Paul Cézanne — Quá trình của Sự thấy - (Phần 1)
Trích dịch Proust was a Neuroscientist – Jonah Lehrer (2007), bởi Út Quyên
Sinh năm 1839 tại Aix-en-Provence, Paul Cézanne là một họa sĩ người Pháp, thành viên của trường phái Ấn tượng một thời, được coi là tiền thân của trường phái hậu ấn tượng, trường phái ấn tượng và trường phái lập thể. Với những tác phẩm của mình trên nghệ đàn Pháp và thế giới lúc bấy giờ, ông được coi là “cha đẻ của nghệ thuật hiện đại”.
Cézanne phát triển cho bản thân một phương pháp hội họa sử dụng các đường nét rời rạc, cắt khúc để mô tả vật thể và cảnh quan thông qua các dạng hình học cơ bản, được hình dung trong không gian như những mặt phẳng nối tiếp nhau chiếu theo phối cảnh nhìn từ trên không; bên cạnh đó, là sự tỉ mẩn trong việc sử dụng màu sắc, mô tả sự chuyển màu trong những nét cọ đan nhau, và đổ màu cho cả vùng tối.
Ở chuỗi bài dịch sắp tới mang tên “Paul Cézanne — Quá trình của sự thấy”, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu sâu hơn về quan điểm và thực hành nghệ thuật của Cézanne, để hiểu hơn nhận xét của tác giả Jonah Lehrer khi phát biểu rằng: “Nghệ thuật của Cezanne phơi bày quá trình của sự thấy.”
Bài viết được chia làm 7 phần:
– Phần 1: Về Cézanne và Quá trình của Sự thấy
– Phần 2: Sự ra đời của Nhiếp ảnh (1)
– Phần 3: Sự ra đời của Nhiếp ảnh (2)
– Phần 4: Giới hạn của Ánh sáng (1)
– Phần 5: Giới hạn của Ánh sáng (2)
– Phần 6: Cézanne và Zola
– Phần 7: Tấm toan trống
Phần 1: Về Cézanne và Quá trình của Sự thấy
Làm sao ta biết được sự thật nhờ suy nghĩ? Giống như ta nhìn thấy một khuôn mặt rõ hơn khi vẽ nó – Ludwig Wittgenstein.
Trong tiểu luận “Character in Fiction” (Nhân vật trong (Tiểu thuyết) Hư cấu) của mình, Virginia Woolf (1) hùng hồn tuyên bố: “vào chính hoặc khoảng tháng 12 năm 1910 bản chất của con người đã thay đổi”. Chỉ là bà đang có chút mỉa mai. Cái mốc thời gian có vẻ tùy tiện ấy là một lời ám chỉ về triển lãm của các nghệ sĩ hậu ấn tượng. Paul Cezanne là ngôi sao trên sân khấu. Những tác phẩm mang tính cách mạng của ông hầu như chỉ mô tả những thứ tầm thường: hoa quả, đầu lâu, những phong cảnh miền Provence khô cằn. Những hiện vật khiêm nhường đó chỉ làm tôn lên hình thức hội họa của Cezanne, sự từ bỏ một cách táo bạo cái mà Roger Fry, trong bài giới thiệu về triển lãm của mình, gọi là “sự tái hiện sáo rỗng”. Fry tuyên bố không còn nữa thứ “nghệ thuật nhắm vào một sự trung thành ngụy khoa học đối với biểu hiện bề ngoài. Đây là cuộc cách mạng do Cezanne khởi xướng… Hội họa của ông không hướng tới ảo tượng hay trừu tượng, mà hướng tới hiện thực”.
Thay đổi định nghĩa về hiện thực chẳng phải chuyện giản đơn. Tại triển lãm năm 1910 ấy, các bức họa của Cezanne bị báo chí bôi bác là “chẳng thú vị với ai ngoài mấy sinh viên bệnh lý học và những chuyên viên về các hiện tượng kỳ dị”. Cezanne, theo lời các nhà phê bình, điên thật rồi. Nghệ thuật của ông chẳng khác gì lời nói láo xấu xí, một sự bóp méo tự nhiên một cách cố ý. Phong cách hội họa hàn lâm, với sự nhấn mạnh vào các chi tiết chính xác và dáng vẻ tinh tế của hiện thực, không bao giờ chịu thoái lui.
Quan điểm thẩm mỹ bảo thủ này có nguồn gốc khoa học. Các nhà tâm lý học đương thời vẫn nhìn nhận các giác quan của con người là sự phản ánh hoàn hảo thế giới bên ngoài. Con mắt giống như chiếc camera: nó thu thập các pixel ánh sáng và gửi chúng một cách thụ động tới não bộ. Khởi xướng lý thuyết tâm lý này là nhà tâm lý học thực nghiệm lỗi lạc William Wundt, người kiên quyết cho rằng mọi giác quan đều có thể phân tách thành những dữ liệu cảm giác đơn giản hơn. Khoa học có thể lột bỏ từng lớp lang nhận thức để tiết lộ những kích thích chân thật ở sau cùng.
Cezanne đảo ngược quan điểm về thị giác này. Ông vẽ về tính chủ quan của cái nhìn, ảo tưởng của bề mặt. Cezanne phát minh ra chủ nghĩa hậu ấn tượng vì các nhà ấn tượng đơn giản là chưa đủ kỳ lạ. “Cái mà tôi đang cố gắng diễn dịch,” Cezanne nói, “bí ẩn hơn; nó được quấn chặt trong chính gốc rễ của bản thể.” Monet và Renoir và Degar tin rằng cái nhìn chỉ đơn giản là phép cộng của ánh sáng. Trong các bức tranh xinh đẹp của mình họ muốn mô tả các photon thoáng qua được mắt thu nhận, để mô tả tự nhiên hoàn toàn bằng sự chiếu sáng của nó. Nhưng Cezanne tin rằng ánh sáng chỉ là cái khởi đầu của sự thấy. “Con mắt là chưa đủ”, ông tuyên bố, “Ta còn cần phải nghĩ nữa”. Sự khai sáng của Cezanne nằm ở chỗ ấn tượng của chúng ta đòi hỏi một sự phiên dịch; nhìn thức là sáng tạo ra cái mà bạn thấy.
Giờ thì chúng ta biết là Cezanne đã đúng. Thị giác của chúng ta bắt đầu với các photon, nhưng đây mới chỉ là sự bắt đầu. Mỗi khi ta mở mắt, não bộ được tham gia vào một hành động của sự tưởng tượng lạ lùng, như thể nó biến đổi phần cặn của ánh sáng thành một thế giới của hình và khối mà chúng ta có thể hiểu được. Bằng cách thăm dò bên trong hộp sọ, các nhà khoa học có thể xem cách cảm giác của chúng ta được tạo ra, cách các tế bào của vỏ não thị giác âm thầm tạo ra cái nhìn. Hiện thực không phải đang nằm ngoài đó để chờ được chứng kiến; hiện thực là do tâm trí tạo ra.
Nghệ thuật của Cezanne phơi bày quá trình của sự thấy. Mặc dù tác phẩm của ông bị phê bình vì mang tính trừu tượng không cần thiết – ngay cả các nhà ấn tượng cũng chế nhạo kỹ thuật của ông – thực chất chúng lại cho chúng ta thấy một thế giới như nó xuất hiện trong não (của chúng ta). Một bức tranh của Cezanne không có giới hạn hay những nét đen đậm phân biệt cái này với cái khác. Thay vào đó, chỉ có những nhát cọ, và ở những vị trí hiển hiện trên mặt toan nơi một màu, quện vào bề mặt, dường như biến thành màu khác. Đây là điểm khởi đầu của thị giác: đó chính là hiện thực trông ra sao trước khi nó bị não bộ phân giải. Ánh sáng vẫn chưa bị biến thành hình khối.
Nhưng Cezanne không dừng lại ở đó. Làm thế thì dễ quá. Ngay cả khi nghệ thuật của ông tôn vinh sự kỳ lạ của nó, nó vẫn trung thành với những gì nó tái hiện. Kết quả là, chúng ta luôn có thể nhận ra các chủ đề của Cezanne. Bởi vì ông chỉ cho bộ não vừa đủ thông tin, người xem có thể giải mã bức tranh của ông và có thể giải cứu hình ảnh khỏi ranh giới của sự mù mờ. (Hình khối của ông có thể mỏng manh, nhưng chúng chưa bao giờ thiếu mạch lạc.) Các lớp nét vẽ, rất chính xác trong sự mơ hồ của chúng, trở thành một bát đào, hay một ngọn núi đá granite, hoặc một bức tự họa.
Đây chính là thiên tài của Cezanne: ông bắt chúng ta thấy, trên cùng một mảnh toan bất động, sự khởi đầu và kết thúc của sự nhìn của chúng ta. Cái bắt đầu như một bức tranh ghép trừu tượng của màu sắc trở thành một bức tranh tả thực. Bức tranh xuất hiện không phải từ màu vẽ hay ánh sáng, mà là từ đâu đó bên trong tâm trí chúng ta. Chúng ta phải bước vào tác phẩm nghệ thuật: sự kì lạ của nó chính là của chúng ta.
Sinh thời, Cezanne chưa bao giờ chứng kiến văn hóa và khoa học bắt kịp tư tưởng tiên phong của ông. Ông là một nhà hậu ấn tượng trước cả khi chủ nghĩa ấn tượng được công nhận trọn vẹn. Nhưng đối với Fry và Woolf, phong cách của Cezanne dường như tiên tri cho chủ nghĩa hiện đại. Mùa thu năm 1912, sáu năm sau khi Cezanne qua đời một mình tại Provence, Fry dàn xếp một triển lãm hậu hiện đại thứ hai tại Grafton Gallery. Các tác phẩm của Cezanne giờ đây được coi là ngôi sao của một trào lưu nghiêm túc; những thử nghiệm nghệ thuật của ông đã không còn đơn độc. Trên những bức tường trắng, tranh của Matisse, của những nghệ sĩ Nga thế hệ mới (New Russians), và của Vanessa Bell – chị gái của Virginia Woolf – cũng được treo cùng. Trừu tượng đã trở thành một chủ nghĩa hiện thực mới.
(Còn tiếp)
Về người dịch:
Út Quyên là một người học báo nhưng không làm báo, học vẽ nhưng không làm họa sĩ. Chị yêu thích ngôn ngữ và thường bị phân tâm bởi rất nhiều sở thích khác nhau. Chị hiện đang cộng tác với Heritage Space, một không gian nghệ thuật độc lập tại Hà Nội, với vai trò Quản lý Chương trình nghệ thuật để tìm hiểu về nghệ thuật đương đại Việt Nam. Chị cũng làm việc cho Mekong Cultural Hub, một tổ chức kết nối và tạo cơ hội phát triển năng lực cho những người thực hành văn hóa nghệ thuật chủ yếu ở Đông Nam Á, để học hỏi thêm về bối cảnh văn hóa nghệ thuật trong khu vực. Thỉnh thoảng, khi có thời gian, hoặc khi quá căng thẳng vì nhiều lý do, chị sẽ tìm đến ngôn ngữ như một cách giải tỏa tâm trạng. Chị dịch nhiều thứ, hầu hết là về nghệ thuật, nhưng hầu như không xuất bản ở đâu cả. Chị đang theo học một khóa thạc sĩ về Công nghiệp Văn hóa Sáng tạo ở Đài Loan nhưng tương lai có lẽ cũng sẽ không làm việc gì liên quan, vì hiện tại chị đang phải lòng với tiếng Trung.
Ảnh bìa: Artplas
Dịch: Út Quyên
Nguồn: Proust was a Neuroscientist – Jonah Lehrer (2007)
Nguồn tham khảo
Các bài khác cùng chủ đề
- 1. Nghệ thuật là gì? Cái đẹp là gì?
- 2. Nghệ thuật để làm gì? 5 giá trị mà nghệ thuật mang lại cho cuộc sống
- 3. Nghệ thuật có cần đẹp không?
- 4. Cuộc chạm trán với Nghệ thuật
- 5. Định nghĩa của Nghệ thuật
- 6. Nghệ thuật và Sự tự do Thể hiện
- 7. Nghệ thuật Phi thẩm mỹ
- 8. Thẩm mỹ vs. Nghệ thuật
- 9. Nghệ thuật và Tâm hồn
- 10. Đây có thật là Nghệ thuật?