‘Tàn Thể: Tiền truyện’ - Đấng tối cao hay phần tăm tối của loài người?
Tàn Thể: Tiền truyện là phim hoạt hình ngắn được DeeDee Annimation Studio phát hành vào đầu năm 2019. Tàn thể được giới thiệu với tham vọng thiết lập một thế giới giả tưởng Hậu tận thế nơi con người, máy móc và những bản thể nhân bản buộc phải tham gia cuộc chiến sống còn để đảm bảo sự sinh tồn cho từng giống loài.
Sau khi được ra mắt, Tàn Thể: Tiền truyện đã nhận được vô số những phản hồi tích cực từ khán giả và giới phê bình quốc tế. Bộ phim vinh dự được góp mặt vào Top Trending trên nền tảng phát sóng trực tuyến Iflix và hồ sơ chính thức trên IMDb. Phim cũng đã được góp mặt tại nhiều liên hoan phim lớn nhỏ khắp thế giới và giành được một số giải thưởng, bao gồm giải Phim 2D xuất sắc nhất tại Liên hoan phim hoạt hình KHEM, Hoa Kỳ.
*Lưu ý: Bài viết dưới đây có tiết lộ nội dung phim. Hãy xem trọn vẹn bộ phim trước khi đọc nhé!
Dùng chuyện tình yêu để kể về Hậu tận thế
Tàn Thể: Tiền truyện dùng phông nền là một câu chuyện tình yêu say đắm và bi thương để giới thiệu thế giới giả tưởng hậu tận thế. Tình yêu là chủ đề không mới nhưng không bao giờ mất đi khả năng khơi gợi sự tò mò và đồng cảm. Tàn Thể: Tiền truyện mở đầu bằng chuyện tình êm đẹp của đôi trai gái sống tại ngôi mang tên Tịnh Thổ. Tuy nhiên câu chuyện tình yêu nhanh chóng rơi vào hố sâu của nỗi đau và sự tuyệt vọng khi chàng trai vào chứng kiến tình yêu duy nhất của đời mình rời khỏi dương thế. Nỗi đau đấy không bao giờ là điều chàng có thể chấp nhận.
Chấp niệm quá sâu vào tình yêu khiến chàng trai bắt đầu tin tưởng vào điều mình chưa bao giờ tin: các vị thần bảo hộ ngôi làng và truyền thuyết về Thiên Cung. Chàng bắt đầu cuộc hành trình đầy mơ hồ và ngập tràn hiểm nguy đến Thiên Cung – nơi cư ngụ của các vị thần với hy vọng được đoàn tụ với tình yêu của đời mình. Bởi theo truyền thuyết, bất kể ai khi chết đều được đưa đến đó, trở về với những đấng tối cao cai trị ngôi làng.
Đấng tối cao hay bản thể tăm tối của loài người?
Câu chuyện Tàn Thể: Tiền truyện được xây dựng tựa hai mặt trái phải của một đồng xu. Mặt tươi sáng và êm đềm là cuộc sống của cư dân làng Tịnh Thổ và mặt còn lại là Thiên Cung – thế giới Hậu tận thế u tối và ảm đạm và gần như không có mối liên kết chặt chẽ nào ngoài niềm tin và sự trung thành tuyệt đối của dân làng dành cho các vị thần nơi Thiên cung.
Khoảng 13,5 tỉ năm trước sau vụ nổ Big Bang, vật chất, năng lượng, thời gian và không gian đã hiện hữu và thế giới bắt đầu được hình thành. Trong chuỗi những sự kiện dài đằng đẵng của thế giới, loài người là nét chấm phá và đặc biệt bởi sự tiến bộ thần tốc của trí tuệ. Cho dù là vậy đứng ở góc độ cao hơn thì sự xuất hiện của chúng ta đến cũng cũng chỉ là…
Trong Tàn Thể: Tiền truyện, những con người nơi Thiên Cung cũng chỉ là một bộ phần trong giống loài động vật “vô nghĩa, không quan trọng” đó. Với những thành công trong thí nghiệm nhân bản con người, xây dựng môi trường sống tốt đẹp và đầy đủ cho những bản thể nhân tạo, họ bắt đầu tự xưng và thỏa mãn với chức danh thánh thần. Họ ngạo nghễ đứng trên đỉnh cao tách biệt và tự xem mình là giống loài có quyền năng vô hạn là sáng tạo giống loài và tái thiết lập thế giới.
Mọi việc vẫn luôn quay trong một quỹ đạo ổn định và tốt đẹp, danh xưng thánh thần có lẽ luôn mãi phù hợp với những điều tuyệt vời họ mang lại cho cuộc sống người nhân bản. Mặt tươi sáng ngày càng được củng cố bởi thành tựu là những làng Tịnh Thổ và những bản thể nhân bản quy phục và tôn thờ đấng tối cao. Tuy nhiên, câu chuyện đâu chỉ có những hào quang chói mắt. Sự kiện cốt lõi là cái chết đột ngột của người vợ thân yêu khiến chàng trai trẻ quyết tâm rời khỏi vùng làng quê an toàn để đến với Thiên Cung với hi vọng mơ hồ về việc đoàn tụ đã khiến mọi việc lệch khỏi quỹ đạo.
Khi một bản thể nhân bản xâm nhập và khi những con người thực sự bắt đầu nhận thấy mối nguy hiểm tăm tối luôn bị nhấn nhìm bỗng chốc vùng dậy… Cuộc bạo loạn mạnh mẽ của phần tối đã làm tan rã từng mảnh hào nhoáng giả tạo. Chẳng còn đâu hình ảnh những thánh thần đẹp đẽ và bao dung, chỉ còn lại giống loài hung tàn, sẵn sàng tước đoạt một sự sống không do dự.
Tàn Thể: Tiền truyện – điểm sáng cho phim hoạt hình Việt Nam
Thành thực để nói, khi bắt đầu với Tàn Thể: Tiền truyện tôi đã không quá mức kỳ vọng, dù được sản xuất bởi DeeDee Annimation Studio, nhưng định kiến về hoạt hình Việt Nam vẫn không thể thúc đẩy sự háo hức trong tôi. Tuy nhiên Tàn Thể: Tiền truyện đã khiến tôi bất ngờ nhiều hơn thế. Không đủ để đập bỏ những định kiến không mấy vui vẻ nhưng đủ để thắp lên sự kỳ vọng le lói cho hoạt hình Việt Nam ở hiện tại và tương lai.
Khởi đầu từ góc nhìn hạn hẹp của một nhân vật rồi mở rộng thế giới ra, khiến người ta háo hức mong chờ cốt truyện có thể phát triển thế nào trong tương lai. Chỉ trong một thời lượng khá ngắn phim đã kết hợp được yếu tố truyền thống và sci-fi (khoa học viễn tưởng). Đặc biệt nhất của phim là khắc họa trọn vẹn hình ảnh một Việt Nam với những tập tục, tín ngưỡng dân gian xưa cũ và đẹp đẽ như thờ cúng, cô đồng,… Phần twist (cú lật nội dung) không quá mới mẻ với những khán giả là quen với thể loại viễn tưởng nhưng vẫn đủ để gây ấn tượng và đủ hợp lý để mở rộng mạch chuyện cho Tàn thể và thế giới Hậu tận thế.
Cảnh đầu tiên của Tàn Thể: Tiền truyện là vùng sông nước yên bình của một làng quê Việt xưa cũ khiến tôi phải lắc đầu và bật nên câu cảm thán ảo não “Ôi lại nữa à?” Cảm giác không thoải mái xuất hiện ngay lập tức bởi tôi đã quá mức bội thực với màn định danh đầy tính công thức cho những sản phẩm sáng tạo gắn mác “Made in Vietnam”. Tại sao cứ phải là làng quê, tại sao cứ phải là con nước bến đình? Nổi tiếng và giàu hình tượng. Nhưng việc phải nhìn thấy mãi những điều đó qua phim ảnh về Việt Nam xưa cũ khiến nó chán ngán không tưởng.
May thay, những điều đó nhanh chóng biến mất. Hình ảnh ngôi lành Tịnh Thổ trong mạch đầu phim hiện lên rất Việt Nam, rất quen thuộc nhưng thực sự tốt và tạo thiện cảm lớn. Sử dụng những mảng hình mạch lạc, đường nét mảnh, màu sắc tiết kiệm tạo cho Tàn Thể: Tiền truyện một tổng thể hài hòa, giản đơn nhưng rất giàu cảm xúc. Sự tương phản sáng tối, đặc biệt là ánh sáng rất hiệu quả và tinh tế. Vẫn giữ được cái cốt đơn giản và ước lệ của phong cách vẽ truyện tranh và hoạt hình Việt Nam, không bị lai tạp với những phong cách khác nhưng DeeDee Annimation Studio đã có sự “nâng cấp” và chỉn chu hơn rất nhiều.
Tàn Thể: Tiền truyện thể hiện được những nét văn hóa Việt thông qua những với những nét đặc trưng thuần Việt một cách tự nhiên, không gượng ép, kết hợp hài hòa với cảm hứng viễn tưởng từ Samurai Jack, Blade Runner, Ghost In The Shell trên nền minh họa, âm thanh được hoàn thiện khá tốt.
Tuy nhiên vẫn tồn tại những điểm chưa thật sự thuyết phục. Phần sau về thế giới Hậu tận thế không gây ấn tượng quá mạnh. Dù khai thác về đề tài khoa học viễn tưởng nhưng những hình ảnh cho thế giới với những tân tiến của khoa học công nghệ vẫn chưa được rõ nét và hơi đơn giản. Thế giới Hậu tận thế chỉ đơn giản được cung cấp qua lời thoại của nhân vật khá gượng ép và không tự nhiên. Với lượng thông tin có được từ hình ảnh và lời thoại vừa quá thiếu vừa quá dư thừa cho một hình dung về thế giới Hậu tận thế. Tôi mong chờ hình ảnh về thế giới Hậu tận thế nhiều hơn như thế.
Tôi khuyến khích bạn nên xem phiên bản tiếng Việt hơn là phiên bản hoàn chỉnh ở tiếng Anh. Với ý kiến cá nhân, việc cắt gọn là Tàn thể là hợp lý bởi những phân cảnh máu me bị lược bỏ cũng không làm tổng thể phim đứt đoạn hay thiếu liên kết, thâm chí giảm bớt tính bạo lực khiến khán giả có trải nghiệm thoải mái hơn khi thưởng thức.
Một số hình ảnh trong quá trình thực hiện:
Là phần mở đầu cho một series về thế giới Hậu tận thế Tàn Thể: Tiền truyện thực sự đã làm rất tốt. Đây là một trải nghiệm tuyệt vời cho phim hoạt hình Việt Nam và tôi đang háo hức mong chờ những sự kiện tiếp theo ở thế giới Hậu tận thế sẽ được DeeDee Annimation Studio tạo dựng thế nào trong tương lai.
Thực hiện: Y.ink
Nguồn: DeeDee Annimation Studio
Các bài khác cùng chủ đề
- 1. Calligrapher Đào Huy Hoàng: “Mình chẳng có gì ngoài kiên nhẫn cả”
- 2. Hậu trường Việt Sử Kiêu Hùng - góc nhìn cận cảnh về nghề lồng tiếng
- 3. Illustrator Đốm: Đem lại ấm áp cho người khác bằng tranh vẽ
- 4. Triển lãm “Vẽ về hát bội” - cánh cửa giao thoa văn hoá giữa hai thế hệ
- 5. Illustrator Kỳ Huỳnh: Dùng lý trí để tư duy sáng tạo
- 6. VR ở Việt Nam: Không khó về kỹ thuật mà là con người
- 7. Vietnam Geographical Indications - Hành trang đưa nông nghiệp Việt bước ra thế giới
- 8. Dạo quanh một vòng triển lãm tốt nghiệp tại Đại học Văn Lang
- 9. Có gì ở triển lãm tốt nghiệp tại đại học Mĩ Thuật (TP.HCM)?
- 10. Dự án “THỊ ƠI”: Trào phúng cùng những cô Thị thích đùa