
Nghệ thuật có thể xấu xí không? Chúng ta đang sống trong một thế giới xoanh quanh cái đẹp. Nghệ thuật là một hoạt động mang tầm quốc tế đồng…
Họa sĩ minh họa Lổn Nương: ‘Người cầm tinh tuổi hổ luôn mạnh mẽ, vang dội và giàu tình cảm’
Họa sĩ minh họa Lổn Nương: ‘Người cầm tinh tuổi hổ luôn mạnh mẽ, vang dội và giàu tình cảm’
“Mình sẽ luôn chọn tết cổ truyền, bởi môi trường sống và các giá trị mình được truyền lại từ nhỏ.” – Lời tâm tình của Lổn Nương về những…
Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 1/2022
Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 1/2022
Tháng đầu tiên của năm 2022 các độc giả iDesign có gì mới không nhỉ? Riêng chúng mình thì có loạt điểm tin nghệ thuật nổi bật diễn ra trên…
Trung Bảo (Fustic): ‘Hãy cứ gọi mình là người làm sáng tạo’
Trung Bảo (Fustic): ‘Hãy cứ gọi mình là người làm sáng tạo’
Bằng ngôn ngữ sáng tạo độc đáo của bản thân, Trung Bảo đang dần xóa nhoà ranh giới giữa âm nhạc và nghệ thuật thị giác, biến hai loại hình…
Bộ nhận diện Mineral Cafe - Bài toán thân thiện môi trường được xây dựng từ những giá trị bền vững
Bộ nhận diện Mineral Cafe - Bài toán thân thiện môi trường được xây dựng từ những giá trị bền vững
Tọa lạc tại Jakarta, Indonesia, Mineral Cafe là không gian cafe cung cấp các dịch vụ về thức uống và đồ ăn tự chế biến với phương châm mang đến…