Paul Cézanne — Quá trình của Sự thấy - (Phần 5)

Trích dịch Proust was a Neuroscientist – Jonah Lehrer (2007), bởi Út Quyên

Chuỗi bài dịch mang tên “Paul Cézanne – Quá trình của sự thấy” sẽ giúp ta hiểu sâu hơn về quan điểm và thực hành nghệ thuật của Cézanne, để hiểu hơn nhận xét của tác giả Jonah Lehrer khi phát biểu rằng: “Nghệ thuật của Cezanne phơi bày quá trình của sự thấy.”
Bài viết được chia làm 7 phần:
– Phần 1: Về Cézanne và Quá trình của Sự thấy
– Phần 2: Sự ra đời của Nhiếp ảnh (1)
– Phần 3: Sự ra đời của Nhiếp ảnh (2)
– Phần 4: Giới hạn của Ánh sáng (1)
– Phần 5: Giới hạn của Ánh sáng (2)
– Phần 6: Cézanne và Zola
– Phần 7: Tấm toan trống

PHẦN 5 : Giới hạn của Ánh sáng (2)

Các nhà khoa học thần kinh hiện biết rằng những gì chúng ta nhìn thấy bị ảnh hưởng rất nhiều bởi một thứ gọi là quá trình xử lý từ trên xuống, một thuật ngữ mô tả cách các lớp vỏ não chiếu xuống và ảnh hưởng tới (làm lệch lạc, một số người có thể nói) cảm giác thực tế của chúng ta. Sau khi đầu vào của mắt đi vào não, chúng ngay lập tức được gửi theo hai con đường riêng biệt, một đường nhanh và một đường chậm. Đường truyền nhanh nhanh chóng truyền một hình ảnh thô và mờ đến vỏ não trước của chúng ta, một vùng não liên quan đến suy nghĩ có ý thức. Trong khi đó, đường truyền chậm đi một hành trình khá vòng vèo qua vỏ não thị giác, nơi bắt đầu phân tích tỉ mỉ và tinh chỉnh các đường ánh sáng. Hình ảnh chậm xuất hiện trên vỏ não trước khoảng năm mươi phần nghìn giây sau hình ảnh nhanh.

Tại sao tâm trí nhìn thấy mọi thứ hai lần? Bởi vì vỏ não thị giác của chúng ta cần được trợ giúp. Sau khi vỏ não trước nhận được hình ảnh không chính xác, “phần trên” của não nhanh chóng quyết định những gì “phần dưới” đã nhìn thấy và bắt đầu chắp vá dữ liệu cảm giác. Hình khối được áp đặt lên đống đổ nát phi hình hài của vùng V1; thế giới bên ngoài buộc phải phù hợp với mong đợi của chúng ta. Nếu những diễn giải này bị loại bỏ, hiện thực của chúng ta sẽ trở nên không thể nhận ra. Ánh sáng vẫn là không đủ.

Tác phẩm L’Estaque et le Château d’If (Tạm dịch: Estaque và Lâu đài If), tranh sơn dầu, thực hiện năm 1883-1885 bởi Paul Cézanne

Nhà thần kinh học Oliver Sacks từng có một bệnh nhân, Dr.P, người sống trong một thế giới trông giống như một tấm toan của Cezanne. Do bị tổn thương vỏ não, mắt của Dr.P hầu như không nhận được thông tin đầu vào từ não. Ông ta chỉ nhìn thế giới ở dạng chưa qua xử lý, như một mê cung của ánh sáng và vô khối màu sắc. Nói cách khác, ông ta đã nhìn thấy hiện thực đúng như nó là. Thật không may, điều này có nghĩa là cảm giác của ông ta hoàn toàn siêu thực. Để khám phá bệnh tình của bệnh nhân, Sacks đã yêu cầu Dr.P mô tả một số bức ảnh trên National Geographic:

“Câu trả lời của ông ta [Dr.P] rất gây tò mò. Đôi mắt của ông ta sẽ đảo từ thứ này sang thứ khác, tìm kiếm những đặc trưng nhỏ xíu, những đặc điểm riêng biệt, như chúng đã từng làm với khuôn mặt tôi. Một độ sáng nổi bật, một màu sắc, một hình dạng sẽ thu hút sự chú ý của ông ta và gợi ra bình luận – nhưng không có trường hợp nào ông ta có được một-cảnh-toàn-vẹn. Ông ta không có cảm giác gì về phong cảnh hay cảnh vật.”

Vấn đề của Dr.P nằm ở điều đã xảy ra với ánh sáng một khi nó vượt ra ngoài võng mạc của ông ta. Đôi mắt của ông ta vẫn ổn; chúng hấp thụ các photon một cách hoàn hảo. Chỉ vì bộ não của ông ta không thể diễn giải được các cảm giác của mình nên ông ta mới nhìn thế giới như một sự hỗn loạn vô vọng của những mảnh vỡ. Một bức ảnh có vẻ trừu tượng. Ông ta không thể nhận ra hình ảnh phản chiếu của chính mình. Sacks mô tả những gì đã xảy ra khi Dr.P đứng dậy rời khỏi văn phòng của ông: “Sau đó ông ta [Dr.P] bắt đầu nhìn quanh để tìm chiếc mũ của mình. Ông ta đưa tay ra và nắm lấy đầu vợ mình, cố gắng nhấc nó ra, để đội nó lên. Rõ ràng ông ta đã nhầm vợ mình với một chiếc mũ! Vợ ông ta trông như thể đã quen với những việc như vậy.”

Tác phẩm Bouquet of Flowers (Tạm dịch: Bó hoa), tranh sơn dầu, thực hiện năm 1880 bởi Paul Cézanne

Câu chuyện bi hài của Sacks cho thấy một yếu tố thiết yếu của quá trình nhìn. Một trong những chức năng của việc xử lý từ trên xuống là nhận dạng đối tượng. Các hướng dẫn của vỏ não trước cho phép chúng ta đồng hóa các yếu tố khác nhau của một đối tượng — tất cả các đường và cạnh được vùng V1 nhìn thấy – hợp thành một khái niệm thống nhất về đối tượng. Đây là điều mà Dr.P không thể làm được. Những ấn tượng của ông ta về ánh sáng không bao giờ kết tụ thành một sự vật. Kết quả là, trước khi Dr.P có thể “thấy” một chiếc găng tay, hoặc bàn chân trái của mình, hoặc vợ mình, ông ta phải tỉ mẩn giải mã những cảm giác của chính mình. Mọi hình khối cần được phân tích một cách có phương pháp, như thể nó đang được nhìn thấy lần đầu tiên. Ví dụ, khi Dr.P được tặng một bông hồng, ông đã mô tả quá trình suy nghĩ có ý thức của mình với Sacks: “Nó có chiều dài khoảng 6 inch. Một hình dạng màu đỏ phức tạp với một phần đính kèm màu xanh lá cây tuyến tính.” Nhưng những chi tiết chính xác này không bao giờ kích hoạt ý tưởng về một bông hồng. Dr.P phải ngửi hoa trước khi xác định được hình dạng của nó. Như Sacks đã nói, “Dr.P chẳng thấy gì là quen thuộc cả. Nhìn bề ngoài, ông ta như lạc vào một thế giới trừu tượng vô hồn.”

Nhìn vào một bức tranh của Cezanne là để nhận thức sâu sắc về những gì Dr.P đang thiếu. Nhìn thật kỹ các tác phẩm hậu ấn tượng của ông, chúng ta cảm nhận được quá trình từ trên xuống của mình đang làm việc. Chính vì Cezanne biết rằng ấn tượng thôi là chưa đủ – trí óc phải hoàn thành ấn tượng – nên ông đã tạo ra một phong cách vừa trừu tượng hơn vừa chân thực hơn những người theo trường phái ấn tượng. Và mặc dù phong cách hậu ấn tượng của ông được coi là cực đoan không cần thiết – Manet gọi ông là “người thợ nề vẽ bằng bay” – điều đó là không đúng. Cezanne trừu tượng hóa tự nhiên bởi ông nhận ra rằng mọi thứ chúng ta nhìn thấy đều là trừu tượng. Trước khi chúng ta có thể hiểu được cảm giác của mình, chúng ta phải khắc những ảo tưởng của mình lên chúng.

Tác phẩm La Montage Saint-Victoire (Tạm dịch: Ngọn núi Saint-Victoire), tranh sơn dầu, thực hiện năm 1890 bởi Paul Cézanne

Trong nghệ thuật của mình, Cezanne đã khiến cho quá trình tinh thần này trở nên rõ ràng. Trong khi ông giải cấu trúc những tác phẩm của bản thân cho đến khi chúng sắp được làm sáng tỏ, những bức tranh của ông không hề sáng tỏ, và đó là bí mật của chúng. Thay vào đó, chúng run rẩy trên bờ vực của sự tồn tại, đầy những nứt gãy cần phải được hình dung. Một hành động cân bằng tinh tế như vậy không phải là dễ dàng. Cho đến khi Cezanne bán một bức tranh – và hiếm khi ông bán được – ông tiếp tục chỉnh sửa nét vẽ của mình, cố gắng tiếp cận gần hơn với thực tế mong manh mà ông muốn mô tả. Tác phẩm của ông sẽ trở nên dày cộp với các lớp sơn nối tiếp chồng lên nhau của những màu sắc được sử dụng cẩn trọng. Khi đó sơn sẽ bị nứt, vỡ vì khối lượng của chính nó.

Tại sao vẽ lại vật vã đến thế đối với Cezanne? Bởi vì ông biết rằng chỉ cần một nhát cọ sai cả bức tranh có thể bị hủy hoại. Không giống như các nhà ấn tượng, những người muốn tác phẩm của họ phản ánh bầu không khí ngẫu nhiên của việc vẽ hoàn thiện ngoài trời (11), nghệ thuật của Cezanne quả là khó khăn. Trên những tấm toan được căng phẳng, ông muốn cấp cho bộ não vừa đủ để giải mã, không thừa không thiếu dù chỉ một nhát cọ. Nếu sự thể hiện của ông quá chính xác hoặc quá trừu tượng, mọi thứ sẽ tan rã. Tâm trí sẽ không bị ép bước vào tác phẩm. Tiếng nói của ông sẽ chẳng còn ý nghĩa.

(Còn tiếp)

Ảnh bìa: Artplas
Người dịch: Út Quyên
Nguồn: Proust was a Neuroscientist – Jonah Lehrer (2007)

Cùng tác giả

#Tag

Artplas hội hoạ Hội họa Pháp paul cezanne Quá trình của sự thấy Series Nghệ thuật và ?

iDesign Must-try

Nghệ thuật Đương đại và Đương đại tính (Phần 3)
Nghệ thuật Đương đại và Đương đại tính (Phần 3)
“Nghệ thuật không có lịch sử – chỉ có một hiện tại tiếp diễn… Cái hiện tại không ngừng của nghệ thuật! Velázquez, Goya, Manet đều nằm trong một dòng,…
Nghệ thuật Đương đại và Đương đại tính - (Phần 2)
Nghệ thuật Đương đại và Đương đại tính - (Phần 2)
Trong hơn hai thập kỷ không ai thành công trong việc khái quát về nghệ thuật đương đại. Đầu tiên là mối lo sợ về chủ nghĩa bản chất, tiếp…
Nghệ thuật Đương đại và Đương đại tính - (Phần 1)
Nghệ thuật Đương đại và Đương đại tính - (Phần 1)
Nghệ thuật đương đại là một phần của cuộc đối thoại văn hóa liên quan đến các khuôn khổ bối cảnh lớn hơn như bản sắc cá nhân và văn…
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? - (Phần 3)
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? - (Phần 3)
Có thật là ta sắp tiến tới một thời đại không gian-thời gian mới, nơi những sản phẩm của ta sẽ hoàn toàn mang tính chân thực, đưa người xem…
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 2)
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 2)
Hiện nay, một số nền tảng cho phép người dùng số hóa và quốc tế hoá thị trường nghệ thuật.
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 1)
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 1)
Ngày nay, sự xuất hiện của nhiều loại công nghệ mới đã góp phần không nhỏ trong việc thay đổi mối quan hệ của ta với nghệ thuật.