/viết một tay/ Những câu hỏi xung quanh “Cái Được Gọi Là Nghệ Thuật”
Sau hơn 100 trăm năm cố gắng định nghĩa, chúng ta vẫn không biết chính xác nghệ thuật là gì? Để làm gì? Thay vào đó chỉ là vô vàn bối rối cho công chúng khi họ nhìn vào thế giới nghệ thuật.
Hãy cùng iDesign đến với bài viết sau đây của Thủy Mẫn, với hàng loạt các tác phẩm từ Nghệ thuật Ý Niệm và dẫn giải của nó, để xem liệu chúng ta có tìm ra được câu trả lời cho “Nghệ Thuật” không nhé!
Bài viết bởi tác giả Thủy Mẫn, hiện đang là sinh viên theo học chuyên ngành thiết kế đồ họa tại Monster Lab, với đam mê viết và nghiên cứu về nghệ thuật thị giác.
Cuối năm 2019, thế giới được đợt rung chuyển bởi câu chuyện về một quả chuối dán băng keo trên tường của một nghệ sĩ, bị một nghệ sĩ khác ăn mất ngay tại khu trưng bày. Và tất cả mọi người phải ngỡ ngàng khi biết rằng một quả chuối mua tại một siêu thị nào đó, được dán lên tường của một triển lãm có giá lên tới $150.000 (3,5 tỷ đồng). Câu chuyện này đã trở thành chủ đề bàn tán trên khắp thế giới, có nhiều sự khen chê yêu ghét, cũng có nhiều câu hỏi được đặt ra cho “cái gì là nghệ thuật?”. Thật khó để nói cái gì là nghệ thuật, nhưng cái mà ta có thể nói đó là Diễn Viên Hài này không phải kẻ đầu tiên cũng như duy nhất khiến chúng ta phải đặt câu hỏi cho nghệ thuật.
Những câu hỏi xung quanh nghệ thuật đã được đặt ra kể từ sự khai sinh của Modern Art, là khi các họa sĩ từ bỏ lối vẽ hàn lâm và theo đuổi những thứ được gọi là “Nghệ thuật tiên phong (avant-garde)” với mục tiêu “tái định nghĩa nghệ thuật”. Những trào lưu như Ấn Tượng, Siêu Thực hay Lập Thể với những người như Monet, Dalí hay Picasso đều nằm trong đó. Modern Art là cột mốc của việc buông bỏ dần kỹ thuật, cố gắng làm mới hay chính xác hơn là mở rộng giới hạn cho nghệ sĩ và nghệ thuật. Không ít những dấu hỏi chấm được đặt ra cho nghệ thuật lúc bấy giờ, bản thân những nghệ thuật này cũng không được trưng bày trong triển lãm của viện hàn lâm (được coi là uy tín lúc bấy giờ), mà là ở những khu triển lãm độc lập được thành lập bởi các nghệ sĩ tiên phong cùng nhau truyền bá nghệ thuật của họ.
Và vào năm 1917, những dấu hỏi ấy đã trở nên lớn hơn bao giờ hết khi một nghệ sĩ có tên Marcel Duchamp trưng bày một bồn tiểu và gọi nó là tác phẩm nghệ thuật. Tác phẩm có tên Fountain (Đài Phun Nước) đã bị rất nhiều nhà phê bình lên án, tác phẩm gốc còn bị ném đi không thể tìm lại. Suốt hàng ngàn năm nghệ sĩ đã luôn là những người nghiên cứu, làm việc chăm chỉ để tạo ra tác phẩm và nghệ thuật đã luôn gắn liền cũng như tôn vinh cái đẹp. Thế nhưng theo xu hướng mở rộng của nghệ thuật bấy giờ, cùng với sự ngông cuồng (hoặc dũng cảm) của mình, Duchamp giết chết người tình ngàn năm của nghệ thuật để tôn vinh một thứ mà chỉ nghĩ đến thôi chúng ta cũng không muốn chấp nhận.
Bản thân Duchamp không trực tiếp tạo ra chiếc bồn tiểu đó nhưng ông đã chọn nó, ký tên vào nó và với tư cách một nghệ sĩ, ông gọi nó là nghệ thuật. Thế nhưng mục đích của Duchamp khi trưng bày chiếc bồn tiểu lại không phải để trưng bày nghệ thuật mà là để chế nhạo, để cợt nhả chính nghệ thuật. Như nhà triết học Stephen Hicks bình luận:
Cho tới tận bây giờ vẫn có rất nhiều tranh cãi trong việc liệu chiếc bồn tiểu năm ấy có được coi là nghệ thuật? Bởi một sự rõ ràng rằng nó là một sản phẩm tầm thường, không có tính thẩm mỹ kèm theo một thái độ ngông cuồng phản nghệ thuật. Thế nhưng sự phản nghệ thuật hay cái trò cợt nhả ấy, có ai ngờ đã rẽ lái cả con tàu nghệ thuật theo một hướng hoàn toàn khác. Với những câu hỏi rằng nghệ thuật là gì? Nghệ thuật để làm gì? Và nghệ thuật nên được tạo ra như thế nào? Duchamp tạo ra sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới các nghệ sĩ sau này, đồng thời khai sinh ra hình thức nghệ thuật hoàn toàn mới là Nghệ Thuật Ý Niệm (Conceptual Art).
Vào khoảng những năm 60, Nghệ Thuật Ý Niệm nổi lên thống trị nghệ thuật và lại là một sự mở rộng mới cho nghệ thuật, khi lúc này nghệ thuật bỏ qua giá trị về thẩm mỹ và trọng tâm được chuyển sang việc tác phẩm nghệ thuật nói lên điều gì?
Một ví dụ nổi bật cho Nghệ Thuật Ý Niệm là tác phẩm One and Three Chairs (Một và Ba Chiếc Ghế) của Joseph Kosuth, trong đó trưng bày 3 chiếc ghế với 3 hình thức khác nhau: một hình ảnh của chiếc ghế, một chiếc ghế gỗ và một cụm từ định nghĩa về từ “ghế”. Và tất nhiên, không ít người phải bối rối khi những thứ ấy được coi là nghệ thuật. Thế nhưng đó chính là cách Nghệ Thuật Ý Niệm tạo ra nghệ thuật, tạo ra sự bối rối, khó hiểu, bắt khán giả suy nghĩ và trả lời cho câu hỏi tại sao?
Vậy trong tác phẩm này, ghế ở đâu? Nghệ thuật ở đâu? Bằng những câu hỏi ấy Kosuth khuyến khích khán giả suy nghĩ về tác phẩm, suy nghĩ về thứ tạo ra một chiếc ghế trong tâm trí của chúng ta. Đó là cách Kosuth bày tỏ về vai trò của ngôn ngữ trong việc truyền tải một thông điệp, đồng thời phản ánh rằng ngôn ngữ chỉ mang tính đại diện và luôn có sự tương đối hay hạn chế trong chính ngôn ngữ.
Những tác phẩm của Kosuth khá trực diện, thế nhưng không phải tất cả những nghệ sĩ hay tác phẩm nghệ thuật khác đều như vậy. Một nghệ sĩ nổi tiếng khác là Yves Klein, người hướng theo lý tưởng tạo ra nghệ thuật vượt qua khỏi trừu tượng, chạm tới phi vật chất. Nổi tiếng với những bức tranh với một màu xanh lam duy nhất nhằm cố gắng mô tả không gian vô tận. Thế nhưng năm 1958, thay vì trưng bày tranh Klein trưng bày một không gian trống với cái tên Le Vide (The Void – Khoảng Trống), những bức tường được sơn trắng, không có gì trong căn phòng đó ngoại trừ một chiếc tủ trống không. Đêm khai mạc triển lãm đã có gần 3000 người xếp hàng, chờ đợi để được tham dự, thế nhưng khi bước vào phòng triển lãm Klein tuyên bố:
Giải thích thêm, trong bài giảng của mình tại trường Sorbonne năm 1959: “Nó tuân theo lý tưởng nghệ thuật mà tôi đã phát triển trong vòng 10 năm qua. Lý tưởng đó là nguồn gốc của chủ nghĩa phi vật chất, sẽ khám phá lại tình yêu thực sự với vật liệu, để chống lại định lượng và chủ nghĩa duy vật, thứ đã khiến chúng ta thành nô lệ của vật liệu còn nó biến thành một kẻ chuyên quyền. Với nỗ lực này, tôi muốn tạo ra, thiết lập và trình bày cho công chúng một nhận thức về trạng thái hình ảnh, trong giới hạn không gian một phòng trưng bày. Nói cách khác, tôi đã tạo ra một bầu không khí, một quang cảnh vô hình nhưng hiện tại, theo tinh thần mà Delacroix (một họa sĩ nổi tiếng thời kỳ Lãng Mạn) đã tuyên bố trên tạp chí của mình, thứ ông coi là bản chất của hội họa.”
Năm 1961, một tác phẩm gây không ít bối rối khác là Artist’s Shit (Phân Nghệ Sĩ) bởi Piero Manzoni được công bố. Tác phẩm gồm 90 hộp thiếc, bên trong chứa 30g phân, bên ngoài là nhãn/tên tác phẩm với Tiếng Ý, Tiếng Anh, Tiếng Pháp và Tiếng Đức: “Phân Nghệ Sĩ, trọng lượng 30g, bảo quản nơi mát, sản xuất và đóng hộp tháng 5, năm 1961”. Hay một tác phẩm khác tương tự Manzoni bán hơi thở của mình trong những chiếc bóng bay và đặt tên nó là Corpi D’Aria (Bodies of Air, Thân Xác từ Không Khí). Manzoni cũng giống như Duchamp, muốn nhạo báng nghệ thuật lẫn nghệ sĩ, cùng với đó là nhạo báng chủ nghĩa tiêu dùng và sự lãng phí nó tạo ra.
Theo như quan điểm của các Nghệ Sĩ Ý Niệm, tác phẩm của họ là vật ước lệ, trong đó nghệ thuật không nằm ở tác phẩm (hay vật thể) mà nó nằm trong suy nghĩ của người xem, như Lawrence Weiner tuyên bố:
Sử dụng lợi thế này mà các Nghệ Sĩ Ý Niệm có thể sản xuất các tác phẩm không mang tính độc bản. Chính tác phẩm Fountain của Duchamp là một sản phẩm được sản xuất hàng loạt và có tới 8 phiên bản khác nhau với chữ ký của Duchamp, Joseph Kosuth có nhiều tác phẩm tương tự One and Three Chairs, thay vào đó là những vật khác nhau như búa, xẻng, cưa,… Piero Manzoni có tới 90 hộp phân và 40 bản cho những chiếc bóng bay chứa hơi thở.
Thế nhưng khi một tác phẩm nghệ thuật không có nghệ thuật trong đó, cũng không phải là tác phẩm độc bản thì làm sao để định giá hay bán chúng? Dẫu đây là một câu hỏi khó thì chiếc bồn tiểu của Duchamp vẫn được bán tại New York với giá $1.762.500 (40 tỷ), những tác phẩm của Joseph Kosuth có giá trên trăm ngàn đô, những hộp phân của Manzoni thì được định theo giá vàng lúc bấy giờ và năm 2008 một trong số chúng được bán với giá £97,250 (2,8 tỷ). Thật khó để giải thích một cách tường tận về giá trị cho những tác phẩm ấy nhưng một điều chúng ta có thể chắc chắn đó là sự bùng nổ của thị trường nghệ thuật trong thế kỷ 20 là bàn đạp lớn cho những con số kia được tăng lên tới mức không tưởng.
Đi cùng sự mở rộng về tư tưởng và hình thái của nghệ thuật thì thị trường của nó cũng phình to theo, đó là mối quan hệ tương trợ bởi kinh tế phát triển ta mua nhiều nghệ thuật hơn, khi ta mua nhiều nghệ thuật hơn thì người ta cũng đồng thời sản xuất ra nhiều nghệ thuật hơn. Cuối cùng tạo ra một thị trường sôi động, nơi mà không chỉ có nghệ sĩ và người mua nghệ thuật mà còn là gallery, art dealer, các nhà phê bình, các nhà bảo trợ,…
Quay lại câu chuyện về tái định nghĩa nghệ thuật và nhìn lại một thời kỳ đầy biến động là thế kỷ 20, với biết bao cố gắng, biết bao người giơ cao ngọn cờ cho nghệ thuật tiên phong, với biết bao phong trào và trường phái khác nhau nhằm tái định nghĩa nghệ thuật. Thế nhưng đến giờ, sau hơn 100 trăm năm cố gắng thì chúng ta vẫn không biết chính xác nghệ thuật là gì? Để làm gì? Thay vào đó chỉ là vô vàn bối rối cho công chúng khi họ nhìn vào thế giới nghệ thuật.
Khi mà cái giới hạn ngày càng được mở rộng, nghệ thuật ngày nay có thể xuất hiện dưới bất cứ hình thức hay bất cứ mục đích nào, việc định nghĩa nghệ thuật là điều không thể. Để cuối cùng, thế giới nghệ thuật đã trở thành một mê cung phủ đầy sương mù và không có ai có khả năng dẫn đường cho bạn, dù đó có là bất cứ nghệ sĩ hay bất cứ nhà phê bình nghệ thuật nào. Chính bạn sẽ phải tự tìm đường, tìm ra cho mình định nghĩa riêng về nghệ thuật, tự chọn ra cho mình cái gì là nghệ thuật và cái gì là không. Còn không, hãy tìm cửa thoát hiểm.
Bài viết: Thủy Mẫn
/viết một tay/ là chuyên mục cùng chấp bút dành cho bạn đọc của iD, nhằm trở thành nơi để bạn có thể chia sẻ kiến thức với cộng đồng. Gửi bài viết về [email protected] hoặc tham gia nhóm Tổ sáng kiến tự quản.