Paul Cézanne — Quá trình của Sự thấy - (Phần 4)

Trích dịch Proust was a Neuroscientist – Jonah Lehrer (2007), bởi Út Quyên

Dù cố gắng đến đâu, Cézanne vẫn không thể thoát khỏi những diễn dịch xảo quyệt của não mình. Trong những bức tranh trừu tượng của ông, Cezanne muốn thể hiện tiến trình tâm lý này, để khiến chúng ta nhận thức được một cách đặc biệt trong đó tâm trí chế tạo ra hiện thực. Nghệ thuật của ông chỉ ra cho ta những gì ta không thể thấy, đó là cách mà chúng ta thấy.” Ta đọc được về mong muốn của Cézanne trong phần trước của bài viết.

Còn trong phần này, bài viết mở ra cho chúng ta hiểu thêm về cách vận hành của não bộ khi đối diện với ánh sáng, và cách các bức họa của Cézanne vượt qua giới hạn của ánh sáng, để tới nỗi sử gia nghệ thuật Meyer Schapiro phải lưu ý rằng, trong một bức tranh của Cezanne “như thể không có vật thể bào độc lập, khép kín, tồn tại từ trước, được trao cho con mắt của họa sĩ để tái hiện, mà chỉ có vô số cảm giác liên tiếp được khám phá.” Và, “thay vì cung cấp cho chúng ta một khung cảnh về các hình khối được thể hiện trọn vẹn, Cezanne cung cấp cho chúng ta nhiều lớp cạnh gợi ý, từ đó các hình khối dần dần mở ra.” Tác giả Jonah Lehrer viết.

Chuỗi bài dịch mang tên “Paul Cézanne – Quá trình của sự thấy” sẽ giúp ta hiểu sâu hơn về quan điểm và thực hành nghệ thuật của Cézanne, để hiểu hơn nhận xét của tác giả Jonah Lehrer khi phát biểu rằng: “Nghệ thuật của Cezanne phơi bày quá trình của sự thấy.”

Bài viết được chia làm 7 phần:
– Phần 1: Về Cézanne và Quá trình của Sự thấy
– Phần 2: Sự ra đời của Nhiếp ảnh (1)
– Phần 3: Sự ra đời của Nhiếp ảnh (2)
– Phần 4: Giới hạn của Ánh sáng (1)
– Phần 5: Giới hạn của Ánh sáng (2)
– Phần 6: Cézanne và Zola
– Phần 7: Tấm toan trống

PHẦN 4 : Giới hạn của Ánh sáng (1)

Hiểu được sự thấy bắt đầu thế nào, nhãn cầu chuyển biến ánh sáng thành các mã xung điện ra sao, là một trong những khám phá thỏa mãn nhất của khoa học thần kinh hiện đại. Không một giác quan nào khác từng được mổ xẻ như thế. Giờ đây chúng ta biết rằng thị giác bắt đầu bằng một sự xáo trộn nguyên tử. Các hạt ánh sáng làm thay đổi cấu trúc phân tử tinh vi của các thụ thể trong võng mạc. Cái rùng mình này của tế bào kích hoạt một chuỗi phản ứng dây chuyền kết thúc bằng một tia điện áp. Năng lượng của photon biến thành thông tin.

Nhưng mã ánh sáng đó, như Cezanne đã biết, chỉ là khởi điểm của việc thấy. Nếu sự thấy chỉ đơn giản là các tế bào cảm quang trong võng mạc, thì tấm toan của Cezanne sẽ chẳng khác nào những đống màu hỗn độn không thể phân tách. Các bức phong cảnh Provence của ông sẽ bao gồm những thế thân vô nghĩa của các cây ô liu và đất vàng, và các bức tĩnh vật của ông sẽ chỉ toàn màu mà không có hoa quả gì hết. Thế giới của chúng ta sẽ chẳng có hình thù. Thay vào đó, trong hệ thống tiến hóa của loài người, sự ánh xạ ánh sáng trong nhãn cầu được biến đổi liên tục cho đến khi, trong một phần nghìn giây tiếp theo, sự mô tả trên mặt toan xâm nhập vào nhận thức của chúng ta. Giữa cơn lốc của màu sắc, chúng ta thấy quả táo.

Bức tranh Hillside in Provence (Tạm dịch: Sườn đồi ở Provence), thực hiện năm 1890-1892 bởi Paul Cézanne

Điều gì đã xảy ra trong cái chớp mắt của hoạt động vô thức này? Cái nhìn khoa học đầu tiên vào cách bộ não xử lý dữ liệu từ mắt xuất hiện cuối thập niên 1950, trong một bộ thí nghiệm đáng kinh ngạc của David Hubel và Torsten Wiesel. Vào thời điểm đó, khoa học thần kinh còn chưa biết vỏ não phản ứng với những kích thích thị giác nào. Ánh sáng kích thích võng mạc, nhưng loại thông tin thị giác nào kích thích tâm trí? Các thí nghiệm cố gắng trả lời câu hỏi này lại cực kỳ đơn giản: các điểm ánh sáng được chiếu vào võng mạc của động vật (thường là một con mèo tội nghiệp) trong khi một chiếc kim điện tử ghi lại dòng điện di động từ vùng não được gọi là V1, đây là giai đoạn đầu tiên của vỏ não thị giác con người. Nếu một số điện áp được phát hiện, thì tế bào đang nhìn thấy thứ gì đó.

Trước Hubel và Weisel, các nhà khoa học cho rằng mắt giống như một chiếc máy ảnh, và trường thị giác của não bao gồm các chấm sáng, được sắp xếp gọn gàng theo thời gian và không gian. Giống như một bức ảnh được tạo thành từ một tấm mền bằng pixel, thì mắt cũng phải tạo ra một sự tái hiện hai chiều của ánh sáng phản xạ mà nó truyền đến não một cách liền mạch. Tuy nhiên, khi các nhà khoa học cố gắng tìm chiếc máy ảnh này bên trong hộp sọ, tất cả những gì họ tìm thấy là sự im lặng, trạng thái sững sờ điện giật của các tế bào hững hờ.

Đây là một nghịch lý đầy bức xúc. Rõ ràng con vật có thể nhìn, nhưng các tế bào của nó, khi bị cô lập với một chùm ánh sáng, lại lặng thinh. Cư như thị giác của con vật hiện ra từ một tấm vải trống. Hubel và Weisel đã dũng cảm dấn thân vào bí ẩn này. Lúc đầu, kết quả của họ chỉ xác nhận khả năng kích hoạt các tế bào thần kinh vỏ não bằng các tia sáng riêng lẻ. Nhưng sau đó, hoàn toàn tình cờ, họ phát hiện ra một tế bào kích thích, một tế bào thần kinh quan tâm đến phần thế giới mà nó đã thấy.

Tế bào này phản ứng với điều gì? Hubel và Weisel không biết. Tế bào thần kinh được kích hoạt vào đúng thời điểm nó được cho là im lặng, khi họ nghỉ giữa các thí nghiệm. Không có ánh sáng để kích thích nó. Chỉ sau khi kiểm tra lại chính xác từng bước, Hubel và Wiesel mới phát hiện điều gì đã xảy ra. Khi đưa một tấm kính vào máy phóng ánh sáng, họ đã vô tình đổ “một cái bóng mờ nhưng sắc nét” lên võng mạc của con mèo. Đó chỉ là một tia sáng thoáng qua – một đường thẳng chỉ về một hướng – nhưng nó chính xác là thứ mà tế bào muốn.

Hubel và Wiesel đã vô cùng sửng sốt trước khám phá của họ. Họ đã nhìn thoáng qua dữ liệu ghi nhận thô của thị giác, và nó hoàn toàn trừu tượng. Tế bào não của chúng ta là những thứ kỳ lạ, bị thu hút không phải bởi các chấm sáng mà bởi góc độ của các tia chiếu. Những tế bào thần kinh này ưa thích độ tương phản hơn độ sáng, các cạnh hơn những đường cong. Trong báo cáo hội thảo năm 1959 “Receptive Fields of Single Neurons in the Cat’s Striate Cortex” (Các trường tiếp nhận của các tế bào thần kinh đơn trong vỏ não mèo), Hubel và Wiesel đã trở thành những nhà khoa học đầu tiên mô tả hiện thực như nó là ở các lớp ban đầu của vỏ não thị giác. Đây là thế giới trông ra sao trước khi nó được thấy, khi tâm trí vẫn đang tạo ra cảm giác về cái nhìn.

Bức tranh The Rocks Above the Caves at Chateau Noir (Tạm dịch: Những tảng đá bên trên những hang động ở Château Noir), thực hiện năm 1904-1906 bởi Paul Cézanne

Các bức họa của Cezanne lặp lại hình học bí ẩn của các đường nét do vỏ não thị giác cảm nhận được. Cứ như thể ông đã bổ não ra và thấy được sự thấy xảy ra như thế nào. Ví dụ, hãy nhìn vào bức The Rocks Above the Caves at Chateau Noir (Những tảng đá bên trên những hang động ở Château Noir) (1904-1906).

Cezanne đã chọn một chủ đề đơn giản điển hình, chỉ là một vài tảng đá được bao quanh bởi một vài cây cối xác xơ. Cửa sổ bầu trời xanh ngắt xuyên qua tán lá. Nhưng tranh của Cezanne không phải về bầu trời, đá hay cây cối. Ông đã tách từng yếu tố này thành từng phần cảm giác về chúng, giải mã cảnh vật để cho chúng ta thấy cách tâm trí tái tạo nó.

Ở cấp độ họa theo nghĩa đen, Cezanne thể hiện phong cảnh không gì khác ngoài một tấm mền bằng những nhát cọ, mỗi cái là một đường màu riêng biệt. Ông từ bỏ chủ nghĩa điểm họa (pointillism) của Seurat và Signac, trong đó mọi thứ bị mổ xẻ thành những điểm sáng rời rạc. Thay vào đó, Cezanne theo đuổi một con đường đáng ngạc nhiên hơn nhiều, tạo ra toàn bộ bức tranh từ những mảng màu và nét vẽ, les tâches và les touches. Lối họa impasto của ông thu hút sự chú ý đến chính nó, buộc chúng ta phải xem bức tranh như một quá trình kiến tạo chứ không phải là một hình ảnh cố định.

Bức tranh theo chủ nghĩa họa điểm (pointillism) A Sunday Afternoon on the Island of La Grande Jatte (Tạm dịch: Buổi chiều trên Đảo Grande Jatte), thực hiện năm 1884–1886 bởi George Seurat

Như sử gia nghệ thuật Meyer Schapiro đã lưu ý, trong một bức tranh của Cezanne “như thể không có vật thể bào độc lập, khép kín, tồn tại từ trước, được trao cho con mắt của họa sĩ để tái hiện, mà chỉ có vô số cảm giác liên tiếp được khám phá.” Thay vì cung cấp cho chúng ta một khung cảnh về các hình khối được thể hiện trọn vẹn, Cezanne cung cấp cho chúng ta nhiều lớp cạnh gợi ý, từ đó các hình khối dần dần mở ra. Thị giác của chúng ta được tạo ra từ các đường nét, và Cezanne đã khiến cho các đường nét đó hiển thị đầy âu lo.

Đây là hiện thực trừu tượng được các nơron thần kinh của vùng V1 tái hiện. Như đã được bề mặt bức họa của Cezanne làm chứng, mức độ cảm nhận cơ bản nhất của chúng ta tràn ngập sự mâu thuẫn và bối rối. Các tế bào của vỏ não thị giác, bị ngập lụt trong tin đồn về ánh sáng, nhìn thấy các đường nét kéo dài theo mọi hướng có thể. Các góc giao nhau, những nhát cọ không đồng nhất và các bề mặt bị mờ vào nhau một cách vô vọng. Thế giới vẫn phi định hình, không có gì khác ngoài sự cắt dán của các khối màu. Nhưng sự mơ hồ này là một phần thiết yếu của quá trình nhìn, vì nó để lại khoảng trống cho những diễn giải chủ quan của chúng ta. Bộ não con người của chúng ta được thiết kế để hiện thực không thể tự phân giải chính nó. Trước khi chúng ta có thể hiểu được phong cảnh trừu tượng của Cezanne, trí óc cần can thiệp.

Bức tranh La Mer à L’Estaque (Tạm dịch: Biển ở Estaque) (trên) và bức Ile de France Landscape (Tạm dịch: Khung cảnh vùng Ile de France) (dưới), thực hiện bởi Paul Cézanne.

Đến đây, câu chuyện về cái nhìn vẫn là về những gì chúng ta thực sự cảm nhận được: ánh sáng và đường nét được võng mạc nhận diện và giai đoạn đầu của vỏ não thị giác. Đây là những phóng chiếu về sự biến chuyển của các nguồn cấp dữ liệu của chúng ta. Chúng đại diện cho thế giới bên ngoài của các photon được phản chiếu. Và trong khi sự thấy bắt đầu với những ấn tượng này, nó nhanh chóng vượt qua những gợi ý mơ hồ của chúng. Rốt cuộc, bộ não thực tế của con người không quan tâm đến sự thật giống như máy ảnh; nó chỉ muốn cảnh có ý nghĩa. Từ mức độ xử lý hình ảnh sớm nhất trong não cho đến hình ảnh được đánh bóng cuối cùng, tính liền lạc và độ tương phản đều được nhấn mạnh, cái thường phải trả giá bằng độ chính xác.

(Còn tiếp)

Ảnh bìa: Artplas
Người dịch: Út Quyên
Nguồn: Proust was a Neuroscientist – Jonah Lehrer (2007)

Cùng tác giả

#Tag

Artplas hội hoạ Hội họa Pháp paul cezanne quá trình sự thấy Series Nghệ thuật và ?

iDesign Must-try

Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 2)
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 2)
Hiện nay, một số nền tảng cho phép người dùng số hóa và quốc tế hoá thị trường nghệ thuật.
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 1)
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 1)
Ngày nay, sự xuất hiện của nhiều loại công nghệ mới đã góp phần không nhỏ trong việc thay đổi mối quan hệ của ta với nghệ thuật.
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật - (Phần 2)
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật - (Phần 2)
Tìm hiểu chi tiết hơn về các tác phẩm nghệ thuật ứng dụng công nghệ trong khuôn khổ triển lãm Nghệ thuật Kỹ thuật số nổi bật của thời đại…
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật (Phần 1)
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật (Phần 1)
“Tất cả chúng ta đều mong đợi xem việc áp dụng công nghệ hiện tại trong nghệ thuật sẽ mở ra những cánh cửa nào. Dù tương lai có ra…
Nghệ thuật và Công nghệ: Cùng tồn tại và phát triển
Nghệ thuật và Công nghệ: Cùng tồn tại và phát triển
Sự xuất hiện của công nghệ số trong quá trình sáng tạo nghệ thuật chưa bao giờ mạnh mẽ như lúc này. Nhưng, tận dụng hay loại bỏ, đâu mới…
Paul Cézanne — Quá trình của Sự thấy - (Phần 7)
Paul Cézanne — Quá trình của Sự thấy - (Phần 7)
Bức tranh rõ ràng là chưa hoàn chỉnh. Làm thế nào nó có thể là nghệ thuật? Nhưng Cezanne không hề nao núng trước những lời chỉ trích nhắm vào…