Marcel Duchamp (Phần 1)

Marcel Duchamp – một hoạ sĩ, một nhà điêu khắc, một nhà văn… một nghệ sĩ, và một kỳ thủ cờ vua. Marcel Duchamp, người thường được gọi là cha đẻ của Dada dù bản thân ông, trong một thời gian dài, phủ nhận việc liên quan tới trào lưu này cũng như từ chối hoạt động trong bất cứ nhóm nào. Thực tế mà nói, Duchamp đã làm ra những tác phẩm Dada từ trước khi chính trào lưu này được thành lập, nhiều năm. Duchamp đã thách thức khái niệm nghệ thuật theo những cách cực đoan nhất từ trước khi bất cứ ai khác làm việc đó (theo cùng những cách đó). Marcel Duchamp chắc chắn nằm trong một nhóm cực nhỏ những người có ảnh hưởng thay đổi dòng chảy của lịch sử nghệ thuật. Trong loạt bài hai phần, chúng ta sẽ tìm hiểu về nhân vật kỳ thú này.

  • Bạn không thể định nghĩa dòng điện là gì. Nghệ thuật cũng tương tự như vậy. Nó là một dạng dòng chảy bên trong con người, hay một thứ gì đó không cần được định nghĩa.
  • Tôi không tin vào nghệ thuật. Tôi tin vào nghệ sĩ.
  • Ở mọi trình hiện, nghệ sĩ đóng vai trò như một thực thể trung gian tìm kiếm lối thoát tới nơi thoáng đãng từ một mê cung vượt trên thời gian và không gian.” 
  • Tôi đã ép buộc mình phải mâu thuẫn với chính mình để có thể tránh việc phải tuân theo thị hiếu của bản thân.” 
  • Cá thể, con người ở dạng một con người, hay con người ở dạng một bộ óc, nếu như bạn thích coi như thế, khiến tôi hứng thú hơn là những gì anh ta tạo ra, bởi lẽ tôi nhận thấy rằng hầu hết các nghệ sĩ chỉ biết lặp lại chính mình.

 Tóm lược về Marcel Duchamp

Duchamp sinh ngày 28/07/1887 rại Blainville-Crevon, Pháp và mất 02/10/1968 tại Neuilly-sur-Seine-Pháp. Ông hoạt động nghệ thuật từ khoảng 1902 cho tới khi qua đời.

Rất ít nghệ sĩ có thể tự tin phô trương rằng mình đã làm thay đổi dòng chảy của lịch sử nghệ thuật như cách Marcel Duchamp đã làm. Bằng cách thách thức chính khái niệm về thế nào là nghệ thuật, những readymade (TD: tác phẩm làm sẵn) của ông đã tạo nên làn sóng xung kích mạnh mẽ khắp thế giới nghệ thuật mà tới ngày nay vẫn có thể cảm nhận được. Mối bận tâm không ngừng của Duchamp với những cơ chế của sự ham muốn và tính dục của con người cũng như sở thích chơi chữ đã gắn những tác phẩm của ông với trường phái Siêu thực, tuy rằng ông kiên quyết phủ nhận việc liên kết tới bất kỳ trào lưu nghệ thuật cụ thể nào. 

Vĩnh cửu (Forever) (2003) của Ai Wei Wei – một tác phẩm readymade điển hình. Khái niệm này ra đời như cách để Duchamp gọi tác phẩm của chính mình, nhưng, dần dà, nó được các nghệ sĩ dùng chung để chỉ những tác phẩm sử dụng nguyên liệu là những đồ vật được tạo ra bởi việc sản xuất công nghiệp.

Duchamp nhấn mạnh rằng nghệ thuật nên được thúc đẩy tiên quyết bởi ý tưởng, bởi vậy mà ông thường được coi là cha đẻ của Nghệ thuật Ý niệm. Việc ông từ chối tham gia con đường nghệ thuật thông thường cùng với nỗi kinh hoàng trước sự lặp lại [trong sáng tạo nghệ thuật] là lời lý giải cho số lượng tác phẩm tương đối ít ỏi trong sự nghiệp nghệ thuật ngắn ngủi của Duchamp. Đó cũng chính là nguyên nhân dẫn đến quyết định rút lui khỏi giới nghệ thuật của ông. Trong những năm sau này, Duchamp nổi tiếng với việc là dành thời gian để chơi cờ vua, ngay cả khi ông vốn đang kín đáo hoàn thiện kiệt tác bí ẩn cuối cùng của mình, tác phẩm chỉ được tiết lộ sau khi ông qua đời.

Những thành tựu chính

  • Được đặt ra bởi Duchamp, thuật ngữ “readymade” được sử dụng để chỉ những đồ vật thường nhật do sản xuất hàng loạt được đưa ra khỏi bối cảnh thông thường của chúng và được nâng cấp lên thành những tác phẩm nghệ thuật chỉ bằng sự lựa chọn của nghệ sĩ. Vừa là một hoạt động mang tính trình diễn và vừa thuộc phạm trù phong cách, readymade mang những ngụ ý sâu xa về việc những gì có thể được coi là đối tượng nghệ thuật chính đáng.
  • Duchamp bác bỏ thị giác thuần túy hay thứ mà ông gọi là “thú vui giác mạc” (“retinal pleasure”). Ông cho rằng nó phiến diện bởi ông ủng hộ cách tiếp cận mang tính trí thức và chú trọng vào ý tưởng hơn đối với sáng tác nghệ thuật và, do vậy, cả việc thưởng thức nó. Tuy nhiên, ông vẫn tận tụy với việc nghiên cứu góc nhìn và quang học để làm nền tảng cho các thử nghiệm của ông với các thiết bị động học. Từ đó, phản ánh mối bận tâm khôn nguôi đối với việc tái hiện chuyển động và những loại máy móc, một mối bận tâm cũng phổ biến với nghệ sĩ Vị Lai và Siêu Thực lúc bấy giờ.
Bức chân dung [Chân dung của Bs. Dumouchel (1910)] rất sặc sỡ (đỏ và xanh) và có một chút hài hước trong đó cho thấy hướng đi trong tương lai của tôi là từ bỏ thứ hội họa đơn thuần cho võng mạc.” – đây là những điều Duchamp đã viết trong một bức thư gửi các nhà bảo trợ của ông là Louise và Walter Arensberg vào năm 1950, về khái niệm “nghệ thuật cho võng mạc” (“retinal art”) và sự khước từ của ông với nó.
  • Sở thích đùa giỡn, sự dí dỏm và khiếu hài hước kiểu phản hệ thống (subversive humour), đầy rẫy ám chỉ về tình dục – là những đặc trưng rất riêng khiến tác phẩm của Duchamp thú vị đến vậy. Ông tạo ra lối chơi chữ từ những cách diễn đạt thường ngày, được chuyển tải thông qua các phương tiện thị giác. Đặc biệt, chiều kích ngôn ngữ trong tác phẩm của ông đã mở đường cho nghệ thuật Ý niệm.

Tiểu sử của Marcel Duchamp

Thời thơ ấu

Marcel Duchamp lớn lên trong một gia đình nghệ sĩ ở Normandy. Cha ông là thị trưởng của Blainville và mẹ ông nuôi dạy bảy người con đồng thời vẽ tranh phong cảnh miêu tả vùng nông thôn nước Pháp. Gia đình họ dành thời gian chơi cờ vua, đọc sách, vẽ tranh và chơi nhạc cùng nhau. Một trong những tác phẩm nghệ thuật đầu tiên của Marcel, Phong cảnh tại Blainville (Landscape at Blainville) (1902), vẽ năm ông 15 tuổi, phản ánh tình yêu của gia đình Duchamp đối với danh họa Claude Monet. 

Bức Phong cảnh tại Blainville của Duchamp

Marcel rất thân thiết với hai anh trai, và vào năm 1904, sau khi cả hai người họ rời khỏi nhà để trở thành họa sĩ, ông đã cùng họ tới Paris để học hội họa tại Học viện Julian. Anh trai ông, Jacques Villon, đã hỗ trợ ông trong quá trình học tập, và Marcel cũng kiếm được chút thu nhập bằng nghề vẽ tranh biếm họa. Những bức vẽ đầu tiên của Duchamp đã chứng tỏ sở thích khó dừng của ông với lối chơi bằng hình ảnh và cả lời nói. 

Những đào tạo ban đầu

Paris đầu những năm 1900 là địa điểm lý tưởng để Duchamp có thể làm quen với những xu hướng hội họa hiện đại. Duchamp nghiên cứu các trường phái Dã thú, Lập thể, và Ấn tượng, và bị thu hút bởi những cách tiếp cận mới mẻ về màu sắc và cấu trúc. Trên hết, ông gắn kết với ý niệm của của chủ nghĩa Lập thể về việc sắp xếp lại thực tại thay vì chỉ đơn thuần là tái hiện nó. Những bức tranh ban đầu của ông, chẳng hạn như bức Khỏa thân bước xuống cầu thang (Nude Descending A Staircase) (1912), minh họa sự quan tâm của Duchamp với máy móc cũng như mối liên kết giữa chúng và chuyển động của cơ thể trong không gian, điều luôn ẩn chứa trong chủ nghĩa Hiện đại thời kỳ đầu. 

Bức Khỏa thân bước xuống cầu thang không những đã gây ra nhiều tranh cãi ngay thời điểm nó được ra mặt mà còn được giới chuyên môn sau này đánh giá như một trong các tác phẩm kinh điển của nghệ thuật Hiện đại

Tuy nhiên, Duchamp bị thu hút hơn cả bởi những quan niệm tiên phong về nghệ sĩ như một người phản hàn lâm, và cảm nhận được mối liên hệ ở khía cạnh này với một trong những anh hùng đầu tiên của ông – họa sĩ kiêm nghệ sĩ đồ họa theo chủ nghĩa Biểu tượng, Odilon Redon. Ngay từ thuở ban đầu trong sự nghiệp, Duchamp đã yêu thích sự quyến rũ đầy bí ẩn của những chủ đề Biểu tượng chủ nghĩa, chẳng hạn như hình tượng người phụ nữ sẽ là một femme fatale (người đàn bà chết người) khó nắm bắt. Mối quan tâm sâu sắc đối với những chủ đề này cùng sự khám phá về danh tính tính dục dần dần đưa Duchamp tới gần chủ nghĩa Dada và chủ nghĩa Siêu thực.

Thời kỳ trưởng thành

Năm 1911, thanh niên Marcel Duchamp hai mươi lăm tuổi gặp Francis Picabia. Trong năm sau đó, ông cùng Picabia và Guillaume Apollinaire đi xem một vở kịch chuyển thể từ cuốn Những ấn tượng về châu Phi (Impressions d’Afrique) của Raymond Roussel. Trải nghiệm này, cùng với những cốt truyện và cách chơi chữ đầy sáng tạo của Roussel nói chung, đã để lại một ấn tượng sâu đậm trong Duchamp. Đó là lần đầu tiên ông ghi nhận rằng “với tư cách là một họa sĩ, cảm giác được tác động bởi một nhà văn tuyệt vời hơn nhiều so với bởi một họa sĩ khác”. Sự quan tâm về giao thoa đa thể loại này thúc đẩy Duchamp phát triển một cách tiếp cận chiết trung trong sáng tạo nghệ thuật. 

Rrose Selavy (chụp năm 1920) – một tác phẩm phức tạp và là một nhân cách nữ của Marcel Duchamp. Cái tên này (ban đầu chỉ có 1 chữ ‘r) chơi chữ của “Eros, c’est la vie

Vào năm 1915, Duchamp di cư tới New York, thai nghén và cho ra đời một loạt readymade. Bằng cách ký tên vào chúng, ông đã tuyên bố quyền tác hữu đối với những vật thể tìm thấy, ví dụ như xẻng xúc tuyết, bồn tiểu hoặc bánh xe đạp. Những đồ vật này gắn liền với những chủ đề về khao khát, gợi dục, và ký ức thơ ấu một cách biểu tượng. Chúng được thiết kế để thể hiện tính phi lý của việc kinh điển hóa thực hành nghệ thuật tiền tiến.

Chân dung Duchamp được chụp bởi Edward Steichen năm 1917

Ông cũng cống hiến bảy năm – từ 1915 đến 1923 – để lên kế hoạch và thực hiện một trong hai tác phẩm lớn của mình, Thậm chí, cô dâu bị lột trần bởi những chàng độc thân của cô (The Bride Stripped Bare by Her Bachelors, Even) hay còn được biết đến với cái tên Tấm kính lớn (The Large Glass). Việc lắp đặt máy móc giữa các tấm kính là “tuyên ngôn thẩm mỹ” đầu tiên của Duchamp, đánh dấu lời bác bỏ những ám ảnh lỗi thời mang tính hội hoạ với việc thỏa mãn thị giác (theo một lý thuyết ông gọi nó là “chứng rùng mình giác mạc” (“Retinal Shudder”). Tấm kính lớn nghiên cứu chuyên sâu về chủ đề khiêu dâm và dục vọng – điển hình trong sự nghiệp của Duchamp. 

Những năm cuối đời

Khi chủ nghĩa Siêu thực ngày một phổ biến ở Pháp, Duchamp đã đi lại giữa New York và Paris, tham gia vào các dự án in ấn văn bản, lắp đặt điêu khắc và cả các dự án hợp tác ở tất cả các phương tiện với các nghệ sĩ Siêu thực. Tuy nhiên, Duchamp vẫn luôn tránh xa các hội nhóm – bởi lẽ hội nhóm luôn luôn đi kèm với tư tưởng chính trị của riêng họ. Ông chưa từng thực sự là một phần của nhóm Siêu thực. Không chỉ vậy, ông cũng chưa bao giờ thuộc nhóm Dada (mặc dù nhiều người thậm chí còn gọi ông là “Bố của Dada”). Theo nghiên cứu của giám tuyển kiêm nhà văn Catherine Craft, những tác phẩm readymade của Duchamp thực chất đi trước cả sự thành lập của phong trào Dada ở Zurich. Chúng phù hợp với tư duy tổng quan của phong trào Dada cho nên,  mãi sau này, khi chủ nghĩa Siêu thực lấn át Dada, Duchamp mới tự nguyện đứng cùng hàng ngũ với Dada. Nhờ đó, ông có thể đưa nghệ thuật của mình vào lịch sử mà không bị ràng buộc toàn toàn với phong trào này. 

Duchamp chơi cờ vua với một người khoả thân (Eve Babitz) được chụp bởi nhiếp ảnh gia Julian Wasser của tờ Time vào năm 1963

Vào năm 1920, để có thể khám phá đầy đủ mọi ngóc ngách về bản dạng giới, Duchamp tự xây dựng hình tượng một người phụ nữ tên Rrose Selavy và coi đó là nhân cách thay thế của mình. Ông tiếp tục tạo ra những tác phẩm readymade và trưng bày bộ Giá Đựng Chai (Bottle Rack) nổi tiếng của mình – một phiên bản gồm tám giá đựng chai có chữ ký của Duchamp – vào năm 1936. Vậy nhưng cùng lúc đó, Duchamp lại tách mình khỏi thế giới nghệ thuật rộng lớn và chỉ giữ liên hệ mật thiết với một nhóm các nghệ sĩ, bao gồm Man Ray, người đã chụp ảnh cho Duchamp nhiều lần trong suốt cuộc đời ông. 

Một bản sao của Giá đựng chai

Trong hơn hai mươi năm, Duchamp âm thầm hoàn thiện tác phẩm lớn thứ hai của mình, Étant donnés, một mô hình diorama (tác phẩm hiện được lắp đặt vĩnh viễn ở Bảo Tàng Nghệ Thuật Philadelphia. Duchamp biến mất khỏi con mắt của công chúng, lựa chọn thú chơi cờ vua với những vị khách chọn lọc cho đến khi ông qua đời năm 1968. 

Di sản của Marcel Duchamp

Sau khi rời bỏ thế giới nghệ thuật, Duchamp vẫn là một sự hiện diện mang tính thụ động (nếu có ảnh hưởng) trong giới tiên phong New York cho đến khi ông được Robert Rauschenberg và Jasper Johns – những người được cho là theo phong trào Tân Dada  – tái khám phá vào những năm 1950. Thú vị thay, trong khoảng thời gian này Duchamp lại hoan nghênh việc quan hệ với phong trào Dada – sẵn sàng liên kết với một hội nhóm nhiều năm sau khi nhóm đã sụp đổ mà không cần phải liên quan đến chính trị cũng như những vấn đề vốn chi phối động lực của nhóm. Duchamp thực sự đã đường hoàng ghi tên mình vào phong trào, và từ đó, vào lịch sử nghệ thuật. Sự nhấn mạnh rằng nghệ thuật nên là sự thể hiện của trí óc, chứ không phải mắt hay tay của Duchamp được đón nhận bởi những nghệ sĩ theo chủ nghĩa Tối Giản hay Ý Niệm. Nó mở ra một kỷ nguyên mới được tổng kết bởi lời tuyên bố của Joseph Kosuth rằng “tất cả nghệ thuật (sau Duchamp) (về bản chất) đều là ý niệm bởi lẽ nghệ thuật chỉ có thể tồn tại như một ý niệm.” Khái niệm cơ bản của việc sản xuất hàng loạt readymade không chỉ được Andy Warhol và các nghệ sĩ Pop Art khác – những người coi Duchamp như vị cha sáng lập của họ – mà cả Fluxus, Arte Povera và các nghệ sĩ trình diễn đều háo hức tiếp thu những khía cạnh biểu hiện của nó.

Andy Warhol nổi tiếng với cách tiếp cận biến nghệ thuật thành một món hàng (hết là có thể có thêm). Thậm chí, ông cũng coi chính những người nổi tiếng (của ngành giải trí – ví dụ như cô Monroe đây) là một món hàng của chủ nghĩa tiêu dùng đương thời

Sự phê phán triệt để các tổ chức nghệ thuật của Duchamp đã biến ông thành một dạng nhân vật sùng bái đối với nhiều thế hệ nghệ sĩ như ông, những người chối bỏ con đường của một sự nghiệp nghệ thuật thương mại thông thường. Dù tác phẩm của ông được ngưỡng mộ bởi khả năng sử dụng đa dạng các nguyên liệu cũng như phương tiện nghệ thuật, nhưng sự thúc đẩy về mặt lý thuyết từ những tác phẩm ít ỏi mang tính chiết trung mới đúng là nguyên chân chính cho sức ảnh hưởng ngày càng lớn của Duchamp đối với những làn sóng liên tiếp của các phong trào tiên phong thế kỷ 20 và các nghệ sĩ cá nhân công nhận tầm ảnh hưởng của ông. 

Dịch: Minx Trần

Cùng tác giả

#Tag

Hương Mi Lê Lê Hương Mi Marcel Duchamp Series Lịch sử thiết kế đồ họa

iDesign Must-try

New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 1)
Phong trào Hiện đại đã không có được chỗ đứng sớm ở Hoa Kì. Khi triển lãm huyền thoại Armory giới thiệu chủ nghĩa Hiện đại với nước Mĩ, nó…
Isamu Noguchi (Phần 2)
Isamu Noguchi (Phần 2)
Trong phần thứ hai cũng là phần cuối của loạt bài về Isamu Noguchi, chúng ta tìm hiểu các tác phẩm tiêu biểu của ông, trải rộng từ tượng, phù…
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…