/Tách Lớp/ Pollice Verso - Bài phê bình đặc tính xã hội của Jean-Léon Gérôme
Lột tả chân thực hình ảnh thời kỳ La Mã cổ đại, những gì Gérôme miêu tả không chỉ dừng lại ở ý nghĩa tái hiện lịch sử. Đó còn là cái nhìn thấu tâm dành cho thời cuộc xã hội và sự soi xét đến giá trị văn hóa đại chúng vẫn còn nguyên vẹn cho đến tận ngày nay.
Mặc dù thường lựa chọn những chủ đề kỳ lạ đôi khi là gây tranh cãi trong các tác phẩm nghệ thuật, không thể phủ nhận rằng Họa sĩ hàn lâm – Jean-Léon Gérôme (1824-1904) là một bậc thầy về sự ngoạn mục, chăm chút tỉ mỉ đến từng chi tiết hình ảnh. Là một trong những họa sĩ Pháp nổi tiếng nhất ở thế hệ của mình, ông được ghi nhận là người đã mang đến sự thay đổi quan trọng trong lịch sử hội họa.
Tuy nhiên, Gérôme đã phải hứng chịu những lời chỉ trích và phê phán gay gắt (chủ yếu đến từ những người theo chủ nghĩa Hiện thực và Biểu hiện), họ xem sự pha trộn giữa Hội họa Hàn lâm với Hội họa Thể loại của ông là một trường phái lỗi thời. Dù vậy, Gérôme vẫn thu hút công chúng và nhiều nhà phê bình bởi những kỹ năng và hình tượng nghệ thuật mà ông xây dựng trong đó. Nửa sau sự nghiệp Gérôme được chú ý với tư cách là một nhà điêu khắc, nhưng ông vẫn được biết đến nhiều nhất bởi những tác phẩm hội họa lịch sử tuyệt đẹp. Chúng mình sẽ cùng khám phá điều này trong kiệt tác nổi tiếng nhất của Gérôme – Bức tranh Pollice Verso.
/”Pollice Verso” là một từ trong tiếng La tinh để chỉ hành động “quay ngón tay cái xuống dưới”, đồng nghĩa với từ “Thumb-down” trong tiếng anh./
Gérôme luôn dành một sự quan tâm mật thiết với hình ảnh con người có địa vị thấp bé trong xã hội và “Pollice Verso” là một câu chuyện như thế. Bức tranh lịch sử ghi lại hình ảnh thời kì La Mã cổ đại, mô tả khung cảnh một đấu sĩ Murmillo với dáng vẻ hiên ngang đánh bại các đấu sĩ Retiarius trên đấu trường. Dưới chân anh ta là một bại binh đang giơ tay cầu cứu hướng về phía khán đài gồm các nữ tư tế Vestals và đám đông khán giả hò reo. Ngay cạnh đó là hình ảnh khu vực hoàng gia và vị hoàng đế Caesar trên ngai vàng đang tận hưởng không khí sôi nổi của bữa tiệc sinh tử.
Chú thích các nhân vật:
- Đấu sĩ Murmillo: là đấu sĩ hạng “giết người” trong thời kỳ La Mã cổ đại. Những Murmillo thường là người đàn ông to cao, cánh tay và đôi vai to khỏe. Họ được trang bị nhiều vũ khí như: Kiếm Gladius, Nón bảo hiểm Cassis Crista, Khiên Scutum, Giáp thân Ocrea, Thắt lưng Balteus, Giáp chân Fasciae,….
- Đấu sĩ Retiarius: là đấu sĩ theo phong cách “ngư dân” khi tham gia chiến đấu bởi vũ khí tấn công chủ yếu của họ là một chiếc lưới quang. Bên cạnh đó, họ được trang bị rất ít vật dụng, gồm: Cây đinh ba Fuscina, Dao găm Pugio, Giáp vai Galerus, Giáp cánh tay Manina.
- Nữ tư tế Vestals: Là những trinh nữ bảo vệ ngọn lửa thiêng của đế chế La Mã. Họ gia nhập Vestals từ khi còn nhỏ (từ 6-10 tuổi) và giữ lời thề trinh tiết 30 năm để phục vụ những nghi lễ của đất nước.
Nghệ thuật thị giác
Ấn tượng đầu tiên của người xem khi nhìn thấy bức tranh là cảnh tượng choáng ngợp bởi bầu không khí nhiệt thành đến từ sức nóng và âm vang trên khắp các khán đài. “Pollice Verso” là tác phẩm hội họa đã truyền cảm hứng cho đạo diễn Ridley Scott sản xuất bộ phim nổi tiếng “Gladiator” (2000), nó giúp ông mường tượng ra cả một thế giới trước khi đọc kịch bản. Nói về bức tranh của Gérôme, Scott thốt lên rằng: “Ngay lần đầu nhìn thấy, tôi đã bị sửng sốt và lặng người đi trong phút chốc vì nó đã kể một cách chân thực về Đế chế La Mã trong tất cả sự vinh quang và bạo tàn.”
Cảnh tượng mà Gérôme miêu tả thực sự giống như ảnh chụp màn hình từ một bộ phim điện ảnh. Điều này đến từ điểm nhìn và bố cục mà họa sĩ người Pháp đã sử dụng. Ông đặt đường chân trời ở ngang hông đấu sĩ Murmillo nhằm đặc tả và hướng ánh mắt người xem chú ý vào tầm vóc của anh ta. Bên cạnh đó còn để tạo vùng không gian đủ rộng ở phía xa, xây dựng góc hút hậu cảnh và không khí náo nhiệt trên khán đài. Góp phần bồi đắp nội dung cho toàn bộ mạch chuyện cũng như tăng tính chân thực của bức tranh.
Nếu đặt để trong điện ảnh, hình ảnh của “Pollice Verso” có phần tương tự với góc máy “Hit Lever Shot” khi quay phim – Góc máy sử dụng khung hình khá rộng để hiển thị các yếu tố quan trọng có trong cảnh phim. Đồng thời có thể lột tả phong thái tự tin và cho phép các hành động có thể kiểm soát được diễn ra xung quanh đối tượng.
Phần nào đó, chính “Pollice Verso” đã định hình cho điện ảnh hiện đại. Nhà sử học nghệ thuật – Marc Gotlieb cho biết: “Các đạo diễn phim điện ảnh Hollywood thời kỳ đầu đã vay mượn các yếu tố của Gérôme từ khung hình bối cảnh đến phần cốt truyện. Nhưng đóng góp của Gérôme cho điện ảnh không chỉ là trang phục, góc nhìn. Sự khéo léo của ông ấy nằm ở việc sắp đặt không gian và thời gian một cách sáng tạo – đó là ‘trí tưởng tượng điện ảnh’.”
Ngoài bố cục hấp dẫn, yếu tố nữa khiến người xem bị thu hút bởi bức tranh còn đến từ ánh nắng cam đào và hòa sắc mà Gérôme sử dụng. Lựa chọn tông màu “đỏ ấm”, khá trầm để xây dựng tổng thể câu chuyện, những gam nóng đã khai thác rõ nét bầu không khí căng tràn năng lượng trong đấu trường. Cảm giác ngộp thở phủ khắp các chi tiết khi chúng ta đưa ánh mắt nhìn bởi sắc đỏ xuất hiện dồn dập. Từ những vũng máu loang lổ trên mặt đất, mảng tường gạch đỏ rực chạy dài cho đến những tấm thảm và trang phục người cổ vũ.
Trên thực tế, màu đỏ chính là màu kích thích sự “điên loạn” của con người khi tham gia chiến đấu và ở “Pollice Verso”, Gérôme cũng sử dụng cặp màu bổ túc (Đỏ – Lục) để nhấn mạnh yếu tố “khát máu” này. Ông điểm sắc lục ở một vài chi tiết nhỏ tinh tế như: quần áo, lá cờ và họa tiết trang trí nhằm kích ứng thị giác người xem nhưng vẫn không phá vỡ tông màu chủ đạo của tổng thể.
Không chỉ vậy, họa sĩ người Pháp còn áp dụng kỹ thuật “Polychrome” để mô tả ánh sáng trong bức tranh. Polychrome là phương pháp vẽ đa sắc thường được biết đến nhiều ở lĩnh vực kiến trúc và điêu khắc, nhưng Gérôme được xem là người tiên phong đưa nó vào trong hội họa. Ông biến tấu Polychrome trong bức tranh để tạo nên dải sáng đa dạng cho thấy sự tán xạ ánh sáng của các vật thể lên nhau nhiều hơn một màu, từ đó người xem sẽ có cảm quan của bầu khí quyển. Chi tiết rõ nhất để chúng ta nhận ra được điều này có thể nhìn thấy ở góc phía xa của khán đài.
Hình tượng cử chỉ tay gây tranh cãi
Bên cạnh sự tán dương về mặt kỹ thuật và nghệ thuật thị giác, “Pollice Verso” còn gây ra nhiều tranh cãi với hình ảnh xuất hiện ngay trong tiêu đề – “Ngón tay cái quay xuống”.
Vào thời La mã cổ đại những trận chiến tại đấu trường sinh tử Colosseum, Rome, Ý như một cách mua vui của dân chúng lúc bấy giờ và cái kết của trận đấu sẽ do họ quyết định. Tuy nhiên, từ các ghi chép lịch sử, khảo cổ và văn học từ thời La Mã cổ đại, vẫn chưa tài liệu nào chắc chắn việc ngón tay cái quay lên, quay xuống, giơ ngang hay giấu bên trong bàn tay sẽ biểu thị cho ý kiến tích cực hay tiêu cực.
Nhưng trong “Pollice Verso”, Gérôme lại khẳng định một cách rõ ràng cho cử chỉ này. Trong bức thư được viết vào tháng 12/1878, họa sĩ người Pháp đã miêu tả về bức tranh rằng: “….Những nữ tư tế Vestals và đám đông hò reo đồng thời “quay ngón cái xuống”, họ muốn Murmillo kết liễu Retiarius….”. Chính sự nhầm lẫn này đã mở màn cuộc tranh cãi không hồi kết về tính xác thực của biểu tượng ngón tay cái cho đến ngày nay.
Nguồn ảnh: IMDB
Ngay cả trong “Gladiator” (2000) của đạo diễn Ridley Scott, ông cũng sử dụng cử chỉ tay theo hàm ý của Gérôme để đưa vào bộ phim trong phân cảnh hoàng đế Commodus đưa ra phán quyết trận đấu. Vô tình nó đã lan rộng ra khắp văn hóa đại chúng sau này, chúng ta sẽ thấy đâu đó trong cuộc sống hiện tại hình ảnh “ngón cái hướng xuống” để ám chỉ cho người thua cuộc. Hay một hình ảnh biểu tượng gần gũi là nút “Thích” và “Không Thích” cũng cho thấy ý nghĩa tương tự về mặt tích cực và tiêu cực.
Bức tranh phê bình về bản chất xã hội
Lột tả chân thực hình ảnh đế chế La Mã cổ đại những năm 180, những gì Gérôme miêu tả không chỉ dừng lại ở ý nghĩa tái hiện lịch sử mà là sự soi xét, cái nhìn thấu tâm dành cho thời cuộc xã hội – nơi số đông định hình nên văn hóa đại chúng và nó vẫn đang diễn ra trong cuộc sống hiện đại ngày nay.
Có thể cách ông sử dụng hình ảnh “ngón tay cái” chưa chính xác nhưng nó được đưa vào có chủ ý để nhấn mạnh đặc tính “bầy đàn” trong xã hội loài người. Khi số phận của con người trở thành trò mua vui “tiêu khiển” và nằm trong tay số đông những kẻ thường dân “bệnh hoạn” khát máu. Ở “Pollice Verso” là sự xuất hiện của ba hình tượng đại diện trái ngược nhau.
Đầu tiên là “Những nữ tư tế Vestal”. Họ được xem là hiện thân cho hình ảnh thuần khiết, người canh giữ ngọn lửa thiêng của La Mã cổ đại. Với bộ trang phục trắng tinh khôi và vẻ ngoài thánh thiện nhưng tất cả đã bị đánh lừa bởi bên trong con người họ là sự man rợ và hung bạo ác tính. Nữ tư tế Vestal được ngồi vị trí danh dự để thưởng lãm trận đấu và cũng là những người nhiệt tình nhất đưa ra phán quyết khai tử cho kẻ bại trận.
Tất cả họ kể cả đám đông khán giả muốn mượn tay của đấu sĩ Murmillo để thỏa mãn con thú khát máu ẩn sâu trong con người mình mà bình thường chẳng ai dám thể hiện ra bên ngoài. Chính những con người này đã giết chết các đấu sĩ Retiarius trước đó với “công cụ” là Murmillo.
Đối lập với hình ảnh đám đông bạo tàn kia là người đấu sĩ Retiarius lẻ loi yếu đuối nằm bại trận hấp hối. Cũng là cái đưa tay ra dấu ám hiệu, nếu những người trên khán đài muốn nhìn thấy sự chết chóc thì anh chàng cô đơn tay với lên cầu cứu sự giúp đỡ. Những đấu sĩ giác đấu (kể cả Retiarius hay Murmillo) đều là các nô lệ, tù binh bị bắt vào đấu trường để phục vụ cho bữa tiệc máu. Họ đại diện cho tầng lớp khốn cùng, thú vui giải trí của giới thượng lưu, những người luôn nằm ngoài sự chở che và yên phận trong ánh mắt ghẻ lạnh từ xã hội lúc bấy giờ.
Cuối cùng là hình ảnh hoàng đế Caesar ngồi trên ngai vàng được trang trí bằng những vật phẩm uy nghiêm quanh mình. Đó là hình ảnh cho sự quyền uy và phần nào cho thấy tính cách “máu lạnh”, tàn nhẫn. Caesar là người tạo ra cuộc vui này, phong thái ung dung thỏa mãn. Vị hoàng đế La Mã đắm chìm trong men say cuồng điên mà bốn phía dân chúng tạo ra với nét mặt khinh khỉnh của kẻ đứng đầu. Ông chỉ phục vụ cho nhu cầu của đám đông và chính bản thân còn sinh mạng con người thì nhẹ tựa lông hồng.
Gérôme đã tái hiện lại một xã hội thu nhỏ, nơi ông phê phán và phơi bày trần trụi về đặc tính loài người xuyên suốt hàng hàng ngàn năm qua. “Pollice Verso” được vẽ vào thế kỉ 19 để khơi dậy những hình ảnh từ thế kỉ đầu tiên nhưng giá trị của nó ấy vẫn tạo nên dòng chảy và sống mãi cho đến tận bây giờ.
Cuộc sống của chúng ta hiện đại hơn nhiều so với vài trăm năm trước nhưng bản chất con người thì chưa bao giờ thay đổi. Mạng xã hội xuất hiện khiến đặc tính “bầy đàn” trỗi dậy mạnh mẽ và thể hiện rõ nét hơn bao giờ hết. Dù tốt hay xấu, đây cũng là “đấu trường” khốc liệt mà chỉ cần sơ sẩy, đám đông sẽ kéo chúng ta vào những nơi mà bản thân chẳng hề hay muốn.
Biên tập: Hoàng
Các bài khác cùng chủ đề
- 1. Câu chuyện đằng sau tuyệt tác “Luncheon of the Boating Party” của Renoir (P1)
- 2. Câu chuyện đằng sau tuyệt tác “Luncheon of the Boating Party” của Renoir (P2)
- 3. Nàng thơ tóc đỏ Elizabeth Siddal cùng bi kịch có thực phía sau bức tranh ‘Ophelia’ ám ảnh
- 4. /Tách Lớp/ Sự yên tĩnh bí ẩn trong Nighthawks của Edward Hopper
- 5. /Tách Lớp/ Điều gì đã diễn ra trong Las Meninas của Diego Velázquez
- 6. /Tách Lớp/ Wanderer above the Sea of Fog - Chọn sự tĩnh lặng để hiểu rõ bản thân
- 7. Cách đọc tranh thời Phục Hưng
- 8. /Tách Lớp/ Say đắm trong điệu Valse du dương của “Dance at le Moulin de la Galette”
- 9. /Tách Lớp/ Hip, Hip, Hurrah! - Khúc ngân vang từ xứ Skagen
- 10. /Tách Lớp/ Điều gì khiến ta trót yêu màu nắng Sewing the Sail của Joaquin Sorolla